Khóc cho số phận người câm trên đỉnh Đản Kháo

Khóc cho số phận người câm trên đỉnh Đản Kháo

Thứ 3, 15/01/2013 | 16:48
0
Nhiều năm qua, ở bản Tà Đản (huyện Hoàng Su Phì - Hà Giang) tỉ lệ trẻ sinh ra bị câm bẩm sinh rồi đến điếc, thậm chí là tật nguyền, ngày càng tăng. Người dân Tà Đản tin rằng, trên đỉnh Đản Kháo có con ma gây nên chuyện?.

Những số phận buồn

Đỉnh Đản Kháo cao vút sừng sững đứng che chắn bản Tà Đản hàng trăm năm nay. Bản Tà Đản của người Nùng nằm khuất sâu trong dãy núi đá thuộc huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. Con đường vào bản chạy dọc theo con sông Chảy, hướng về phía thượng nguồn. 

Khi chúng tôi đến Tà Đản hỏi thăm đường mới thực sự ngỡ ngàng trước sự vô thanh của những đứa trẻ. Tưởng rằng chúng không hiểu tiếng phổ thông nên đành ra dấu hỏi đường. Đáp lại, chúng chỉ ra hiệu bằng tay. Hỏi đến gần 10 em chúng tôi cũng chỉ nhận được những cử chỉ bằng tay. Về sau, chúng tôi hỏi ra mới biết đó là những đứa trẻ chưa bao giờ cất tiếng nói.

Xã hội - Khóc cho số phận người câm trên đỉnh Đản Kháo

Trên đỉnh Đản Kháo.

Tiếp chuyện và dẫn chúng tôi đi thực địa là Bí thư đoàn xã Lèng Văn Tin. Anh cho biết, bản Tà Đản có 58 hộ với 328 nhân khẩu sống rải rác bên sườn núi Đản Kháo. Khi nói chuyện về những đứa trẻ câm, anh Tin ngập ngừng đưa ra con số 30 đứa trẻ trong bản bị câm điếc hoặc tật nguyền. Nhiều em còn ngơ ngác đến mức ngây dại. Có lẽ chứng câm điếc khiến các em khó bắt nhịp với cuộc sống nên ảnh hưởng đến suy nghĩ và các giác quan khác của các em.

Anh Tin đưa chúng tôi đến nhà Nùng Seo Sấn, người đàn ông câm của bản. Nhà anh Sấn có 8 đứa con thì có tới 7 đứa bị câm điếc. Chỉ duy nhất có bé trai Nùng Seo Long là không bị câm điếc. Long là niềm hy vọng duy nhất của một gia đình người câm lặng thầm. Thêm vào đó anh chị còn nuôi thêm người em trai của anh Sấn cũng bị câm điếc.

Trong căn nhà nhỏ nơi góc rừng này có tới 9 người câm điếc. Vợ anh Sấn không bị câm nhưng chị có lành cũng như câm, như điếc vì hàng ngày chị toàn nói chuyện bằng tay với những người câm điếc, chỉ khi nào gặp hàng xóm mới được nói bằng miệng. Mọi người bảo, những lúc đó chị nói nhiều lắm, nói đủ thứ chuyện trên đời, nói như để lấp đi những giờ phút phải nói bằng tay.

Chị Sấn kể về thời gian trước đây khi bé Long chào đời: "Ngày ấy, khi sinh con ra, lúc nào tôi cũng theo dõi nét mặt của nó. Tôi khắc khoải mong từng ngày, từng tháng mong cho thằng bé sớm cất tiếng gọi mẹ. Tôi  mong muốn cho thằng Long, sẽ không rơi vào cảnh câm điếc như các anh chị nó".

Ngày ấy những tiếng oe oe đòi sữa mẹ của cu Long đã làm cho chị vui nhiều, và niềm tin ấy là động lực, là hạnh phúc để chị mơ đến ngày mai. Bởi theo kinh nghiệm dân gian, những đứa trẻ phát ra âm thanh tròn như vậy sẽ không bị câm.

 Ngoài sân, đám trẻ nhà anh Sấn lấm lét nhìn chúng tôi rồi ú ớ cất lên những tiếng nói như bị bàn tay vô hình giữ chặt lại trong cổ họng. Giọng chúng như bị vách núi, cánh rừng sau nhà nuốt mất mà không thể phát ra âm thanh. Đứa lớn đã ngoài 20 tuổi tên là Sến bị câm điếc từ nhỏ.

Hiện Sến đang là nguồn kiếm sống chính trong căn nhà này. Những cánh rừng quanh bản là nguồn cung cấp củi cho Sến. Cứ đều đều ngày hai gánh củi Sến đem ra chợ bán rồi đong gạo đem về nuôi cả nhà. Ở vùng này, bằng tuổi Sến mà chưa có vợ là muộn lắm rồi, nhưng với một người câm thì khó kiếm cho mình được người vợ ưng ý. Buồn hơn là khi trong bản đồn đại bệnh câm điếc của nhà Sến là do con ma nó làm từ đời này sang đời khác.

Bằng chứng là cả chú và bố Sến đều câm và lại sinh ra những đứa con câm. Buồn hơn là những đứa em gái của Sến, cái Lêng, cái Lìu, cái Cháng đều đã quá tuổi gả chồng vẫn chẳng có thanh niên nào đến chọc sàn. Những phiên chợ, 3 chị em lại dìu dắt nhau đứng một góc nhìn những đôi bạn tình khác. Rồi hàng đêm, ướm chừng thời gian tiếng khèn lá gọi bạn tình của đám trai bản vang lên trước nhà những cô gái bản khác thì 3 chị em lại kéo nhau ra cửa ngồi nghe lòng rạo rực và khóc.

Xã hội - Khóc cho số phận người câm trên đỉnh Đản Kháo (Hình 2).

Bé Nùng Seo Long, niềm hy vọng lớn của cả nhà.

Câu chuyện về gia đình anh Sấn như một tiếng lòng ai oán khiến bước chân của chúng tôi như chùng lại. Anh Tin vội kéo chúng tôi vượt quả đồi sang nhà chị Lèng Già Cheng, và thêm một nốt nhạc buồn trong điệu nhạc không âm sắc bên đỉnh Đản Kháo. Chồng chị, anh Lèng Văn Táo bị câm điếc từ nhỏ, 3 đứa con gái là Dung, Ít, Siu cũng câm và điếc từ lúc lọt lòng mẹ. Năm nay cả 3 đều chập chững bước vào cái tuổi hẹn hò nhưng chúng cũng chung số phận với 3 chị em con anh Sấn.

Sau khi cái Dung, cái Ít ra đời, ai cũng khuyên không nên đẻ nữa vì trong nhà có con ma, song chị vẫn cố đẻ với một niềm hy vọng con ma sẽ tha thứ cho đứa con thứ 3 của chị. Đã mất 3 con trâu mời thầy về cúng con ma và đợi ngày sinh đứa con mang hy vọng của mình.

Chị Cheng kể lại: "Ngày tôi sinh đứa thứ ba, đẻ xong tôi nhắm mắt cố lắng tai nghe tiếng con khóc, nhưng không nghe thấy. Tôi cấu vào da, vào thịt nó đến thâm tím mà vẫn chẳng thấy khóc... Tôi đã bật khóc ngay trên giường hộ sinh". Chúng tôi hiểu nỗi đau của người cố làm mẹ lần thứ ba, bởi bao người phụ nữ sinh con tròn trịa họ cười sung sướng, nhưng chị lại khóc cho một niềm hy vọng bị tan biến sau cơn đau đẻ.

Đi tìm lời giải...

Anh Tin cố giấu đi những giọt nước mắt chỉ chực lăn trên gò má. Anh là người học cao nhất bản với trình độ hết lớp 9, anh hiểu thế nào là nỗi khổ của những con người dị tật. Anh chỉ cho chúng tôi căn nhà nhỏ lấp sau lùm cây phía xa. Đó là tổ ấm của vợ chồng chị Lèng Già Siu. Hơn 10 lần mang nặng đẻ đau nhưng bệnh tật cướp đi của vợ chồng chị 10 đứa con. Còn lại thằng Lèng Văn Sơn và cái Lèng Thị Sáu.

Bệnh tật không cướp mất thằng Sơn của chị nhưng cũng đau đớn lắm khi cướp mất khả năng làm người bình thường của nó. Sơn bị câm, điếc chỉ biết đập phá vì căn bệnh thần kinh của nó. Cái Sáu hồi mới lớn xinh lắm, nhưng tự nhiên lên cơn sốt rồi từ đó trở thành câm, điếc, người ngày một đờ đẫn. "Còn nhiều lắm, trong bản còn nhiều số phận đau lắm!", anh Tin nói. Như Lèng Văn Pao, năm nay 21 tuổi mà bị khoèo cả tay lẫn chân, lại điếc đặc, chỉ nằm liệt một chỗ. Em Tráng Thị Vàng, bị câm rồi đến đôi mắt cứ lồi hẳn ra ngoài như hai cục thịt thừa...

Xã hội - Khóc cho số phận người câm trên đỉnh Đản Kháo (Hình 3).

Những cô con gái nhà anh Sấn mong chờ trai bản chọc sàn.

Thường mỗi khi người dân trong bản bị bệnh người ta lại đổ cho những con ma làm và mời thầy mo về xua đuổi. Xung quanh việc này có rất nhiều lời đồn thổi về những con ma, về lời nguyền từ ngàn xưa.  Những lời nguyền này mang tính huyền bí, nó thể hiện sự bất lực của con người trước bệnh tật, thiên nhiên. Khi con người ta không biết nguyên nhân của bệnh tật thì những lời nguyền và những con ma trong tưởng tượng còn đất để sống. Đau đớn thay những đứa trẻ tật nguyền ở đây lại bị người dân trong vùng cho là những con ma. Họ kỳ thị, xa lánh, xua đuổi.

Đem câu hỏi này đến với các cơ quan chức năng của huyện thì chỉ nhận được cái lắc đầu... Những người già trong vùng giải thích rằng thời chiến tranh Pháp đặt 3 chốt đóng quân trên núi Đản Kháo, hiện vẫn còn di tích một sân bay dã chiến ở đó. Năm 1945, ở đây đã diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội Pháp và phát xít Nhật. Và trong cuộc chiến đấy chúng sử dụng các loại hoá chất nhằm hạn chế lực lượng của đối phương.

Trong những chuyến đi rừng hiện nay dân bản vẫn nhặt được bom mìn, súng đạn còn sót lại trong các khe đá, hang động. Gần đây nhất là phát hiện được gần 100 khẩu súng giấu ở khe suối. Lí do được đưa ra là dân bản Tà Đản sống bằng nguồn nước dẫn từ trên núi cao xuống và khả năng nguồn nước này bị nhiễm chất độc hoá học.

Người dân Tà Đản cần lắm một sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Trước mắt là hãy giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và một kế hoạch lâu dài cho cuộc sống của người dân nơi đây.                       

Uyên Na

VTV: 'Chúng tôi vụ lợi ở chỗ nào?'

Thứ 3, 15/01/2013 | 14:29
Nhà báo Thanh Thư, Ban Thời sự VTV: 'Buổi sáng, chúng tôi phát tin lúc 6g15 phút là miễn phí, phục vụ cả cộng đồng, cơ sở nào nói chúng tôi vụ lợi? Những người không xem được bản tin VTV lúc 6g15 phút, có nhu cầu thì nhắn tin xem lại bản tin'.

Giun trườn dưới da vì ăn hải sản sống

Thứ 3, 15/01/2013 | 11:16
Một nguyên nhân dẫn đến việc giun lươn bò dưới da là do ăn hải sản sống. Ngoài ra, tiếp xúc với đất hoặc vật nuôi cũng khiến giun lươn xâm nhập cơ thể.

Làng nhang sẽ không còn... người se nhang?!

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
Làng se nhang (tức hương) thủ công Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM)đã tồn tại lâu đời. Nhưng trước cơn lốc đô thị hóa, ô nhiễm và sự cạnh tranh khốc liệt của nhang sản xuất công nghiệp, làng se nhang Tân Tạo đang dần bị chính người làng nghề "bức tử"?!

Vào tù nghe… đại gia chốn Sài Thành kể chuyện

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Khác hẳn với sự tưởng tượng của chúng tôi về những chấn song sắt và hàng rào dây thép gai giăng kín, khung cảnh Trại giam số 3 (Tân Kỳ , Nghệ An) hiện ra thật bình lặng với hàng cây xà cừ cổ thụ râm mát, dàn cây cảnh được chăm tỉa công phu, hoa đua nhau khoe sắc.