Lời xin lỗi “thủ tục”

Cho đến khi vắc xin thử nghiệm thành công, Covid-19 vẫn tiếp tục là câu chuyện không hồi kết. Ở nhiều quốc gia, những hành vi coi thường các biện pháp phòng dịch đều bị trừng phạt thích đáng.

Cuối tháng 11 vừa qua, nhận được tin báo có hành vi vi phạm lệnh phong tỏa ngăn Covid-19, cảnh sát Bỉ đột kích vào một căn hộ ở thủ đô Brussels, phát hiện 25 người tham gia “tiệc sex”. Đáng chú ý khi thành phần tham gia cuộc vui thác loạn này đều là những nam nghị sĩ châu Âu, đến từ 9 quốc gia khác nhau, bao gồm: Ukraine, Pháp, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ba Lan và Hungary.

Giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành với những hậu quả chết người, “bữa tiệc quốc tế” của các chính trị gia này được tổ chức theo hình thức trần trụi nhất, không có các biện pháp bảo vệ, cũng như không ai được xét nghiệm Covid-19. Ngay lập tức, tin tức này đã gây làn sóng phẫn nộ ở các quốc gia nói trên.

József Szàjer, nghị sĩ đảng Fidesz và là thành viên cấp cao của Nghị viện châu Âu hôm 1/12 thừa nhận có mặt tại buổi tiệc, gửi lời xin lỗi tới công chúng và ra tuyên bố từ chức. Ông Szàjer phủ nhận dùng ma túy và cho hay "vô cùng" hối hận vì đã vi phạm lệnh cấm.

Được biết, Szájer là một thành viên sáng lập đảng cầm quyền Fidesz của Hungary, do Thủ tướng Viktor Orban lãnh đạo. Ông là chính khách nổi tiếng khi là trưởng đoàn nghị sĩ của đảng Fidesz tại Nghị viện châu Âu và là thành viên ủy ban đối ngoại của cơ quan nghị viện này.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến hành vi tập trung nơi đông người, vi phạm lệnh giãn cách chống Covid-19 ở châu Âu. Trong vài tháng qua, dù tình hình dịch bệnh lây lan trên diện rộng không có dấu hiệu khả quan, hàng loạt những bữa tiệc cả công khai lẫn bí mật đã được tổ chức ở nhiều nơi. Thậm chí, giới trẻ Mỹ còn mạo hiểm mở các “bữa tiệc Covid-19” để thi xem ai là người lây nhiễm trước.

Tuy nhiên, những trường hợp nói trên có thể đổ lỗi do ý thức của người trẻ, những người vẫn mang tâm lý liều lĩnh, ham vui, không mang trách nhiệm chống dịch trên người như một số thành phần khác. Còn với trường hợp của nghị sĩ Szàjer, ông vốn là một chính trị gia của Hungary, thành viên của nghị viện châu lục. Tầm ảnh hưởng, vai trò, quyền lực của vị trí này sẽ yêu cầu ông phải nghiêm túc với bản thân hơn trong công tác chống dịch bệnh chung thay vì sa đà vào những khoái lạc cá nhân tầm thường. Bởi vậy, hành vi của ông đáng lên án và lời xin lỗi là không đủ.

Vài ngày trở lại đây, Covid-19 một lần nữa trở thành tâm điểm lo ngại vào những ngày cuối năm 2020 tại Việt Nam, khi có thêm trường hợp lây nhiễm bệnh ở TP. Hồ Chí Minh do không tuân thủ cách ly. Cùng với đó là có thêm những vụ việc thiếu ý thức khác.

Ngày 7/12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện An Phú (An Giang) ra thông báo truy tìm hai thanh niên trốn khỏi khu cách ly. Trước đó hai ngày, khu cách ly tập trung Lương Thế Vinh (huyện An Phú) tiếp nhận hai thanh niên nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam là Đinh Văn Út (33 tuổi) và Trần Văn Trứ (32 tuổi, cùng ngụ xã Quốc Thái, huyện An Phú).

Sau khi trốn được vài tiếng, Phó chủ tịch UBND huyện An Phú Đoàn Bình Lâm cho biết, đã tìm được hai thanh niên nói trên trốn trong cánh đồng sát biên giới Campuchia ở xã Phú Hữu (huyện An Phú). Hiện hai người này đã được đưa về khu cách ly tập trung để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra cách thức bỏ trốn, quá trình di chuyển đã tiếp xúc với những ai.

Tại kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam diễn ra ngày 7/12, ông Nguyễn Văn Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết, tại tỉnh Quảng Nam trong năm qua đã xảy ra vụ án đưa hối lộ để được ra khỏi khu vực cách ly giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Điều này thể hiện sự coi thường đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phòng chống dịch bệnh, xem thường tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.

Những con người nói trên không biết rằng, chỉ vì sự thiếu ý thức, lợi ích cá nhân mà có thể khiến cả xã hội điêu đứng. Rồi sẽ lại có thêm hàng nghìn người phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Hàng chục ngồi trường phải cho sinh viên, học sinh nghỉ học. Nhiều chung cư, hộ gia đình bị phong tỏa, khử khuẩn chống dịch. Người lao động khốn đốn vì thu nhập giảm, mất việc.

Chỉ đến khi viễn cảnh u ám xảy đến, người trong cuộc mới tỏ ra ăn năn và xin lỗi mọi người. Nhưng xin lỗi lúc này cũng chỉ là câu nói muộn màng. Bởi thường khi gây ra hậu quả rồi, lời xin lỗi mới được thốt ra. Và thông thường xin lỗi cũng không giúp cho sự việc quay trở lại nguyên vẹn như ban đầu. Mọi nỗ lực ngăn chặn Covid-19 của đất nước sẽ "đổ sông, đổ bể" nếu như ai cũng tặc lưỡi bỏ mặc mọi quy định chống dịch để rồi lại theo “thủ tục” nói lời xin lỗi và ăn năn.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Vi phạm quy định cách ly Covid-19: Đình chỉ Trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airline

Thứ 4, 02/12/2020 | 19:11
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho hay: Bộ GTVT đã ra quyết định tạm đình chỉ 15 ngày trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airline để kiểm điểm, rút kinh nghiệm.