Lý giải tâm lý 'man rợ' trong lễ hiến tế

Lý giải tâm lý 'man rợ' trong lễ hiến tế

Thứ 2, 18/03/2013 | 20:11
0
Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến ý kiến cho rằng nên dẹp bỏ những lễ hội có hình ảnh như "chém lợn tế thần", "phóng lao giết trâu"... Vấn đề này đang tạo ra những cái nhìn trái chiều về lễ hội truyền thống.

Để giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc hơn, PV đã có cuộc trò chuyện với GS. TS Phạm Đức Dương, nguyên viện trưởng Viện Đông Nam Á, chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Nam Á tại Việt Nam.

Nghi lễ tơn

Thưa GS. lễ hội đã có lịch sử hàng ngàn năm nay. Ở nước ta, đó là một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp. Là một chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ và văn hoá Đông Nam Á, GS. có nhận định về những lễ hội hiện nay?

Các lễ hội gắn liền với lịch sử văn hóa của mỗi dân tộc. Ở nước ta, cư dân nông nghiệp thường làm lễ hội thờ lúa, cầu mưa... Về nguyên tắc, mục đích của lễ hội là để tạ ơn trời đất, thần linh sau một vụ mùa làm ăn thu hoạch tốt, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, người dân tổ chức lễ hội còn để cầu xin bề trên mùa vụ tới sẽ được tốt đẹp hơn. Ở trong lễ hội ấy, người dân rất tin thờ những lực lượng siêu nhiên, thần thánh. Ngoài ra, công lao của con người được thần thánh hóa cũng là một dạng được người dân tôn thờ. Ngày nay, người dân tổ chức các lễ hội là để cám ơn trời đất và cầu xin thánh thần phù độ cho cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp hơn.

Xã hội - Lý giải tâm lý 'man rợ' trong lễ hiến tế

Một hình ảnh trong lễ hội chém lợn.

Trong mỗi lễ hội thường có nghi lễ hiến tế. Vật phẩm hiến tế có gì đặc biệt và nó có ý nghĩa như thế nào thưa GS.? Có thông tin cho rằng, trước đây, ở nước ta, ngoài hiến tế các sản vật nông nghiệp, người dân thậm chí còn hiến tế cả tính mạng con người?

Khi cám ơn trời đất, người ta thường có nghi lễ tạ ơn. Khi ấy, con người sẽ hiến tế những sản vật mà họ đã làm được trong một năm qua. Từ xưa đến nay, nghi lễ hiến tế luôn được con người coi trọng. Những sản vật dùng để hiến tế đó đương nhiên phải là những con vật, thành phẩm nông nghiệp tươi ngon, béo tốt nhất.

Trước đây, trong nghi lễ hiến tế, con người không chỉ lựa chọn sản vật nông nghiệp để hiến tế, họ thậm chí còn phải đem tính mạng của mình để dâng cho thần linh. Trong một số tài liệu lịch sử mà tôi tìm hiểu, trước đây ở Việt Nam, một bộ phận cư dân Tạng Miến còn có tục săn đầu lâu để hiến tế cho thần linh. Các tài liệu đó ghi chép lại rằng, mỗi một năm khi làm mùa, người ta quan niệm, sự giao hòa giữa các lực lượng tự nhiên sẽ đem lại sinh khí cho trời đất. Ở con người, phần sinh khí lớn nhất tập trung ở cái đầu và nếu lấy được cái đầu ấy để cắm xuống dưới ruộng thì sinh khí sẽ truyền xuống ruộng và các cây trồng trên đó sẽ được tươi tốt, mùa màng bội thu. Chính vì thế, người lạ nào bước chân đầu tiên đến ngôi làng đó sẽ bị bắt và chặt đầu để làm vật hiến tế, cắm xuống thửa ruộng thiêng.

Như vậy, từ xưa đến nay, nghi lễ hiến tế của con người rất phong phú và đa dạng. Vật phẩm hiến tế không chỉ là các con vật, cây quả mà thậm chí còn là tính mạng của con người. Tuy nhiên sau này, việc hiến tế tính mạng một con người là điều quá sợ hãi. Thế nên, họ đã tìm cách thay thế bằng những con vật. Hiện nay, hiến tế bằng người là không còn. Lịch sử đã từng chứng kiến sự thay thế vật hiến tế và hình thức hiến tế như thế.

Ở nước ta có một số lễ hội rất độc đáo như đâm trâu, chém lợn, giết bò... Ông có thể lý giải thêm về tục lệ và quan niệm của người dân về những lễ hội này?

Mỗi một dân tộc có một lễ hội đặc trưng nhưng tôi chưa thấy dân tộc nào có nhiều lễ hội như Việt Nam. 12 tháng chúng ta đều có lễ hội. 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có lễ hội riêng. Ở lễ hội đâm trâu, người ta trói con trâu nằm dưới cây vũ trụ - cây giao tiếp giữa trời, đất và thần linh. Ngoài ra, ở lễ hội chém lợn, họ còn lấy tiền quệt vào máu để dâng lên bề trên. Người ta làm như thế là vì theo quan niệm truyền thống, máu cũng là một vật hiến tế; còn theo quan niệm phồn thực, máu là biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Những nghi thức này có từ cổ xưa và lưu truyền trong nhân dân. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Lễ hội ngày nay cũng tái diễn lại những nghi thức đó. Tuy nhiên, những nghi thức đó ít nhiều đã có sự thay đổi bởi họ đã có sự giác ngộ về sự sống.

Ngày nay, những lễ hội như đâm trâu, chém lợn đã trở thành nét văn hóa truyền thống mà nhân dân nhiều vùng miền đang ra sức gìn giữ, bảo vệ. Với nhiều người đặc biệt là những người theo đạo Phật (đạo nghiêm cấm việc sát sinh-PV), cảnh tượng chết chóc, máu me thực sự phản cảm và ám ảnh. Tuy nhiên, trong mỗi lễ hội, ngoài khía cạnh lịch sử còn có khía cạnh về tâm linh, thờ cúng. Qua thờ cúng, người dân tin tưởng con người sống được tốt đẹp. Đó chính là những giá trị rất nhân văn. Ngày nay, ngoài những giá trị ấy, lễ hội còn góp phần cho cuộc sống con người thêm tươi vui, hướng thiện. Đó là những ý nghĩa thiêng liêng khiến người dân vẫn tổ chức và bảo lưu những lễ hội ấy.

Xã hội - Lý giải tâm lý 'man rợ' trong lễ hiến tế (Hình 2).

GS. TS Phạm Đức Dương.

Nếu cộng đồng đó chấp nhận, thì họ sẽ duy trì tục l

Dẫu rằng đó là nét văn hoá truyền thống song nhiều ý kiến cho rằng, nên dẹp bỏ những lễ hội có hình ảnh đâm chém "man rợ" bởi nó tạo ra những ám ảnh không tốt đối với nhiều người. GS. nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, không nên áp đặt phải dẹp bỏ các lễ hội vì một nguyên nhân nào đó. Thiết nghĩ nên để cho người dân - những người làm ra; giữ gìn, bảo vệ lễ hội đó quyết định. Hành động đó có phản cảm hay không, lễ hội đó nên dẹp bỏ hay giữ lại, theo tôi nên để những người trực tiếp tham gia lễ hội phán quyết. Họ thấy chấp nhận được thì cứ để họ duy trì, còn nếu họ cần thay đổi một nghi thức nào đó thì họ sẽ tự biết cách.

Nếu "cố tình" dẹp bỏ lễ hội thì theo GS., người dân sẽ phản ứng như thế nào?

Chúng ta không nên áp đặt quan điểm của mình vào một cộng đồng nào đó. Chúng ta chỉ nên nêu ra ý kiến để họ suy ngẫm, bàn bạc với nhau rồi tự quyết định. Nếu chúng ta áp đặt một chiều thì chắc chắn sẽ gặp phải những phản kháng tiêu cực không đáng có. Sở dĩ họ tổ chức lễ hội ấy là họ đã có một đức tin về tâm linh. Họ tin rằng: Phải thực hiện các nghi lễ đó thì mùa màng mới tốt tươi, cuộc sống của con người mới bình yên. Đối với người dân, đức tin tâm linh cao hơn tất cả.

Khi nghiên cứu về văn hóa và là người đi dạy văn hóa, điều tôi dạy đầu tiên là đức tin tâm linh. Trước đây, trong điều kiện đặc biệt - chúng ta phải hi sinh mọi thứ để dồn sức cho cuộc kháng chiến nên những vấn đề về đức tin tâm linh chưa được quan tâm... Giờ đây, khi hòa bình lập lại, chúng ta phải hoạt động như là cuộc sống nó vốn có. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý để người dân không mê muội vào những hiện tượng mê tín dị đoan bởi ranh giới giữa chánh tín và mê tín là hết sức mong manh.

Đối với người Việt Nam, lễ hội đó đã nằm ở trong đức tin tâm linh của người dân. Người ta cho rằng, không tiến hành những nghi lễ đó thì cuộc sống của họ sẽ không được yên ổn. Và nếu có chuyện gì không tốt xảy ra, họ lại nghĩ là do mình không "thành tâm" với thần linh.

Đạo đức của giới trẻ chưa được quan tâm đầy đ

Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, những hình ảnh đâm chém trong lễ hội là rất man rợ và nó ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Theo tôi, đó là những suy luận của một nhóm người. Còn thực chất, những hành vi đâm chém dẫn đến những vụ thảm án chỉ xuất hiện trong xã hội rối ren mà thôi. Chúng ta phải phân tích và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của giới trẻ chứ không nên quy kết là do ảnh hưởng từ lễ hội. Trong xã hội ngày nay, tôi nghĩ nguyên nhân khiến trẻ em có những hành động man rợ ấy nhiều lắm. Có thể là vì tình, vì tiền, vì mâu thuẫn cá nhân hoặc lợi ích nào đó. Âëy mới chính là nguyên cớ sinh ra hành vi bạo lực của giới trẻ.

Theo nhận thức của tôi, đó là một cái giá phải trả, là mặt trái của sự phát triển. Khi bước vào thời đại của khoa học kỹ thuật, đời sống ngày càng được nâng cao thì đạo đức của con người không được quan tâm một cách đầy đủ. Khi anh đã nghiêng về sự tiện lợi, về đời sống vật chất thì anh sẽ xem nhẹ đời sống đạo đức. Ở châu Âu, nhiều nước đang phải trả cái giá ấy

Mặt trái của sự phát triển là các tệ nạn xã hội, là sự méo mó của đạo đức con người và phải chăng vì thế mà một bộ phận giới trẻ cũng đang bị cuốn theo nó, thưa GS.?

Mới đây, có một cặp vợ chồng giáo sư người Mỹ có đến thăm tôi và họ đặt một câu hỏi khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Vị giáo sư đó hỏi rằng: "GS. Dương nghĩ gì về tương lai của Việt Nam?". Tôi biết ngay đó là một câu hỏi đầy thiện chí của một con người đã từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam, rất yêu dân tộc ta. Chắc hẳn khi ông đặt câu hỏi ấy là ông đang có một lỗi lo, một sự chia sẻ nào đó. Tôi mới hỏi lại ông rằng: "Tại sao ông lại hỏi tôi câu hỏi đó?". Nhận thấy sự thiện chí của tôi, ông mới cởi mở bày tỏ: "Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mọi người đều hi sinh lợi ích cá nhân của mình để vì nền độc lập của tổ quốc, vì công việc chung".

Ở một đất nước phải hứng chịu chiến tranh liên miên, con người phải nuôi dưỡng lòng căm thù để chiến đấu đánh thắng kẻ thù. Còn trong hòa bình, người ta lại phải giáo dục, động viên tình thương của con người.

Mặt trái của sự phát triển là các tệ nạn xã hội. Khi đồng tiền lên ngôi, thì nói như Nguyễn Du cách đây 300 năm: "Trong tay sẵn có đồng tiền. Dẫu rằng đổi trắng thay đen mặc lòng". Ngày nay, thanh niên lúc nào cũng đề cao đồng tiền. Họ tung hô rằng: "Tiền là tiên là phật, là sức bật của lò xo", "có tiền mua tiên cũng được". Và khi đồng tiền lên ngôi thì nhân phẩm của con người sẽ xuống cấp. Giới trẻ cũng chạy theo vòng xoáy của đồng tiền rồi vướng vào vòng lao lý.

Chúng ta đang tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật để phát triển đất nước, cuộc sống con người được nâng cao. Nhưng thực tế đó cũng đặt chúng ta trước hai thách thức: Liệu rằng chúng ta có bảo tồn được những giá trị nhân bản của cha ông hay không? Và trong điều kiện khoa học phát triển, toàn cầu hóa đến từng nhà từng nhà một, chúng ta không chỉ sống với nền văn hóa của mình mà còn sống với các nền văn hóa khác. Chúng ta liệu có học hỏi được những tinh hoa văn hóa ấy hay chúng ta lại đánh mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc?

Xin chân thành cảm ơn GS.!

Phản cảm hay khônglà do suy luận của từng người

Trong lịch sử đã chứng kiến sự thay đổi đó khi con người thay từ việc hiến tế tính mạng sang hiến tế động vật. Khi họ nhận ra rằng, việc hiến tế chỉ là một hình thức thôi thì họ sẽ tự thay đổi. Thực tế, hình ảnh đâm chém kia có phản cảm hay không là do suy luận của từng người. Còn nói về giá trị vật chất, tôi thấy những con vật đem ra hiến tế không phải là quá lớn so với đời sống hiện tại.

Văn Chương - Phạm Hạnh (Thực hiện)

Hãi hùng phong tục "ngủ với người chết" của người Mông

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Theo đúng phong tục truyền thống của người Mông đen, xác chết sẽ được giữ ở... trong nhà từ 3 đến 5 ngày để... cúng ma. Người thân, bạn bè bắt đầu ăn uống bên cạnh người chết trong nhiều ngày trước khi đưa người chết về nơi an nghỉ.

Nét văn hóa của Người Việt nơi đất khách

Thứ 2, 25/02/2013 | 09:07
Người Việt Nam luôn tự hào về nền văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó hình ảnh quê nhà với ngôi chùa thân thuộc không thể nào thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì thế, có hàng trăm ngôi chùa Việt của người Việt đã được dựng lên, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của cộng đồng kiều bào. Cũng như ở quê nhà, đi lễ chùa đầu năm đã trở thành phong tục đẹp với cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Văn hóa dân gian đang bị biến tướng

Thứ 2, 07/01/2013 | 09:26
Phải thừa nhận rằng, các lễ hội vui chơi giải trí trong dịp Tết ngày càng phong phú hơn, tuy nhiên cũng nhiều trò chơi dân gian đang dần bị biến tướng thành thương mại. Từ những trò chơi cổ truyền trở thành "cờ bạc bịp" cho đến việc người ta đua nhau bói toán, buôn thần bán thánh trắng trợn!

Thảm hại cho văn hóa "người Hà Nội"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Tấm biển báo được đặt ngay giữa đường như muốn van nài những người tham gia giao thông “rủ” chút lòng thương hại mà đi đúng luật. Nhưng tiếc thay, những người Hà Nội "thanh lịch” lại chẳng màng đến.