Loạn thiết bị quay cóp công nghệ cao

Loạn thiết bị quay cóp công nghệ cao

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Bên cạnh phần lớn các học sinh ngày đêm "luyện công" để "vượt vũ môn" còn có nhiều sĩ tử vẫn còn tỏ ra thờ ơ, tìm đường đi cho tương lai của mình bằng việc cầu may từ thiết bị quay cóp công nghệ cao.

Bởi thế, mới đây Bộ Giáo Dục & Đào tạo đã có công điện khẩn gửi Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH-CĐ, Học viện về việc chuẩn bị các phương án đảm bảo việc phòng ngừa gian lận công nghệ cao.

Các thiết bị công nghệ cao có thể phục vụ quay cóp của thí sinh được bày bán rất sẵn ở thị trường

“Ma trận” thiết bị công nghệ cao

Hiện nay, các thiết bị phục vụ quay cóp bằng công nghệ cao không còn lạ lẫm gì đối với các sĩ tử và các kỳ thi. Cứ bước vào mùa thi, những sản phẩm này lại bắt đầu "nóng". Tại Hà Nội, phố Lê Thanh Nghị, phố Huế, Thái Hà... được biết như là "kinh đô" của những thiết bị tinh vi này.

Tạt vào cửa hàng thiết bị vi tính trên đường Lê Thanh Nghị, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng mới thấy sự phong phú của thiết bị quay cóp với "ma trận" giá cả. Rẻ nhất là chiếc máy nghe nhạc MP4 có chức năng chạy chữ đến những chiếc máy công nghệ "đỉnh" như tai nghe không dây Bluetooth đủ các hãng như Samsung, Sony... có giá gần chục triệu. Chiếc tai nghe hiện đại nhất (theo lời quảng cáo của chủ cửa hàng) chỉ gồm 2 đầu tai bằng nhựa chỉ bằng hạt lạc và một chiếc máy kết nối nhỏ đúng bằng hai ngón tay. Khi vào phòng thi, chỉ cần thí sinh đeo tai nghe vào, người ở ngoài thoải mái nhắc bài.

Một chủ cửa hàng giới thiệu: "Trước lúc thi, các em hãy kết nối tai nghe bluetooth với thiết bị bên ngoài, sau đó nhét đầu nghe vào lỗ tai, đơn giản như vậy thôi. Còn về chất lượng âm thanh thì cực tốt. Tuy nhiên, thiết bị này con gái sử dụng sẽ phù hợp hơn con trai vì có thể lấy tóc để ngụỵ trang. Nếu học sinh nam muốn dùng thì phải kẹp vào đầu hai ngón tay, hơi bất tiện một chút. Tuy nhiên, phải tránh trường hợp nhiễu sóng" .

Tại cửa hàng này, các thiết bị công nghệ quay cóp có giá từ 700 nghìn đến 8 triệu đồng. Rẻ nhất là chiếc máy MP3 với kích thước chỉ nhỏ bằng ngón tay có dung lượng 512 Megabyte. Người sử dụng có thể copy bản (word) vào trong máy, khi xem, chỉ cần mở máy, dòng chữ sẽ chạy ngang qua màn hình. Hiện đại hơn, có nhiều thiết bị còn có khả năng phát được các đoạn ghi âm, xem được các file văn bản có đuôi TXT; DOC; PDF...

Tại cửa hàng Thiết bị số H.A trên phố Thái Hà, quận Đống Đa cũng bày bán la liệt các thiết bị quay cóp công nghệ cao như máy ghi âm, máy MP3, MP4, PMP... Điều đặc biệt là giá cả ở đây được nhiều học sinh đánh giá là khá "mềm" trong khu vực. Chúng tôi chỉ đứng tại cửa hàng 30 phút nhưng có đến 5 "sĩ tử" vào chọn máy.

Một nam học sinh cho biết: "Bây giờ phao "ruột mèo", giấy phim trong suốt, điện thoại di động... đã quá lạc hậu, không được nhiều học sinh chọn nữa vì rất dễ bị phát hiện. Còn sử dụng những thiết bị công nghệ cao biết đâu gặp những thầy cô "mù tịt" về công nghệ thì khéo léo một chút là có thể dùng được. Em cứ mua một chiếc PMP, mang vào phòng thi cho chắc, nếu giám thị coi dễ thì sẽ sử dụng".

Chiếc máy PMP mà cậu học sinh này chọn giá 1,2 triệu đồng, có chức năng đọc word, phát thanh qua tai nghe. Cậu này cho biết, chỉ cần ghi âm câu trả lời vào máy rồi luồn tai nghe vào trong tay áo. Đến khi nào nghe chỉ giả vờ ngồi suy nghĩ, áp tay vào tai là có thể chép bài được.

Kiểm soát có nghiêm ngặt hơn?

Đừng đặt hi vọng vào trò gian dối

"Việc quay cóp thường rơi vào những thí sinh muốn được vào giảng đường đại học nhưng không có kiến thức, lười học. Việc gì cũng có cái giá của nó, tôi khuyên các em nên thật thà trong việc thi cử vì tất cả các hành vi vi phạm của các thí sinh đều không thể qua mắt được giám thị. Hơn nữa, cứ cho là các em may mắn quay cóp được, rồi sau đó có đỗ được đại học thì trong quá trình học, không có kiến thức, các em cũng sẽ bị đào thải ngay. Còn khi bị phát hiện ra hành vi gian dối, bị đình chỉ thi người chịu thiệt thòi sẽ thuộc về các em và gia đình. Chính vì thế, đừng nên đặt hi vọng vào việc thi cử gian dối" .

(PGS. TS. Phạm Quang Dũng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng Hà Nội)

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Phạm Quang Dũng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng Hà Nội (phụ trách công tác tuyển sinh) cho biết: "Ngày 23/6, chúng tôi đã nhận được Công điện số 339/CĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo gửi các Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh đại học, học viện, cao đẳng. Trong công điện này cũng nhấn mạnh đến các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng công nghệ cao để đưa đề thi từ trong phòng thi ra ngoài và bài giải từ ngoài vào trong. Việc các thí sinh gian lận trong thi cử thì năm nào cũng có, tuy nhiên việc sử dụng công nghệ cao thì mấy năm gần đây mới xuất hiện".

Cũng theo PGS.TS Phạm Quang Dũng, Trường ĐH Xây Dựng sẽ áp dụng đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. “Trước khi thí sinh vào phòng thi, chúng tôi sẽ trực tiếp kiểm tra kỹ lưỡng để tránh trường hợp thí sinh mang trót lọt các thiết bị vào phòng”, ông Dũng cho biết.

Thầy Trương Nhật Vinh, giảng viên khoa Ngôn ngữ học, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) thừa nhận, việc phát hiện ra các thiết bị công nghệ số không phải là vấn đề đơn giản. Thầy Vinh cho biết, việc thí sinh sử dụng tài liệu để quay cóp làm bài là chuyện năm nào cũng diễn ra. Trên thực tế, mỗi kỳ thi đều có những thí sinh gian lận. “Năm ngoái, tôi nhớ không nhầm thì sau khi hết đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010, cả nước có tới hơn 100 trường hợp vi phạm quy chế mà phần lớn là mang điện thoại vào phòng thi”, thầy Vinh cho biết.

"Tôi cho rằng, việc phát hiện ra các thiết bị quay cóp công nghệ cao, tinh vi là một vấn đề cũng tương đối khó khăn, không phải ai cũng làm được. Bởi vì, nhiều trường đại học, cao đẳng thiếu giảng viên nên phải chọn thêm các sinh viên năm cuối, không có nhiều kinh nghiệm coi thi hoặc các giảng viên có kinh nghiệm nhưng lại không biết nhiều về sự tinh vi của các thiết bị công nghệ số", giảng viên Trương Nhật Vinh chia sẻ thêm.

Chương Lý