Lợi dụng dịch bệnh chân tay miệng để lừa đảo

Lợi dụng dịch bệnh chân tay miệng để lừa đảo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Vừa qua nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội đã bị kẻ xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang xuất hiện ở nhiều khu vực, giả danh cán bộ y tế đến phun thuốc phòng dịch lừa đảo để thu tiền của người dân. Nhiều người đã mất oan cả triệu đồng...

Thuốc ngừa là nước... rửa bồn cầu

Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội có 167 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân phân bổ rải rác tại 88 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã. Mặc dù chưa có trường hợp nào tử vong nhưng nếu không được phát hiện điều trị kịp thời thì di chứng để lại khá nguy hiểm.

Dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn diễn biến phức tạp

Đặc biệt đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em. Bệnh chân tay miệng là một bệnh có khả năng lây nhiễm cao, thời điểm đỉnh dịch là từ tháng 5 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 11. Chính vì thế mà nhiều kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của người dân để lừa đảo.

Chị Nguyễn Thị Dung ở Hà Đông bức xúc kể: "Nhà tôi có 4 tầng, mỗi tầng 60m2. Mặc dù chưa nghe thông tin là khu vực này có dịch nhưng nghe báo chí thông tin là bệnh diễn biến phức tạp, di chứng để lại khôn lường nên khi thấy có người nhận là nhân viên của một công ty chuyên đi phun các loại thuốc diệt côn trùng và thuốc ngừa bệnh tay chân miệng, tôi đồng ý cho họ vào nhà phun. Sau khi phun xong, họ đòi 3 triệu đồng”.

Chị Dung cũng cho biết, “Tôi trả trước 1 triệu hẹn cuối giờ chiều quay lại thanh toán nốt. Đến buổi trưa tôi nghi ngờ, tìm hiểu qua công ty cung cấp dịch vụ trên thì mới biết mình đã bị tính giá đắt gấp 4 lần thực tế. Tuy nhiên, thuốc mà họ lừa bán cho tôi không phải là thuốc phòng ngừa tay chân miệng mà là thuốc vệ sinh bồn cầu".

Không chỉ lợi dụng dịch tay chân miệng mà kẻ xấu còn tranh thủ mùa dịch sốt xuất huyết để lừa đảo những người dân nhẹ dạ cả tin. Chị Nguyễn Huyền Trang, ở Yên Phúc, Văn Quán, Hà Nội phân trần:

"Đang mùa dịch sốt xuất huyết cộng thêm thêm dịch chân tay miệng nên khi thấy có người xưng là cán bộ y tế đi xử lý, phun thuốc khử trùng môi trường thì tôi cũng nghĩ là họ làm theo chương trình. Vì thế khi có nhóm 3 người đến hỏi nhà có bao nhiêu người để biết lượng thuốc cần phải mua thì tôi cũng nghĩ chắc là phường có chủ trương. Sau khi khai thông tin, họ nói tôi ký vào giấy cung cấp thông tin và hóa đơn bán lẻ rồi thanh toán cho họ 700.000 đồng. Tôi thấy các hộ khác chỉ thanh toán 300.000 đồng nên không đồng ý thanh toán 700.000 đồng. Người thanh niên nói với tôi 300.000 đồng thì không đủ liều. Nhưng lúc hỏi những nhà xung quanh mới biết mình bị lừa".

Theo như đa số nạn nhân bị kẻ xấu lừa đảo thì thủ đoạn chung của bọn chúng là giả danh cán bộ, ăn mặc lịch sự, đi xe máy, đến từng nhà dân để bán thuốc khử trùng, tiêu hủy bồn cầu ngừa dịch bệnh. Nhìn mặt gia chủ mà chúng tùy cơ chém chặt hay lừa ít hay nhiều tiền bán, phun thuốc giả.

Thường chúng vào nhà, lúc đầu nói đây là chương trình toàn dân, hỏi tên chủ hộ nhằm làm cho chủ nhà lầm tưởng đây là thuốc phát miễn phí, rồi bảo họ ký tên. Sau khi ký, chúng mới đòi tiền. Nếu người nào thắc mắc sao chương trình bán thuốc này không thấy cán bộ trong phường phổ biến, thì chúng giải thích rằng đang tranh thủ làm ngoài giờ hành chính.

Nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng dịch bệnh, giả danh cán bộ y tế phun thuốc phòng dịch kiếm tiền. Ảnh minh họa

Những kẻ lừa đảo còn dùng "mánh" dò hỏi tên của một nhà đầu ngõ (thông qua trẻ con hoặc người bán nước), sau đó ghi tên vào danh sách, giả chữ ký của họ. Chính với thủ đoạn này mà nhiều người dân cứ ngỡ là hàng xóm nhà mình đã làm nên dễ bị bọn xấu lừa nhanh hơn. Quá trình ghi tên, ký nhận, giao thuốc đều tiến hành "nhanh như chảo chớp" khiến gia chủ không đủ thời gian để nhận biết.

Vừa lo đối phó dịch, vừa cảnh giác lừa đảo

Theo các bác sỹ tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội thì họ cũng đã nghe được một vài trường hợp phản ánh tình trạng nhiều kẻ xấu mạo danh cán bộ y tế, cán bộ phường đi phun thuốc phòng dịch bệnh. Đặc biệt khi mà bệnh chân tay miệng đang được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay.

TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết: "Trên địa bàn Hà Nội việc phun hóa chất sát khuẩn và hóa chất diệt côn trùng phòng chống dịch bệnh do cán bộ y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với trạm y tế xã, phường, thị trấn tiến hành, trong đó có sự tham gia của cán bộ tổ dân phố, hội phụ nữ. Không bao giờ có chuyện cán bộ y tế đi một mình mà không thông báo với chính quyền địa phương. Vì vậy người dân không nên chủ quan mắc lừa kẻ giả danh cán bộ y tế đến đề nghị phun xịt hóa chất".

Đỗ Thơm