Ly kỳ câu chuyện “cây sưa 150 tỷ”

Ly kỳ câu chuyện “cây sưa 150 tỷ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Chúng tôi tìm về làng Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội), ngôi làng sinh ra hai "cụ sưa" trăm tỷ tại Việt Nam tròn 1 năm sau thương vụ bán cành gỗ sưa trị giá hơn 20 tỷ gây rúng động Hà thành.

Hai "cụ sưa" vẫn cứ lừng lững tỏa bóng mát trong khuôn viên chùa Phụ Chính nhưng ai biết được, người dân làng quê nghèo này đã trải qua những sóng gió từ thương vụ cành sưa hơn 20 tỷ này.

Sự kiện - Ly kỳ câu chuyện “cây sưa 150 tỷ”

Hình ảnh vết cắt của cành cây sưa

Giãi bày của những "sưa tặc" U80

Xã Hòa Chính được coi là vùng sâu vùng xa của huyện Chương Mỹ. Tuy cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 50km nhưng nơi đây vẫn còn giữ được những nét văn hóa làng quê truyền thống. Chùa Phụ Chính nằm đối diện với UBND xã. Trước cửa chùa, hai cây sưa to lừng lững bệ vệ như hai ông hộ pháp. Theo ước tính của chúng tôi, hai cây sưa này chắc phải hai người ôm mới xuể. Chiều cao của cây có lẽ cũng gần 30 mét. Để tìm hiểu về hai "cụ sưa" giá hơn trăm tỷ này, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Công Thường (Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Phụ Chính), người mà dân làng vẫn bảo là "chủ xị" trong vụ bán cành sưa tiền tỷ vừa rồi.

Cụ Thường dẫn chúng tôi vào ngôi nhà cấp 4 sơ sài là nơi cụ lưu lại tất cả giấy tờ liên quan đến vụ bán sưa. Nhấp một ngụm trà đắng chát, cụ Thường, 76 tuổi kể lại: "Chuyện đã xảy ra được hơn 1 năm nhưng nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy bức xúc vì bỗng nhiên mang danh "sưa tặc".

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, cụ Thường cho biết, thời điểm năm ngoái khi bọn "sưa tặc" phát cuồng vì loại cây quý hiếm này, người dân làng Phụ Chính đều đồng lòng giữ bằng được hai “cụ sưa”. Đã nhiều lần "sưa tặc" định đến "xẻ thịt" cụ sưa nhưng đều bị phát hiện. Người dân làng Phụ Chính coi hai cây sưa như một dấu ấn văn hóa tâm linh, là kho báu các cụ đi trước để lại. Đến thời điểm này, không ai nhớ được hai "cụ" có từ bao giờ và bao nhiêu tuổi. Đặc biệt, chùa Phụ Chính được tiếng linh thiêng nên người trong làng dù biết chỉ cần một nhánh cây sẽ bán được tiền tỷ nhưng không ai dám động vào.

Lúc chúng tôi đang nói chuyện với cụ Thường thì một cụ già tóc đã bạc trắng đi đến, lật quyển sổ nhàu nát bằng bàn tay nói như thanh minh. Theo lời giới thiệu của cụ Đinh Công Thường, chúng tôi gặp cụ Vũ Viết Binh 76 tuổi, hiện đang là ủy viên BCH hội người cao tuổi thôn Phụ Chính. Cũng là một trong những người “chủ chốt” trong vụ thực hiện bán sưa tiền tỷ, cụ Bình cho biết: "Chúng tôi làm tất cả cũng chỉ vì chùa, vì làng Phụ Chính nhưng họ cứ nghĩ chúng tôi được lợi lộc gì từ vụ bán sưa này. Họ gọi các cụ tham gia vụ bán sưa là “sưa tặc”. Chúng tôi khổ tâm lắm".

Cụ Binh kể lại: "Rằm tháng 7/2010, khi các cụ và người dân Phụ Chính đang tế lễ trong chùa bỗng dưng một cành sưa to bằng cổ chân bị mối đục từ trên cao rơi xuống. Rất may cho chúng tôi là có tấm bạt đỡ lại nên không ai bị làm sao cả. Ngày 28/7, các cụ cao niên trong làng họp đưa vấn đề khai thác những cành sưa già cỗi để tránh nguy hiểm khi gió bão. Để đảm bảo an toàn, đồng thời có thêm kinh phí xây đình, tu sửa chùa, 100% các cụ biểu quyết tán thành đề xuất khai thác cụ sưa. Trải qua hàng chục cuộc họp chi bộ, quân dân chính, toàn thể nhân dân Phụ Chính đều nhất trí khai thác cành sưa (sau được bán với giá hơn 20 tỷ đồng) trong chùa".

Kỳ bí tuyển “cao thủ” chặt cành cây thiêng

Sau đó ít ngày, một Ban khai thác gỗ sưa được lập ra với 22 thành viên toàn là các cụ cao niên có uy tín trong làng. Họ làm lễ để xin ngày, giờ đẹp khai thác cành sưa. Cuối cùng, giờ được chọn là giờ Thìn ngày 13/9 (Dương lịch). Tuy nhiên, trước hôm khai thác sưa một ngày, trời bỗng đổ mưa dữ dội. Mây đen nổi lên cuồn cuộn như những con rồng nước. Không muốn bỏ lỡ giờ lành đã định, người dân và các cụ cao niên làng Phụ Chính vẫn phải đội mưa ra chùa để chứng kiến khai thác cành sưa.

Sự kiện - Ly kỳ câu chuyện “cây sưa 150 tỷ” (Hình 2).

Cụ Vũ Viết Binh, một trong những "chủ xị" của thương vụ cành sưa 20 tỷ

Nhiều cuộc họp giữa các cụ cao niên với dân làng để chọn ra một "cao thủ" nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất. Có cao thủ có kinh nghiệm nhưng tuổi lại "xung" với ngày chặt cây, có người hợp tuổi nhưng lại không xuất sắc về tay nghề. Tưởng chừng mọi việc đi vào bế tắc thì đúng phút cuối, các cụ cao niên trong làng nhớ đến ông Bảng, khoảng 52 tuổi (ngụ xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội). Đây được coi là một trong những người có tiếng trong việc khai thác gỗ thuê. Ban đầu, ông Bảng cũng tỏ ra lo ngại về việc khai thác gỗ trong chùa, tuy nhiên, biết các cụ khai thác những cành nhỏ để đảm bảo an toàn và thêm kinh phí xây chùa nên "cao thủ" này cũng đồng ý.

Lại nói về ngày khai thác cành hai “cụ sưa” ở trong ngôi chùa thiêng. Trời mưa như trút nước, những cơn gió lớn thổi ào ào khiến cho người chặt không thể trèo lên những cành cây đã định.

"Loay hoay mãi, ông Bảng vẫn chưa thể trèo được lên cao do cây quá trơn để chặt những cành mà các cụ định từ trước. Trong khi đó, giờ Thìn sắp trôi qua nên ban khai thác đành quyết định chặt hai cành sưa phía dưới. Sau khi hạ xuống, hai cành cây được chặt thành 28 khúc, ước lượng khoảng 2,5m3. Với số lượng đó, chúng tôi định giá 28 tỷ đồng. Sáng 20/9, Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ đã đến làm việc với chính quyền xã Phụ Chính thực hiện việc đo đạc và khẳng định, hai cây gỗ sưa tại chùa thôn Phụ Chính trồng bằng nguồn vốn tự có và được nhân dân thôn Phụ Chính chăm sóc, quản lý. Vì vậy, 2,5m3 gỗ này có nguồn gốc hợp pháp", cụ Binh cho hay.

Nan giải chuyện bảo vệ hai cành sưa 20 tỷ

Sau khi được đo đạc và định giá 28 tỷ đồng cho 2,5m3 gỗ sưa là những ngày tháng các bô lão phải đối mặt với những rắc rối. Đầu tiên, các cụ phải bí mật chuyển gỗ sưa về nhà văn hóa thôn Phụ Chính. Họ phải thuê một đội bảo vệ "chuyên nghiệp" cùng các cụ trong ban khai thác gỗ sưa thay nhau túc trực để bảo vệ. Lúc ấy, cũng có khá nhiều người đến hỏi mua nhưng họ trả giá thấp hơn giá mà các bô lão định rất nhiều. Cuối cùng, các chủ xị bán sưa quyết định bán cho một người tên Toản (thôn Phụ Chính) với giá 20 tỷ.

Rắc rối từ thương vụ bán cành sưa trên 20 tỷ

Để tránh bị kẻ xấu theo dõi phá đám, các cụ bô lão thôn Phụ Chính đã hẹn anh Thái thực hiện giao dịch tại TP.Hà Đông. Sau khi giao dịch thành công, 20 tỷ đồng được chuyển vào sổ tiết kiệm của 4 cụ có uy tín nhất trong làng trong đó có cụ Đinh Công Thường và Vũ Viết Binh. Trong biên bản với ngân hàng, các cụ quy định, người cầm sổ chỉ được rút tiền ra khi có sự đồng ý và chữ ký của Ban khai thác gỗ sưa. Ngày 27/10, sau khi 28 khúc gỗ sưa được chuyển lên xe ô tô của thương gia Dương Văn Thái được hai ngày thì Công an huyện Chương Mỹ đã có văn bản phong tỏa số tiền trong tài khoản của 4 cụ.

"Gần đến ngày giao hàng, hàng chục thanh niên tóc xanh tóc đỏ, xăm trổ đầy mình không biết từ đâu đến cứ lượn khắp làng. Cứ thấy chiếc ô tô nào đi vào làng là chúng lại bu đen để hỏi có phải đi mua sưa hay không. Nếu phát hiện ra đại gia nào có ý định mua sưa, bọn côn đồ này dùng gạch đá đập nát kính. Một thời gian dài, không ai dám đến hỏi mua sưa nữa. Thậm chí, chúng còn vào nhà anh Toản để dằn mặt, nếu muốn mua số sưa đó phải nộp cho chúng 1 tỷ. Có khi mỗi ngày đám côn đồ này vào nhà anh Toản đến 3-4 lần. Mấy ngày bị khủng bố anh Toản đã quyết định từ chối mua", cụ Đinh Công Thường kể.

Ngày 15/10/2010, một thương gia tên Dương Văn Thái (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) đã đến gặp ban khai thác và trả giá 20,5 tỷ đồng. Sáng 16/10, đại diện ban khai thác đã ký hợp đồng bán số gỗ sưa này cho anh Thái với giá 20 tỷ 550 triệu đồng. Thương gia này hẹn 10 ngày sau sẽ lấy hàng và thanh toán tiền.

Được biết, giao dịch thành công, tiền được các cụ chuyển vào ngân hàng qua 4 cuốn sổ tiết kiệm, sau khi bị công an huyện có văn bản phong tỏa tài khoản, 4 cuốn sổ tiết kiệm được các cụ cất giữ tại chùa Phụ Chính nhờ "thần" bảo vệ giúp làng. Cả ban ngày lẫn ban đêm, đều có người túc trực để coi giữ cẩn mật.

Trên đường về, tôi vẫn suy nghĩ về câu nói của cụ Thường: "Trong khi chùa đang xuống cấp, dột nát sau mỗi trận mưa thì số tiền lớn như vậy vẫn nằm trong ngân hàng không được sử dụng. Hơn nữa, hiện nay hai cụ sưa đang có dấu hiệu bị rỗng ruột. Cứ tình trạng này thì sau mấy tháng nữa không còn ruột thì có lẽ sẽ bán không nổi một đồng? Hiện nay, nhiều người định giá hai cây này khoảng hơn 150 tỷ đồng. Chúng tôi bây giờ cũng chẳng biết làm thế nào. Bán thì không được mà cũng chẳng thể dương mắt nhìn tiền bạc của dân làng mất đi từng ngày".

Văn Chương