Lợi nhuận “cực khủng” từ bán hàng đa cấp

Lợi nhuận “cực khủng” từ bán hàng đa cấp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Một chiếc áo ngực giá 3 USD, qua tay Sinh Lợi lên đến 1,5 triệu đồng/cái, đèn pin Trung Quốc mua giá 0,5USD, bán 60.000 đồng, máy may mini Trung Quốc mua 2 USD, bán ra 420.000 đồng, máy tạo ozon Đài Loan mua 80 USD bán ra với giá 3 triệu đồng...

Bán hàng đa cấp xuất hiện lần đầu tiên ở TP.HCM năm 1998, do một nhóm người từ Đài Loan sang liên doanh với Công ty Inconmex. Sản phẩm mà họ rao bán đơn giản chỉ là chiếc nệm mút bình thường, nhưng qua các buổi tập huấn bán hàng, chiếc nệm mút này được biết đến như một sản phẩm thần kỳ, có tác dụng chữa “bách bệnh”. Vì thế, giá trị của món hàng được đẩy lên đến vài chục triệu đồng/tấm.

Xã hội - Lợi nhuận “cực khủng” từ bán hàng đa cấp

Tại trụ sở một công ty bán hàng đa cấp tập trung đông người tham gia

Tháng 12/2000, Công ty Sinh Lợi xuất hiện, rao tuyển nhân viên rầm rộ, với những lời hứa hẹn hoa mỹ: “Làm chức càng cao sẽ được cấp xe, nhà cửa và sẽ có trong tay 5 tỷ đồng chỉ sau một năm làm hội viên”. Sinh Lợi cho ra nhiều loại sản phẩm đa dạng như hàng điện tử do các tổ hợp nhỏ ở TP.HCM sản xuất, được “lên đời” bởi nhãn mác ngoại mang cái tên chẳng ai biết tới: Peehuang, rồi rao bán với giá “trên trời dưới đất”. Chẳng hạn, mặt hàng đầu đĩa Peehuang giá 2 triệu đồng, bán ra từ 4 đến 5 triệu đồng (tổng cộng, Sinh Lợi đã bán được 957 cái, thu về hơn 4 tỷ đồng). Một chiếc áo ngực giá 3 USD, qua tay Sinh Lợi lên đến 1,5 triệu đồng/cái, đèn pin Trung Quốc mua giá 0,5USD, bán 60.000 đồng, máy may mini Trung Quốc mua 2 USD, bán ra 420.000 đồng, máy tạo ozon Đài Loan mua 80 USD bán ra với giá 3 triệu đồng…

Thấy Công ty Sinh Lợi làm ăn thu lời cao, nhiều doanh nghiệp khác cũng nhảy vào kinh doanh đa cấp như: L.H, N.I, T.H.V, T.X, L.X, P.L, T.G.H.M, Q… Mỗi nơi bán mỗi loại hàng hóa nhưng cùng một chiêu thức “dùng người dụ người” bỏ ra một số tiền nhất định để mua sản phẩm, rồi sau đó chỉ cần ngồi mát hưởng hoa hồng từ những người bị lôi kéo tham gia.

Hiện nay, các phương tin thông tin đại chúng đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo người dân về tình trạng lừa gạt bán những sản phẩm đa cấp nhưng tại sao hàng ngày vẫn có người bị lừa gạt?. Theo các chuyên gia kinh tế, thứ nhất, tất cả phân phối viên khi đã bước vào kinh doanh bán hàng đa cấp đều hiểu rằng mình đang bị lừa, nhưng vì lợi nhuận họ nhắm mắt làm ngơ, trở thành kẻ tiếp tay, dụ dỗ thêm nhiều người khác, thậm chí cả người thân và bạn bè vào mạng lưới để hưởng hoa hồng nhiều hơn. Cứ như thế, chuỗi lừa nhau âm thầm hoạt động và kéo dài đến vô tận.

Thứ hai, cơ quan chức năng vẫn còn nhiều lúng túng trong cách quản lý hoạt động này. Kinh doanh đa cấp vào Việt Nam từ năm 1998, nhưng mãi đến năm 2005, Chính phủ mới ban hành Nghị định 110 thừa nhận tính hợp pháp, đến nay, đã có 8 đơn vị được cấp phép. Tuy nhiên, ông Trần Vinh Nhung - phó giám đốc Sở Thương mại TP.HCM, thừa nhận: “Nhiều đơn vị tổ chức bán hàng đa cấp chưa được cấp phép nhưng hoạt động lén lút nên cũng không dễ phát hiện. Đối với những đơn vị có phép, cơ quan chức năng cũng vấp phải nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát hoạt động. Chẳng hạn, dạng vi phạm “ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm, mới được trở thành phân phối viên”, rồi công ty “đổ thừa” do mạng lưới phân phối viên tự ép nhau, chứ không phải do chủ trương của công ty. Chưa kể, Sở Thương mại không có quyền thực hiện các chế tài với sai phạm của các công ty đa cấp”.

Ngoài ra, vì mạng lưới đa cấp lôi kéo hàng chục ngàn người tham gia, nên khi “động vào” tức là động đến những con người cụ thể. Vì vậy, khi đoàn kiểm tra đến là họ phản ứng ngay. Chưa kể những người trực tiếp đi kiểm tra luôn đứng trước những băn khoăn, nếu xử lý những sai phạm của công ty này rồi thì số phận những con người kia sẽ ra sao?.

Ông Nguyễn Trí Vị, đội trưởng Đội Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, ngày 23/6/2006, Sinh Lợi – một trong những công ty bán hàng đa cấp đầu tiên tại TP.HCM - đã bị Đoàn thanh tra của Sở Thương mại TP.HCM tạm giữ giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp do có nhiều hành vi gian lận trong kinh doanh và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tương tự, Trường Ngoại ngữ SITC, với chiêu bài dụ học viên kiểu đa cấp, sau hai năm quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam cũng đã bị loại bỏ. Hiện nay, trên thực tế còn rất nhiều công ty đa cấp núp dưới bóng bán hàng điện tử, hàng tiêu dùng… với những chiêu bài, thủ đoạn tinh vi nên rất khó bị các cơ quan chức năng phát hiện.

Quyết Thắng


Tag: sinh lợi