Lấy được vợ đẹp vì “tuổi thơ dữ dội”

Lấy được vợ đẹp vì “tuổi thơ dữ dội”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Cái duyên để tướng Lê Hiến Mai có cái tên đẹp cũng na ná như việc ông lấy được người vợ đảm đang và phúc hậu sau này.

Bà Liên bảo: "Chính tuổi thơ dữ dội của ông ấy đã khiến tôi cảm động". Và sau đó, đồng chí Lê Đức Thọ làm chủ hôn, đại diện cho nhà trai, đồng chí Ung Văn Khiêm đại diện cho nhà gái. Hôn lễ thật đông vui khi toàn quân về chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ...

Bà bảo, chiếc áo bà đang mặc chính là kỷ vật trong ngày cưới

Cô Chín đảm đang

Bà Liên kể lại: "Trước khi lấy ông Mai, tôi làm công tác tài chính cho Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Mọi người vẫn thường gọi tôi là cô Chín theo thứ tự anh chị em trong gia đình. Tôi được cử đóng giả là nhà buôn tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu thời bấy giờ. Phải đi buôn tôm mới thể hiện có thế lực lớn, mới qua mắt được bọn thực dân Pháp. Vì hồi đó, tư nhân không thể đi buôn tôm khô, trừ khi người đó thực sự là một đại gia, nấp sau cái bóng của một quan lớn".

Nhận nhiệm vụ, thỉnh thoảng cô Chín lại chở tôm khô, bong bóng cá... lên Sài Gòn. Từ những sản phẩm đó, các đồng chí trong thành ủy Sài Gòn bán đi, rồi mua những mặt hàng khác như thuốc tây, xà phòng... để đưa về khu kháng chiến phân phối cho các chiến sĩ, đặc biệt là mua chữ về để in báo trong chiến trường. Bà Liên lúc đó giống như sợi chỉ xuyên suốt, gắn Thành ủy Sài Gòn với chiến khu 9.

Bà bảo: "Hồi đó, tôi từ Bạc Liêu lên xuống Sài Gòn như cơm bữa. Mỗi lần đánh cả chuyến hàng lớn khoảng 6 - 7 tấn tôm khô và bong bong cá, thuê máy bay vận tải Đa - cô - ta của Pháp tại sân bay Sóc Trăng để lên Chợ Lớn, Sài Gòn hoặc chở thẳng bằng ô tô. Trong túi tôi lúc nào cũng có khoảng 500 - 600 tiền Đông Dương để lo lót cho bọn lính mật vụ của Pháp khi bị chúng nghi ngờ và kiểm soát hàng hóa".

Để "xứng tầm" với cái mác "nhà buôn lớn nhất tỉnh Bạc Liêu", cô Chín được Thành ủy Sài Gòn tặng cho một mảnh vải gấm rất đẹp để may áo, mặc mỗi lần khi lên Sài Gòn.

Bà Liên nhớ lại: "Tôi cầm mảnh vải gấm đó về Sóc Trăng đưa cho bà chị thứ 8, để bà đo và may áo cho. Chị tôi cũng là nhà cách mạng kiên trung, bà may quần áo đẹp lắm. May xong, bà gửi chiếc áo vào chiến khu cho tôi. Lúc đó, dân mình nghèo lắm, nên ở chiến khu tôi đâu có dám mặc chiếc áo vì nó đẹp quá. Thỉnh thoảng lên Sài Gòn mới mặc, về đến chiến khu là cất liền".

Bà tâm sự, đó không đơn giản chỉ là chiếc áo một thời bà vẫn mặc để tham gia hoạt động cách mạng, mà đó còn là kỷ vật bà mặc trong ngày cưới của hai vợ chồng...

Ông "mai" Lê Đức Thọ

Khoảng tháng 8/1948, khi đang là chính trị viên Chiến khu 2, Thiếu tướng Lê Hiến Mai được lệnh vào Nam Bộ công tác. Sau khi Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh, tướng Mai được giao tiếp tục nhiệm vụ của ông Nguyễn Bình.

Tướng Mai trong một cuộc họp cấp cao của Chính phủ (người ngồi ngoài cùng, hàng ghế bên phải)

Thời kỳ ấy, cô Chín là cán bộ phụ nữ, làm công tác tuyên truyền, vận động ở tỉnh Bạc Liêu. Các anh chị em của cô cũng đều là cán bộ tham gia kháng chiến. Má cô đã nuôi rất nhiều cán bộ cách mạng và nhà cô chính là nơi trú chân của họ để tránh máy bay khi lên chiến khu. Mỗi khi đi công tác xuống địa phương, tướng Mai cũng thường qua lại nhà cô Chín. Còn nhớ, hồi đó nhà cô Chín làm nghề kéo mật nấu đường, thỉnh thoảng gia đình cô lại gửi một, hai lọ đường để tướng Mai mang về nấu chè.

Bà Liên kể: "Được mấy bận anh Mai qua nhà tôi, một hôm anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ), người rất thân với gia đình tôi liền vận động: "Thằng Mai được lắm, là người hiền lành, hoàn cảnh của nó tội nghiệp, mồ côi cha mẹ, kể từ ngày vào Nam bặt tin gia đình". Rồi chị Bảy Huệ (vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), là chị gái tôi cũng thêm vào: "Xem ra, hoàn cảnh nó tội thật, thôi quyết đi...".

Một thời gian sau, tướng Mai và cô Chín nên duyên vợ chồng. Hôm cưới của hai người, cũng là hôm toàn miền Tây mở hội nghị tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Đức Thọ sau khi ra Việt Bắc về báo cáo tình hình và phổ biến tin chiến thắng, đẩy mạnh các hoạt động để chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Khi ấy cô Chín là chính trị viên Chi đội 15 của tỉnh Bạc Liêu nên cũng về dự hội nghị. Sau hội nghị, đồng chí Lê Đức Thọ tuyên bố lễ cưới của Thiếu tướng Lê Hiến Mai.

Sau khi cưới, bà Liên vào thành tiếp tục làm công tác binh vận, tướng Mai lại lên chiến khu tiếp tục tập trung chỉ huy bộ đội để đánh chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Trong chuyến cuối cùng tập kết quân ra Bắc, gia đình ông bà đã chuyển về Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Bà Liên cũng chia sẻ: "Tôi ra ngoài Bắc này không có anh em họ hàng thân thích. Ông Mai thì đi kháng chiến biền biệt, thỉnh thoảng mới ghé qua nhà thăm vợ con. Hồi mới ở trong Nam ra Thanh Hóa, ông Mai ở liền trong đó 3 năm, sau đó ông lại được Trung ương cử đi học trường Võ Bị (Trung Quốc) 3 năm nữa, khi về thì con đã mấy tuổi rồi".

"Hồi sơ tán, tôi phải gửi bọn nhỏ ở Hồ Tây cùng con các anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) và anh Nguyễn Văn Linh. Sau đó, lại phải gửi về Hà Tây, rồi Vĩnh Phúc. Cứ chiều thứ 7, tôi lại đạp xe đi thăm con, rồi chiều chủ nhật lại về. Nhiều khi nhớ con phát khóc, nhưng vì kháng chiến nên mình phải chấp nhận".

Nguyễn Hường