“Lời nguyền ma ám” ở Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM

“Lời nguyền ma ám” ở Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, những câu chuyện đồn đại tòa nhà cổ gồm 99 cánh cửa tại số 97A, đường Phó Đức Chính (phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM) có... ma khiến không ít người hoang mang, tò mò

Câu chuyện được người ta quan tâm hơn khi tòa nhà này nay là Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM, một trong những bảo tàng lớn nhất Việt Nam, nơi thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách mỗi năm. Phải đến khi nghe giám đốc bảo tàng, bà Mã Thanh Cao vạch mặt "con ma" trong ngôi nhà này, người ta mới ngỡ ngàng với những tình tiết chưa từng được công bố về tòa nhà cổ này.

Lời đồn Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM có ma hoàn toàn là nhảm nhí (Ảnh: Tường Vân).

"Con ma" tưởng tượng

Giai thoại về "hồn ma" trong tòa nhà này khiến người ta tò mò đến mức trước 1975 có cả một bộ phim tựa đề "Con ma nhà họ Hứa" (hãng phim Dạ Lý Hương, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, có sự diễn xuất diễn viên Bạch Tuyết, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Thanh Việt, Tùng Lâm, Năm Sa Đéc...) có nội dung dựa trên những gia thoại này. Đây là 1 trong những bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, dù kỹ xảo "nhát ma" lúc ấy được xếp vào hạng... thô sơ.

"Tòa nhà ấy có ma, hễ cứ vào những đêm mưa lại có tiếng khóc thét lên trong đó vọng ra khiến mọi người phải rùng mình", ông Quang, một người chạy xe ôm ở đường Nguyễn Thái Bình, thường đậu xe chờ khách bên hông Bảo tàng Mỹ thuật kể. Ông Hùng, đồng nghiệp của ông Quang chen thêm vào: "Có khi xuất hiện cả bóng ma trắng vật vờ trên những khung cửa, bóng ma ấy mang dáng dấp của một thiếu nữ".

Tỏ ra thấu hiểu ngọn ngành câu chuyện, ông Hùng "thao thao bất tuyệt": Những năm đầu thế kỷ 20, đây là ngôi nhà của thương gia người gốc Phúc Kiến, Trung Quốc, tên Hứa Bổn Hòa. Ông lập nghiệp bằng nghề buôn bán phế liệu. Nhờ vận may, ông mua được chiếc nệm cũ trong đó có một hũ vàng.

Sau khi "trúng mánh", ông xây dựng khu biệt thự là nơi sinh sống và làm việc cho gia đình mình gồm 3 căn nhà theo vòng cánh cung trên trục đường Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Nguyễn Thái Bình. Không rõ ông có bao nhiêu người con nhưng đều là "trai tài gái sắc" và đều được cho ra nước ngoài học tập. Tuy nhiên, không hiểu vì sao có 1 người con gái út không đi. Không lâu sau thời gian các anh trai đi, mọi người không còn thấy người con gái này nữa. "Cũng từ đó, những tiếng la hét hoảng loạn, tiếng khóc ai oán, những bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện liên tục xuất hiện trong khu nhà này, thậm chí có khi bóng ma còn ra ngoài đường... Và chắc chắn cô gái đã chết, bóng ma ấy chính là cô gái", ông Hùng thì thào vẻ sợ hãi.

Giai thoại này được nhiều người quanh khu vực đồn thổi và "thêm mắm thêm muối". Thử hỏi về nguyên nhân cái chết bí ẩn của cô gái, bà K., người bán nước ở khu vực này cho rằng: "Cô con gái của vị đại gia bị bệnh nan y vô phương cứu chữa, nhưng mất đột ngột vào giờ "trùng tang" nên gia đình mai táng sơ sài khiến hồn ma cứ hiện về như trách móc".

Đồn thổi giai thoại

Chúng tôi cũng ghi lại nhiều giai thoại đồn đại khác về câu chuyện mang tính liêu trai này. Người thì cho rằng vì xót con gái mất, đại gia không đưa con đi chôn cất mà đặt thi thể vào quan tài và đặt ở phòng con gái ở lúc còn sống, ngày ngày vẫn đều đặn mang cơm nước vờ như con gái còn sống để che giấu sự thật; có người thì lại cho rằng người con gái này mắc chứng bệnh phong cùi, tuy được gia đình cố gắng chữa trị nhưng không qua khỏi...

Bà K tiếp tục thì thào: "Mà cần gì biết đích xác nguyên nhân cái chết ấy hả chú? Chỉ biết rằng hồn ma của người con gái vắn số ấy chính là hồn ma tồn tại gần cả nửa thế kỷ nay. Hồn ma ấy vì không siêu thoát được cứ khóc than ai oán mỗi đêm".

Không chỉ có những đồn đại về hồn ma của người con gái, cuộc đời của ông Hứa Bổn Hòa cũng được người đời thêu dệt thành hàng chục câu chuyện khác nhau. Từ nguyên nhân giàu có, nguyên nhân cái chết của hai cha con ông Hòa... mỗi giai thoại mỗi khác. Thậm chí có không ít lời bàn tán cho rằng hồn ma quẩn quanh trong tòa nhà cổ không chỉ có 1 mà có đến 2, trong đó có cả hồn ma của ông Hòa. Thế nhưng khi được hỏi "liệu những câu chuyện vừa kể là sự thật", cả ông Quang, ông Hùng hay bà K. đều chung câu trả lời "tôi không chắc, tôi chỉ kể như những gì tôi được nghe".

Tòa nhà được thiết kế rất đẹp và độc đáo, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á - Âu, tường nhà được đúc kiên cố, dày từ 40 - 60cm. Còn có gia thoại khi thiết kế, dinh thự này có một trăm cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ. Thế nhưng, Toàn quyền Đông Dương khi duyệt thiết kế đã bắt chủ nhân bỏ đi một cửa và không được mở cổng chính với lý do cổng này to hơn cổng Dinh toàn quyền, vậy nên hiện nay dinh thự chỉ có 99 cửa. Tòa nhà cổ với dáng vẻ cổ kính khuất trong những tán cây âm u, rậm rạp gây cảm giác liêu trai càng tô đậm thêm những giai thoại huyễn hoặc, để từ đó xuất hiện ngày càng nhiều giai thoại hơn mà 1 số người cả tin vẫn thì thào truyền miệng cho nhau nghe.

Sự thật ngỡ ngàng

Lục tìm những tài liệu trong các kho tư liệu, chúng tôi được biết ngôi nhà nêu trên được xây dựng bởi ông Hứa Bổn Hòa - một đại gia "có máu mặt" nhất nhì Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX. Sau khi giải phóng miền Nam, những thành viên còn lại trong gia tộc nhà này đã sang nước ngoài và tòa nhà trở thành nhà hoang không chủ, được Nhà nước tiếp quản. Tòa nhà lần lượt được giao cho Đội tuyên truyền xung kích, Trung tâm thông tin triển lãm... quản lý và bắt đầu từ năm 1987 đến nay, tòa nhà cổ với hàng loạt giai thoại này chính thức là trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một trong những trung tâm mỹ thuật hàng đầu Việt Nam, lưu giữ hơn 20.000 tác phẩm mỹ thuật và mỹ nghệ dân gian qua nhiều thời kỳ lịch sử. Mỗi năm nơi đây thu hút hơn 200.000 lượt khách tham quan, trong đó gần phân nửa là du khách nước ngoài.

Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khẳng định: "Tuy vẫn tôn trọng những giai thoại liên quan đến tòa nhà nhưng tôi xin khẳng định ở đây không hề có ma như những lời thêu dệt đó. Không những bản thân tôi, mà tất cả những nhân viên, bảo vệ làm việc tại đây gần mấy chục năm, mọi người đều chưa từng một lần nhìn thấy "hồn ma" gì cả. Mỗi ngày¸ có rất nhiều sinh viên từ nhiều trường đại học, cao đẳng vào tận những ngóc ngách của tòa nhà để vẽ từ sáng đến tối mịt nhưng chúng tôi chưa hề nhận được phản hồi nào như những lời tương truyền kia".

Giám đốc Cao cho biết, để xua tan những giai thoại về ma tà trong tòa nhà này, bà cũng đã mất nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm những người có liên quan đến ngôi nhà, đặc việt là người thân trong gia tộc họ Hứa. Tháng 7/2006, những người họ hàng trong gia đình ông Hứa Bổn Hòa đang sinh sống và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới như Hồng Kông, Mỹ, Đài Loan, Singapor... đã về Việt Nam tham quan. Hay tin, bà Cao đã trực tiếp gặp những nhân chứng sống này và được biết sự thật ngỡ ngàng: "Khi đó, tôi có đề cập đến sự tò mò của mọi người về cuộc đời người con gái ông Hòa và được người cháu nội ông Hòa (hiện đã 91 tuổi) cho xem danh mục gia phả dòng tộc.

Sự thật thì ông Hòa chỉ có 3 người con trai mà không hề có bất cứ người con gái nào. Về giai thoại ông Hòa "giàu một cách bất ngờ" và xây được tòa nhà vì vớ được hũ vàng, người cháu nội cho biết: "Gia đình không giàu có từ nghề ve chai, càng không phải đào được vàng, tìm được kho báu... mà gia đình bắt đầu mưu sinh từ cửa hàng cầm đồ. Tòa nhà này trước đây đã từng là cửa hàng cầm đồ đầu tiên ở Sài Gòn, và với tiêu chí "đặt chữ Tín lên hàng đầu", công việc kinh doanh đã dần giúp gia đình phát đạt, giàu có, dần mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, xây dựng nhiều công trình lớn".

Được biết hiện nay, lãnh đạo ban giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vẫn thường xuyên liên lạc với các thành viên của họ hàng ông Hứa Bổn Hòa để được cung cấp lại những bản thiết kế, hồ sơ hoàn công của tòa nhà cũng như tìm hiểu thông tin về dòng họ, hình ảnh gia đình để qua đó có thể giúp khách tham quan hiểu rõ hơn. Bà Giám đốc cho biết thêm: "Những người trong gia tộc nhà họ Hứa rất vui mừng khi tòa nhà từng là nơi sinh sống của dòng họ mình đang là di tích kiến trúc thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới".

Bà Cao tâm sự: "Mặc dù vẫn có lời đồn thổi của một số người về những giai thoại hồn ma trong tòa nhà này, tuy nhiên không nên quan tâm đến những chuyện nhảm nhí đó. Bản thân chúng tôi khi được tiếp nhận một tòa nhà đồ sộ như thế này, lại nằm trong "khu đất vàng" của trung tâm Quận 1, chúng tôi chỉ biết cố gắng làm sao để tòa nhà đẹp hơn, bảo quản tốt hơn để tuổi thọ dài lâu hơn. Ngoài việc trùng tu gia cố những hạng mục bị hư vì tuổi thọ đã lâu năm, Bảo tàng còn tự làm đổi mới mình bằng cách mở rộng hệ thống trưng bày triển lãm, hoàn thiện những bộ sưu tập về mỹ thuật đặc sắc... để là điểm đến lý tưởng của khách tham quan".

Bảo Thanh