Lửa thử vàng, Covid-19 thử sức doanh nghiệp Việt

Đỗ Tuấn

Đã hơn 2 tuần nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Chúng ta lại nói nhiều về hồi phục kinh tế, về “mục tiêu kép”: Vừa tiếp tục chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ. Đối với hậu quả nặng nề hơn của đợt bùng phát dịch bệnh lần này, đành rằng hồi phục nhưng hồi phục thế nào là vấn đề cần bàn luận.

Chủ doanh nghiệp thành… người giao hàng

Một ngày tháng 9/2020, anh Nguyễn Văn Tú - Giám đốc công ty TNHH Du lịch & Thương mại Bạn đồng hành thế giới (World Mate Travel) ở Hà Đông (Hà Nội), bắt đầu ngày làm việc của mình bằng việc lái xe đi ship (giao hàng – PV) thịt lợn Nga quanh thành phố. Đây là công việc quen thuộc anh đã làm mấy tháng nay, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bước vào giai đoạn cao điểm bùng phát hồi tháng Tư.

“Công ty World Mate Travel của tôi chủ yếu đón khách du lịch nước ngoài đến thăm Việt Nam, đại dịch đã khiến việc đi lại giữa các nước bị gián đoạn nên hoạt động bán tour hoàn toàn tê liệt. Vào thời điểm giá lợn trong nước tăng cao do thiếu nguồn cung thì “sinh kế” buôn thịt lợn Nga của tôi cũng có chút lợi nhuận. Nhưng từ khi giá lợn “hạ nhiệt”, cộng thêm sự bùng phát dịch bệnh lần hai thì khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi cũng chưa biết sẽ cầm cự được bao lâu”, anh Tú chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL).

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thiệt hại nặng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Còn anh Nguyễn Sỹ Duẩn - chủ doanh nghiệp (DN) khách sạn và nhà hàng Era tại 48 Mã Mây và 22 Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội) - thì đang ngày ngày làm pizza, gà lên mẹt, đồ ăn nhanh rồi tự mình chốt đơn, đi ship từng đơn hàng lẻ để chống đỡ Covid-19.

N“Dịch bệnh đến quá nhanh với diễn biến phúc tạp và kéo dài. Khách du lịch hủy nhiều khiến doanh số của tôi giảm sâu, rồi về số 0, trong khi chúng tôi vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, lương nhân viên, lãi ngân hàng và các chi phí phát sinh khác. Cũng vì vậy, thời gian vừa quá nhiều người đã bỏ và rao bán khách sạn do không thể duy trì tiếp được nữa”, anh Duẩn nói.

Theo anh Duẩn, tính ra cũng đã 4 lần dính phải “khủng hoảng” rồi khó khăn lại chồng chất khó khăn, nhiều khi nghĩ anh chỉ muốn bỏ cuộc, nhưng rồi nhìn sự nghiệp mình gây dựng mười mấy năm trời và dàn nhân viên đã tận tuỵ bao năm, anh lại dặn lòng phải cố gắng thêm chút nữa.

Khi phóng viên hỏi tại sao không chuyển hướng kính đối với khách hàng có nhu cầu thuê dài hạn, thuê giờ… anh Duẩn cho hay: “Cho thuê dài hạn hay ngắn hạn bây giờ cũng không có khách, mà có khách lẻ tẻ thì cũng không đủ chi phí duy trì. Giờ giá như có ai đó trả lời cho mình một câu rằng tình trạng này bao giờ mới kết thúc”.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc công ty Du lịch Việt Nam (Vitours) - chia sẻ: “Du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng – miền Trung nói riêng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Toàn bộ ngành du lịch tê liệt và dự kiến tình trạng này sẽ còn kéo dài đến mùa hè năm 2021. Thị trường du lịch nước ta không có sự lựa chọn khác, chỉ còn trông chờ vào khách du lịch trong nước”.

“ Hiện tại, Đà Nẵng đã nới lỏng giãn cách xã hội, tuy nhiên, từ giờ đến hết cuối năm là giai đoạn vô cùng thấp điểm của du lịch nội địa. Như vậy, lúc không dịch bệnh đã rất khó khăn nay thêm dịch bệnh bùng phát lần 2 thì xác định là vô vàn khó khăn cho du lịch Việt Nam, đặc biệt là du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng”, ông Tùng nhận định.

Cánh cửa này đóng lại, tìm cách mở cửa khác

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp hồi phục kinh doanh của DN sau hậu quả bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam - đánh giá: “Quả thực là DN Việt đã có nhiều thay đổi “muôn hình vạn trạng” để thích ứng với những khó khăn đang diễn ra. Nhiều DN đã rà soát lại các kế hoạch chi tiêu theo hướng “tối giản”, cắt giảm, điều chỉnh lại những chương trình đầu tư chưa cấp thiết hoặc không còn phù hợp. Có nhiều chính sách nội bộ DN cũng đã khuyến khích mạnh mẽ sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Nhiều DN cũng đã tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa dịch vụ mới hoặc thực hiện hình thức “kinh tế chia sẻ” với đối tác kinh doanh hay các nhà đầu tư và cả người tiêu dùng, chuyển đổi sang hình thức bán hàng online, củng cố nền tảng thương mại điện tử...".

TS Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực – Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME)

Bên cạnh đó, nhiều chủ DN cho biết tình hình khó khăn, hàng hóa dịch vụ đình trệ, nguồn tiền thì cạn kiệt dần nhưng vẫn muốn giữ chân người lao động đến phút cuối cùng. Thậm chí, họ còn coi đây là lúc mức độ cạnh tranh giảm vì nhiều đối thủ đã dừng “cuộc chơi”, nên phải tích cực chuẩn bị để khai thác triệt để thị trường từ hiệp định EVFTA, hiệp định CPTPP với toàn bộ sức lực còn lại của DN và sẽ hành động trong thời gian sớm nhất có thể. Điều này cho thấy, tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, một sự bình tĩnh bươn chải cần thiết, không bấn loạn bởi những khó khăn, thách thức chưa từng được đề cập trong các kịch bản kinh tế của năm 2020.

Ông Nam cũng lạc quan tin tưởng rằng, này đợt dịch tuy gọi là lần thứ hai, nhưng vẫn chưa thực sự bùng phát trên diện rộng, các cơ quan chức năng đang khống chế rất tốt nên chưa tác động lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng phải chú ý lúc này lại là tâm lý của người dân, người tiêu dùng sẽ có tác động nhanh hơn tới thị trường.

Chia sẻ với PV về thị trường bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho hay, thời điểm này mọi năm, các nhà bán lẻ tùy từng nhóm mặt hàng sẽ dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu từ 15 - 30%. Tuy nhiên, năm nay, do tác động của dịch Covid-19, dự đoán tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) phân phối không dễ.

KTheo bà Hậu, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ dường như bỏ qua ngành nghề dịch vụ bán lẻ. Nhìn bên ngoài, nhiều DN ngành này vẫn ổn định và có lãi nhưng thực tế đang đối diện với thua lỗ chứ chưa nói đến có lãi. Từ thực tế đó, bà Hậu kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có những chính sách lãi suất ưu đãi cho DN bán lẻ chủ động chuẩn bị nguồn cung hàng hóa.

Theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020, trong những tháng cuối năm 2020, để tăng trưởng năm 2020 ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, ước tính kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 có thể đạt khoảng 2,12%.

Khu vực dịch vụ trong tháng Tám bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bùng phát trở lại, đặc biệt là ngành du lịch nội địa, lưu trú, lữ hành. Lượng khách hủy tour trong tháng lên đến 95 - 100%, công suất buồng phòng bình quân chỉ đạt khoảng 10 - 20%, các trung tâm du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... Vận tải hành khách giảm mạnh, đặc biệt đối với hàng không lượng khách giảm hơn 30% so với trước khi dịch bùng phát.

Sức mua thị trường trong nước ở mức yếu, người dân có tâm lý tiết giảm chi tiêu do giảm sút thu nhập, hạn chế đi lại, du lịch, vui chơi, giải trí... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng giảm 2,7% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng giảm 0,02% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5% (cùng kỳ tăng 9,5%).

Chú ý hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh siêu nhỏ

Đây là quan điểm của Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế TW (CIEM) - trong cuộc trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL về giải pháp hỗ trợ DN Việt Nam hồi phục kinh doanh hiện nay.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế TW (CIEM).

Theo ông, nên hỗ trợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thế nào để khắc phục hậu quả của đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai?

TS Lê Đăng Doanh: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam bình thường đã ở mức độ an toàn rất thấp vì họ không có vốn lớn, họ cũng không có thị phần lớn, tính chuyên nghiệp hạn chế và ít được đào tạo về mặt kinh doanh nên trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại, họ bị thiệt hại rất nặng nề. Trong số hàng triệu người thất nghiệp thì những người kinh doanh vừa và nhỏ, kinh doanh hộ gia đình, tức là thuộc nền kinh tế phi chính thức phải chịu tác động rất lớn.

Vì vậy, họ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để tạo công ăn việc làm. Thậm chí, có những người hiện tại vẫn chưa khôi phục được việc kinh doanh thì nên tạo điều kiện cho họ về quê làm nông nghiệp, nuôi trồng, tăng gia sản xuất để rồi họ tiếp tục có cơ hội lập nghiệp sau. Về mặt này, các hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế cần hết sức quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ họ.

Vậy, theo ông mấu chốt của giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khối DNVVN sau thời điểm dịch bùng phát nằm ở đâu?

TS Lê Đăng Doanh: Trong đại dịch Covid-19, kinh tế số, thuơng mại điện tử, dịch vụ đặt và giao hàng tận nhà đã có sự phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, cần phải giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vận dụng các nền tảng này để cải thiện tình hình. Ví dụ như một cửa hàng kinh doanh ăn uống có thể ghi lại địa chỉ các khách hàng để chào mời, sẵn sàng phục vụ và giao hàng đến tận nhà khi họ có nhu cầu. Bằng cách đó thì họ đã tìm được cách tự đổi mới chính mình và cũng thích nghi được với tình hình sau này.

Về tình hình sản xuất, năng lực kinh doanh, khôi phục kinh tế sau dịch, theo tôi, nền Nông nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và đóng góp lớn. Ngoài ra, nếu như chúng ta phát triển mạnh về kinh tế số, thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến thì nền kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Xin ông nhận định về vai trò của Chính phủ đối với vấn đề này?

TS Lê Đăng Doanh: Trong tình hình dịch bệnh, vẫn còn không ít doanh nghiệp lo lắng, băn khoăn vì thách thức và sự tàn phá của Covid-19 quá lớn. Do đó, tình hình sẽ được kiểm soát sớm nếu các gói hỗ trợ của Chính phủ đến được kịp thời. Tuy nhiên, trong tình hình mới lúc này, theo tôi việc tăng cường các gói hỗ trợ ngắn hạn cho nền kinh tế vẫn còn quá sớm, bởi các chính sách hỗ trợ lần trước vẫn còn. Do đó, các cơ quan chức năng phải chờ đợi diễn biến rõ hơn, tính toán tổng thể, cẩn trọng dựa trên tình hình thực tế của dịch bệnh để có phương án thay thế hoặc tăng liều lượng một cách hợp lý.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đ.T