Ly hôn khi 'một nửa' ngồi tù

Ly hôn khi 'một nửa' ngồi tù

Thứ 7, 30/03/2013 | 08:06
0
Theo quy định của pháp luật, nếu một bên vợ hoặc chồng can án tù thì người kia được quyền ly hôn.

Đây là một quy định nhân đạo nhằm “giải phóng” cho người kia, nhất là đối với trường hợp một người phải lãnh án dài, án chung thân. Nhưng thực tế cũng có không ít trường hợp, người bạn đời vừa bị bắt giam thì người kia đã đâm đơn ra tòa. Đằng sau đó có biết bao nỗi niềm nhân tình thế thái…  

Gạt nước mắt dứt áo ra đi

Yêu nhau suốt 4 năm thời sinh viên rồi mới tiến tới hôn nhân, anh Thắng và chị Thảo (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau những khó khăn vất vả trong quãng thời gian hôn nhân buổi ban đầu. 7 năm chung sống, họ đã có 2 đứa con, cùng khối tài sản kha khá. Anh Thắng là giám đốc một doanh nghiệp tư vấn bất động sản, chị Thảo từ khi sinh đứa con đầu lòng thì không đi làm công sở nữa mà ở nhà chăm sóc con, tề gia nội trợ.

Vài năm trước, khi bất động sản “trúng vụ”, chuyện làm ăn của anh Thắng lên như diều gặp gió, nhiều người ví cuộc sống của chị Thảo chẳng khác gì bà hoàng. Thực tế, chị Thảo chỉ có việc thả sức ăn chơi, mua sắm, du lịch trong nước chán lại ra nước ngoài; chăm con và công việc gia đình thì đã có người giúp việc lo liệu.

Ấy vậy mà đùng một cái, mọi người mới té ngửa khi biết lý do gia đình họ “giàu xổi” như thế là do anh Thắng lừa đảo chạy dự án. Sau đó, anh bị truy tố vì tội lừa đảo số tiền lên tới vài chục tỷ đồng và bị tuyên án 20 năm tù. Ngày chồng ra tòa, chị còn bịn rịn động viên anh yên tâm cải tạo, chị sẽ chung tình chờ đợi.

Thế rồi ở đời chẳng ai học được chữ ngờ! Chồng kết án chưa lâu thì chị đơn phương ly hôn, lý do chị đoạn nghĩa với chồng là không thể vò võ sống độc thân trong một thời gian dài. Chị mới ngoài 30 tuổi, sao đành lòng để tuổi xuân tàn phai hoài phí vì một người chồng bóc lịch sau song sắt.

Phiên tòa ly hôn hôm đó diễn ra chóng vánh vì anh Thắng xin vắng mặt, chỉ có một mình chị thoăn thoắt đến rồi đi. Mặc dù chị phân trần lý do xin tuyệt nghĩa vợ chồng nhưng ít người lưu tâm vì điều đó có vẻ không cần thiết. Luật cho phép được ly hôn khi một bên can án tù, nghĩa là chị được ly hôn vô điều kiện.

Khi mẹ già níu kéo hạnh phúc cho con

Chồng vừa bị bắt vì tội cướp tài sản thì chị Ngọc xin ly hôn, thực ra việc này chị đã định làm từ lâu lắm rồi nhưng vì trước đây người chồng không chấp nhận nên chị đành bấm bụng sống chung. Việc anh ta bị bắt như một cơ hội thuận lợi để chị thoát khỏi cuộc hôn nhân tù ngục bên anh chồng đã bất tài lại còn gia trưởng, vũ phu.

Tình nghĩa vợ chồng từ lâu đã không còn, ấy thế mà cuộc “ra đi” của chị lại đau khổ, day dứt là vì… mẹ chồng chị! Bà cụ cố van xin con dâu hãy nghĩ lại, một phần vì không muốn xa các cháu nội, phần vì lo lắng con trai ở trong tù sẽ bất mãn, tiêu cực và không yên tâm cải tạo.

“Mẹ biết đời con đã khổ vì con trai mẹ. Nay mẹ xin con hãy cứu vớt nó một lần này nữa thôi. Nó yêu con thật lòng, lại sĩ diện nữa, nếu bị vợ bỏ nó sẽ phản ứng tiêu cực, không yên tâm cải tạo…”.

Nước mắt mẹ chồng khiến chị Ngọc thấy mủi lòng. Sau nhiều lần suy đi tính lại, chị xin rút đơn ly dị vì thương mẹ chồng nhưng trong lòng chị chẳng biết những ngày sắp tới sẽ sống thế nào bên người chồng tù tội mà không chút luyến ái?

Luật sư - Ly hôn khi 'một nửa' ngồi tù

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không phải bà mẹ chồng nào cũng may mắn níu kéo được cô con dâu nặng tình, giàu đức hy sinh như trong vụ ly hôn của chị Ngọc kể trên. Rất nhiều vụ án, bỏ qua tất cả lời khuyên can, van xin của người thân, thậm chí bỏ mặc con cái, đương sự vẫn lạnh lùng “cắt đứt” chỉ vì sự ích kỷ cá nhân của họ.

Chia ly nào cũng đắng cay, chua xót

Dù sao, những cuộc ly hôn mà một bên lãnh án dài vẫn dễ thông cảm hơn những vụ việc mà bạn đời vừa vào tù, người kia đã ly hôn. “Cảm giác xin ly hôn trong những trường hợp đó có vẻ như hơi bất nhẫn, nhưng luật cho phép thì họ vẫn được giải quyết. Vì xét thấy trong hoàn cảnh bi đát như thế, vợ chồng không ai mang lại hạnh phúc cho ai; mục đích cuối cùng của cuộc hôn nhân là hạnh phúc đã tan vỡ, không đạt được nên giải quyết cho ly hôn là điều tất yếu!”- Thẩm phán Hoàng Thị Vân Anh (TAND TP.Hà Nội) chia sẻ.

Ly hôn là chuyện vạn bất đắc dĩ, không ai muốn, nhất là khi hai người đã từng có thời gian bên nhau hạnh phúc mặn nồng. Nhưng thực tế cũng có nhiều trường hợp, người vợ hoặc chồng vừa trót lỡ bước sa cơ thì đã bị người bạn đời của họ bạc bẽo thẳng tay ly hôn, không chút nuối tiếc nghĩa vợ tình chồng đầu gối tay ấp bấy lâu. “Biết là họ bạc bẽo đấy nhưng không ai có quyền ngăn cản, bác bỏ yêu cầu xin ly hôn của họ, vì đó coi như là mưu cầu hạnh phúc chính đáng mà pháp luật cho phép họ được làm. Thú thực là khi giải quyết những vụ án ly hôn như vậy chúng tôi thấy rất buồn”- một vị hội thẩm trầm ngâm chia sẻ…   

Theo Hạnh Nguyên (Pháp luật Việt Nam)

Thuận tình ly hôn không qua Tòa án: Tại sao không?

Thứ 2, 25/03/2013 | 09:07
Đề xuất thuận tình ly hôn không cần ra Tòa được đưa ra trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình đang được rất nhiều người quan tâm.

Xem xét đề xuất ly hôn thuận tình không cần ra tòa

Thứ 2, 25/03/2013 | 08:30
Trường hợp vợ chồng thuận tình trong ly hôn và không có tranh chấp về tài sản, con thì có thể giải quyết việc ly hôn thông qua thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch.

Chồng kiên quyết ly hôn để chung sống với bồ

Thứ 7, 23/03/2013 | 22:38
Anh thẳng thắn công khai đang chung sống như vợ chồng với phụ nữ bên ngoài gần một năm. Anh khẳng định rất yêu chị, không thể chia tay, sẵn sàng viết đơn ly hôn với tôi ngay tại tòa án mà chẳng nhắc đến vai trò trách nhiệm về hai con.