Lễ hội đua thuyền – Nét văn hóa độc đáo trên dòng Kiến Giang

Lễ hội đua thuyền – Nét văn hóa độc đáo trên dòng Kiến Giang

Thứ 7, 14/09/2013 | 15:35
0
Cứ mỗi độ thu về, trên dòng sông của quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại âm vang tiếng mõ, tiếng chiêng trống của ngày hội đua thuyền. Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Lễ hội đua thuyền có từ rất xa xưa, những người dân quê nơi đây đã lưu truyền những câu chuyện truyền miệng do các thế hệ trước để lại, đến nay vẫn chưa thể biết chính xác thời điểm ra đời cụ thể của lễ hội độc đáo này. Từ sau CMT8/1945, hội đua thuyền toàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã được tổ chức có quy mô, lần đầu tiên nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Tết Độc lập 1946. Từ đó đến nay, nó trở thành ngày hội đua thuyền truyền thống của huyện nhà. Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nhân dân xã Phong Thủy (nay là 3 xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy) cũng đã đưa thuyền từ căn cứ Bang – Rợn về mở hội đua thuyền ăn mừng chiến thắng. Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, lễ hội đua thuyền toàn huyện lại được tổ chức thường xuyên hơn, đông vui và có phần náo nhiệt hơn.

Có thể nói, lễ hội này là nét văn hóa đặc sắc của người dân Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung. Đò bơi nam, thuyền đua nữ không chỉ là vật chất mà đó là tinh thần chung của mỗi làng quê gắn với dòng Kiến Giang. Quan niệm của mỗi người dân Lệ Thủy cho rằng, nếu năm nào đò bơi, thuyền bơi của làng mình về nhất thì năm đó làng được mùa, nên không khí chuẩn bị lễ hội đã diễn ra trước đó cả tuần.  

Việt Nam Xanh - Lễ hội đua thuyền – Nét văn hóa độc đáo trên dòng Kiến Giang

Các đội đua thuyền đang tranh nhau về đích (Nguồn: TTDL)

Họ chọn loại gỗ tốt nhất để đóng thuyền, làm tay chèo; chọn trai, gái làng có sức khỏe tốt nhất để đi thi và cổ vũ cuồng nhiệt nhất để hy vọng đò bơi, thuyền bơi của mình vô địch…

Bước vào hội bơi, các thuyền tranh nhau để về đích trong sự reo hò, cổ vũ của hàng vạn khán giả đứng dọc theo hai bên bờ, đông nghịt khiến dòng sông Kiến Giang như dậy sóng. Mỗi thuyền bơi gồm có 30 vận động viên, trong đó có 7 cặp đôi chèo, một người lái, một người có nhiệm vụ điều khiển cho đò đi thẳng gọi là đề, hai người chèo hai bên mạn để đưa đò đi gọi là phách. Nhiệm vụ của họ là chèo càng mạnh càng tốt, một người gõ mõ để tạo sự nhịp nhàng cho các tay bơi, một người có nhiệm vụ tát nước… đã tạo nên một không khí nhộn nhịp, hấp dẫn.

Có thể nói, không một lễ hội nào đặc sắc như lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy vào mỗi dịp Quốc khánh 2/9. Bởi mỗi vận động viên của các làng đều cố gắng hết sức để đưa con đò của mình lướt nhanh về đích, xen lẫn tiếng reo hò, cổ vũ của hàng ngàn người con của quê hương. Đây thực sự là một hoạt động văn hóa tinh thần rất có giá trị, mang sắc thái văn hóa riêng của Lệ Thủy, xứng dáng là một di sản văn hóa vô giá. Đúng như nhiều người đã từng nhận xét: “Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lệ Thủy náo nhiệt, đông vui ít nơi nào có được. Không có kỷ lục nào cao hơn kỷ lục khán giả Lệ Thủy hâm mộ môn đua thuyền nơi đây”.

Thiện Quyền (tổng hợp)

Huyền bí ở vùng đất các bà hoàng Việt Nam

Thứ 6, 26/07/2013 | 16:04
Từ thời phong kiến, dưới các triều đại vua chúa, Tiền Giang có đến hai bà hoàng là Hoàng thái hậu Từ Dụ và Nam Phương hoàng hậu. Sau này, mảnh đất này liên tiếp có nhiều đệ nhất phu nhân như: phu nhân của cố chủ tịch nướcTôn Đức Thắng.