Lợi nhuận kếch xù chảy vào túi ai?

Lợi nhuận kếch xù chảy vào túi ai?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Chỉ cần lôi "máy chém" đặt trước barie ra vào, nghiễm nhiêm những ông chủ điểm trông giữ ô tô, xe máy trên địa bàn Hà Nội phút chốc thành "đại gia" với doanh thu hàng tháng có thể chạm ngưỡng hàng tỷ đồng.

Biết bị móc túi trắng trợn, nhưng người dân vẫn phải chấp nhận sống chung với... "lũ". Trong khi đó, lực lượng chức năng có gắng sức vào cuộc cũng như "muối bỏ bể".

Xã hội - Lợi nhuận kếch xù chảy vào túi ai?

Đậu xe bất chấp luật giao thông trên phố Đào Tấn (Hà Nội)

Luật riêng ở các bãi trông xe

Không quá khó để vạch rõ những chiêu làm tiền ở các điểm trông giữ xe trên địa bàn TP. Hà Nội. Nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến đó là điểm trông giữ xe ô tô tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (khu vực luôn được nhiều người dân phản ánh thu mức giá phí rất cao lên tới 50.000 - 60.000đồng/lượt - PV). Sau khi trôi xe qua một hàng dài ô tô, quan sát có một hai chỗ trống, chúng tôi quyết định đánh xe vào bãi gửi.

Tuy nhiên, khi xe chưa kịp vào bãi đã thấy một nhân viên mặc trang phục xanh chạy ra quát tháo: "Hết chỗ, đi chỗ khác gửi". Cố tỏ vẻ nài nỉ, anh này xẵng giọng: "Hết chỗ là hết chỗ". Khi tôi chỉ vào chỗ trống, anh ta lại cáu gắt: "Chỗ đó đã có người đăng ký, muốn mua lại là 40.000 đồng, gửi thì gửi". Ngậm đắng, chúng tôi đành lùi xe tìm nơi khác.

Tiếp tục đảo qua các điểm đỗ xe khác tại khu vực hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất, trục đường Quang Trung cho thấy số lượng xe đỗ rất đông (mỗi bãi số lượng xe khoảng 100 - 200 xe, có nơi lên tới 700 - 800 xe) nhưng tất cả đều kín chỗ. Đi hết đường Quang Trung tới đoạn vườn hoa Tràng Thi - Nhà Chung, chúng tôi mới tìm được chỗ gửi xe, lúc này đồng hồ chỉ 15h55’. Vừa cho xe vào lề đường đã có một người phụ nữ mặc áo trắng nhạt thuộc Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội chạy ra, nói cộc lốc: "Chỉ trông đến 16h30’ đồng ý thì trả mức phí là 10.000đồng/lượt".

Chấp nhận trả tiền, nhưng khi chúng tôi yêu cầu có vé thì chị này trả lời nhát gừng: "Có vé, ai bảo không vé". Vừa nói chị ta móc túi lấy ra tập vé mỏng dính, được kẹp trong cuốn sổ nhỏ, xé và ngoáy dòng chữ đưa cho khách. Cầm tấm vé gửi xe trên tay anh bạn đồng nghiệp ngán ngẩm khi nhìn thấy trong chỗ ghi số xe, giờ xe vào, giờ xe ra, ngày tháng năm... đều bị bỏ trống, chỉ duy nhất ghi giờ xe ra là 16h30’.

Chưa thỏa mãn, chúng tôi lại dong xe tới bãi giữ xe trên phố Hoàng Đạo Thúy (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), tại đây được nhân viên hô giá phí ô tô là 20.000 đồng/lượt. Sau khi hỏi mức giá gửi qua đêm là bao nhiêu thì nhận được câu trả lời 50.000 đồng. Tỏ vẻ thắc mắc gửi có một lúc sao lại 20.000 đồng trong khi quy định có 10.000 đồng thì người nhân viên này trả lời: "Đây thu 20.000, quy định đã thế, vào bãi thì xe nào cũng thu như nhau, không tính thời gian"?! Tuy nhiên, khác với điểm trông xe trước, khi được đòi vé, nhân viên ở đây một mực từ chối với lý do, chỉ cấp vé cho xe gửi qua đêm, còn không đồng ý thì "đánh xe đi nơi khác".

Đường chưa xong, bãi đỗ xe đã có

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong khoảng thời gian 1-2 năm trở lại đây UBND TP.Hà Nội có chủ trương giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội cải tạo, chỉnh trang làm đường, lát gạch, trồng công viên cây xanh dọc hai bên bờ sông Tô Lịch (kéo dài qua các quận huyện như Cầu Giấy, Hoàng Mai). Thế nhưng, khi các đoạn đường ở dọc hai bên bờ sông này chưa được hoàn thiện đã được Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp giấp phép) sơn kẻ vạch làm nơi trông giữ xe.

Liên quan tới việc này, ông Nguyễn Hải Đăng, phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết: Có một số điểm trông giữ xe trên địa bàn phường rất bất hợp lý. Bất hợp lý ở ngay cả chỗ khi đoạn đường Nguyễn Khang còn đang dang dở, xây dựng (liên quan tới dự án cải tạo hai bên bờ sông Tô Lịch) cũng đã được cấp phép và Công ty được cấp phép nhận trông giữ xe.

Tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cũng rơi vào cảnh tương tự, tại khu vực này trong dự án được phê duyệt sẽ được lát vỉa hè, tạo một khu công viên cây xanh nhưng chẳng hiểu vì lý do gì Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đồng ý tạm bàn giao cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý, sử dụng làm điểm trông giữ xe thông minh. Bác N.V.S, trú tại tổ 24, cụm dân cư Kim Văn (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, HN) bức xúc: "Bà con dân phố chúng tôi từ lâu đã phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của dòng sông Tô Lịch. Trước kia tình trạng rác, phế thải xây dựng chồng chất đống, là nơi tụ tập của các con nghiện hút hít".

Mặt khác, nhiều người dân nơi đây còn cho biết, khi thành phố phê duyệt và cho thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, làm đường dọc hai bờ sông Tô Lịch (triển khai từ năm 2010 đến hết quý 2/2012 sẽ hoàn thành - PV) người dân khấp khởi vì cảnh quan môi trường sẽ được bảo vệ, quan trọng nhất là lá phổi xanh với khu vườn hoa cây xanh sẽ tạo ra một diện mạo mới sẽ giúp bà con cân bằng môi trường sống.

"Chưa thấy dự án đâu đã thấy Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nhao vào lấy đất làm bãi đỗ xe. Đúng ra, bãi đỗ xe phải ở xa khu dân cư, có như vậy mới chống được ô nhiễm môi trường, tiếng động”... một người dân bức xúc nói.

Lợi nhuận chảy vào túi ai?

Thực tế cho thấy, việc thu phí tại các điểm trông giữ xe hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội hết sức phức tạp, nếu không muốn nói là một thị trường với muôn hình... "máy chém". Theo ước tính sau một ngày PV Nguoiduatin.vn bỏ công quan sát điểm trông giữ xe ở bệnh viện Đại học Y (Hà Nội), thì với lượng xe ra vào khoảng trên dưới 50 xe ô tô, được tính theo mức giá 20.000 đồng/xe, thu nhập mỗi ngày tại điểm này chỉ tính riêng ô tô cũng chạm ngưỡng hàng triệu đồng.

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn về tình trạng các bãi đỗ xe trên địa bàn, ông Giang Chí Trung, phó phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết: Theo Quyết định 11 của UBND TP Hà Nội thì Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chủ trì, cấp phép hoạt động trông giữ xe đối với lòng đường. Còn quận chỉ quản lý về phần vỉa hè. Các lực lượng chức năng trên địa bàn quận cũng đang triển khai kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trông giữ xe trên địa bàn như vượt quá diện tích được giao, thu mức giá phí quá cao so với quy định...”.

Đó là chưa kể hàng trăm lượt xe máy (có giá từ 2.000 - 3.000 đồng tùy từng ca) và tiền mỗi chiếc ô tô gửi qua đêm được tận thu đến 40.000 đồng/xe, cũng có thể nhẩm tính, một tháng, số tiền thu được từ điểm trông giữ xe này cũng đạt mốc hàng trăm triệu đồng. Nhưng từ thực thu đến khi tiền được nộp vào ngân sách nhà là bao nhiêu thì chỉ có ông chủ trông xe mới tỏ.

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, trung tá Lưu Văn Trượng, đội trưởng Đội Giao thông Bưu điện (Công an TP. Hà Nội) cho biết: Hầu hết các điểm trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp đều có các vi phạm như: thu tiền không có vé, hóa đơn, biên lai; Thu tiền cao hơn mức quy định, tổ chức trông giữ không đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, phòng cháy chữa cháy và không kê khai nộp thuế. Những vi phạm trên đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm thất thu cho ngân sánh nhà nước. Đáng nói, tại các điểm trông giữ xe do các doanh nghiệp được giao bằng hình thức khoán thu, đấu thầu xảy ra vi phạm thường xuyên hơn, mức độ vi phạm cao hơn. Có nơi, như bãi xe của HTX Láng Hạ (địa chỉ: 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội) còn công khai vi phạm bằng việc niêm yết giá xe trên bảng với mức 30.000 đồng /xe ô tô và 5.000 đồng /xe máy.

Thậm chí, theo số liệu của CA TP. Hà Nội, còn có những vụ điển hình như: điểm trông giữ ô tô của Ban quản lý dự án dân dụng (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam - 11 Cửa Bắc), được lập trái phép, thu tiền cao hơn quy định, không kê khai nộp thuế với doanh thu khoảng 1 tỷ đồng; Các điểm trông giữ xe như: 15 Thành Công (Ba Đình, HN), trước cổng Bệnh viện nội tiết, 73 cầu Gỗ đều vi phạm trông giữ xe, thu tiền vượt quá quy định từ 30 - 50%.

Quỳnh Chi - Vương Trần

Kỳ tới: Nhận diện những ông "trùm" bảo kê... vỉa hè