Loài linh trưởng quý hiếm sinh con ở công viên Đầm Sen

Loài linh trưởng quý hiếm sinh con ở công viên Đầm Sen

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Việc đười ươi quý hiếm sinh con trong môi trường nuôi nhốt ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (TP.HCM) khiến cả thế giới kinh ngạc

Mấy ngày gần đây, cuộc sinh sản của đười ươi Sumatra đang là chủ đề bàn tán sôi nổi nhất trong khuôn viên nuôi nhốt các loài động vật linh trưởng ở công viên Đầm Sen. Đó là con đười ươi cái (tên Síp) sinh hạ một đười ươi con trong môi trường nuôi nhốt. Đây cũng là một trường hợp cực kỳ đặc biệt và hiếm gặp trên thế giới, đồng thời là trường hợp đười ươi sinh sản đầu tiên trong môi trường nuôi nhốt tại Việt Nam.

Xã hội - Loài linh trưởng quý hiếm sinh con ở công viên Đầm Sen

Đười ươi mẹ thường xuyên ôm con vào lòng âu yếm

Loài đười ươi đặc biệt quý hiếm

Theo chân chị Thu Thảo, phụ trách công tác truyền thông tại công viên Đầm Sen, chúng tôi đến nơi đười ươi Síp và đười ươi con đang trú ngụ. Síp là một trong ba cá thể đười ươi Sumatra quý hiếm được nuôi và huấn luyện để làm xiếc tại Đầm Sen. Chị Thảo vui vẻ giới thiệu với chúng tôi anh Lê Minh Tánh, đội trưởng đội Quản lý động vật Công viên Văn hóa Đầm Sen. Anh Tánh cho biết: “Chúng tôi mua đười ươi Sumatra về từ năm 1994 khi nó còn rất nhỏ. Sau đó, chúng tôi tiến hành đăng ký nuôi nhốt với Chi cục Bảo vệ động vật của thành phố. Loài đười ươi này tiến hóa khá nhanh, lại rất thông minh, có khả năng nhận biết hơi thở và tiếng nói quen thuộc của người huấn luyện. Vì thế, lần này chúng tôi lên kế hoạch chăm sóc rất kỹ, có sự theo dõi của chuyên gia y tế về thú vật và những tài liệu do CITES cung cấp. Cách đây hai năm, con đười ươi này đã sinh một lần, nhưng chỉ sau hai tháng con đười ươi con đã chết”.

Ông Tánh cũng cho chúng tôi biết thông tin cụ thể về loài đười ươi quý hiếm này: “Đó là loài đười ươi quý hiếm (vượn orangutan) có tên trong sách đỏ của thế giới, chỉ sống và phân bố ở hai đảo là Sumatra và Borneo của Indonesia. Chúng thường sống đơn độc tại các khu rừng mưa nhiệt đới của hai đảo này. Thức ăn chủ yếu là trái cây, lá, hạt… Đười ươi Sumatra trưởng thành sinh dục từ 7 – 10 năm, cao đến 1,5m, nặng 30 - 90kg, con cái mang thai từ 8 - 9 tháng và đẻ 1 con/lứa. Một con đười ươi cái có thể sinh tối đa 5 lần (con) trong cuộc đời của chúng. Hiện ở Việt Nam chỉ một số đơn vị được cấp phép nuôi loài thú quý hiếm này. Tuổi thọ của đười ươi Sumatra trung bình là 40 tuổi. Thời điểm hiện nay con Síp đã 19 tuổi, hai con đực kia cũng cùng số tuổi với nó. Rất may mắn là khí hậu Việt Nam rất phù với cuộc sống và sự phát triển của loài đười ươi chỉ có ở Indonesia này”.

Trường hợp rất hiếm gặp trên thế giới

Anh Trần Văn Hải, Đội quản lý động vật Công viên Đầm Sen cho biết: “Khi đười ươi mẹ mang thai đến tháng thứ 8, Đội quản lý động vật có bàn với nhau làm một cái ổ để đười ươi mẹ hạ sinh. Qua tìm hiểu kỹ lưỡng về thói quen, tập quán sinh hoạt và môi trường sống của nó, chúng tôi làm cho Síp một cái ổ rất đẹp đặt ở góc trái chuồng nuôi nhốt. Đó là nơi để hai mẹ con đười ươi nghỉ ngơi trong thời gian đầu. Chiếc ổ được bao bọc bằng gỗ nhằm giữ nhiệt độ ổn định cho hai mẹ con đười ươi; nếu nắng thì nó cũng không nóng, mưa nó cũng không lạnh mà ngược lại sẽ ấm. Ngoài ra, chúng tôi còn làm thêm một cái thùng, để mẹ con Síp chui vào trong đó cho kín gió. Nếu thời tiết lạnh, cái thùng sẽ làm nhiệm vụ sưởi ấm cho mẹ con Síp”.

Khi chúng tôi leo lên chuồng, thấy có người lạ, Síp tỏ vẻ dè dặt và ái ngại. Nó vẫn ôm chặt lấy con trước ngực và thi thoảng hôn lên trán con đầy yêu thương. Anh Lê Minh Tánh nói: “Con Síp sinh con lúc 7 giờ ngày 24/7, sau một tuần chúng tôi mới có thể tiếp cận và cắt rốn, làm vệ sinh rất kỹ đường rốn của hai mẹ con, tránh gây nhiễm trùng và tác dụng phụ về sau. Mỗi ngày chúng tôi tăng cường thức ăn cho Síp, ngoài những loại trái cây quen thuộc là món khoái khẩu của nó, chúng tôi còn nấu giò heo với đu đủ cho đười ươi mẹ ăn. Thức ăn này nhằm tạo sữa rất nhanh cho Síp để đười ươi con bú. Tuy nhiên, nó chỉ ăn đu đủ và uống nước, còn thịt heo thì lắc đầu, bỏ qua”.

Anh Tánh cho biết thêm: “Khi sinh con xong, vài hôm sau sức khỏe đười ươi mẹ hồi phục và có thể đi tới đi lui bình thường. Sau đó, nó ôm con, nằm và đòi ăn liên tục. Khoảng hai, ba ngày sau, đười ươi mẹ đã ăn uống lại như ngày thường. Đối với tất cả các nhân viên của Công viên Văn hóa Đầm Sen, việc đười ươi sinh con là một điềm lành vì đây là trường hợp rất hiếm gặp trên thế giới”.

Bí quyết độc đáo tránh... đòn ghen cho đười ươi

Anh Trần Văn Hải cho biết thêm: “Khi Síp mang thai, trung tâm cũng thay đổi chế độ ăn uống, liều lượng thức ăn khác với chế độ ngày thường không là bao, chú trọng bồi bổ dưỡng chất nhiều hơn bằng cách cho chúng ăn với khẩu phần thức ăn nhiều hơn ngày thường là trái cây tươi, đẹp.. Vì đười ươi Sumatra là loài linh trưởng chỉ ăn trái cây, hạt và củ…mình phải lựa những loại tốt, có hàm lượng dinh dưỡng cao cho nó ăn. Thông thường, một ngày chúng tôi cho đười ươi ăn 3 - 4 bữa. Khi nó sinh đẻ, mình nấu chín thức ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh cho nó hơn, đồng thời sẽ cho nguồn sữa nhanh hơn để đáp ứng cho đười ươi con”.

Để đảm bảo an toàn cho đười ươi con, anh Lê Minh Tánh nói thêm: “Do đười ươi mới sinh nên chúng tôi phải tách chúng ra khỏi hai con đực; đồng thời giảm bớt tiếng ồn bằng việc tạm ngưng cho khách tham quan, để tránh mọi rủi ro về tâm lí cũng như đề phòng khách cho chúng thức ăn không phù hợp… Đồng thời cũng là để tránh tình trạng đười ươi mẹ thích đười ươi đực hơn sẽ bỏ bê việc chăm sóc con. Mặt khác, nếu để chúng ở chung với hai con đực thì chưa chắc hai con đực đó cảm nhận được con đười ươi con kia là con của nó. Vì thế, rất có khả năng nó nghen tỵ với vợ, rồi nó cắn con thì sao? Điều này không ai đảm bảo trước được nên ngay từ khi chưa sinh chúng tôi đã tách Síp lên chuồng trên để tránh hậu quả đáng tiếc”.

Nhân viên quản lý, chăm sóc ở đây cho hay: “Khi “vượt cạn” Síp cũng không cần đến sự trợ giúp của các cán bộ thú y. Tất cả đều là do bản năng loài, đười ươi sinh hạ rất tự nhiên, mọi việc tự tay lười ươi mẹ xoay sở. Chúng tôi chỉ đảm nhiệm công tác cung cấp thức ăn cho chúng mà thôi. Sau này, khi đười ươi con lớn lên, đười ươi mẹ sẽ tập cho nó biết đu, leo chèo, tập chuyền cành (nhân tạo), hoặc đười ươi con tự tập theo bản tính của loài”.

Ông Tánh cũng cho biết thêm: “Tất cả mọi loài động vật, muốn duy trì loài thì phải có công tác, kế hoạch bảo tồn hẳn hoi. Vì thế, ngay từ khi nhập chúng về, chúng tôi đã nuôi nhốt chúng cùng một chỗ để chúng làm quen, chơi đùa với nhau. Dù mình không làm chức năng bảo tồn nhưng việc nuôi nhốt chung đối với loài đười ươi không có hại gì cả. Kể cả mình kinh doanh hay phục vụ du khách thì vẫn nên cho chúng phối giống để nhân rộng cá thể cho trung tâm. Người nuôi thú dù dưới hình thức nào mà muốn bền vững, lâu dài thì phải cho nó phát triển toàn diện, kể cả tâm sinh lý…”.

Vấn đề mà các cán bộ quản lý ba con đười ươi Sumatra này bàn tán sôi nổi là bố đười ươi con là ai trong số hai con đực kia?. Nhưng anh Tánh cho biết, đó không phải là vấn đề quan trọng. Việc trước mắt của chúng tôi là làm sao chăm sóc tốt cho đười ươi con phát triển và khỏe mạnh. Dù sao thì nó cũng cùng một giống nòi. Anh Tánh hy vọng: “Giống đười ươi này có thể sinh đến 4 - 5 lần, hy vọng sau 2 năm nữa, khi đười ươi con lớn, nó có thể tách mẹ để sống độc lập. Lúc đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cho đười ươi phối giống để sinh đẻ, mong sao nó sẽ hạ sinh con cái để làm nhiệm vụ “nhân rộng” các thành viên trong gia đình đười ươi tại Đầm Sen. Vì thế, cứ coi hai con đười ươi đực kia cùng là bố của đười ươi con, chẳng sao cả”.

Trưng cầu du khách đặt tên cho đười ươi. Hiện tại, Công viên Văn hóa Đầm Sen đang trưng cầu ý kiến du khách về việc sẽ đặt tên khai sinh cho đười ươi con (thể lệ theo dõi trên trang web riêng của công viên này). Hy vọng đến ngày “đầy tháng”, đười ươi con sẽ có một cái tên thân thiện để bắt đầu làm quen với du khách đến thăm khu vườn thú. Trước đó, hai con vượn nuôi của Đầm Sen đã sinh con và hiện con của chúng rất khỏe mạnh.

Đăng Văn - Vân Hương