Lời giải cho sự hưng – suy của đế chế Maya cổ đại

Lời giải cho sự hưng – suy của đế chế Maya cổ đại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Vì sao người Maya cổ có thể đạt được đến trình độ vượt bậc trên mọi lĩnh vực như vậy? Những ẩn số ban đầu đã hé mở, các nhà khoa học bắt đầu thấy được "ánh sáng" trên con đường khám phá lịch sử.

Hệ thống nước khổng l

Nằm trong khu vực có địa thế không mấy thuận lợi, toàn bộ khu vực thành phố Tikal (nay là đất nước Guatemala) của người Maya cổ liên tục hứng chịu những đợt khô hạn, không hề có 1 hạt mưa rơi trong vòng 4 tháng. Mặc dù vậy, nơi đây vẫn nổi tiếng là đô thị sầm uất, là trung tâm của nền văn minh tiên tiến bậc nhất châu Mỹ, đạt đến trình độ rất cao trên nhiều lĩnh vực, số dân có lúc lên tới 80.000 người vào năm 700. Rõ ràng, điều này hoàn toàn trái logic.

Một thành phố không được thời tiết và địa thế "ưu ái" lại có thể phát triển vượt bậc và tập trung dân cư đông đúc khiến các nhà khoa học càng muốn tìm hiểu nguyên nhân tạo ra cái đi ngược lại logic đó.

Mâu thuẫn thách thức giới khoa học trong một thời gian dài có lẽ sẽ chấm dứt trong thời gian tới bởi mới đây, các chuyên gia đã tìm thấy câu trả lời nằm ở hệ thống cung cấp nước vô cùng đặc biệt chưa từng biết đến. Phát biểu trên tạp chí Proceedings của viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, nhóm nghiên cứu về người Maya cổ cho hay, nhu cầu sử dụng nước của cả thành phố Tikal luôn được đáp ứng đầy đủ nhờ vào một loạt hồ chứa cùng hệ thống đường dẫn bố trí hết sức khoa học giúp dự trữ lượng nước từ mùa mưa kéo dài 8 tháng và "để dành" đến những tháng hạn hán sau đó.

Vernon Scarborough, nhà nhân chủng học tại đại học Cincinnati hồ hởi: "Cư dân nơi đây có thể sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước một cách bền vững trong khoảng 1.500 năm mà không bị gián đoạn". Scarborough và đồng nghiệp đã khai quật được nhiều hồ chứa, mương, kênh đào dẫn nước từ trên đỉnh đồi núi thành phố Tikal chảy xuống khu dân cư. Đây được coi là một trong những tiến bộ khá lớn về mặt công nghệ, đặc biệt thú vị hơn khi nó xuất hiện ngay thời cổ đại.

Con người bắt đầu xuất hiện ở Tikal từ 500 năm trước Công nguyên (TCN) và đạt đỉnh cao vào khoảng năm 700 - 900. Cuộc sống của nhóm cư dân đầu tiên chủ yếu phụ thuộc vào nguồn suối tự nhiên. Khi dân số tăng, lượng nước này trở nên ít ỏi, không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, người Tikal đã mở rộng những con kênh, lạch tự nhiên và ngăn nước thấm xuống đất bằng cách chuyển các tảng đá lớn thường để dựng nhà hoặc đền thờ vào hồ chứa. Loạt hồ chứa này có thể dự trữ hàng ngàn lít nước mưa, thậm chí là 74.631m3 nước.

Đồng thời, để tận dụng quá trình lọc tự nhiên của đất và cát, người Maya còn xây dựng hệ thống phân phối nước từ nguồn sông suối có sẵn chứ không lấp chúng lại, buộc dòng chảy phải đi qua nhiều lớp cát, nhờ đó mà rác rưởi hay các mảnh vụn bị giữ lại.

Xã hội - Lời giải cho sự hưng – suy của đế chế Maya cổ đại

Kim tự tháp của người Maya cổ

Tuy cuối cùng, nền văn minh Maya cổ đại vẫn sụp đổ do sức ép dân số và mức độ hạn hán ngày càng gia tăng, nhưng những sáng kiến mang đậm tính khoa học như trên hoàn toàn xứng đáng để con người hiện đại noi theo. Scarborough nhận định, trong điều kiện năng lượng đang dần khan hiếm, các giải pháp đơn giản, thân thiện với môi trường nên được con người ưu tiên hàng đầu và người Maya cổ đã có được kiến thức đó ngay từ những buổi đầu dựng nước.

Người Maya tự đẩy mình đến sự diệt vong

Thời kỳ nào rồi cũng đến hồi kết thúc, hưng thịnh rồi suy thoái. Đế chế Maya cổ cũng không nằm ngoài quy luật bất di bất dịch này. Họ phát triển và tồn tại trong khoảng 6 thế kỷ, đến khoảng năm 900, nền văn minh Maya bắt đầu sụp đổ. Nhiều câu hỏi được đặt ra, người Maya đã biến mất không có một lời giải thích, tại sao nền văn minh Maya đã đạt đến trình độ đỉnh cao rồi đột nhiên biến mất! Một nghiên cứu gần đây hết sức bất ngờ, khiến các nhà khoa học cũng phải bối rối. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính bản thân người Maya là một phần nguyên nhân làm đế chế hùng mạnh này bị suy tàn.

Bằng phương pháp mô phỏng mô hình thời tiết, các nhà khoa học tìm ra rằng, hạn hán vào thời gian đó hết sức nghiêm trọng nhưng người Maya dường như đã làm vấn đề thêm trầm trọng khi họ ra sức chặt phá rừng để lấy đất xây dựng thành phố và canh tác mùa màng. "Chúng tôi không nói rằng chặt phá rừng là toàn bộ nguyên nhân dẫn tới hạn hán, nhưng đó là lý do đáng kể dẫn tới tình trạng khô hạn ở nơi đây", Benjamin Cook, nhà khoa học nghiên cứu mô hình khí hậu ở ĐH Columbia và là trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định.

Qua quá trình mô phỏng lại tình hình thời tiết khi đó, ông Cook và các đồng nghiệp đã thử chuyển đổi từ trồng rừng sang trồng cây lương thực như ngô để theo dõi việc này làm thay đổi khí hậu như thế nào. Kết quả cho thấy khi tình trạng chặt phá rừng lên tới cực đại thì tình trạng hạn hán cũng tăng cao. Sự chuyển đổi từ cây rừng sang ngô làm giảm lượng nước chuyển từ đất lên khí quyển nguyên nhân chính khiến lượng mưa giảm mạnh.

Như vậy, sự suy tàn và biến mất của đế chế Maya cổ là kết quả tất yếu của mối tương quan giữa con người và môi trường phức tạp. Việc chặt phá rừng của người Maya làm tình trạng hạn hán thêm trầm trọng, hơn nữa, lại xảy ra đúng vào thời gian đế chế này lụi tàn và dân số giảm mạnh. Không chỉ vậy, yếu tố chính trị và xã hội cũng góp phần dẫn tới sự suy tàn. Những con đường thương mại phục vụ kinh doanh của con người Maya được chuyển từ đường bộ qua bán đảo Yucatán sang vận chuyển bằng tàu biển.

Sự thay đổi này khiến các thành bang yếu đi, kết hợp với các thách thức môi trường, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong xã hội. Cấu trúc kinh tế chính trị cũ yếu dần khiến tầng lớp nông dân và thợ thủ công cùng những thành phần khác bỏ nhà cửa và thành phố của mình để đi tìm cơ hội kinh tế mới ở những nơi khác, để lại các thành phố hoang tàn và suy vong.

Mặc dù những nghiên cứu và các bằng chứng thu được đã phần nào làm sáng tỏ những thắc mắc chưa từng được giải đáp của các nhà khoa học, nhưng vẫn có giả thuyết mang tính hoang đường được đặt ra: "Sau khi đã sử dụng hết những kiến thức độc nhất của mình, người Maya đã chuyển sang một dạng tồn tại khác". Tất nhiên, giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết, chứng minh các giả thuyết đó mới là điều khiến các nghiên cứu gia quan tâm và quyết tìm được câu trả lời.

Mãi cho đến bây giờ, sau bao năm khám phá và giải mã từ những đống hoang tàn còn lại của một đế chế hưng thịnh, một khám phá bất ngờ đến kinh ngạc vừa được các nhà khoa học công bố: Chính Maya - một dân tộc yêu hòa bình và thiên nhiên đã tự đưa nhau đến chỗ diệt vong.

Những bí ẩn về sự biến mất của họ đã được ghi chép lại trong văn tự cổ do Tom Sever, một nhà khảo cổ học làm việc với NaSa phát hiện. Dấu tích của người Maya chỉ có ba bản chép tay còn giữ được đến ngày nay ở Madrid (Tây Ban Nha), Dresden (Đức), Paris (Pháp).

Thực ra còn một vài trang sót lại từ bản thứ tư, gọi là bản chép tay Grolier. Phần lớn bản thứ tư chỉ là những mảnh vỡ hình chữ nhật có hình ảnh và chữ viết bằng sơn đã bị mờ và bị thời gian "xói mòn". Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã khiến cả nhân loại phải kinh ngạc bởi chúng chứng tỏ tri thức của người Maya đã đạt đến trình độ cao.

Ai Mai