Lừa đảo qua mạng đang diễn ra phổ biến

Lừa đảo qua mạng đang diễn ra phổ biến

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Liên quan đến những hình thức, thủ đoạn có thể sử dụng thông qua công nghệ cao trong hoạt động thương mại điện tử với mục đích trục lợi, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Bộ phận An ninh mạng Công ty BKAV, nhằm có cách nhìn khái quát về vấn đề này.

Bán sản phẩm ảo thu tiền thật

Thực tế cho thấy, giao dịch qua mạng đang và có thể sẽ là lãnh địa để tội phạm lừa đảo khai thác. Ông có nhận định gì về thực trạng này?

Đối với trường hợp đang được dư luận quan tâm, phân tích về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của muaban24.vn (MB24), chúng ta có thể nhận thấy, những cá nhân mua gian hàng để kinh doanh, bán hàng trực tuyến nhưng thực chất không có mặt hàng nào. Mặt hàng được rao đều là mặt hàng ảo.

Các hình thức để khách hàng bỏ tiền mua những mặt hàng ảo ấy chủ yếu vẫn là giao dịch trực tiếp. Người ta đến gặp, nhân viên của MB24 giới thiệu, hướng dẫn cách thức. Nó liên quan đến công nghệ ở chỗ các mặt hàng trên gian hàng trực tuyến. Còn các hình thức “mồi chài” hoặc các vấn đề liên quan vẫn là giữa con người trực tiếp giao dịch với nhau.

Công nghệ - Lừa đảo qua mạng đang diễn ra phổ biến

Ông Nguyễn Minh Đức

Trên thực tế, xem xét sự việc liên quan đến MB24 thì bản chất không phải là “lừa đảo” 100% qua mạng (?) (tức không phải giao tiếp hoàn toàn qua mạng, giao tiền qua mạng), mà nhiều giao dịch vẫn là đưa tiền trực tiếp, đến gặp mặt trực tiếp để giới thiệu về lợi ích khi tham gia mua gian hàng đó. Sản phẩm ảo được người ta mang đi… bán để thu tiền thật. Điều này cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác minh, làm rõ và tuyên bố với cộng đồng về tính chất pháp lý của nó.

Còn vấn đề lừa đảo trực tuyến qua mạng không phải bây giờ mới xảy ra ở Việt Nam. Khi Internet bắt đầu xâm nhập, người sử dụng Internet tăng lên thì hình thức lừa đảo qua mạng diễn ra rất phổ biến và đến nay nó vẫn tiếp diễn.

Hiện nay có một số hình thức lừa đảo, trực tuyến phổ biến qua mạng có thể liệt kê như: Giao hàng trên các giao dịch điện tử không được thực hiện; quảng cáo hàng A song bán hàng B, với chất lượng kém hơn nhiều so với lời rao bán; lừa bán hàng nhưng khi khách hàng đã chuyển tiền lại không chuyển hàng.

Ngoài ra, có thể lừa đảo qua mạng xã hội, qua các sàn giao vặt, forum, qua chát. Lừa đảo trực tuyến không chỉ lừa để lấy tiền mà còn cài đặt mã độc, dụ vào các trang web độc hại để lấy cắp thông tin cá nhân nhằm trục lợi.

Về mặt công nghệ, để thành lập một trang web để kinh doanh thương mại điện tử như muaban24.vn có khó khăn gì?

Trước hết về mặt quản lý, tôi được biết Bộ Công Thương có quy định rất ngặt nghèo đối với doanh nghiệp, cá nhân mua bán sàn giao dịch thương mại điện tử phải có hợp đồng, chứng từ và được cấp phép. Thế nhưng có những tổ chức, cá nhân hoạt động trái luật chưa được cấp đăng ký là sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng đã mượn danh bán hàng đa cấp để trục lợi.

Còn về mặt công nghệ, việc dựng một website như MB24 không có gì khó khăn cả, chỉ cần biết một chút về kỹ thuật là có thể xây dựng một web tương tự như vậy. Điều đáng nói, chỉ cần một thời gian rất ngắn, mọi thao tác có thể hoàn tất. Những trang web như vậy không đòi hỏi nhiều về yếu tố kỹ thuật. Chỉ cần 3 bước lập trình tạo ra website đó (có hiểu biết về lập trình, thuê máy chủ và mua tên miền để địa chỉ ứng với tên miền).

Dựa trên những nền tảng có sẵn, người ta có thể lựa chọn cấu hình cài đặt lên chứ không phải lập trình từ đầu. Chỉ sau 1-2 tiếng đã dựng được trang web!

Giao dịch điện tử chỉ phù hợp với dân trí cao

Vấn đề tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được cảnh báo, song không phải ai cũng đủ nhận thức để hiểu và cảnh giác. Ông có lời khuyên gì cho cộng đồng người sử dụng internet?

Thông thường, các giao tiếp qua mạng nên rất dễ bị dính bẫy, khách hàng nhẹ dạ bị lừa đảo dễ dàng hơn so với mua bán trực tiếp ở ngoài thực tế. Muốn giao một mặt hàng nào đó trong cuộc sống thực, thì khách hàng có thể kiểm chứng mắt thấy, tay sờ, nhưng khi giao qua mạng thì những thông tin được “thổi” lên, khách hàng chỉ biết tin theo lời rao bán mà không có sự kiểm chứng, họ sẵn sàng gửi tiền qua mạng. Vì thế, khách hàng cần lưu ý không mở những file lạ, trang web độc, đường dẫn, bất kỳ ai đó yêu cầu chúng ta chuyển tiền đều phải xác định rõ người đó đang giao dịch thật với mình, có khi là những tài khoản bị người khác lợi dụng. Điều quan trọng, người sử dụng internet phải trang bị các biện pháp kỹ thuật. Tôi lấy ví dụ: Cài phần mềm phòng chống mã độc, chống lại virus lừa chúng ta tải xuống, website lừa đảo. Phần mềm cài mã độc sẽ thông báo cho chúng ta những mối nguy hại, hacker lừa đảo…

Mặt khác, có thể thấy, giao dịch điện tử cũng là xu thế tất yếu cho xã hội phát triển. Ông có nhận định gì về lĩnh vực này ?

Trên thế giới, thị trường giao dịch điện tử khá phổ biến, đặc biệt bán hàng đa cấp có từ rất lâu trong lịch sử. Nhưng hình thức này đòi hỏi một nền dân trí cao. Ở đó, nhiều người có kiến thức tốt về kinh tế, cơ quan quản lý phải đủ mạnh. Bán hàng đa cấp nằm trong nhóm hàng luật pháp cho phép. Thế nhưng, khi kênh này bị người ta lợi dụng sẽ rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến một đại lý mà nó ảnh hưởng đến rất nhiều đại lý khác. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, nhiều đối tượng đánh vào đa cấp thành công là vì trình độ dân trí không cao. Kể cả người có trình độ cao, chuyên môn kinh tế lại chạy theo lợi nhuận cao và nhanh. Hơn nữa, quản lý, kiểm soát của ta còn lỏng, tuyên truyền chưa rõ ràng, dẫn đến đa cấp không lành mạnh có đất sống. Điều quan trọng là luật và hiệu lực của luật mà thôi. Và khi giao dịch điện tử phát triển, đương nhiên đi kèm nó là nạn lừa đảo, trộm cắp qua mạng. Vấn đề xử lý khi có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Cảm ơn ông!

Quang Trung (Thực hiện)