Loay hoay chứng minh sai – đúng

Loay hoay chứng minh sai – đúng

Thứ 2, 06/05/2013 | 13:58
0
Xác định thế nào là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, hoặc có vi phạm, nhưng chưa đến mức phải hủy án là câu hỏi đang gây nhiều tranh cãi.

Mỏi mắt chờ... công lý

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) tòa án cấp phúc thẩm chỉ có quyền hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung hoặc không thể khắc phục được. Thực tế cho thấy nhiều vụ án dân sự xét xử đi, xét xử lại, gây tốn thời gian, công sức và tiền của, có vụ án dân sự kéo dài 5 năm, 10 năm có vụ án lâu hơn nữa, nhưng việc khiếu kiện vẫn chưa đi đến hồi kết.

Cụ thể là vụ án dân sự phân chia tài sản chung của anh Vũ Văn Quân (SN 1974) và chị Nguyễn Thị Luyến (SN 1976) cùng ở thôn Thiên Đức, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Anh chị kết hôn năm 1995, năm 2006, anh chị thuận tình ly hôn. Về tài sản, anh Quân, chị Luyến vẫn ở chung với bố mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Thi, ông Vũ Văn Luận.

Ngày 29/6/2006, TAND huyện Lương Tài xét xử sơ thẩm về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng anh Quân chị Luyến. Mặc dù mảnh đất anh Quân chị Luyến đang ở đứng tên bà Thi, ông Luận, nhưng tòa án lại không triệu tập hai người này. Bản án sơ thẩm số 08/2006/HNGĐ-ST kết luận 1/2 tài sản là nhà và đất của bố mẹ anh Quân, nay thuộc quyền sở hữu của chị Luyến.

Ngày 18/4/2007, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm vụ án trên. Tòa phúc thẩm đã quyết định huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm số 08/HNGĐ-ST ngày 29/6/2006 của TAND huyện Lương Tài do vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

Điều đáng nói là mặc dù tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, nhưng bản án sơ thẩm vẫn có hiệu lực và vẫn được cơ quan thi hành án dân sự thi hành bằng cách... cưỡng chế. Khi bố mẹ anh Quân có đơn khiếu nại gửi đến TANDTC thì TANDTC lại trả đơn về TAND tỉnh, cứ như vậy đã hơn 5 năm  nay, sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, nhà và đất của bố mẹ anh Quân, sau khi bị cưỡng chế thi hành án đã trở thành bãi đất hoang tàn.

Luật sư - Loay hoay chứng minh sai – đúng

Luật sư Lê Việt Cường.

Vậy những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra và VKS có phải là căn cứ để tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm? Trao đổi với PV, luật sư Lê Việt Cường, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Theo tôi, nếu việc điều tra không đầy đủ không phải là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, thì tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy án sơ thẩm để xét xử lại. Còn các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra, nếu tòa án cấp phúc thẩm phát hiện khi xét xử phúc thẩm thì chỉ có thể kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét chứ không có quyền hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Đây là vấn đề rất cần có sự giải thích, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền".

Ranh giới mong manh

Nhiều luật sư cho rằng, khi một bản án bị hủy do vi phạm tố tụng nghiêm trọng, đó là điều đáng trách. Bởi chỉ khi thực hiện đúng trình tự tố tụng theo luật định, thì quyền lợi của các đương sự mới được đảm bảo. Hiện nay pháp luật tố tụng đã quy định khá đầy đủ và được Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn chi tiết cụ thể, thông qua các nghị quyết. Khác với hình sự, trong vụ án dân sự, đương sự có nghĩa vụ chứng minh, nên khi đương sự không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.

Theo một luật sư (xin được giấu tên) cho hay: Hiện nay, ngày càng nhiều vụ án vi phạm tố tụng, khiến cho người dân bức xúc. Nhưng thế nào là vi phạm tố tụng nghiêm trọng và vi phạm tố tụng chưa đến mức phải hủy, sửa án lại là vấn đề đang gây tranh cãi. Từng tham gia nhiều phiên tòa, tôi thấy nhiều bản án phúc thẩm thường nhận định: "Tuy có vi phạm về mặt tố tụng, nhưng chưa đến mức cần phải hủy, nên chỉ cần nêu ra cho cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm". Theo tôi, nhận định đó là vô trách nhiệm. Do vậy cần có chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với những người tiến hành tố tụng mà có án bị hủy, cụ thể là thẩm phán, chủ toạ phiên tòa bởi đó là người có quyền quyết định đối với từng bản án cụ thể. Có như vậy mới tránh được việc khiếu kiện kéo dài, xử đi xử lại, gây mất niềm tin của người dân vào pháp luật.       

Tại mục 4.4 Phần I Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có quy định: "Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp Bộ luật Tố tụng Hình sự qui định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành thủ tục đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện".

Lương Liễu

Vụ "ly hôn nghìn tỷ", có vi phạm tố tụng?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Việc tòa án cấp sơ thẩm hồi tháng tư không thụ lý, giải quyết yêu cầu về tài sản của anh Minh trong vụ ly hôn với con gái chủ tịch tập đoàn Bảo Sơn, mà giành quyền khởi kiện trong một vụ kiện khác trong trường hợp này có phải là vi phạm nghiêm trọng tố tụng?

Khổ vì... tố tụng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Gần 10 năm với nhiều bản án, vụ án cứ xử đi, xử lại vì "lỗi tố tụng" còn người có tài sản thì đau đáu nhìn tài sản của mình bị chiếm dụng mà không thể đòi lại được.