"Liên kết đào tạo tiếng Anh đang chạy theo lợi nhuận"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Chương trình học Tiếng Anh liên kết tại các trường tiểu học tại Hà Nội đang bộc lộ một số nghi ngại trong dư luận. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT.

Không đúng tinh thần của bộ GD&ĐT

Thưa GS, chương trình đào tạo Tiếng Anh liên kết được triển khai cả với đối tượng là học sinh lớp 1, 2 trong khi theo đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" của bộ GD&ĐT thì từ năm 2010 việc dạy tiếng Anh trong trường học bắt đầu từ học sinh lớp 3. Vậy theo GS, việc dạy tiếng Anh cho trẻ ngay từ lớp 1, 2 liệu có hợp lý?

Theo tôi, việc học ngoại ngữ mang lại rất nhiều lợi ích. Qua đó, ta không chỉ học được cách giao tiếp bằng một thứ tiếng mới, không chỉ hiểu được văn hóa, giáo dục, khoa học của một đất nước mới mà còn có thể phát triển tư duy của người học. Ngoài tiếng Việt, nếu ta biết thêm một thứ tiếng khác thì có thể giúp bộ óc linh hoạt hơn.

Giới tâm lý học và giáo dục học đặc biệt quan tâm đến hoạt động này. Khi còn công tác tại bộ GD&ĐT, tôi cùng các đồng nghiệp đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu về vấn đề dạy và học ngoại ngữ tại các cấp học. Trong quá trình đó, chúng tôi đã tham khảo rất nhiều kết quả nghiên cứu của các nước trên thế giới. Đặc biệt là những nước có nền khoa học phát triển. Theo đó, hầu hết các kết quả nghiên cứu của thế giới đều khẳng định, chỉ khi nào trẻ em tương đối thành thạo tiếng mẹ đẻ, hết tuổi mầm non và học được 2 năm tiểu học thì mới nên bắt đầu học ngoại ngữ. Kết luận này được rút ra bởi các nhà tâm lý học nổi tiếng và được các nước trên thế giới ứng dụng. Bộ GD&ĐT cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới đưa ra đề án đó. Chính vì vậy, việc cho trẻ con lớp 1, 2 học ngoại ngữ là quá sớm và không hợp lý.

Xã hội - 'Liên kết đào tạo tiếng Anh đang chạy theo lợi nhuận'

GS.VS Phạm Minh Hạc.

Chương trình liên kết này được sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra và triển khai rộng rãi tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội. GS đánh giá gì về chỉ đạo này?

Theo tôi, đây là một chỉ đạo không đúng với tinh thần của bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT có cơ quan nghiên cứu, có nhiều nhà khoa học kinh nghiệm biết lắng nghe thành tựu thế giới để đưa ra đề án hợp lý. Ở cấp tiểu học, việc học tiếng ngoại ngữ bắt đầu từ lớp 3 là hợp lý nhất. Còn sau đó, lên các lớp cao hơn, cấp học cao hơn, có thể có chương trình tăng cường. Thậm chí tại Thụy Điển, ở cấp THPT, họ còn dạy 3 - 4 ngoại ngữ cho một học sinh. Khi đó, trí tuệ của trẻ đã phát triển ở một cấp độ khác.

Còn đối với bậc mầm non và tiểu học, họ lại rất cẩn thận trong việc đào tạo. Bởi ở bậc tiểu học và trung học, người ta đặc biệt chú ý đến phát triển thể lực. Nhiều nước còn xếp giờ luyện tập thể lực là giờ học chính hàng ngày. Trong khi nước ta thì chỉ chăm chăm nhồi nhét kiến thức. Thực tế phải có thể lực tốt thì trí óc mới minh mẫn được.

Cần tránh thương mại hóa giáo dục

Có ý kiến cho rằng, với chương trình đào tạo này, sở GD&ĐT Hà Nội và các trường có thể được hưởng lợi rất nhiều. Quan điểm của GS như thế nào?

Việc thu được nguồn lợi hay không thì phải có quá trình thanh kiểm tra mới có thể kết luận được. Tuy nhiên, đã làm giáo dục thì phải đặc biệt lưu ý để tránh tình trạng thương mại hóa giáo dục. Chúng ta "dạy chữ" chứ không phải "buôn chữ".

Nhiều phụ huynh lo lắng rằng, việc triển khai chương trình đào tạo liên kết sẽ tăng giờ học và áp lực đối với con trẻ. Ngoài ra, nó còn là gánh nặng học phí đối với nhiều gia đình. Chưa kể các chi phí khác, có thể, nhiều phụ huynh phải đóng tới 500.000 - 600.000 đồng/tháng cho chương trình đào tạo?

Rõ ràng đây là quy định chạy theo lợi nhuận và hoàn toàn không nên triển khai. Đó là chưa kể đến việc dạy tiếng Anh liên kết dưới danh nghĩa tự nguyện nhưng lại tổ chức vào các tiết học chính khóa sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh. Một học sinh có thể phải đóng cả hai loại tiền là tiền học liên kết và tiền học chính khóa. Tôi đặt lại vấn đề, đối với những học sinh không học liên kết, khi bị chuyển sang lớp khác liệu có được đảm bảo được chương trình học hay không?

Vậy theo GS, hướng đi nào cho giáo dục ngoại ngữ bậc tiểu học là đúng đắn nhất?

Hiện nay nhiều gia đình đang tỏ ra vội vã khi cho con đi học tiếng Anh ngay từ lúc mới bập bẹ biết nói Tiếng Việt. Không chỉ các trường tiểu học mà các trường mầm non cũng lợi dụng cái "ham muốn" của phụ huynh để mở ra chương trình học ngoại ngữ quá sớm. Trẻ em thì không có sự lựa chọn, phụ huynh thì quá kỳ vọng còn nhà trường tỏ ra quá tranh thủ.

Theo tôi nghĩ, khi các cháu mới ở độ tuổi chập chững đến trường, chúng ta hãy cố gắng chăm chút cho tiếng mẹ đẻ của các cháu thật chu đáo, thật trọn vẹn. Khi đến hết lớp 2, tức là khi các cháu đã lên 8 tuổi thì bắt đầu cho các cháu học ngoại ngữ là tốt nhất. Nên để các cháu được phát triển theo lứa tuổi mà khoa học ở các nước tiên tiến đã nghiên cứu. Đừng vì hiểu biết lệch lạc trước mắt mà để lại hậu quả con trẻ phải gánh chịu.

Xin cảm ơn GS!

P. Hạnh - Q.Triều