Lễ cầu siêu hóa giải lời nguyền đầy uẩn ức

Lễ cầu siêu hóa giải lời nguyền đầy uẩn ức

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Lời nguyền của vua Lý Huệ Tông cùng nỗi đau vọng tộc vẫn lơ lửng ngàn năm là lời tiền nhân hối thúc lòng phục quốc của những người con tộc Lý.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, trưởng tộc họ Nguyễn gốc Lý ở Mai Lâm đã chia sẻ: Theo truyền ngôn của dòng tộc, những người gốc họ Lý trước khi qua đời đều kể lại mối oan khuất của dòng tộc và nhắc lại câu: "Phải diệt phường chài Hải ấp". Tuy nhiên, trải qua 30 đời họ Lý đến nay, vẫn không có chuyện mài gươm giáo dưới ánh trăng, không có chuyện trồng tre đợi ngày thành gậy báo thù.

Sự kiện - Lễ cầu siêu hóa giải lời nguyền đầy uẩn ức

Ông Đặng Văn Tê bên giếng cổ từ thời Lý

Theo ông Hưng, lịch sử luôn biến đổi có thịnh, có suy, nếu cứ lấy oán báo oán thì oán càng chất chồng. Chính vì thế, hậu thế ai cũng thuộc câu giáo huấn của người đi trước nhưng không coi đó là mối thù truyền kiếp phải trả. Lời nguyền chỉ là một lời nhắc nhở con cháu nhớ về gốc tích của mình. "Dĩ nhiên, theo chúng tôi, không thể và không nên thực hiện lời truyền huấn của tổ tiên, nhưng nếu không hóa giải lời truyền huấn đó thì tâm linh con cháu họ Lý sẽ mãi chưa yên được", ông Hưng nói. Chính vì lẽ ấy, hàng năm vào tháng 3 âm lịch dòng tộc lại làm lễ cầu siêu cho các vong hồn Nhà Lý.

Việc cầu siêu này không chỉ để cầu siêu thoát cho các vong hồn chết oan do biến động lịch sử, mà còn phải hóa giải oan khuất, vướng mắc về tâm linh giữa 2 dòng họ Lý và Trần, để giải thoát lời nguyền truyền huấn ngàn đời. Tâm nguyện của tất thảy hậu duệ nhà Lý là biến lễ cầu siêu thành lễ hóa giải uẩn khúc tâm linh giữa 2 dòng họ Lý - Trần. Nhiều người con tộc Nguyễn gốc Lý đều mong rằng, trước khi về với tổ tiên lời truyền huấn về mối oan thù không còn phải nhắc nhớ.

Đại lễ cầu siêu có sự tham gia của cả con cháu tộc Trần. Đại đức Thích Thanh Trung cho rằng: "Với Đại lễ cầu siêu cho 70 tôn thất nhà Lý, hy vọng lời nguyền đau thương của vua Lý Huệ Tông sẽ được hóa giải bởi tâm niệm hòa hợp, đoàn kết cùng hướng về cội nguồn của chính con cháu hai họ Lý- Trần nói riêng và toàn thể dân tộc ní chung. Điều này sẽ giúp chúng ta có điều kiện nhìn lại một khúc quanh éo le và đau thương của lịch sử nước nhà. Đây cũng là cơ hội để mỗi người con dân đất Việt chiêm nghiệm và định hướng thái độ sống hướng tới một tương lai sáng lạng. Quá khứ 1.000 năm đã khép lại!".

Để nhắc nhớ về cội nguồn, những hậu duệ nhà Lý luôn tâm niệm tìm tài liệu phả hệ họ Lý và họ đã toại nguyện. Giờ đây, phả hệ nhà Lý đã được những hậu duệ công đức cho chùa Phúc Lâm. Theo truyền thuyết thì phả hệ này đã theo ông Lý Long Tường lánh nạn sang Cao Ly (Hàn Quốc). Vì mong muốn tìm lại gốc tích của mình, hậu duệ họ Nguyễn (gốc Lý) đã có nhiều công tìm cho được tư liệu về Hoa Lâm phả điệp hệ tộc Lý.

Đại đức Thích Thanh Trung cho biết, bản Phả điệp của dòng họ Nguyễn ở Hoa Lâm (xã Mai Lâm) có ghi rằng: "Hoa Lâm xưa kia có mộ Lý Công Uẩn và một số mộ các vua nhà Lý. Trần Thủ Độ chỉ cho phá nhà thờ gốc họ Lý ở Hoa Lâm, mà không dám phá hủy những lăng mộ người đã khuất. Từ khi nhà thờ gốc họ Lý ở Thái Đường Hoa Lâm bị nhà Trần phá hủy để dòng tộc họ Trần nắm quyền trị vì đất nước, thì con cháu họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn để lánh nạn. Mặt khác Trần Thủ Độ buộc phải đổi sang họ Nguyễn để cho họ Lý mất gốc, trừ Lý Chiêu Hoàng là con dâu họ Trần thì vẫn được cùng chồng tôn thờ ở Thái Đường Hoa Lâm".

Nhìn thấy bức Phả điệp được dịch ra tiếng Việt, dòng họ Nguyễn (gốc Lý) cung tiến cho chùa Phúc Lâm, tôi tò mò muốn biết về gốc tích của phả hệ này. Liệu đây có phải là tài liệu đã cùng ông Lý Long Tường lưu lạc sang Hàn Quốc hay không? Theo anh Long, cụ bà đã tìm lại những tư liệu cổ còn lưu lại trong Viện Hán Nôm, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Phả hệ ông Lý Long Tường lưu giữ tại Hàn Quốc cũng đã được chuyển về, bên cạnh đó những người con gốc Lý sinh sống tại Mỹ còn lưu tài liệu ghi lại dấu tích xưa cũng gửi về. Chính vì thế, phả hệ là một tài liệu xác thực ghi lại dấu tích của nhà Lý và các mối quan hệ tới đời sau này.

Thời gian xoa dịu mọi nỗi đau, oán thù cũng được gỡ bỏ. Những người họ Nguyễn (gốc Lý) cởi bỏ được những uẩn khúc tâm linh. Với anh Long cũng như nhiều hậu duệ khác, chữ gốc Lý gắn sau họ Nguyễn luôn được gìn giữ để nhắc nhớ cội nguồn. Bởi họ luôn tâm niệm sống Nguyễn về Lý.

Phả hệ tìm về quê tổ

Anh Nguyễn Tường Long khẳng định: "Cuốn phả hệ theo hoàng tử Lý Long Tường sang Hàn Quốc sau nhiều năm lưu lạc đã tìm về với quê tổ. Đây là phả hệ hoàn toàn tin cậy và đã được kiểm chứng. Phả hệ này, được một cụ bà am hiểu về Hán Nôm và các con cháu dòng họ Lý dồn công sức hoàn thành".

Khánh Ngân