Long đong phận má hồng lơ xe khách đường dài

Long đong phận má hồng lơ xe khách đường dài

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
(nguoiduatin.vn) "Mùi xăng xe, mùi khói bụi và cả hơi người bám riết lấy tôi cả trong giấc ngủ", đó là chia sẻ của chị Dương Thị Hương (quê Nam Định). Chị Hương là một trong những “bóng hồng” lơ xe trên tuyến Mỹ Đình Cẩm Phả.

Hiện nay, từ bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh phía Bắc có rất nhiều nữ giới làm lơ xe, cuộc đời của họ "phiêu" trên từng cây số. Ẩn bên trong vẻ bề ngoài góc cạnh, bụi bặm có phần đanh đá của các lơ nữ là những câu chuyện bi hài cười ra nước mắt, trong đó chứa chất bao nỗi niềm riêng...

Xã hội - Long đong phận má hồng lơ xe khách đường dài

Dương Thị Hương đang mời khách lên xe.

Muôn kiểu nữ lơ xe

Trong một lần ra bến xe Mỹ Đình để đi Lạng Sơn, vừa đến bến, tôi đã nhận được rất nhiều lời chào mời từ các lơ xe, và đặc biệt trong đó có rất nhiều lơ xe là nữ. Vừa thấy tôi bước vào, một phụ nữ trạc 30 tuổi đon đả: "Lạng Sơn hả em, xe chị còn rộng lắm, em lên đi 10 phút nữa là xe chạy". Hôm đó, chuyến xe vắng khách nên tôi có dịp nói chuyện với nữ lơ xe này.

Chị tên là Thư, chủ xe đồng thời cũng kiêm luôn nhiệm vụ bắt khách, thu tiền và cả bốc vác nếu khách gửi hàng. Trước đây, chị vốn là công nhân của một nhà máy chế biến lâm sản ở Lạng Sơn, chồng chị đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Khi anh về nước, hai vợ chồng bàn nhau mua một chiếc xe 16 chỗ để chạy tuyến Lạng Sơn - Mỹ Đình. Tìm mãi không có người phù hợp để phụ xe giúp chồng, cực chẳng đã, chị đành nghỉ việc ở nhà máy rồi hai vợ chồng cùng chạy xe.

"Lúc đầu mình cũng ngại, thân gái thế này, cả đời có mấy khi đi xa chứ chưa nói đến là nếu làm lơ xe thì ngày phải chạy đến mấy chuyến. Nhưng không có ai làm nên đành gửi đứa con gái cho bà ngoại rồi đi phụ xe. Những ngày đầu, chị nôn thốc nôn tháo và không ăn uống được gì vì không quen mùi xe, nhưng đi nhiều rồi cũng quen", chị Thư bộc bạch.

Chị Thư cho biết, hiện tuyến Lạng Sơn - Mỹ Đình chị không phải là “bóng hồng” độc nhất, trung bình cứ hai xe thì có một lơ xe là nữ, và đa phần trong số đó là vợ đi phụ cho chồng. Chị Thư cho rằng, chạy tuyến này chủ yếu là xe 16 chỗ nên lượng khách và hàng hóa không nhiều, phụ nữ vẫn có thể đảm nhiệm được. Với lại, xe của nhà, người trong gia đình thu tiền vừa tránh được thất thoát lại bớt được tiền thuê người ngoài phụ giúp.

Là "lơ" nữ có nhiều kinh nghiệm nhất nhì khu vực bến xe Mỹ Đình, chị Phương cùng chồng tên Minh (lái xe) chạy tuyến Mỹ Đình - Cao Bằng. Ngày xưa anh Minh là lái xe thuê, nhưng cách đây hơn 10 năm, anh chị vay mượn gom góp mua được chiếc Hyundai 28 chỗ để làm ăn. Hai năm đầu anh Minh chạy xe cùng với một người họ hàng, nhưng vì tuyến đường Cao Bằng - Hà Nội đi lại rất vất vả, thương anh vật lộn một mình, chị Phương nghỉ bán hàng tạp hóa, theo anh để vừa lơ xe vừa chăm chồng.

Sáng nào cũng thế, anh chị phải dậy từ 4h30’ sáng xem lại xe cộ rồi chuẩn bị xuất bến, 12h trưa lại bắt khách từ Hà Nội về. Suất cơm hộp mua vội dọc đường là bữa cơm trưa của họ, ít khi anh chị có được bữa cơm gia đình đoàn tụ. "Người ta làm việc khác còn được nghỉ ngày lễ, tết, còn làm lơ xe như tôi thì những ngày nghỉ lại là ngày bận rộn, vất vả nhất. Nhiều khi thấy người ta rồng rắn đưa nhau về quê nghỉ lễ cũng thấy chạnh lòng, thèm được như họ...", chị Phương ngậm ngùi chia sẻ.

Không giống như những nữ lơ xe bám xe theo chồng, hiện nay có rất nhiều nhà xe, các công ty vận tải tuyển dụng các nữ nhân viên vào làm lơ xe. Chị Dương Thị Hương hiện đang làm lơ xe cho Công ty vận tải K.V.T là một ví dụ.

Hương kể lại: "Cách đây hơn một năm, thấy công ty đăng tuyển tiếp viên nữ cho xe chạy tuyến Cẩm Phả - Mỹ Đình, lúc đầu mình chưa hiểu làm tiếp viên trên xe là gì nên cũng hăng hái nộp đơn. Cũng phải qua mấy vòng thi tuyển mới được giao nhiệm vụ, lúc đấy mới biết thực ra là đi lơ xe. Lúc đầu vất vả quá mình không chịu nổi, tính nghỉ làm nhưng được mọi người động viên nên cũng cố, giờ thì lại thành quen. Mùi xăng với hơi người nó bám riết lấy mình rồi thì phải, nếu một hôm không đi làm lại thấy nhớ".

“Phiêu” trên từng cây số

Buổi trưa là thời điểm vắng khách ở bến xe Mỹ Đình, các nữ lơ xe tranh thủ thời gian dọn lại xe, tính toán lại tiền nong lỗ lãi. Chị Dương Thị Hương vừa nhai ổ bánh mỳ vừa kể những câu chuyện vui buồn quanh đời nữ lơ xe, cuộc đời của những phận má hồng lấy xe làm nhà, nỗi buồn niềm vui "phiêu" theo từng cây số. Ẩn bên trong vẻ bề ngoài góc cạnh, bụi bặm có phần đanh đá của các lơ nữ là những câu chuyện bi hài cười ra nước mắt, chứa chất bao nỗi niềm riêng...

Có một lần, xe đang đi chuyến Mỹ Đình - Cẩm Phả, mới đi được mấy chục km thì có một vị khách người nước ngoài cứ đòi... lái xe, ông ta tiến lại gần lái xe và đòi giành lấy vô lăng từ bác tài. Quá bất ngờ với tình huống này, Hương vội vàng chạy lại kéo vị khách nọ ra để "giải cứu" cho bác tài, nhưng vị khách vẫn không chịu buông tha, cứ nằng nặc đòi lái. Sau khi "dỗ dành" và phân tích quy định của nhà xe, vị khách đặc biệt mới nguôi ngoai và chia sẻ. Ông vốn là tài xế xe bus ở Pháp, sang du lịch ở Việt Nam, trưa nay có uống hơi quá chén nên khi lên xe thì thấy... ngứa nghề".

Chia sẻ về chuyện riêng tư, giọng Hương trầm xuống, hiện cô chưa có gia đình nên mới theo nghề này được, nhưng sau này lấy chồng rồi chắc phải tính chuyển hướng khác. Hương chia sẻ: "Cứ đi mãi thế này, mỗi ngày đi từ 400km đến 600km mệt rã rời rồi anh ạ, làm gì còn thời gian cho gia đình nữa, đó là chưa kể những hôm tăng ca phải làm đến tận 11h đêm".

Chưa có gia đình, nhưng mỗi khi nghĩ về tương lai, chị Hương lại ái ngại cho chính mình, không biết sau này khi làm vợ, làm mẹ, làm dâu ra sao nếu vẫn phải gian truân theo nghiệp lấy xe làm nhà. So với những người đơn thân như Hương thì các lơ nữ có gia đình như chị Thư, chị Phương còn vất vả hơn nhiều. Chị Thư suốt ngày chạy xe theo chồng nên không có thời gian chăm con, sáng chị đi làm thì con chưa dậy, tối về nhà thì con đã đi ngủ. Vì thế, anh chị đành đem con sang gửi cho ông bà ngoại, mỗi tuần tranh thủ gặp con được có một lần. "Gặp mẹ mà nó không thấy mừng, có lẽ xa mẹ nhiều nên nó quen cảm giác ở với bà. Nghĩ mà thương, thấy cực quá em ạ". Chị Thư ngậm ngùi.

Không chỉ buồn về việc gia đình, con cái mà chính việc giành giật, tranh giành khách trên mỗi chuyến xe đã làm cho những con người vốn mảnh mai, hiền lành trở nên góc cạnh và đanh đá hơn. Những ngày mới làm lơ xe cho chồng, chị Phương hay bị các nhà xe khác bắt nạt, giành giật thậm chí là cướp trắng khách. Chị kể, lâu dần thành quen, để tồn tại được, kiếm ăn được bằng nghề thì phải biết lì và gồng lên mà bảo vệ mình. Theo các bác tài xế tại bến Mỹ Đình thì lơ nữ có cái hay của nó, thường họ vẫn nhẹ nhàng, mềm mỏng với khách hơn là lơ nam. Với lại, nếu vị khách nào muốn cò kè bớt một bớt hai tiền vé, nếu gặp lơ nữ thường phải "tắt điện". Vì thế, lượng lơ nữ ngày càng đông là vậy.

Chiếc xe Hyundai 54 chỗ của hãng K.V.T chuẩn bị lăn bánh cho chuyến hành trình Mỹ Đình - Cẩm Phả. Nữ lơ xe Dương Thị Hương lại vội vàng lên xe, vừa chào đón vừa sắp xếp chỗ ngồi cho khách. Người lên kẻ xuống tấp nập, giữa bến xe nườm nượp người nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên khuôn mặt nhỏ nhắn, đáng yêu của cô. Ít ai biết rằng, đằng sau nụ cười ấy là cả những nỗi niềm, lo toan trăn trở về nghề, thậm chí là cả những giọt nước mắt...

Lơ xe cũng cần biết... ngoại ngữ

Chị Hương, một lơ xe của Công ty vận tải K.V.T cho biết, không giống như những lơ xe gia đình, nhân viên lơ xe như cô phải biết ngoại ngữ, thậm chí công ty còn ưu tiên những người đã học về ngành du lịch, vì hiện nay lượng khách nước ngoài đi tuyến Mỹ Đình - Quảng Ninh ngày càng đông. Những lơ xe gia đình thì có thể "rắn mặt" với khách được, nhưng với nhân viên lơ xe như chị Hương thì dù trong trường hợp nào cũng phải nhỏ nhẹ với khách, thái độ phục vụ phải đặt lên hàng đầu.

Quốc Triều