Ly kỳ chuyện đôi tượng hạc cổ biết “tự quay về”

Ly kỳ chuyện đôi tượng hạc cổ biết “tự quay về”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Theo những câu chuyện truyền miệng về ngôi đình này, cả ba lần bị mất trộm thì cả ba lần đôi hạc đều được tìm thấy theo những cách kỳ lạ.

Người dân xã Đan Phượng, huyện Đan phượng (Hà Nội), từ lâu tự hào vì ngôi đình làng mình từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm.

Hơn thế, nơi đây còn lưu truyền câu chuyện linh thiêng, huyền bí về về ngôi đình Đại Phùng và đôi hạc đồng cổ. Đó là câu chuyện kể về sự anh linh của thànn hoàng làng trừng phạt những ai mạo phạm và sự kỳ lạ của đôi hạc trong đình bị mất cắp hai lần nhưng lại quay về nơi thờ tự.

Xã hội - Ly kỳ chuyện đôi tượng hạc cổ biết “tự quay về”Đôi Hạc ở đình Đại Phùng

Những câu chuyện huyền bí nơi đình thiêng

Bờ đê dài hun hút của huyện Đan Phượng dẫn tới địa phận thôn Đại Phùng. Đổ hết con dốc qua cổng làng là đến đình Đại. Trước cửa đình là nơi người dân thường họp chợ. Họ vẫn còn giữ nét sinh hoạt này từ rất lâu đời. Trái ngược với không gian ồn ào, náo nhiệt ở ngoài, bước vào trong đình người ta cảm nhận được một sự tĩnh lặng đến thanh tịnh.

Ngồi trong một quán nước trong chợ hỏi thăm về ngôi đình mới được trùng tu này nhiều người dân cho biết: Đình Đại Phùng thờ một vị võ tướng thời Trần, ngày trước mất ở đây nên dân lập đền thờ và tôn thành Thành hoàng làng. Có người bảo vị tướng này tên Bốn nhưng người ta sợ phạm húy nên gọi là ông Tứ.

Xung quanh ngôi đình này người dân đồn đại nhiều chuyện ly lỳ. Bà bán nước tên Bùi Thị Hiền kể lại:

“Ngày xưa đình Đại cổ kính uy nghiêm lắm, cột đình làm bằng gỗ xoan to 2-3 người ôm không xuể. Người ta truyền tai nhau nhiều chuyện linh thiêng. Ngay cái thời bọn Nhật xâm chiếm, chúng nó lấy đình Đại này làm kho đựng đay rồi cử người canh gác. Thế nhưng cứ đêm đến là người ta nghe lũ lính canh gác la oai oái, nửa đêm tỉnh dậy mồ hôi đầm đìa.

Có người bảo đang đêm chúng nó nằm mơ thấy một vị tướng cưỡi ngựa cầm thanh đao chém chúng rụng rời chân tay. Lúc tỉnh dậy thì người không cử động được chỉ biết kêu la thảm thiết. Có toán lính khác đến thay thì lại mơ thấy mình bị đôi hạc tha lên trời rồi thả từ trên cao xuống. Bọn giặc cướp nước không được yên ngày nào”?!

Một ông lão trog làng kể tiếp: “Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, đình Đại lại trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân. Đến thời kỳ xây dựng hợp tác xã, đình lại được trưng dụng thành kho thóc. Lúc bấy giờ có nhà ông Đ. mới thấy đôi ngựa gỗ trong đình làm vướng chỗ, định chẻ đôi ngựa ra làm củi đun, mặc sự can ngăn của mọi người.

Sau hôm đó 6 người nhà ông Đ. ngủ đều nằm mơ thấy một giấc mơ giống nhau: Đôi ngựa gồm một đỏ, một trắng về dẫm nát cả nhà. Thời gian sau đó cả nhà ông đau ốm liên miên. Ông Đ. phải xin đi trông kho thóc để lễ tạ mới được yên ổn”!?

Qua thời gian, đình Đại Phùng đã xuống cấp, chính quyền và người dân trùng tu nhiều lần. Chuyện không có gì đáng nói nếu không có một số gia đình cố ý lấn chiếm phần đất ao của đình. Hồi ấy chẳng biết có phải do trùng hợp hay không mà những gia đình lấn chiếm đất đình đều gặp chuyện tai ương chẳng lành.

Gia đình bị ảnh hưởng nhẹ nhất cũng là ốm đau liên miên. Một gia đình khác thì chủ hộ không biết nguyên nhân vì sao tự nhiên uống thuốc độc tự tử. Người thì bảo do thần linh trừng phạt, người thì bảo ông ấy mâu thuẫn gia đình, nghĩ quẩn mà làm liều. Đáng nói nhất là vụ việc của gia đình ông Q..

Người dân kể lại rằng:Đêm đó, ông đang nằm ngủ với vợ thì có kẻ trộm vào đâm chết ông sau đó mang xác ra giếng vứt. Hai ngày sau người ta mới tìm thấy xác ông nhưng sau khi điều tra thì cũng không tìm được thủ phạm. Không biết nguyên nhân tại sao?

Những câu chuyện truyền miệng chẳng ai minh chứng và xác thực nhưng người dân nơi đây nhất là những người già truyền tai nhau như nhắc nhở con cháu về sự linh thiêng về ngôi đình cổ.

Xã hội - Ly kỳ chuyện đôi tượng hạc cổ biết “tự quay về” (Hình 2).Ông Nguyễn Đức Toàn bên bài thơ mất Hạc

Sự trở về đầy huyền bí

Tìm vào nhà ông Bùi Vĩnh Thủy (64 tuổi), hiện đang là chủ nhang ở đình Đại Phùng chúng tôi được ông cho biết thêm nhiều thông tin. Ông Thủy cho hay, trong đình có những đồ vật rất quý giá, tuổi của chúng ngang bằng với tuổi của ngôi đình lên đến gần nửa thiên niên kỷ. Vì lẽ đó nên chúng bị bọn con buôn cổ vật thường xuyên nhòm ngó.

Câu chuyện người ta hay nhắc đến nhất liên quan đến bọn trộm cắp cổ vật này là chuyện về đôi hạc đồng cổ. Đôi hạc cao chừng 3m, được đặt ở chính điện. Ông Thủy giới thiệu chúng tôi sang nhà ông Nguyễn Đức Toàn năm nay đã 82 tuổi, một người nắm rõ tường tận những chuyện xảy ra trong quá khứ.

Hiện tại ông Toàn làm trưởng ban hội người cao tuổi, còn trước đây ông làm phó ban quản lý di tích ở xã Đan Phượng.

Là một người nắm rõ sâu sắc về lịch sử, văn hóa địa phương và làm việc một cách hết sức khoa học, ông lục tìm trong đống sách vở ghi chép lại sự kiện đôi hạc cổ trong đình bị mất. Ông Toàn chậm rãi kể:

Từ nhỏ ông đã gắn bó với làng quê nơi đây, với ngôi đình Đại Phùng. Hồi ông gần 30 tuổi, ngôi đình Đại nằm nơi đầu làng, cổ kính và linh thiêng, nhưng lúc đó không được khóa và trông nom cẩn thận như bây giờ. Lúc ấy có kẻ gian đột nhập vào, bẻ gẫy chân đôi hạc cho vào tải mang đi mất. Thế nhưng không hiểu sao một thời gian sau người ta thấy đôi hạc nằm gọn trong bao tải và được trả lại đình.

“Lúc ấy tôi đi làm về ngang qua đình, thấy cái bao tải lớn mới mở ra xem thì thấy đôi hạc nằm trong đó đã bị bẻ rời chân. Sau đó tôi phải nhờ người dùng xe bò đưa đôi hạc đi hàn lại và đặt vào vị trí cũ”. – ông Toàn kể.

Hồi ấy, dân làng Đại Phùng lấy làm lạ lắm, bởi họ không hiểu sao đồng có giá thế mà tên trộm đã lấy được rồi lại đem trả lại. Có người bảo nhà tên trộm sau khi lấy cắp hạc thì chết cả mấy mạng người nên hắn sợ hãi mà đem trả.

Rồi đến mãi sau này gia đình người đó cũng lụi bại mà mỗi người một phương, chết đường chết chợ. Việc người ta đồn đoán đúng sai thế nào không biết, nhưng sự trở lại của đôi hạc cũng khiến người dân nơi đây tin vào sự linh thiêng.

Chuyến “phiêu lưu” lần thứ hai của đôi hạc vào năm 2005. Năm đó ông Toàn nhớ rất rõ, làng Đại Phùng vừa tổ chức hội xong ngày 19 thì ngày 20 mất hạc. Kẻ gian lợi dụng dân làng và ban quản lý lơ là nên chúng cắt ba lần khóa để vào đình khiêng đôi hạc, bộ chấp kích và chiếc đỉnh đồng đưa lên ô tô đi mất.

Người dân làng Đại Phùng một lần nữa hoang mang tột độ bởi họ vừa dự hội tưng bừng xong lại xảy ra cơ sự như vậy.

Mọi người ai ai cũng lo lắng riêng ông Toàn thấy trong thâm tâm bình tĩnh lạ thường. Ông tập hợp các cụ già trong làng lại, viết 7 lá sớ, mỗi ngày dâng một lá cầu Thành hoàng phù hộ đưa đôi hạc trở về. Sau 100 ngày tròn, dân làng nhận được tin vui từ công an báo lên nhận đôi hạc quý.

Có người sau đó nghe kể lại, những chiến sỹ công an ở Hải Phòng (nơi tìm thấy đôi Hạc – PV) mấy ngày liên tiếp mơ thấy một đôi hạc dẫn mình bay đến đậu trên nóc nhà một người buôn đồ cổ rồi biến mất.

Sau đó những chiến sỹ này đến kiểm tra thì vô tình phát hiện bọn buôn đồ cổ đang tiến hành bán đôi hạc.

Hỏi rõ ra thì mới biết địa chỉ và trả đôi hạc trở về chốn cũ. Việc đó khiến người dân nơi đây khi nhắc đến chuyện này thì nói vui rằng đất đình là đất thiêng, đất tốt mới khiến đôi hạc cao quý như vậy chọn làm nơi trú ngụ.

Những câu chuyện li kỳ về ngôi đình mà người dân truyền tai nhau trên đây không có tư liệu để kiểm chứng. Dù vậy, ai cũng hiểu rằng những câu chuyện như vậy ở các làng quê có lẽ không thiếu, đó là cách dân làng vẫn dùng để bảo vệ những vật báu trong làng, xã. Tuy nhiên, việc đôi hạc quý ba lần bị mất nhưng vẫn tìm lại được cũng là một câu chuyện hiếm có.

Niềm tự hào của làng

Ông Bùi Vĩnh Thủy, chủ nhang đền Đình Đại Phùng cho biết: Đình Đại Phùng là một trong những ngôi đình được phòng văn hóa huyện đánh giá là có kiến trúc đẹp bởi các phù điêu đặc biệt. Năm 1990 Đình Đại Phùng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo ông Thủy, đình Đại Phùng thờ danh tướng Vũ Hùng thời Trần. Năm 1965 do xã làm tốt công tác thủy lợi nên được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và họp tại đình. Thấy đình xuống cấp, cố Thủ tướng đã chỉ đạo địa phương sửa sang và cho thợ về làm. Hiện tại bức ảnh lưu niệm với cố Thủ tướng vẫn được lưu giữ trong đình Đại Phùng. Đó là niềm vinh dự và tự hào của người dân nơi đây.

Văn Thịnh