Nhà văn Lê Lựu bị 'tố' ham mê... tá lả

Nhà văn Lê Lựu bị 'tố' ham mê... tá lả

Thứ 4, 29/05/2013 | 16:19
0
Lê Lựu sẵn sàng từ chối một buổi toạ đàm, một cuộc giao lưu, thậm chí bỏ cả một cuộc họp, nếu anh cảm thấy nhạt nhẽo, để đi… đánh tá lả.

Với gần 40 năm cầm bút, hàng chục đầu sách và hàng trăm bài báo, cứ ngỡ với vị Đại tá này, niềm say mê vô tận phải là ngồi bên những giá sách khổng lồ, đàm luận chuyện cao siêu hay dự các cuộc hội thảo đao to búa lớn. Thế nhưng, có lẽ ít ai biết, điều say mê lớn nhất của Lê Lựu lại là... đánh tá lả (một kiểu chơi bài tú lơ khơ). 

Nhân vật - Nhà văn Lê Lựu bị 'tố' ham mê... tá lả

Lê Lựu (ngồi giữa) tại trung tâm Văn hóa doanh nhân

Ngón chân, đầu ruồi và khuôn mặt mơ hồ, bí ẩn

Thế nhưng, Lê Lựu đánh rất thấp và thua là... chủ yếu. Tất nhiên, thua được ở đây cũng rất khiêm tốn. Người thắng cuộc cả một ngày chủ nhật không đủ chiêu đãi một bữa bia hơi hay một chầu tiết canh lòng lợn. Thậm chí chỉ là bữa bún đậu phụ, mắm tôm.

Có thể nói, bất cứ một gã khờ khạo nào chỉ cần tập toẹ biết chơi bài cũng có thể thắng Lê Lựu vì anh có bộ mặt như cái khay hàng xén, bày ra hết những gì mình có nên rất dễ đọc "vị" bài anh.

Mỗi khi chia bài xong, Lê Lựu thường cẩn thận xếp thật gọn gẽ, bàn tay khum khum che lưng quân bài, đưa sát bộ bài lên mặt và hồi hộp hé ra từng phần lá bài. Khi quan sát "tổng thể" xong, Lê Lựu vội gập bài lại và lần này thì tỉ mẩn xếp các "cạ" vào nhau với một động tác vừa mơ hồ vừa bí ẩn.

Thế nhưng, cứ nhìn vào mặt Lê Lựu là có thể đọc vanh vách bài anh. Nếu bài có một "phỏm", mặt Lê Lựu tươi roi rói, đôi mắt hấp ha hấp háy và đương nhiên "phỏm" bao giờ cũng được gấp gọn ghẽ ở góc bên trái. Nếu bài hai "phỏm", mặt Lê Lựu hớn hở, hai bên mép giần giật và ẩn chứa một niềm hy vọng không thể che dấu. Còn nếu bài chưa có "phỏm", mặt Lê Lựu dài thượt ra một cách thảm hại. Anh hết xoè bài ra lại gập bài vào.

Nhưng vui nhất là quan sát Lê Lựu khi anh chờ "ù". Cái chân phải thường giật giật, đầu ngón chân cái ngọ nguậy như đầu một con ruồi động đực tìm bạn tình. Khi đó, Lê Lựu thường có bộ mặt rất "kịch" và thỉnh thoảng lại lấy tay huých huých vào người ngồi trên cánh: "Đánh cho tao ăn quân đi mày. Đánh cho tao ăn quân đi mày".

Mỗi lần "ù", mặt Lê Lựu nở như ngô rang bằng nồi áp suất. Từ mắt, môi cho đến những sợi tóc lưa thưa trên cái đầu hói cũng rung lên. "Ù zồi đây này! Tôi ù zồi đây này. Tôi ù zồi đây này!!!...". Quả thật, mỗi lần nhớ về khuôn mặt anh lúc ấy, tôi thường nghĩ đến vẻ rạng ngời của Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clinton ngày… trúng cử!

Chủ nhật sau, bác lại đến nhé

Dạo ấy, trong "hội đồng cờ bạc quốc gia" do Lê Lựu làm "chủ tịch" quanh đi quẩn lại chỉ có năm người: Lê Lựu, tôi, chú Kiểm lái xe và hai bác không tiện nêu tên. Chú Kiểm phần vì em út, lại rất kị dơ với tôi nên thường chỉ ngồi chầu rìa, là "nhân vật phụ".

Một điều khá lý thú, Lê Lựu luôn có tinh thần đề cao cảnh giác, sợ lộ bài nhưng đọc bài của anh rất dễ, chỉ vì một thói quen nguy hiểm của Lê Lựu, đó là khi tay phải cúi xuống bốc bài thì tay trái anh thường "quên mất" lại xoè cả cỗ bài ra với bàn dân thiên hạ. Có lần, anh mắng: "Sao chú cứ nhìn bài của tôi?" - "Bác cứ xoè vào mặt em nên em không muốn nhìn cũng không được" - "Xoè cũng không được nhìn" - "Nhưng mà nó cứ đập vào mắt", tôi cãi.  

Đi đánh bài với Lê Lựu rất sướng, vì đều là chỗ bè bạn và anh thường được mọi người chào đón rất nồng hậu nên mình cũng được hưởng lộc lây. Có lần, đến nhà một người bạn, trước khi chơi bài, ông chủ đã chuẩn bị một bàn tiệc toàn sơn hào hải vị với rượu ngoại. Đến nửa đêm, lại thấy bà chủ lễ mễ bê lên một nồi cháo gà nghi ngút khói. Gần sáng, vào toa lét đã thấy chủ nhà bật nước nóng lạnh để các bác đánh răng, rửa mặt.

Trước khi ra về, ông chủ còn "lại quả" cho một lời hẹn đầy hi vọng: "Chủ nhật tuần sau, các bác nhớ đến chơi cho vui nhé". Thế nhưng, cũng không khỏi có những hôm buồn thê thảm. Có bữa, tôi với anh vét túi chỉ còn đúng 7.000 đồng, hai anh em vào quán gọi hai bát bún 3000 đồng/bát với một chén nước chè. Bà chủ quán thấy hai anh em uống chung một chén nước, với tay lấy cái chén định rót thêm chén nữa, thấy Lê Lựu mặt đầy hoảng hốt xua tay rối rít: "Thôi, thôi, đủ zồi, đủ zồi"…

Bà chủ quán ngơ ngác trước hành động vội vã và đầy quyết liệt của Lê Lựu, chép miệng: "Bác "không dùng của nhà em" nữa thì thôi, có gì mà nóng nảy thế". Ngượng, Lê Lựu chống chế: "Tôi đủ zồi mà. Tôi đủ zồi mà"… Khi chúng tôi ra khỏi quán, còn nghe mấy người khách ngồi lại xì xào: "Ông nhà văn Lê Lựu đấy. Đi Mỹ như đi chợ, giàu có lắm!...".

Chao ôi! Họ đâu có biết, khi bà chủ quán định rót chén nước thứ hai, giống như Lê Lựu, tôi cũng lo ngay ngáy vì gia tài của nhà văn lớn và nhà báo quèn chỉ còn duy nhất 1.000 đồng, đủ tiền trả cho một chén nước.

Đã nhiều lần tôi đặt câu hỏi vì sao Lê Lựu đam mê đánh tá lả đến thế? Câu trả lời có lẽ đó là cách tốt nhất để… giết thời gian. Ngày ấy, Lê Lựu đã rất buồn chuyện gia đình nên anh rất ít khi ở nhà của mình. Lê Lựu có nhà thì không muốn về, còn tôi muốn về lại không có nhà nên nhiều đêm, hai anh em đành vạ vật ở phòng làm việc. Không chăn chiếu, không màn mùng, vừa đói, vừa rét, hai anh em thấp thỏm cả đêm chờ trời sáng. (Còn nữa)                                     

Bùi Hoàng Tám

Tiết lộ món khoái khẩu không thể thiếu của nhà văn Lê Lựu

Thứ 2, 27/05/2013 | 16:56
Anh khoái ăn đậu phụ đến mức khi nghi bị tiểu đường, bác sĩ khuyên ăn kiêng và nên ăn nhiều đậu phụ thì anh tủm tỉm: "Tưởng khuyên gì chứ khuyên ăn đậu phụ với tớ là thừa".

Lê Lựu với mắm tép, người đẹp và nước ngô luộc

Thứ 2, 27/05/2013 | 06:55
Lê Lựu cũng rất mê món mắm tép kho khế ớt. Có lần, tôi viết bài về người đẹp thể thao Thu Hương. Cái cô Hoa khôi đẹp nghi ngút, cặp đùi như hai chiếc ngà voi vắt nghiêng trên ghế làm nhà văn bị hút hồn.

Chuyện 'cờ bạc' và món khoái khẩu phở 'bốc mả' của Lê Lựu

Chủ nhật, 19/05/2013 | 05:47
Báo điện tử Người Đưa Tin đăng bài viết của nhà thơ Bùi Hoàng Tám kể về vài kỷ niệm vui, để chia sẻ với nhà văn Lê Lựu trong những ngày điều trị bệnh tật...

Cuộc đời khốn khổ của nhà văn Lê Lựu

Thứ 5, 02/05/2013 | 09:31
Tác giả ‘Thời xa vắng’, ‘Sóng ở đáy sông’ đang sống những tháng ngày mà bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm, chuyện buồn quá khứ nhiều hơn hy vọng.