Linh vật ngoại lai tràn lan trong đời sống tâm linh người Việt

Linh vật ngoại lai tràn lan trong đời sống tâm linh người Việt

Thứ 6, 23/08/2013 | 13:59
0
Sự lấn át của văn hóa ngoại lai thể hiện rõ nét và nhan nhản qua các linh vật mà người dân đang sử dụng để tạo dựng phong thủy cho chùa chiền, nghĩa trang, doanh nghiệp, nhà cửa...

Tràn lan linh vật ngoại lai

Vào vai khách hàng tìm mua sư tử đá, PV có mặt tại đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM), con đường có nhiều cửa hàng bày bán tượng sư tử đá nhất TP.HCM. Chị Nguyễn Thị Thu, nhân viên bán hàng của cơ sở đá Mỹ nghệ Tân Kim Sơn giới thiệu: "Cơ sở sản xuất các linh vật như sư tử đá, lân, rồng hay tượng Phật theo mẫu, kiểu dáng của khách hàng đưa ra. Nếu khách hàng mua theo các hình mẫu có sẵn của cơ sở thì chỉ có một loại sư tử đá đại trà từ trước đến nay có xuất xứ từ Trung Quốc. Đặc trưng của loại sư tử đá Trung Quốc có kiểu dáng đẹp, oai vệ, còn kiểu của Mỹ, Ấn Độ,... linh vật sẽ đứng chồm trên quả cầu".

Chị Lê Thị Thu Thủy, chủ cửa hàng đá Mỹ nghệ Tấn Tài nằm trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Cửa hàng có hơn 200 mẫu sư tử đá và lân đá. Lân có một hình mẫu chung còn sư tử đá sẽ có nhiều mẫu hơn, khác nhau về kiểu dáng Tây, Tàu, Mỹ, Pháp có đủ. Lân có kiểu đứng, ngồi, nhìn thẳng, nhìn nghiêng còn sư tử có đứng, ngồi chồm trên quả cầu. Giá thấp nhất dao động từ 17-18 triệu đồng một cặp sư tử đá, cặp có chiều cao từ 2m trở lên có giá 100-200 triệu đồng".

Xã hội - Linh vật ngoại lai tràn lan trong đời sống tâm linh người Việt

Hình ảnh con nghê, linh vật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.

Việt Nam có hàng nghìn năm văn hiến, hình thành những loài linh vật riêng biệt

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường băn khoăn: "Linh vật Việt Nam không thiếu, có kiểu dáng và màu sắc hết sức đa dạng. Con nghê, kỳ lân, chó đá của nước ta đã qua chọn lọc từ các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc. Những loại sư tử đá của Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, Lê, Trần, Nguyễn thường được đặt dưới bệ Phật. Việt Nam có hàng nghìn năm văn hiến, hình thành biết bao loại linh vật thiêng liêng nhưng chúng ta lại không sử dụng mà đi lấy nguyên xi kiểu mẫu của nước ngoài về thờ tự. Chẳng khác nào, dân ta rước tổ tiên nước khác về thờ cúng và cầu bình yên".

Các mẫu sư tử đá đời nhà Thanh (Trung Quốc) không chỉ tràn lan khắp các cửa hàng trên địa bàn TP.HCM. Công việc buôn bán sư tử đá cũng khá tấp nập tại TP. Đà Nẵng, là một công việc ăn nên làm ra trong thời buổi kinh tế khó khăn. Lúc ấy người ta càng tìm đến niềm tin tâm linh để mang lại vận may cho mình. Tuy nhiên, anh Hoàng Trung Hiếu, một người dân sống gần cơ sở sản xuất sư tử đá tại TP. Đà Nẵng cho biết: "Các công ty, cửa hàng sản xuất các linh vật này đã khởi xướng phong trào "chơi" linh vật, trưng bày linh vật ngoại nhằm tiêu thụ được hàng hóa. Các nơi sản xuất sư tử đá chưa hẳn sử dụng loại đá thật, như tôi biết, họ sử dụng chủ yếu đá giả, cho vào khuôn và đúc hàng loạt".

Không chỉ ở các thành phố lớn, tại một số ngôi chùa, biệt thự của nhiều đại gia có tiếng ở miền Tây cũng có dấu ấn của sư tử đá. Điển hình như những cặp sư tử đá xuất hiện ở mọi nơi trong không gian kinh doanh của đại gia thủy sản miền Tây: Từ nhà riêng, công ty, khu du lịch, đến viện nghiên cứu thủy sản có đóng góp của đại gia này đều xuất hiện những con sư tử đá. Ngay trong những công trình tưởng niệm công lao của các vị tiền nhân như khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại TP. Cần Thơ cũng đặt trước cổng cặp sư tử đá sánh cùng những linh vật khác như hạc, rồng...

Theo ghi nhận của PV, khoảng thời gian trước, nhiều tỉnh thành trên cả nước thường trang trí đường phố bằng đèn lồng. Một số lượng lớn đèn lồng có chữ Tam Sa có xuất xứ từ Trung Quốc được tuồn vào Việt Nam tiêu thụ trái phép, làm ảnh hưởng lớn đến văn hóa, lịch sử của nước ta. Ngành văn hóa của các tỉnh thành đã chủ động cho tháo dỡ và tuyên truyền đến nhân dân. Ngay sau đó, là hàng loạt các con phố ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, một số cửa hàng thuộc quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) tồn tại nhiều bảng hiệu với đủ các loại chữ tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên,... trong khi chữ tiếng Việt lại rất bé ở phía dưới. Vấn nạn này đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Xã hội - Linh vật ngoại lai tràn lan trong đời sống tâm linh người Việt (Hình 2).

 Sư tử đá ngoại lai được bày bán tràn lan ở các cửa hàng trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).

"Bụt" nhà không thiêng?

Vấn nạn ngoại lai xuất hiện trên nhiều phương diện văn hóa

Tại hội nghị tham vấn chính sách di sản của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đặt ngay vấn đề giám sát bảo tồn di sản. Hoàng thành Thăng Long đang đứng trước một giám sát rất quan trọng từ UNESCO trong năm nay nhưng đến giờ việc thống nhất quản lý của khu vực này hiện vẫn còn dang dở. Tình trạng tiếng Việt đang dần bị méo mó, phần Hán Nôm lại đang đứng trước câu hỏi giữ hay bỏ. Mặt khác, ông Dương Trung Quốc lên tiếng về sự lấn lướt của tiếng Anh, tiếng Trung trên các biển quảng cáo một cách dày đặc, quá mức cần thiết ở những khu phố du lịch.

Lý giải về nhu cầu sử dụng linh vật của con người, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, Phó trưởng khoa Văn hóa học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết: "Nét đẹp truyền thống trong việc thờ tự và sử dụng linh vật đúng mục đích dần bị lấn át bởi nhiều yếu tố thay đổi của xã hội. Song dần dà về sau, hàng loạt các biểu tượng truyền thống ấy bị thay thế dần bằng sư tử đá, tỳ hưu, cóc ba chân hay các linh vật ngoại lai khác. Sư tử đá tượng trưng cho sự oai vệ, sức mạnh, còn tỳ hưu là linh vật tài lộc do chỉ ăn vàng bạc, châu báu; cóc ba chân cũng được cho là linh vật mang lại giàu có. Một số khu du lịch văn hóa tại thành phố trước đây cho dựng rất nhiều tượng kỳ lân cầu quốc thái dân an, thì nay đều bị phá bỏ và thay hẳn bằng tượng tỳ hưu ngoại nhập. Nói chung, hiện tượng thay thế các biểu tượng tứ linh thành các con vật biểu trưng cho tiền tài đánh dấu một sự thay đổi hết sức nguy hại đối với tư tưởng xã hội. Nó phản ảnh một xã hội đang ngày càng trở nên thực dụng hơn, tư lợi hơn, và đặc biệt giá trị chuẩn mực đạo đức chung của xã hội dần dà bị sự hào nhoáng của tài lộc che khuất".

Những nhà nghiên cứu có tâm cũng rất băn khoăn, khi có quá nhiều kiểu hình thức văn hóa ngoại lai xâm nhập vào nước ta. Trong đó, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ: "Tôi không khuyến khích việc người dân treo đèn lồng bởi nó chắc chắn không phải văn hóa Việt Nam. Cái gì đó mà nó cứ thẩm thấu dần, trở thành thói quen sẽ ảnh hưởng đến tinh thần dân tộc, hoàn toàn không tốt. Việc mất dần bản sắc của văn hóa dân tộc chắc chắn đã và sẽ xảy ra. Sau cải cách mở cửa, xã hội ta dường như nhất thời đặt trọng tâm ở phát triển kinh tế. Chính vì thế nếu không có biện pháp hữu hiệu đặt con người Việt Nam vào khung văn hóa thì dần dà sẽ đánh mất phông văn hóa. Đánh mất phông văn hóa là đánh mất bản sắc. Đừng để thế hệ trẻ không hiểu biết tâm tư, nguyện vọng, quan niệm sống của cha ông chúng chỉ vì những biểu tượng linh vật ngoại lai".

Nhiều người dân chúng ta, trong đó có nhiều trí thức trẻ có những cách nhìn nhận phù hợp để đánh giá và đẩy lùi những hiện tượng này. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ vẫn đặt nhiều hy vọng sức đề kháng của nền văn hóa Việt Nam đủ mạnh để vượt qua vấn nạn ngoại lai văn hóa. Tiến sĩ Thơ đưa ra giải pháp: "Chúng ta cần xây dựng giải pháp hai chiều. Thứ nhất, người dân phải tìm hiểu kỹ về ý nghĩa biểu trưng, nguồn gốc xuất xứ, xem có hợp với thuần phong mỹ tục hay chuẩn mực xã hội không? Tránh tâm lý đám đông, thấy người ta làm thì mình làm theo; Các phương tiện truyền thông góp phần nhắc nhở, giáo dục. Ví dụ trong Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt ở quận Bình Thạnh có tượng rái cá bằng gỗ cõng hai chiếc xương cá ông, vốn được dân gian Nam Bộ coi là linh vật mang lại may mắn (giống như tỳ hưu) nhưng ít được người dân biết đến. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân là hết sức cần thiết. Thứ hai, quản lý văn hóa: Cần tuyên truyền giáo dục và vận động nhân dân gìn giữ bản sắc; đồng thời cũng cần có những biện pháp cứng rắn và hiệu quả. Các cơ quan Nhà nước, cơ sở công cộng phải làm gương cho xã hội".

HÀ NGUYỄN - NGỌC LÀI

Lên xứ Lạng tìm linh vật trừ tà, cầu phúc

Chủ nhật, 14/04/2013 | 14:34
Một số vùng dân tộc thuộc tỉnh Lạng Sơn vẫn lưu giữ một tập tục kỳ lạ. Đó là thờ chó đá - linh vật trừ tà, cầu phúc. Họ coi chó đá như một linh vật có thể xua đuổi ma quỷ, hóa giải kiêng kỵ, đem lại may mắn và trông nhà, giữ của.

Linh vật và thần giữ của

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Chôn của cải châu báu cùng với người sống làm thần giữ của là một phương thức khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Ý nghĩa linh vật của các "ông trùm" công nghệ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Việc lựa chọn linh vật cho thương hiệu của mình là vấn đề được các "ông trùm" công nghệ rất quan tâm, mỗi linh vật được lựa chọn làm logo lại mang một ý nghĩa đặc biệt.

Cần chấn chỉnh sự thái quá trong thờ cúng tâm linh

Thứ 6, 16/08/2013 | 10:49
Xung quanh xu hướng xây dựng những nhà thờ, bàn thờ tiền tỷ, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên phó viện trưởng, viện Văn hóa Phát triển (học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).

Chiếc vòng tâm linh của người Vân Kiều

Chủ nhật, 07/07/2013 | 14:08
Bao đời nay người Vân Kiều ở phía tây Quảng Bình luôn giữ tinh thần phóng khoáng, sẵn sàng nhường cơm áo với người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Duy có một tín vật họ chỉ sẻ chia với người trong nhà, đó là chiếc vòng mã não.

Cái tên là 'văn hóa, tôn giáo, tâm lí, tâm linh và ngũ hành'

Thứ 3, 09/04/2013 | 15:21
Có người thắc mắc, vì sao Nguyễn Đình Tứ là người con sinh thứ hai lại đặt tên là Tứ? Cụ Tài Mỵ không nói gì, bảo anh nên tìm đến thầy đồ nọ, ông này nổi tiếng chữ nghĩa ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh thì sẽ hiểu!