Lo lắng cho dùng điện thoại di động trên máy bay

Lo lắng cho dùng điện thoại di động trên máy bay

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Việc mạng VinaPhone vừa áp dụng dịch vụ cho phép thuê bao gọi điện thoại hoặc nhắn tin trên máy bay khiến nhiều người lo ngại về an toàn bay.

Đã hơn một tháng, Công ty dịch vụ viễn thông (VinaPhone) áp dụng dịch vụ cho phép thuê bao gọi điện thoại, nhắn tin trên máy bay. Cụ thể, để gọi điện, nhắn tin trên máy bay, khách hàng không cần phải đăng ký riêng cho dịch vụ mà chỉ cần mở dịch vụ chuyển vùng quốc tế trước khi ra nước ngoài như trước đây. Tuy nhiên, nhiều hành khách và các hãng hàng không vẫn bày tỏ sự lo ngại về sự an toàn chuyến bay khi áp dụng dịch vụ này.

Công nghệ - Lo lắng cho dùng điện thoại di động trên máy bay

Nhiều khách hàng lo lắng khi sử dụng điện thoại trên máy bay (ảnh minh họa)

Cho phép sử dụng điện thoại trên chuyến bay

Theo quy định hợp tác của VinaPhone, trên các chuyến bay có dịch vụ chuyển vùng quốc tế, khách hàng sẽ được phi hành đoàn thông báo để có thể mở máy ĐTDĐ và sử dụng bình thường. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn hàng không, khách hàng vẫn phải tắt điện thoại trong quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh. Được biết, dịch vụ này của VinaPhone mới chỉ cung cấp cho thuê bao trả sau. Giá cước khách hàng phải trả khi sử dụng điện thoại trên máy bay tương ứng với 0,82 USD/SMS, gọi đi tất cả các hướng (bao gồm Việt Nam) là 4,3 USD/phút, cước nhận cuộc gọi là 99.000 đồng/phút (chưa bao gồm phụ thu). Giá cước được khách hàng đánh giá không hề rẻ.

Trao đổi với PV Người đưa tin, bà Nguyễn Thu Hồng, Phòng Kinh doanh (Công ty VinaPhone) cho biết: “VinaPhone đang đàm phán để mở rộng cung cấp dịch vụ trên nhiều tuyến bay, hàng hàng không khác nữa. Dịch vụ truy nhập mạng Internet cũng sẽ sớm được cung cấp”. Về mặt kỹ thuật, VinaPhone sẽ phối hợp với hãng hàng không đặt một thiết bị tương tự như một trạm thu phát sóng dưới mặt đất trên máy bay. Thiết bị này sẽ truyền/nhận thông tin tới các vệ tinh để giúp khách hàng có thể liên lạc với các nhà mạng dưới mặt đất, đảm bảo liên lạc và truyền dữ liệu thông suốt.

Sáng 23/7, trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Sơn Hải - đại diện Công ty VinaPhone cho biết: “Hiện, Vinaphone đã triển khai dịch vụ sử dụng điện thoại trên máy bay đến 14 hãng hàng không. Trong đó có Emirates, Malaysia Airlines, Hong Kong Airlines, Singapore Airlines, Air New Zealand, British Airways, Etihad Airways (UAE), Libyan Arab Airlines, EgyptAir, Oman Air, Qatar Airways, Royal Jordanian Airlines (Jordan), Saudi Arabian Airlines, TAM (Brazil)”.

Ông Hải cho rằng, việc giữ liên lạc với gia đình, đối tác khi di chuyển trên các chuyến bay nhiều giờ là nhu cầu của không ít doanh nhân và khách du lịch. Khi đề cập đến những bất cấp về an toàn bay, ông Hải cho biết, dịch vụ này không có nhiều bất cập vì đây là nhu cầu chính đáng của hành khách. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết, hiện, chưa có hãng hàng không trong nước nào áp dụng dịch vụ này của VinaPhone.

Từ trước đến nay, quy định của các hãng hàng không là phải tắt thiết bị thu phát tín hiệu để đảm bảo an ninh an toàn, dịch vụ sử dụng điện thoại trên máy bay mà VinaPhone vừa công bố áp dụng đang khiến họ lo ngại.

Vì sao hãng hàng không nội chưa áp dụng?

Trên thực tế, các hãng hàng không mà VinaPhone hợp tác để triển khai dịch vụ này là của nước ngoài và bay đi quốc tế, nhưng điểm khởi hành là từ Việt Nam. Được biết, đến nay chưa có hãng hàng không trong nước nào đăng ký sử dụng dịch vụ này của VinaPhone. Thậm chí, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) còn quy định rõ ràng về việc tắt điện thoại di động, máy nhắn tin và các thiết bị thu phát tín hiệu suốt chiều dài chuyến bay, vì lo ngại các sản phẩm công nghệ này có thể gây nhiễu sóng thiết bị dẫn đường của máy bay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, để được sử dụng ĐTDĐ trên máy bay, bắt buộc phải có sự hạn chế tối đa về ảnh hưởng từ thiết bị thu phát sóng đối với máy bay và an toàn mạng bay, phải được nhà sản xuất tàu bay chấp thuận và sự đồng ý của cục hàng không các nước có hãng bay khai thác. Các chuyên gia giải thích, nếu trong hành trình bay, điện thoại di động hoặc máy vi tính đăng nhập hay kết nối với hệ thống mạng tín hiệu dưới mặt đất sẽ tạo ra bức xạ rất mạnh, vượt khỏi phạm vi an toàn cho phép của môi trường hàng không. Tình trạng này có ảnh hưởng xấu đến các thiết bị truyền thông và thiết bị hướng dẫn bay điện tử, gây nguy hiểm cho các thao tác an toàn trên máy bay.

Rất nhiều hành khách bày tỏ sự lo lắng về dịch vụ sử dụng ĐTDĐ trên máy bay của mạng VinaPhone. Anh Lê Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên phải đi lại bằng máy bay. Vừa rồi, tôi thấy VinaPhone công bố dịch vụ cho khách hàng sử dụng điện thoại trên một số tuyến bay quốc tế. Tuy nhiên, VinaPhone lại khuyến cáo khách hàng vẫn phải tắt điện thoại trong quá trình máy bay cất cánh và hạ cánh để bảo đảm an toàn hàng không. Vậy liệu hành khách sử dụng điện thoại trên máy bay có thực sự an toàn không? Và điều quan trọng, ai sẽ kiểm tra việc tắt/mở điện thoại của hàng khách khi cất cánh và hạ cánh?”.

Trên thực tế, cho đến nay, trong các cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học vẫn chưa thu được những chứng cứ rõ ràng là sóng điện thoại đi động thực sự gây nhiễu các thiết bị trong khoang lái. Tuy nhiên, có một trường hợp được ghi nhận là sóng điện thoại đi động đã ảnh hưởng đến những dây cáp sau các vách cabine và làm sai lệch tín hiệu. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho hành khách, người ta quyết định cấm sử dụng điện thoại trên máy bay.

Một kỹ thuật viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Trên máy bay có 2 loại radar, trong đó có weather radar dùng để phát ra sóng rada để hiển thị về thời tiết (mây, bão, mưa....) cho phi công. Nếu hành khách trên máy bay sử dụng các thiết bị điện tử trên máy bay sẽ làm nhiễu loạn sóng của các thiết bị trên, nguy hiểm nhất là lúc hạ cánh và cất cánh. Không chỉ ĐTDĐ mà các máy nghe nhạc, máy chơi game cầm tay đều phát ra sóng radio gây nhiễu”.

Hầu hết các ĐTDĐ đều có chế độ trên máy bay. Đó là bởi vì các sóng được cung cấp này phát ra từ một bộ phát sóng có cự ly rất gần. Và do khoảng cách gần này (chỉ vài mét đến vài chục mét) nên các thiết bị không dây không cần phải phát đi tín hiệu radio dò tìm với cường độ mạnh. Thậm chí, ở một số nơi, các phi công được phép sử dụng iPad thay cho các tài liệu giấy truyền thống, tất nhiên khi đã tắt hết các tín hiệu không dây (3G, wifi, bluetooth). Do vậy, các tiếp viên sẽ luôn nhắc nhở rằng, bạn chỉ được sử dụng các dịch vụ không dây này khi máy bay đã đi vào trạng thái bay ổn định ở tầm bay của mình. Khi cất cánh và hạ cánh, bạn sẽ không được sử dụng các dịch vụ này nữa, vì đây là các thời điểm rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến an toàn bay. Và vì thế, hầu hết, các tai nạn đều xảy ra vào thời điểm này.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy, Phụ trách truyền thông của Công ty cổ phần hàng không VietJet cho biết: “Hiện nay, Hãng hàng không VietJet chưa áp dụng dịch vụ cho quý khách sử dụng điện thoại trên máy bay. Theo quy định, trước khi máy bay cất cánh và hạ cánh, khách hàng đều phải tắt tất cả các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, nếu khi máy bay qua độ cao 5.000 mét thì nếu có sử dụng ĐTDĐ cũng không có sóng”.

Hậu quả khôn lường

Trên thế giới, Luật hàng không nhiều nước cũng quy định cấm sử dụng điện thoại trên máy bay. Đã từng có sự cố được phát hiện kịp thời khi một phi công của Hãng hàng không AirChina để ý và thấy trước khi tới Bắc Kinh máy bay bị lệch 30 độ khỏi đường bay. Khi tìm kiếm nguyên nhân, cơ quan chức năng xác định được một hành khách vẫn để ĐTDĐ ở chế độ mở. Tại Việt Nam, lịch sử hàng không chưa từng ghi nhận tiền lệ áp dụng dịch vụ cho phép hành khách sử dụng ĐTDĐ trên máy bay. Theo Nghị định 60/2010/NĐ-CP của Chính phủ, khách hàng sử dụng các thiết bị điện tử, thu phát sóng trên tàu bay khi không được phép sẽ bị phạt từ 500 ngàn - 1 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp 10 lần, nếu đối tượng vi phạm là thành viên tổ bay.

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết thêm, đã có 75 sự cố điện tử mà các phi công cũng như thành viên tổ bay tin rằng có liên quan tới điện thoại di động và các thiết bị điện tử. Báo cáo này thống kê các sự cố điện tử trong thời gian từ 2003 tới 2009 dựa trên trả lời khảo sát của 125 hãng hàng không trên toàn cầu. Thiết bị cá nhân bị nghi ngờ nhiều nhất là ĐTDĐ.

Tuy vậy, báo cáo nhấn mạnh đã không xác minh những sự cố có do các thiết bị điện tử cá nhân gây ra, mà chỉ trích dẫn tường thuật của phi công và thành viên đội bay từng trải qua sự cố do nhiễu sóng điện tử. Các thiết bị điện tử cá nhân phát ra những tín hiệu có thể phá vỡ các bộ cảm biến điện tử rất nhạy cảm trong khu vực hành khách của máy bay, bao gồm các cảm biến của hệ thống trợ giúp hạ cánh sử dụng trong thời tiết xấu.

Lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trên máy bay đầu tiên trên thế giới được Ủy ban truyền thông Liên Bang của Mỹ (FFC) ban hành năm 1991 có nội dung: Khi máy bay đóng cửa, tất cả các máy nghe nhạc Mp3, đồ chơi điện tử, máy nhắn tin, máy xem DVD hoặc các thiết bị điện tử khác của khách hàng phải tắt cho đến khi máy bay lên đến độ cao 10.000 feet (khoảng 3.048 km). Còn điện thoại di động thì bị cấm sử dụng bất cứ lúc nào trên các chuyến bay. Lý do được đưa ra các loại thiết bị xách tay phát ra sóng điện từ sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điều khiển điều khiến hoặc tác động đến các thiết bị điện tử của máy bay.

Cao Tuân