Lịch sử bị “bóp méo” trong “Những phóng viên vui nhộn”?

Lịch sử bị “bóp méo” trong “Những phóng viên vui nhộn”?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Đoàn làm phim "Những phóng viên vui nhộn" cho ra đời tập phim 271 với tên gọi "Bài học lịch sử", nhằm phê phán tình trạng học sinh ngày càng kém mặn mà với môn Lịch sử. Nhưng không ngờ đây lại là tập phim góp thêm phần vào "thảm họa Sử" với nhiều chi tiết bị "bóp méo".

Nước ta có "mọc" thêm tên... Đại La?

Trong tập phim này, các nhân vật cười nhạo, chế giễu việc các thí sinh không hiểu biết lịch sử. Nhân vật Hoàng Nghiêm còn tuyên bố hùng hồn Trần Quốc Toản bóp nát quả cam tại Hội nghị Diên Hồng. Với kiến thức này, Hoàng Nghiêm được nhân vật Lê Lan vỗ tay khen ngợi: "Chuẩn".

Một cảnh trong phim “Những phóng viên vui nhộn”

Nhân vật Phi, với vai trò là người phụ trách một phòng phóng viên của một tòa soạn báo đã lên lớp cho nhân viên của mình rằng: "Dân ta phải biết sử ta. Kỳ thi đại học vừa rồi, thí sinh làm bài môn Lịch sử dưới trung bình nhiều lắm. Tôi không thể để phóng viên tòa soạn này góp phần vào thảm họa lịch sử được. Đây là vấn đề xã hội đấy, biết chưa?". Và để khẳng định kiến thức lịch sử uyên bác của mình, nhân vật này sẵn sàng trả lời câu hỏi về lịch sử của nhân viên. Tuy nhiên, nhân vật này lại sai ngay ở câu trả lời đầu tiên khi khẳng định: "Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là Đại La. Nhân vật Phi nói rất hùng hồn, trong khi các phóng viên dưới quyền khác thì mắt tròn mắt dẹt đầy ngưỡng mộ.

Việc các chi tiết lịch sử, vốn đã trở thành kiến thức cơ bản trong các chương trình học phổ thông bị bóp méo đã khiến không ít khán giả cảm thấy bất bình, thậm chí cảm thấy bị coi thường. Một khán giả cho biết: "Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La, rồi đổi tên Đại La thành Thăng Long, thế mà phim lại nói dời đô về thành Thăng Long, đặt tên nước là Đại La? Sao nhà làm phim lại có thể sai cơ bản như thế. Con tôi còn nhỏ, lại rất mê phim này, hầu như không bỏ qua một tập nào. Nhưng sau khi phát hiện thấy những hạt sạn trong phim như thế này, tôi cảm thấy rất lo ngại".

Nhiều người dân thủ đô cảm thấy bức xúc vì họ cho rằng Hà Nội vừa trải qua Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, những kiến thức lịch sử cơ bản này được tuyên truyền khá rầm rộ mà không hiểu vì lý do gì phim làm vẫn sai. Trên trang Youtube, một bạn có nick name xacvexuixeo thất vọng: "Lịch sử Việt Nam chưa một lần mang tên nước là Đại La, vậy mà... Không hiểu kiến thức lịch sử của ban biên tập phim Những phóng viên vui nhộn để ở đâu?"

Một khán giả có nick name thedung93 cũng dẫn giải: "Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở Hội nghị bến Bình Than năm 1282 chứ không phải Hội nghị Diên Hồng năm 1284. Một chương trình phim lại có thể sai sót nghiêm trọng về lịch sử nước ta đến vậy. Thật là đáng buồn".

Tác hại... mang cấp số nhân

Vẫn biết "Những phóng viên vui nhộn" là một bộ phim hài, nhưng nội dung sai lệch này lại ở phần chính kịch nên nhà làm phim khó có thể biện bạch đây là tình tiết để gây hài. Bởi sau những chi tiết bịa, gây cười thì đây là các kiến thức được các nhân vật đưa ra để chốt lại, mang tính định hướng. Trong một loạt các kiến thức mà nhân vật Phi đưa ra như Hiệp định Giơnevơ... thì chỉ có phần kiến thức liên quan đến thành Đại La là sai. Nếu nhằm gây hài thì các chi tiết này đều phải đưa lệch đi, chứ không có chuyện cái đúng, cái sai.

PGS, TS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Tôi chưa xem tập phim đó nhưng cũng có nghe một số người nói về chuyện này. Theo tôi, nếu ê kíp làm phim mà để sai sót ở những chi tiết như nêu ở trên thì thật đáng trách vì đây là những chi tiết đã khá rõ ràng, ở những kiến thức lịch sử mang tính ổn định. Mặt khác, đây là bộ phim được phát trên VTV3, vào lúc hơn 22h, cũng coi là "giờ vàng", có lượng khán giả đông, đặc biệt lứa "tuổi teen". Đặc điểm đó, sẽ khiến bộ phim có sức lan tỏa mạnh.

Vì vậy, bất kỳ sai sót nào cũng dễ gây phản cảm, tác hại ở cấp số nhân. Tôi cho rằng, đối với những chương trình thuộc về lĩnh vực truyền thông đại chúng thì cần phải có cố vấn về chuyên môn, cụ thể trong trường hợp này là cố vấn về lịch sử. Và những tập phim chuẩn bị phát sóng cần phải có sự kiểm duyệt kỹ lưỡng của nhà đài. Tuy nhiên, muốn đánh giá mức độ sai sót đến đâu phải xem lại bối cảnh để có cái nhìn khách quan".

Nhìn nhận về kiến thức hiểu biết lịch sử của xã hội hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, PGS. TS Phạm Hồng Tung cho rằng đang ở mức báo động đỏ. Nhận thức về lịch sử là nhận thức về một tư cách tồn tại của một cộng đồng hay của một dân tộc. Giáo dục lịch sử cũng là giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc, quốc gia nhưng tại sao hiện nay vẫn có nhiều người tỏ ra rất mơ hồ về cả những kiến thức cơ bản, những chi tiết sai về lịch sử trong bộ phim "Những phóng viên vui nhộn" là một ví dụ.

Lý Bình