Lòng dân và chống tham nhũng

Lòng dân và chống tham nhũng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
"Những năm tháng chiến tranh sống chết cận kề, đến khi bước vào hòa bình, xây dựng lại đất nước, tôi thấm thía rằng lòng dân vẫn là tất cả", ông Tư Bốn nói.

Trở về quê hương an hưởng tuổi già bên ruộng vườn, vợ con nhưng trong lòng người chiến sĩ công an, người lính già Tư Bốn lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm.

Mình phải làm sao cho xứng đáng với những đồng đội, đồng chí đã nằm xuống nơi đất lạnh để đổi lấy hòa bình cho đất nước.

Do vậy, sau ngày giải phóng cho đến lúc về hưu, ông Tư Bốn luôn đeo bám việc xây nhà tình nghĩa, quan tâm đến người nghèo, tìm hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh... Đây là việc tri ân với những người đã hy sinh cho Tổ quốc.

"Làm việc nghĩa cốt ở yên dân"

Kể từ khi trở lại sống với bà con trên quê hương mình cũng là thời gian ông Tư Bốn có điều kiện gần gũi, sát cánh cùng địa phương và nhân dân. Dẫu chiến tranh đã qua đi nhưng những mất mát mà người dân xã Thanh Bình phải chịu vẫn còn nguyên như ngày nào.

Nhịp sống - Lòng dân và chống tham nhũng

Tướng Nguyễn Việt Thành trao quà cho các em học sinh nghèo.

Nhắc lại những hồi ức cùng đồng đội kề vai sát cánh ông Tư Bốn trầm ngâm: "Bây giờ, lảng vảng trong đầu tôi là lòng dân. Những năm tháng chiến tranh cận kề cái chết, cũng như bước vào hòa bình xây dựng lại đất nước, tôi thấm thía rằng lòng dân là tất cả.

Dân xao xuyến là không còn gì nữa. Dù có cả ngàn xe tăng, máy bay, hay có cả triệu khẩu pháo cũng không thể bảo vệ được Tổ quốc khi lòng dân xao xuyến. Nguyễn Trãi đã từng viết trong "Bình ngô đại cáo": "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo là vậy"".

Qua cuộc trò chuyện với tướng Tư Bốn, chúng tôi nhận ra rằng điều mà ông băn khoăn nhất chính là người dân nghèo.

Ông bảo: "Bà con mình còn nghèo, còn khó khăn lắm. Làm ra hạt lúa, hạt gạo, nuôi lớn con heo, con gà, cây trái trong vườn sum suê mà bán chẳng được bao nhiêu, giá rẻ như bèo vậy đó.

Tôi cũng từng là nông dân tôi biết chứ. Ngày trước làm lúa thiếu thốn đủ bề chỉ được chừng hơn 1 tấn/ha, nay đã lên đến 7 - 8 tấn/ha, nhưng tại sao dân chưa được giàu? Chương trình liên kết "4 nhà", tôi thấy chưa liên chút nào. Bà con nông dân không biết đường nào mà lần mò.

Nay, quê hương Tiền Giang nói riêng và các địa phương khác nói chung đã thay đổi nhiều mà bà con vẫn còn khó khăn. Nghèo nhất vẫn là các gia đình chính sách thương binh liệt sỹ. Một, hai triệu đồng đối với người dân ở quê lớn lắm. Nghĩ thấy thương bà con mình quá chừng".

Ông Nguyễn Văn Ân, cán bộ xã Thanh Bình tâm sự: "Với người dân và cán bộ xã Thanh Bình, ông Tư Bốn là người lúc nào cũng tận tình quan tâm, tìm nguồn tài trợ giúp, động viên những bà con nghèo vượt qua khó khăn hoạn nạn.

Riêng bản thân ông Tư thường xuyên dùng tiền lương hưu của mình đóng góp, động viên các cháu cố gắng học giỏi để xây dựng quê hương. Trạm xá, trường học của xã xập xệ, thiếu thốn, ông Tư vừa đóng góp, vừa đi vận động các "Mạnh Thường Quân" ở nhiều nơi góp sức tu sửa, dựng lại đàng hoàng cho bà con đến khám chữa bệnh, cho con cháu có nơi học hành.

Những học sinh nhà nghèo hiếu học đều được ông Tư Bốn quan tâm hết mực. Ngay hồi đầu năm học, ông Tư Bốn lãnh lương xong, đã bỏ hơn chục triệu đồng cho 3 trường làm quà cho các cháu học sinh".

"Có Tư Bốn là giải quyết được hết"

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: "Xã Thanh Bình là địa phương có nhiều liệt sỹ, trên 300 gia đình chính sách. Ấp Bình Long có được nghĩa trang như ngày hôm nay phần lớn là nhờ ông Tư Bốn cả đấy.

Ông Tư Bốn lo từ việc chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ ở xã, nơi nhiều đồng đội và anh em của ông an nghỉ. Nhà quản trang đàng hoàng như hôm nay cũng một tay anh Tư xốc vác, gom góp cất nên.

Chính ông Tư là người thiết kế, vẽ bằng than trên nền gạch kiến trúc của nhà quản trang này. Ngày lễ, ngày tết, bà con, cán bộ xã tụ họp tại đây làm nơi tri ân các anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc".

Nhịp sống - Lòng dân và chống tham nhũng (Hình 2).

Bà Phan Thị Chín ngậm ngùi kể lại cuộc tình đầy gian nan của mình với tướng Nguyễn Việt Thành.

Nhiều người tự đặt ra câu hỏi: "Vì sao vị tướng ấy lại có tấm lòng cao cả đến nhường này?". Đơn giản vì Tư Bốn đã trưởng thành từ trong chiến tranh, trong bom đạn, thậm chí nhiều lần ông đã từng chứng kiến anh em, đồng đội mình hy sinh hàng đêm, hàng ngày.

Nhất là sự ra đi mãi mãi của người cha, người anh mà ông từng yêu quý trở thành nỗi đau khôn nguôi đối với vị tướng "bình dân" này. Chưa bao giờ ông ngừng suy ngẫm lại những gì đã trải qua, ông thấy mình may mắn hơn rất nhiều người nên mới có thể sống sót đến ngày hôm nay.

Ông Tư Bốn bày tỏ: "Mình sống sót trở về thì phải có nghĩa vụ chăm sóc nhang khói để những người nằm xuống được an ủi phần nào. Đó cũng là một việc làm tốt để giáo dục thế hệ trẻ sau này".

Cũng như nhiều địa phương khác, hàng ngày, xã Thanh Bình thường phát sinh biết bao nhiêu chuyện phức tạp, từ tranh chấp, khiếu kiện đến cãi lộn, đến các gia đình có chuyện cay đắng trong nhà. Chính quyền xã thường đau đầu với những việc như vậy.

Thế mà từ ngày có ông Tư Bốn về nghỉ hưu, vì biết tài dân vận của ông Tư nên chính quyền xã Thanh Bình cậy nhờ ông. Ông Nguyễn Văn Hoàng cho hay: "Ông Tư chỉ cần nhẹ nhàng vài câu là tiêu hết! Tài vậy đấy! Có ông Tư là mọi việc đều được giải quyết hết thảy".

Sau những lần vận động thị sát thực tế cuộc sống của bà con, tướng Nguyễn Việt Thành phân trần: "Ở xã Thanh Bình, hầu như gia đình nào cũng là gia đình chính sách.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, ta địch giành nhau, người dân vẫn kiên cường một lòng một dạ trung thành với cách mạng đến cùng. Họ bất chấp nguy hiểm, thiếu thốn, vẫn tiếp tế đủ mọi yếu tố, cưu mang cán bộ, chiến sĩ, thương binh.

Vậy mà giờ đây, tôi và anh em ở xã đi vận động bà con ủng hộ tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, làm từ thiện thấy nhiều bà con không tha thiết nữa. Rồi những gia đình chính sách rất nghèo vì lao động chính đã hy sinh mất rồi, chúng ta phải bù đắp thế nào đây?

Đó là trách nhiệm của những người đang sống. Nhưng để người dân đồng thuận với điều này thì phải cần niềm tin của họ. Tuy nhiên, muốn tạo lòng được lòng tin của người dân không nên nóng vội, điều cần cân nhắc nhất đó là cán bộ không nên dựa vào quyền lực để điều hành công việc mà phải dựa vào hai chữ uy tín".

Đứng trước thực trạng người dân mất lòng tin ở một bộ phận cán bộ, tướng Nguyễn Việt Thành tâm sự: "Tình hình của ta hiện nay đang rất bức xúc ở công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tham nhũng và lãng phí hủy hoại ghê gớm vào nhiều mặt, nguy hiểm nhất là khiến mất lòng dân. Nên có 2 điều tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ là lòng dân và chống tham nhũng!

Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, phòng và chống tham nhũng phải bắt đầu từ lúc chọn, bố trí cán bộ. Tôi nói thẳng, người tham thì chỗ nào cũng tham. Tham nhũng ở ta đang là nguy cơ với sự tồn vong của chế độ, nên cấp bách phải ngăn ngừa, chặn đứng và đẩy lùi".

Toàn thân đầy thương tích

Khi ông Tư Bốn mặc bộ quân phục công an nhân dân hoặc bộ đồ công chức tươm tất, không ai nhìn thấy dấu vết chiến tranh trên cơ thể của ông.

Nhưng khi về nhà, ông mặc đồ ngắn để chăm sóc khu vườn hoặc tát ao bắt cá, hàng chục vết thương tích một thời trên cơ thể. Trên bắp chân là 2 vết sẹo một nhỏ, một lớn ở 2 bên, hậu quả của một phát đạn xuyên chân, khi đạn vào thì nhỏ, nhưng khi ra viên đạn phá một lỗ thật lớn.

Trên bụng ông là một vết sẹo vừa của mảnh pháo, nằm kế bên vết mổ rất lớn kéo dài suốt phần bụng, đó là lần ông bị thương thủng bụng, phải chịu mổ sống để khâu lại dạ dày, ruột. Trên lưng ông là vết sẹo ngang, hậu quả của một phát đạn sượt sát cột sống.

Quyên Triệu