Lời khai ngoan cố của cán bộ tỉnh 'cuỗm' 10 tỷ đồng

Lời khai ngoan cố của cán bộ tỉnh 'cuỗm' 10 tỷ đồng

Thứ 3, 29/01/2013 | 14:05
0
Với lời hứa sẽ xin việc, chạy dự án cho những ai có nhu cầu, Bùi Xuân Lâm - phó giám đốc trung tâm Văn hóa Thông tin (PGĐ TT VHTT) tỉnh Nghệ An đã tiếp xúc và nhận tiền của tổng cộng 195 người với số tiền gần 10 tỷ đồng.

Đốt hết số tiền lừa đảo bằng những cuộc vui, Bùi Xuân Lâm trở thành con nợ khi không xin được việc cho bất cứ ai. Nhận ra trò lừa đảo của vị PGĐ này, hàng chục người đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng. Tại phiên tòa vừa mới diễn ra, nhiều người càng bức xúc hơn khi Lâm vòng vo, chối tội, thậm chí còn "câu giờ" bằng cách kể công trạng của mình trước công đường.

"Cuỗm" gần 10 tỷ đồng bằng chiêu độc

Với chức danh khá "oách" là  PGĐ TT VHTT tỉnh Nghệ An, lợi dụng thời điểm việc làm ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn, cộng với sự nhẹ dạ của những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, Bùi Xuân Lâm đi đâu cũng hô hào và giới thiệu rằng, ông ta có thể lo được biên chế tại các cơ quan Nhà nước trong thời gian ngắn nhất cho bất cứ ai có đủ bằng cấp và... có tiền để ông đi "quan hệ".

Nhiều người nhẹ dạ đã tin tưởng, cầm hồ sơ tìm đến nhờ Lâm khiến cho "thu nhập" của ông này lên đến gần 10 tỷ đồng trong khoảng thời gian ít ỏi lên làm PGĐ TT VHTT tỉnh.

Nhưng “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma” và trò lừa đảo của Lâm cuối cùng cũng bị bại lộ. Sau một thời gian tìm hiểu và biết mình bị lừa, Nguyễn Thị Hoài (SN 1988), trú tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tốt nghiệp trường cao đẳng Du lịch năm 2009 đã gửi đơn tố cáo hành vi của ông này.

Theo đó, từ tháng 10/2010, qua người quen giới thiệu, biết chị Hoài có nhu cầu xin việc tại thành phố Vinh, Bùi Xuân Lâm đã ngỏ ý và cam kết có thể xin việc cho Hoài ở Thư viện Nghệ An, vào biên chế Nhà nước với số tiền "cứng" là 60 triệu đồng.

Miền trung - Lời khai ngoan cố của cán bộ tỉnh 'cuỗm' 10 tỷ đồng

Bị cáo Bùi Xuân Lâm tại phiên tòa.

Vì Lâm là PGĐ TT VHTT tỉnh nên gia đình Hoài tuyệt đối tin tưởng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hoài đã vận động bố mẹ đi vay mượn và đưa cho Lâm 50 triệu đồng đặt cọc. Nhận tiền xong, Lâm hứa 3 tháng sau Hoài sẽ được làm việc chính thức ở Thư viện tỉnh, không cần qua thử việc.

Yên tâm với lời hứa của vị PGĐ này, Hoài và gia đình đã chuẩn bị mọi thứ để đợi đến ngày đi làm. Nhưng đời có ai học được chữ ngờ, thấp thỏm chờ đợi nhưng đến ngày hẹn thì Lâm liên lạc lại với nội dung: "Chờ hội đồng thi tuyển công chức của tỉnh" duyệt lần cuối.

Một thời gian sau Lâm lại viện lý do: "Phải chờ Sở Nội vụ tổ chức thi". Là những người nông dân chân chất, không am hiểu việc tuyển sinh, gia đình Hoài cứ chờ đợi trong sự thấp thỏm. Sau cùng, bởi quá nóng ruột, Hoài đã nhờ bạn bè tìm hiểu thì được biết công tác tuyển cán bộ ở Thư viện không qua Sở Nội vụ tổ chức thi tuyển. Đem thắc mắc hỏi Lâm thì nhận được câu trả lời "cứ yên tâm chờ đợi", mọi thứ đâu sẽ vào đấy, vì ông ta có quan hệ "đặc biệt" với lãnh đạo Thư viện tỉnh.

Gần 20 tháng chờ đợi với hàng chục lần thất hẹn, Hoài và gia đình cảm thấy không an tâm, nhiều người thân khuyên Hoài nên tìm hiểu thực hư vì rất có thể bị lừa. Khăn gói, bắt xe xuống tận Thư viện tỉnh tìm hiểu, Hoài mới biết nơi đây không có chủ trương tuyển người. Biết chắc mình bị lừa, Hoài và gia đình liên lạc để đòi lại tiền nhưng các cuộc điện thoại gọi đến cho Bùi Xuân Lâm đều bị tắt máy.

Một điều đáng chú ý trong đơn tố cáo, Nguyễn Thị Hoài trình bày rằng trong thời gian chờ vào làm ở thư viện, ngoài trao đổi công việc, Lâm còn thường xuyên gọi điện, rủ rê Hoài đi chơi buổi tối và gửi những tin nhắn "trên mức tình cảm", trong đó nhấn mạnh "được việc hay không là do em". Những hành vi này, Hoài đều phản đối và cự tuyệt khiến Lâm tỏ ra khó chịu. Sau lần xuống tận thư viện tỉnh và biết mình bị lừa, ngày 4/1/2012, Hoài gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra.

Gây họa vẫn còn "nổ" vang trời

Không hẹn mà gặp, sau đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Hoài, chỉ trong một thời gian ngắn đầu năm 2012, CQĐT-công an tỉnh Nghệ An liên tiếp nhận hàng trăm đơn tố cáo Bùi Xuân Lâm về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng chiêu chạy việc. Trong những lá đơn hiện đang nằm ở công an tỉnh Nghệ An, người nhiều nhất tố cáo bị Lâm lừa 200 triệu đồng, người ít nhất bị lừa cũng lên tới 50 triệu đồng.

Sau một thời gian điều tra, tìm hiểu, chân dung vị PGĐ này cũng dần hiện ra. Bùi Xuân Lâm (SN 1978) quê xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), thường trú tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Tháng 10/2010, từ vị trí PGĐ TT VHTT huyện Anh Sơn, Lâm được đề bạt lên PGĐ TT VHTT tỉnh Nghệ An. Nhậm chức chỉ mới hơn 1 năm nhưng Lâm khá "nổi tiếng" về độ chơi khi đi xe xịn, dùng hàng hiệu và nổi tiếng là "thoáng" trong cơ quan.

Được biết,  ngày 9/12/2011, Bùi Xuân Lâm bất ngờ làm đơn xin nghỉ phép đến tận ngày 30/1/2012. Tuy nhiên, điều làm nhiều người bất ngờ là hết hạn nghỉ phép trên, Lâm vẫn không trở lại làm việc và cũng "bặt vô âm tín", đến người nhà là vợ cũng chẳng biết chồng mình đi đâu và đang làm gì.

Sau này, theo tìm hiểu người ta mới biết, Bùi Xuân Lâm bị nhiều người dọa giết vì chạy việc không thành nên tìm cách trốn nợ. Biết bản thân không thể trốn mãi được, chiều 10/2/2012, Bùi Xuân Lâm đã tìm đến phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, công an tỉnh Nghệ An để xin đầu thú.

Bùi Xuân Lâm thú nhận đã đứng ra nhận tiền để xin việc làm cho hàng trăm người, với tổng số tiền cả chục tỷ đồng. Chiêu thức của Lâm là tìm đến những người có nhu cầu và hứa hẹn sẽ xin được việc cho họ nhưng phải có tiền để ông ta "quan hệ".

Nếu ai đó tin tưởng, Bùi Xuân Lâm sẽ viết giấy nhận tiền dưới dạng cho vay nhận nợ. Trong gần 200 người nhờ Lâm xin việc, ông nhận tiền trực tiếp của 12 người, còn lại nhận qua môi giới tìm việc làm. Số tiền có được từ lừa đảo, chiếm đoạt của người xin việc, Bùi Xuân Lâm đã thoả sức “nướng” vào những cuộc vui.

Ngay lập tức, ngày 11/2/2012, công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Bùi Xuân Lâm tại TT VHTT tỉnh Nghệ An. Tại đây, các điều tra viên đã thu giữ 21 bộ hồ sơ xin việc, chủ yếu là những người thuộc địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh; 21 biên bản vay tiền, hẹn trả tiền; các văn bản thông báo tuyển sinh, mẫu đơn xin việc, một số bằng tốt nghiệp đại học y sao bản chính; đặc biệt là các biên bản giao nhận tiền, kí nhận tiền đặt cọc mà hầu hết số tiền được các "khổ chủ" đặt cọc từ 50 đến 100 triệu đồng.

Bởi vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều người và nhiều dự án khác nhau nên phiên toà xét xử Lâm đã phải diễn ra trong 2 ngày. Chiều 23/1/2013, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Bùi Xuân Lâm, nguyên PGĐ TT VHTT tỉnh Nghệ An 20 năm tù giam, buộc phải bồi thường gần 10 tỷ đồng cho các bị hại.

Theo cáo trạng, trong quá trình làm PGĐ TT VHTT tỉnh Nghệ An, Bùi Xuân Lâm đã luôn nghĩ cách để chiếm đoạt tiền của người khác. Với khả năng ăn nói lưu loát, Lâm luôn tự khoe mình là người nhà của các lãnh đạo trung ương và tỉnh, sắp được lên chức và có thể xin được việc làm, chạy dự án cho các công ty, tổ chức. Tin lời Lâm, 195 người đã mang hồ sơ và tổng cộng gần 10 tỷ đồng đến nhờ Lâm chạy việc, chạy dự án thi công các công trình trong tỉnh.

Sẵn sàng vung tiền tỷ vì mê tín

Gần 1 năm thu thập hồ sơ và tiến hành điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ, số tiền gần 10 tỷ đồng chiếm đoạt được Lâm dùng để trả nợ do kinh doanh thua lỗ, trả tiền lãi vay nóng của nhiều người. Được biết, Lâm còn là người rất mê tín và đã chi nhiều tỷ đồng cho hoạt động này.

Tại phiên tòa, Lâm vẫn một mực chối tội, thậm chí còn "nổ" khi khoe mình đã xin việc thành công cho hơn 500 người và nhiều dự án khác chứ không phải lừa đảo. Lâm chống chế, bản thân là cán bộ cao cấp của tỉnh, có học thức nên không thể đánh đổi bằng tiền bạc như vậy được. Tuy nhiên, những thanh minh của y chỉ làm cho hội trường ồ lên chế giễu. Mọi người cho rằng, cái giá mà Lâm phải trả là xác đáng sau tất cả những chuyện mà y đã gây ra.

Kim Thoa - Phạm Phạm

Giả danh cảnh sát hình sự đi lừa đảo khắp nơi

Thứ 6, 25/01/2013 | 08:23
Ở quê ra Hà Nội "lập nghiệp", y thường ăn mặc khá "bụi", tự rêu rao là cảnh sát hình sự chuyên đi bắt các đối tượng truy nã để tìm cách lừa những người nhẹ dạ cả tin.

Xét xử vụ lừa đảo gần 17 tỷ đồng của Báo Thanh Niên

Thứ 3, 15/01/2013 | 09:27
Trong lúc công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây trung tâm truyền số liệu, nhà khách, nhà ở cho cán bộ nhân viên dậm chân tại chỗ và đi vào bế tắc, báo Thanh Niên đã nhờ một thiếu tá công an quận Ba Đình, Hà Nội trực tiếp giúp sức.
Cùng chuyên mục

Nghệ An: Chưa có cơm tối, con trai đánh chết mẹ

Thứ 2, 09/12/2013 | 19:57
Dù mẹ già ốm nặng không gượng dậy nổi để nấu cơm nhưng Hoàng Khắc Thắng đã đánh mẹ đến ngất xỉu.

Quảng Nam: Bơi qua sông, một người chết đuối

Thứ 2, 09/12/2013 | 19:54
Vào ngày 9/12, thông tin từ chính quyền xã Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam) cho hay, một người đã chết đuối khi tự bơi qua sông.

Gia Lai: Công nông lật, 25 người nhập viện cấp cứu

Thứ 2, 09/12/2013 | 13:38
Chiếc xe công nông chở hơn 30 người dân tộc Bahnar đi thăm người quen ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai về, bất ngờ bị lật. 25 người phải vào viện cấp cứu.

Đảo lộn cuộc sống vì bị rác bủa vây

Chủ nhật, 08/12/2013 | 15:21
Mấy tháng nay, nhiều hộ dân ở khối 12, thị trấn Nghèn (Can Lộc – Hà Tĩnh) khốn khổ vì bãi tập kết rác thải sinh hoạt của địa phương đang trong tình trạng quá tải gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mùi nồng nặc hôi thối, ruồi nhặng và khói bụi khi đốt rác bay vào nhà người dân.

Hà Tĩnh: Tài xế gây tai nạn rồi bỏ trốn đã ra đầu thú

Chủ nhật, 08/12/2013 | 14:42
Ngày 8/12, thông tin từ CSGT huyện Kỳ Anh cho biết, tài xế gây ra vụ tai nạn chết người, khiến người dân dựng rạp trên QL1A tại khu vực Đèo Con đã ra đầu thú.