'Linh hồn sống' gặp nhau sau 38 năm ly tán

'Linh hồn sống' gặp nhau sau 38 năm ly tán

Chủ nhật, 07/07/2013 | 19:22
0
Trong vòng hơn 38 năm qua, họ đã lập ban để thờ lẫn nhau, cầu mong cho linh hồn người đã mất được siêu thoát. Ấy vậy mà, vào một ngày của tháng "cô hồn" năm 2012, trong lần cơ duyên diệu kỳ, "hai linh hồn sống" đó được gặp nhau.

38 năm mang danh liệt sĩ

Sinh ra trên quê hương giàu truyền thống cách mạng ở xã Đại Thịnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), cũng như bao thanh niên trai trẻ khác, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964, anh  Phạm Văn Hai khi ấy vừa tròn 17 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 của Tư lệnh quân khu 5. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt, nhất là ở chiến trường từ Quảng Trị đến Bình Định máu lửa. Ông được phân công làm nhiệm vụ trinh sát ở "vùng lõm" căn cứ địa cách mạng ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Đây được xem là vùng trọng điểm tàn phá của địch lúc bấy giờ.

Nhớ lại những ngày đầu chiến đấu, ông Phạm Văn Hai cho biết: "Khi đó, cuộc chiến tranh ác liệt lắm, trong trận càn quét của quân địch tháng 7/1970, diễn ra tại khu căn cứ địa cách mạng xã Bình Dương, Trung đoàn được nhận nhiệm vụ đánh lạc hướng để đảm bảo sự an toàn cho các đồng chí đang giữ tài liệu thông tin bí mật về cuộc kháng chiến. Không ngờ, đang trên đường thực hiện nhiệm vụ về cầu Danh Dự, bị địch mai phục, hơn 12 đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh. Còn bản thân tôi bị thương nặng vùng đầu và chân, phải nằm liệt tại chiến trường. Mãi gần ba ngày sau cơn hôn mê bất tỉnh, trở dậy, tôi thấy mình nằm ở trung tâm dưỡng thương trại thương binh ông Trì ở huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam)".

Xã hội - 'Linh hồn sống' gặp nhau sau 38 năm ly tán

Chân dung vợ chồng gia đình thương binh Phạm Văn Hai

Sau ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bao lứa trai làng lần lượt trở về quê hương. Gia đình, người thân họ hàng cụ Phạm Văn Kiệu (xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc) hàng ngày vẫn luôn  mong ngóng đợi chờ tin tức của đứa con trai duy nhất là ông Hai trong nỗi vô vọng. Tháng 7/1978, gia đình bất ngờ nhận được giấy báo từ Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng rằng, ông Hai đã hy sinh ở chiến trường, tại khu căn cứ cách mạng ngày 21/5/1970 và được mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương. Cũng từ ngày đó, cụ Kiệu lập ban thờ và hàng năm lấy ngày ông Hai hy sinh trên giấy báo tử để thờ cúng linh hồn con trai mình.

Cuộc gặp gỡ của hai “linh hồn sống

Nhìn tấm di ảnh của cậu con trai, cụ Kiệu nhớ lại: "Sau ngày hòa bình, gia đình tôi nhiều năm cũng đi dò la tin tức của thằng Hai nhưng vẫn bặt âm vô tích. Khi nhận được giấy báo tử, tôi cùng với các con đi tìm mộ của nó ở nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương để đưa về quê mai táng cùng với tổ tiên. Nhưng vẫn không tìm được, vì ở đó có đến hàng trăm ngôi mộ vô danh, không biết con mình nằm ở đâu. Nghĩ con mình vẫn còn đang nằm ở nghĩa trang ấm cúng bên cạnh các đồng đội bao năm chiến đấu cùng nhau, nên gia đình đành lòng để nó ở lại cùng với bạn bè...".

Hằng ngày, ông Hai luôn ao ước cùng với các con một lần được về quê, nhưng sự nghiệt ngã của cuộc chiến tranh ác liệt đã cướp đi một phần cơ thể và trí nhớ của ông. Có lần, những đứa con trở về vùng Đại Lộc để tìm gia tộc nhưng đều không có tung tích. Vì nơi ông sinh ra ở xã Đại Thanh, sau những lần dội bom như trút nước của quân đội Mỹ nên gia đình ông đã chuyển lên xã Đại Chánh mà ông không biết. Có người nói gia đình ông không còn ai sinh sống ở đây nữa. Trở về trong sự vô vọng,  ông cùng các con lập ban thờ, hàng năm lấy ngày mùng 8 tháng Chạp làm ngày giỗ bố. Vậy là, ở hai vùng quê hơn 38 năm, hai cha con ông Hai lập hai ban thờ cúng "linh hồn sống" của nhau mà không hề hay biết.

Trở về cuộc sống thời bình, những người con của ông hàng ngày vẫn cố gắng "vớt vát" mọi nguồn tin để tìm về cội nguồn của người cha. Câu chuyện tình cờ nhưng thật ý nghĩa của cậu con trai út Phạm Văn Lý (đang làm ở trung tâm Viettel ở tỉnh Gia Lai), với anh Phạm Văn Thời, người cấp dưới quê xã Đại Thanh (huyện Đại Lộc) trong lần "chén rượu, chén trà" buổi liên hoan cuối năm. Qua câu chuyện, hai người họ Phạm Văn trở nên thân thiện hơn, họ kể cho nhau về quê quán, cuộc sống mưu sinh... rồi câu chuyện về cha mình là ông Phạm Văn Hai bị thất lạc miền quê. Đem câu chuyện của anh Phạm Văn Lý, anh Thời về quê kể lại cho các cụ trong gia tộc nghe và được biết ở xã Đại Chánh cũng có một chi tộc họ Phạm Văn đang sinh sống ở đó.

Không quản đường dài, anh Thời tìm về Đại Chánh và được biết ở đây có gia đình cụ Kiệu chuyển từ xã Đại Thanh về đây được hơn mấy chục năm trời. Bất ngờ trong gia đình cụ Phạm Văn Kiệu có bằng Tổ quốc ghi công với liệt sĩ Phạm Văn Hai đúng như tên cha của anh Lý. Anh Lý tức tốc về quê xác định rõ nguồn tin tức. Niềm tin như trở lại với người cháu nội khi hay ông nội mình vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Ngày 16/7/ 2012,  anh Lý cùng với các anh em trong nhà vượt hàng trăm cây số đưa cha mình về Đại Lộc gặp lại ông nội tuổi đã ngoài 100. Một cuộc gặp gỡ như câu chuyện cổ tích của hai cha con sau hơn 48 năm xa cách, cùng hơn 38 năm "thờ cúng" lẫn nhau.

Hàng xóm, họ hàng không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hai cha con cụ Kiệu ôm  nhau mừng rỡ khóc nức nở. Nhìn cảnh tượng người cha già hơn trăm tuổi ôm người con thương binh nặng "tập tễnh" vào lòng mới thấu hiểu được tình cảm "phụ tử" thắm thiết đến nhường nào...

Trả lại tên sau hơn 38 năm mang danh "liệt sĩ"

Ông Bùi Quang Minh (chủ tịch UBND xã Tam Lãnh) cho biết: “khi biết thông tin "liệt sĩ" Phạm Văn Hai trở về, chính quyền địa phương xã cũng đã cử người đến chia vui cùng gia đình trong ngày đoàn tụ. Trong các gia đình chính sách ở địa phương, gia đình thương binh Phạm Văn Hai và bà Trần Thị Kim Chi đang gặp nhiều khó khăn nhất. Mọi nguồn thu nhập chính của gia đình đều nhờ vào sự trợ cấp của Nhà nước. Hàng năm, chính quyền vẫn thường xuyên lui tới để động viên, khích lệ gia đình ông Hai. Chúng tôi cũng đang tiến hành các thủ tục xóa tên ông Hai trong danh sách liệt sĩ của xã, đồng thời trả lại tên cho ông sau hơn 38 năm mang danh “liệt sĩ””.

Hữu Tiến - Sỹ Đồng

Chuyện kể người đang sống làm 'chuyện ấy' với... linh hồn

Thứ 3, 28/05/2013 | 11:25
Liệu có tồn tại hiện tượng con người có những trải nghiệm tình dục với linh hồn.

Tục thờ linh hồn... người sống để cầu may

Thứ 5, 28/03/2013 | 14:49
Thờ cúng linh hồn của những người đã khuất là việc khá phổ biến trong đời sống tâm linh của nhiều dân tộc. Thế nhưng, đồng bào Vân Kiều ở một số huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị lại có một phong tục rất lạ lùng, đó là tục thờ... hồn sống của chính mình.

Cả đời nghĩa hiệp với những linh hồn bất hạnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Mặc kệ người đời dè bỉu những việc ông làm là chuyện "tào lao, chẳng giống ai", ông Ba Oanh vẫn hằng ngày chạy đôn chạy đáo, lo cho những vong hồn không may giã từ cõi thế...