Lo ngại lệch chuẩn đạo đức trong giới trẻ

Lo ngại lệch chuẩn đạo đức trong giới trẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Giết người dã man rồi ung dung lên mạng xã hội tự khoe khoang coi đó là "thành tích"; hay những người có động cơ tốt sử dụng điện thoại nhắn 12.000 tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long cũng bị phản đối, khủng bố và bị lăng mạ.

Dường như đạo đức xã hội có vấn đề? Xung quanh vấn nạn nhức nhối này, Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

"Lỗ hổng nhân cách", trước hết từ gia đình

Thưa, ông thấy thế nào khi có một thanh niên đâm chết người rồi lên mạng xã hội tường thuật chi tiết hành vi thủ ác để khoe khoang “thành tích” và xúi giục người khác đánh đề?

Tôi thật sự phẫn nộ về hành vi này. Thứ nhất, thanh niên này đã có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là chết người nhưng lại có thái độ khoe khoang nghĩa là anh ta hoàn toàn không nhận thức được hành vi của mình, và không ý thức được tội lỗi của mình trước pháp luật.

Tôi nghĩ đây là một trường hợp cá biệt. Bình thường, một người như vậy phải trốn tránh, nhưng con người này thể hiện sự kém hiểu biết, thái độ quá xem thường pháp luật, xem thường xã hội. Ở đây, tôi chưa nói đến chuyện hành vi làm chết người còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xã hội - Lo ngại lệch chuẩn đạo đức trong giới trẻ
Ông Đào Trọng Thi.

Dư luận lo ngại, từ chuyện này, nếu gia đình, xã hội không vào cuộc quyết liệt sẽ gia tăng thêm những "sát thủ máu lạnh", sẽ có nhiều Lê Văn Luyện. Ông nghĩ sao về điều này?

Ở đây, tôi nghĩ công tác giáo dục pháp luật hiệu quả chưa tốt. Tôi cho rằng, giáo dục pháp luật cho giới trẻ phải được tăng cường hơn nữa. Cần phải giáo dục kiến thức cơ bản về pháp luật đối với mọi công dân, nhất là cần giáo dục để tầng lớp thanh thiếu niên họ nắm được và ứng xử đúng pháp luật, phù hợp với xã hội. Vấn đề đặt ra là vừa giáo dục ý thức xã hội, vừa cần giáo dục chuẩn mực đạo đức, lối sống.

Vậy, ông có cho rằng hiện nay lệch chuẩn đạo đức trong thanh thiếu niên xuất phát từ phía gia đình, nhà trường và xã hội?

Gia đình bố mẹ mải kiếm sống, giáo dục trong nhà trường chưa chú trọng đến "học lễ", còn xã hội nhan nhản những chuyện xấu được phơi bày, miêu tả chi tiết đã phần nào tác động vào tâm lý của thanh thiếu niên. Tất cả điều này đã ngấm dần và ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của giới trẻ. Thường thì, khi xảy ra chuyện gì trong lứa tuổi đến trường chúng ta lại đổ hết tại nhà trường.

Tôi nghĩ rằng khả năng, phạm vi của nhà trường có giới hạn. Cá nhân tôi vẫn nghĩ, giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì vai trò của gia đình là rất quan trọng. Gia đình có uy quyền hơn và có khả năng tác động, quản lý trực tiếp đối với giới trẻ. Nếu các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức cho con em mình thì sẽ góp phần tích cực cho việc hình thành nhân cách các em.

Nên hướng các trang mạng vào phục vụ phát triển xã hội

Thưa ông, những người có hành vi xấu bị lên án là điều đáng làm, nhưng cũng trên mạng xã hội, có người gửi tin nhắn 12.000 lần bình chọn cho Vịnh Hạ Long thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cũng bị nhiều người phê phán, khủng bố thậm chí chửi rủa thậm tệ. Vậy đâu là giá trị đạo đức thực, thưa ông?

Xã hội - Lo ngại lệch chuẩn đạo đức trong giới trẻ (Hình 2).
Ảnh minh họa.

Tôi nghĩ một người mà nhắn số lượng tin khổng lồ như vậy là hơi nhiều nhưng dù nhắn bao nhiêu tin đi chăng nữa thì đó là sự hưởng ứng sự kêu gọi chính thức, cư dân mạng đưa ra những lời lẽ gay gắt để phản đối, phê phán là không nên. Bởi cá nhân người nhắn tin không vi phạm chuẩn mực xã hội. Chúng ta không cổ súy những việc khác thường này nhưng xét về các mối quan hệ xã hội thì người nhắn tin nhiều không lệch chuẩn.

Nghĩa là cách nhìn nhận của xã hội, nhất là những người bày tỏ chính kiến của mình trên mạng xã hội đang có những cái nhìn khắt khe thái quá?

Trường hợp đâm chết người mà khoe khoang bị phê phán, các trang mạng lập ra các hội để truy tìm kẻ sát nhân đó là mặt tích cực của mạng xã hội. Ở đây họ đã huy động được số đông người phê phán kẻ có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Nhưng việc phát tán những thông tin không chính xác, lăng mạ cá nhân, sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xem xét quản lý. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên nêu ra chuyện cấm đoán, vì cấm cũng không được, vấn đề đặt ra là quản lý, định hướng để các trang mạng xã hội phục vụ những lợi ích, phục vụ cho sự phát triển của xã hội.

Vậy theo ông, nên quản lý mạng xã hội như thế nào, chẳng lẽ ai cũng có quyền phát ngôn trên Facebook kể cả việc tự do lăng mạ người khác?

Mạng xã hội là những trang nhật ký riêng tư nhưng nó lại phát tán một cách rất rộng rãi và nhanh chóng. Thậm chí nó còn phát tán nhanh hơn cả những phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Chính vì thế, chúng ta không thể nhìn nhận vấn đề này là chuyện cá nhân, riêng tư.

Điều này, bắt buộc chúng ta phải quản lý để đảm bảo những chủ nhân của các trang nhật ký ấy không gây hậu quả xấu cho xã hội. Ngoài sự can thiệp của pháp luật cũng cần có các giải pháp kỹ thuật phù hợp can thiệp vào sự truyền tải thông tin nói chung của Internet.

Xin cảm ơn ông!.

Vương Hà


Tag: Facebook