Lời thề giữ đảo của “nữ chúa” hòn Mây Rút

Lời thề giữ đảo của “nữ chúa” hòn Mây Rút

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Cụ Bảy Yên ngồi bó gối, nhìn xa xăm ra mênh mông biển nước, đếm ngón tay nhẩm tính: "Mới đó mà đã hơn 50 năm sinh sống trên đảo. Đói nhiều hơn no, yên bình có, nhưng thiên tai hoạn nạn thì như cơm bữa". Vậy mà năm lần bảy lượt chính quyền, bà con khuyên mãi, cụ vẫn nhất định không vào đất liền.

Dạt đảo

Hòn Mây Rút ngoài nằm cực Tây của vịnh An Thới, có nghĩa là xa hơn thì không còn hòn, ụ nào nữa, ở đó duy chỉ có một gia đình cố cựu hơn nửa thế kỷ sinh sống. Người đầu tiên đi khai phá đảo nay vẫn còn minh mẫn. Chúng tôi đặt chân lên hòn Mây Rút, men theo con lộ dẫn vào chỗ những ngọn dừa, nơi có căn nhà duy nhất ở mạn bắc của đảo.

Trận mưa trước đó làm nhòa dấu chân người, chỉ còn mấy mẫu chân chó vờn nhau nham nhở trên nền cát. Thấy người lạ, lũ chó đến độ bảy tám con lao ra vây quanh sủa inh ỏi. Nghe tiếng chó sủa, hai người phụ nữ trong ngôi nhà tuềnh toàng bước ra. Vẫn là ánh mắt lạ lẫm và những câu hỏi của người quanh năm trên đảo, đại loại là "ở đâu đến, tìm ai và đến làm gì?". Khi biết tôi là nhà báo thì những câu chuyện mới bắt đầu.

Xã hội - Lời thề giữ đảo của “nữ chúa” hòn Mây Rút

Mẹ con cụ Bảy Yên.

Nhà lúc này chỉ có 2 người phụ nữ, một già và một trẻ cùng đàn chó xoáy có bờm trên lưng, một loài chó khôn, trung thành với chủ, đặc trưng duy chỉ có ở Phú Quốc và những hòn đảo lân cận. Do tìm hiểu trước đó nên chỉ thoáng nhìn, tôi biết ngay người già là bà cụ Bảy Yên, còn người phụ nữ trẻ hơn tên là Tám Nữ. Bà Tám Nữ là con thứ 8 của cụ Bảy Yên hiện sống ở đảo phụng dưỡng mẹ già. Năm nay đã 84 tuổi, tóc bạc như cước nhưng cụ Bảy Yên rất minh mẫn. Tiếp xúc với cụ, tôi thấy cụ rất kiệm lời. Có lẽ đó cũng là đặc trưng của những người sống nơi đảo xa, giữa mênh mông sóng nước.

Cụ tên thật là Trần Thị Thiêu, quê mãi trong huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Chồng là ông Phạm Văn Yên (mất được 7 năm) làm cách mạng, bị chế độ cũ truy bắt nên dắt vợ con chạy ra Phú Quốc. Để an toàn, cả gia đình tiếp tục chạy xuống hướng nam, rồi nhờ một chiếc ghe đánh lưới dong ra hòn Mây Rút. Ngày lên đảo, vợ chồng và 6 đứa con, chỉ có một ít gạo, mỗi người một bộ quần áo và duy nhất 1 con dao. Trong muôn vàn khó khăn, cuộc sống lại bắt đầu từ những đôi bàn tay trắng.

"Hồi mới ra cực lắm con ơi, gạo không có ăn, nhà không có ở, quần áo không có mặc", bà gói gọn ký ức những ngày đầu tiên của năm 1960 bước chân lên đảo như thế. Ngồi kế bên, bà Tám Nữ nói thêm: "Lúc đó tôi mới 8 tuổi, không biết một ngày no, em tôi đói khóc cả ngày, ba mẹ tôi phải làm việc quần quật mà không đủ ăn".

Bà Tám Nữ nay đã 60 tuổi, tóc pha sương, mang nỗi buồn miên man của phận nữ không con, lại ở đảo xa cách biệt. Chẳng là vợ chồng bà lấy nhau mấy chục năm, nhưng vẫn không có con. Xin được đứa con người khác, nuôi khôn lớn thì nó lại bỏ bà đi biệt tích, vì không chịu được cảnh đảo xa. Và, chính môi trường đảo xa đã biến bà thành người ăn sóng nói gió, bà cười bảo: "Tôi làm nghề biển, làm những công việc của cánh đàn ông, phải ăn to, nói lớn để át tiếng sóng, nên từ hình dáng đến tính cách ai cũng bảo tôi mang lầm hình hài phụ nữ".

Đứng vững trong khốn khó

Xứ đảo cách biệt, cuộc sống khốn khó lại kém hiểu biết, con cái lần lượt ra đời như cây khoai cây sắn sinh củ, đẻ nhánh. Cụ Bảy Yên bảo: "Có khi mỗi năm sinh một đứa, lúc lại 3 năm 2 đứa, chẳng mấy chốc mà đã 16 đứa con. Nhưng chúng chết vì bom đạn, bệnh tật cũng nhiều con ạ". Cụ vẫn nhớ như in những ngày nuôi con trong khốn khó. Lúc trở trời thiếu chăn đắp, mưa bão không có áo mang, vợ chồng con cái đốn cây rừng đốt để sưởi ấm. Mọi thứ đều như thử thách tinh thần con người. Ngày đó biển khơi quanh năm hiu hắt, họa hoằn lắm mới có một vài chiếc ghe ghé bờ xin nước, thương tình lắm thì họ cho bộ quần áo, mọi người lại thay nhau mặc.

Đàn con cụ Bảy Yên chẳng ai biết nổi cái chữ. Để có phương tiện mưu sinh, cha con phải kết bè bằng cây rừng để đi câu, đi lặn. Lâu lâu gom được ít hải sản lại ngóng ghe ai đó quá giang vào đảo Phú Quốc bán đổi gạo, muối, bột ngọt. Sau này dành dụm được chút ít tiền thì sắm thêm con đò nhỏ chèo qua lại giữa đôi bờ.

Cụ Bảy Yên trầm buồn: "Ngày đó mỗi người một manh áo, ngày đi biển ướt nhẹp, đêm về không có áo thay, chúng tôi phải chia nhau ra rừng cởi phơi, khi nào khô mới mặc vào về nhà. Nên có áo thì cũng quý như có gạo, con à". Cụ lại nghiện ăn trầu, đảo xa không có, đành phải vạc vỏ dừa, bứt lá cách (một loại lá rừng có màu đỏ) kèm cây san hô, trọm trẹm nhai cho đỡ thèm. Để có thêm cái ăn, cụ Bảy Yên trồng cây ăn quả. Ngày đi biển, đêm cụ cùng các con chặt cây rừng, khai khẩn đất hoang. Chỗ đất phẳng trồng rau, nơi cao trồng dừa, ổi, mãng cầu... chẳng mấy chốc hòn đảo hoang vắng mướt mát cây, sai quả trái. Mỗi mùa, ngoài cho con cái ăn, cụ còn mang đem bán, đổi cho các ghe thuyền đánh cá.

Xã hội - Lời thề giữ đảo của “nữ chúa” hòn Mây Rút (Hình 2).

Những năm tháng khổ ải trên đảo còn hằn sâu trong ký ức cụ Bảy Yên.

Trung thành với đảo

"Thế ở đảo, lúc ốm đau, bệnh tật mọi người phải tính thế nào?", tôi hỏi. Cụ Bảy Yên lại cười: "Ở đây mà bệnh tật, vào được trong Phú Quốc thì cũng chết đến nơi. Chúng tôi tự trị bệnh bằng cách tìm cây rừng, như mật nhân, rồi mấy cái lá khác sắc lên uống. Hình như trời thương chúng tôi, nên uống hoài bệnh cũng hết". Còn để chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài, vợ chồng cụ Bảy Yên bảo nhau làm đường quanh đảo.

Nhờ những bàn tay không ngại khốn khó, chẳng mấy chốc từ đông sang tây, từ đầu đến cuối đảo mòn dấu chân người. Rồi những đứa con cụ Bảy Yên lớn lên lần lượt lấy vợ, gả chồng. Lúc con đến tuổi, cụ Bảy Yên thường về trong đất liền đi làm mai, làm mối, rồi đưa ra đảo xem mặt. Đến nay, tất cả đã yên bề gia thất. Mà chuyện vợ chồng ở hòn đảo này cũng thật lạ, lấy trước yêu sau. Về với nhau, qua những thử thách khốn khó tình yêu càng thêm mặn mà thủy chung. Bà Tám Nữ lại cười: "Ở đây, vợ chồng mà cãi nhau thì khi chán biết bỏ đi đâu hả chú, một bước là biển rồi, muốn vào đất liền, bơi cũng đâu có đặng". Đó là bà nói vui, chứ thực ra, lao động suốt ngày, đùm bọc thương nhau chưa đủ, thời gian đâu để còn giận dỗi?

Có người bảo, gia đình cụ Bảy Yên sướng, một mình riêng một hòn đảo, đất rộng mênh mông, cá tôm đầy biển. Nhưng ai biết được rằng, để có ngày hôm nay, những con người ấy phải rỏ mồ hôi, qua bao gian khó, mà chưa một lần có ý định rời đảo. Bà Tám Nữ còn nhớ, năm 1979 khi bọn Pônpot (Campuchia) kéo tàu sang, đổ bộ lên đảo tìm người để giết, cả nhà dẫn nhau leo lên ngọn dừa trốn. Sau khi lục soát chỉ có nhà hoang, chúng tưởng người đã di tản nên chỉ bắt mấy con gà, chó đánh chén rồi rút hẳn. Xong đận đó, cha mẹ con cái lại xốc lại nhà cửa, tiếp tục bám đảo.

Những năm tháng vất vả, vui buồn, tất cả thành viên đại gia đình ấy và biển trời sóng nước chứng kiến. Những năm gần đây vùng hải đảo này quy hoạch làm khu du lịch, một số người giàu ở đất liền ra gạ mẹ con cụ Bảy Yên bán đất với giá hơn 3 tỷ đồng. Nhưng đồng tiền không đủ sức thuyết phục những con người từng thấm một phần mồ hôi, xương máu với đảo, nên họ vẫn ở lại. Chia tay chúng tôi, mẹ con cụ Bảy Yên rơm rớm nước mắt nhắn nhủ: "Dù như thế nào thì chúng tôi cũng sẽ không rời đảo. Tôi, con tôi, cháu tôi sẽ sinh sống và chết trên hòn đảo này thôi".

Kỳ Anh