Ma Thiên Lãnh hay hậu nhân bí kíp võ công lừng danh sử Việt

Ma Thiên Lãnh hay hậu nhân bí kíp võ công lừng danh sử Việt

Thứ 5, 10/10/2013 | 12:35
0
Theo một số nhà nghiên cứu, các bậc trưởng lão, võ sư am hiểu lịch sử võ thuật Việt Nam, vào thời Hậu Lê, ở kinh thành Thăng Long có nhà sư Hư Minh uyên thâm võ học, đã kỳ công sưu tầm góp nhặt binh thư võ thuật của các bậc danh tướng, chắt lọc và hệ thống trong pho bí kíp "Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp".

Bộ sách này sao chép binh thư võ thuật của những vị tướng qua nhiều đời khác nhau, từ Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành đến Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão...

Đất nước rơi vào cảnh đồ thán, nhà sư Hư Minh đi về phương nam. Và nhờ vậy những tinh hoa võ học chứa đựng trong bộ sách quý nói trên được lan truyền tại các xứ Đàng Trong, đặc biệt là Bình Định, quê hương của những người anh hùng áo vải (đây là đời thứ 8 được truyền thừa)... Sau khi sự nghiệp lẫy lừng của nhà Tây Sơn sụp đổ, bộ "Lục tướng tằng vương...". dường như  bị hủy diệt cùng chung số phận với những trước tác võ học khác của đất Bình Định. Và kể từ đây nó chỉ được truyền lại qua trí nhớ của các thế hệ thuộc môn phái Long Hổ Không Hồng...

Chất liệu hiện thực lịch sử và sự huyền ảo, bi tráng của số phận một pho bí kíp võ công Việt Nam, đã gợi cảm hứng cho tác giả Nguyễn Trực Ninh viết "Ma Thiên Lãnh" hay là chuyện hậu nhân pho bí kíp võ công lừng danh sử Việt...

Xã hội - Ma Thiên Lãnh hay hậu nhân bí kíp võ công lừng danh sử Việt

Tác giả của Ma Thiên Lãnh - mái tóc oan cừu.

Hồi 1: Chàng họ Đào vốn dòng hào kiệt

Sống trong thời chiến cuộc phân tranh

Câu chuyện này xảy ra cách đây tuy chỉ hơn hai trăm năm nhưng lại trải dài 4 thế kỷ: 18 - 19 - 20 và 21...

Đó là thời phân tranh, những cuộc chiến đẫm máu diễn ra ngày một trên đôi bờ Linh Giang. Khắp nơi đồ thán, trăm họ điêu đứng. Nhà cửa đổ nát, ruộng đồng bị bỏ hoang, đi đâu cũng gặp cảnh vợ góa con côi than khóc. Những cuộc nổi dậy của dân chúng liên tiếp nổ ra…

Tại một ngôi làng hẻo lánh vùng bán sơn địa miền Trung, chàng nho sinh họ Đào tên Tiêu Diêu vẫn sống ung dung, tự tại.

Chàng là hậu duệ đời thứ 8 của Đào Duy Từ, người được coi là đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn thời mở mang xứ Đàng Trong. Chỉ trong vòng 8 năm theo phò Chúa Nguyễn, ông tổ của chàng đã kịp giúp Đàng Trong xây dựng một đội quân hùng mạnh, đủ sức đương cự, thậm chí có nhiều phen làm họ Trịnh ở Đàng Ngoài khốn đốn, toát hết cả mồ hôi... Ngoài tài kinh bang tế thế, tên tuổi Đào Duy Từ còn được lưu danh hậu thế với bộ binh thư "Hổ trướng khu cơ" cùng nhiều trước tác, thi phẩm và vô số những giai thoại nổi tiếng...

Nhưng dường như tính khí của chàng trái ngược hẳn với ông tổ kiêu hùng, mưu lược của chàng. Thậm chí, trong những lúc cao đàm khoát luận, có ai nhắc đến những trang huyền sử  liên quan đến sự nghiệp lừng lẫy của ông tổ của chàng, Tiêu Diêu cũng chỉ miễn cưỡng họa theo mà thôi...

Rằng, tháng 3 năm Canh Ngọ (1630), quân sư họ Đào khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục từ núi Trường Dục đến phá Hạc Hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật Lệ vào đánh xứ Đàng Trong. Cũng lại kế sách họ Đào, năm Tân Mùi (1631), chúa Nguyễn l cho đắp thêm một cái lũy nữa, kiên cố hơn, dài  hơn 30 dặm bắt đầu từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ, tiến lên phía đông bắc đến tận làng Đông Hải. Chính hai cái lũy trên đã giúp quân Đàng Trong chặn đứng các cuộc tiến công của quân Đàng Ngoài trong suốt một thời gian khá dài... Không dừng lại ở thế phòng thủ, quân sư Đào Duy Từ vạch kế hoạch tiến chiếm châu Nam Bố Chánh. Chúa Phúc Nguyên chấp thuận. Quả nhiên chiến dịch thành công...

Còn điều này đặc biệt hơn. Chàng họ Đào sẵn lòng giảng giải cho con trai chàng hiểu và học những bài thơ của các thi sỹ Trung Nguyên, trong khi hầu như không nhắc tới những thi phẩm tràn đầy phấn hứng, ý tứ sâu xa và khí phách ngang tàng của ông tổ họ Đào... Ngay cả bài thơ liên ngâm giữa Đào Duy Từ và Đoan quận công Nguyễn Hoàng cũng không thoát khỏi sự hẩm hiu nói trên trong cung cách dậy dỗ con của chàng Đào Tiêu Diêu...

Rằng, sau khi chàng thanh niên Đào Duy Từ thi đậu Á Nguyên, khoa thi Hương năm Quý Tị, viên xã trưởng đã từng giúp mẹ chàng sửa lý lịch cho chàng được dự thi (cha chàng vốn là một kép hát, theo phép tắc của triều đình, con cái của hạng "xướng ca vô loài" như Đào Duy Từ không được phép dự thi), nay đòi cưới mẹ Đào Duy Từ. Bà từ chối, viên xã trưởng tức giận, làm ầm ĩ khiến việc chàng giả lý lịch bị bại lộ... Do vậy,  Đào Duy Từ bị đánh tuột Á Nguyên. Nghe tin dữ, mẹ chàng cắt cổ tự vẫn. Chàng  vừa bị lột mũ áo, vừa mất mẹ nên đau buồn, sinh bệnh nặng, nằm bẹp trong quán trọ. Đoan quận công Nguyễn Hoàng lúc ấy trấn nhậm Thuận Hóa, được vua Lê mời ra Đông Đô bàn việc, nhờ vậy họ Nguyễn mới biết chuyện không may của chàng danh sỹ họ Đào. Quận công họ Nguyễn đang ngấm ngầm xây dựng lực lượng, tìm kiếm vây cánh, đoán rằng đây là một kẻ sỹ có tài, bèn đến tận quán trọ thăm Đào Duy Từ... Nhân thấy trên tường có treo bức họa ba anh em Lưu - Quan - Trương " ba lần đến lều cỏ" cầu Gia Cát, Đoan quận công bèn ứng khẩu:

"Vó ngựa sườn non đá chập chùng"

"Cầu hiền lặn lội biết bao công"

Duy Từ tiếp:

"Đem câu phò Hán ra dò ý"

"Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng"

Cứ thế, hai người, một già một trẻ, một nuôi mộng đế vương, một ôm mối hận bất đắc chí và nỗi khao khát được thi thố tài kinh bang tế thế..., tạo nên một liên khúc để đời:

"Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở"

"Biên thùy vạch sẵn một dòng sông"

Duy Từ đóng:

"Ví chăng không có lời Nguyên Trực"

"Thì biết đâu mà đón Ngọa Long"

Hồi hai: Không chịu làm “người rơm, chó đất”

Chốn thôn quê ôm mộng        hải hồ

Đại loại như vậy. Chàng Đào Tiêu Diêu không phải không biết những điều vừa kể trên, chỉ có chàng mới hiểu vì sao chiều ấy, một buổi chiều đẹp trời, chàng lại ngồi trong ngôi nhà tranh đơn sơ, ấm cúng của mình, dạy đứa con trai lên sáu tuổi học chữ nho. 

- Con còn nhớ bài thơ này không?

- Dạ, bài "Thơ hái sao"!

- Phải rồi, con đã thuộc chưa?

- Dạ, rồi ạ!

- Con trai của cha giỏi lắm. Con đọc cho cha nghe đi?

Cậu bé hào hứng đọc:

 Mênh mông trăm thước lầu cao

Tay ta có thể hái sao trên trời

Nói năng chẳng dám lớn lời

Sợ làm kinh động đến nơi chư thần…

Chàng ôm lấy con vào lòng:

- Giỏi lắm…  Bài này của Dương Ức, đời Tống, tương truyền cậu bé Dương Ức sanh được mấy năm mà vẫn chưa biết nói. Một hôm người nhà bồng lên lầu cao, đầu va vào mái, bỗng cậu bé họ Dương cất tiếng ngâm ngay bài thơ "Hái sao".

   Nàng Ba, vợ Đào  Tiêu Diêu, một người phụ nữ  thôn dã xinh đẹp, quyến rũ và dịu dàng, vừa ngồi khâu áo trong góc nhà vừa sung sướng theo dõi câu chuyện của hai cha con. Cậu bé ngước mắt nhìn cha:

- Cha ơi, sau này cậu bé đó lớn lên làm gì hả cha?

Chàng đặt con trai lên hai đầu gối mình, phấn chấn:

- Sau đó cậu bé Dương Ức được gọi vào triều thi thơ phú rồi làm quan lúc mới mười một tuổi. Người đương thời gọi cậu ấy là thần đồng!

Cậu bé nghe không chớp mắt, chàng nói tiếp:

- Dương Ức tính tình cương trực, trọng tiết tháo, thông minh mẫn tiệp, văn chương hùng hồn, ai cũng kính trọng, quý mến!

Cậu bé chợt vít cổ cha xuống, thì thầm. Đào Tiêu Diêu nghe con nói, mắt sáng lên:

- Ồ, cả đời cha cũng chỉ mơ có vậy… Bây giờ con ra chơi với lũ con nít trong xóm đi!

Cậu bé hớn hở bỏ đi. Chàng đứng lặng nhìn con rồi quay lại hỏi vợ:

- Em biết con vừa nói gì với anh không?

Nàng âu yếm lắc đầu, chàng mỉm cười:

- Con biểu, lớn lên con sẽ bắt chước cậu bé thần đồng Dương Ức, "hái sao" trên trời. - Chợt chàng trở nên trầm ngâm, ngồi xuống bên vợ - Anh bất tài, vô dụng, cả đời chẳng làm nên sự nghiệp gì, con trai chúng ta sẽ làm thay anh!- Đặt bàn tay lên cái bụng chửa của vợ, anh mỉm cười: Bao giờ thì thằng Tèo được làm "anh hai" hả em?

Nàng ngả đầu vào ngực chồng, đáp khẽ:

- Dạ, chắc là trước trung thu!

Chàng âu yếm vuốt ve mớ tóc dài óng mượt của vợ. Nàng thoáng thở dài, thì thào:

- Giá cứ thế này miết, em chẳng dám mong gì hơn!  

Chàng lo lắng cầm tay vợ:

- Em sao vậy?

- Không, có gì đâu…

Chàng không ưa bon chen danh lợi, chỉ mê thơ phú, chuộng đạo lý Thánh Hiền hơn cơm ăn, áo mặc. Chàng chắc mẩm, chỗ mình là nơi thâm sơn cùng cốc, cơn lốc binh lửa có thể tàn phá đâu đó nhưng sẽ bỏ quên chàng và tổ ấm của chàng! Không ít người thuộc loại "khuyển nho" chê chàng gàn dở, không thức thời vụ! Với văn tài của mình, nếu chịu ra Phú Xuân ứng thí, chàng có thể dễ dàng giật bảng khôi nguyên để rồi võng lọng, áo mũ xênh xang, vinh thân phì gia. Nhưng chàng không chịu khuất mình làm "người rơm, chó đất" cho triều đình. Và khi ông Hai Trầu, một vị thủ lãnh nổi danh trượng nghĩa và can trường khắp vùng, dựng cờ nghĩa, chiêu mộ anh hùng hào kiệt bốn phương làm một cuộc đảo thiên nghịch địa, cử người đến thuyết phục chàng. Chàng cũng từ chối thẳng thừng, không buồn để ý đến những lời chê trách và sự nghi kị mà ông Hai Trầu và nghĩa binh có thể ghim guốc để bụng… Rằng chàng là con cháu của một vị đại công thần của nhà Nguyễn, hẳn chàng coi ông Hai Trầu là kẻ "phản nghịch". Và chàng đang ngấm ngầm làm nội gián, tai mắt cho triều đình Phú Xuân...

Mà sự thể ấy cũng nguy hiểm không kém gì việc bị triều đình ghét bỏ! Mặc, chàng tự nhủ, thiên hạ điên thì ta tỉnh, thiên hạ loạn thì ta an, thiên hạ động thì ta tĩnh…  

Bỗng có tiếng chân bước nhè nhẹ và tiếng niệm hồng danh Đức Phật: Nam mô a di đà Phật! Tiêu Diêu vui vẻ nhìn ra: Mời chú vô!- Một  chú tiểu bước vào:

- Hòa thượng Vô Trước sai tôi đưa thơ này cho thí chủ!

Chàng hào hứng nhận thư:

- Kìa, mời chú ngồi! Em lấy nước mời khách giùm anh nghe!

- Dạ!- Nàng Ba nhanh nhẹn đứng dậy, bước ra ngoài.

- Thưa thí chủ, thầy tôi dặn, đợi thí chủ coi xong thì lãnh ý hồi âm của thí chủ, quay về ngay chùa cho thầy hay!

Chàng đọc thư rồi gật đầu:

- Chú về trước trình hòa thượng, tôi sẽ lên sau!

- Nam mô a di đà Phật!

Chú tiểu quay lưng. Chàng bảo vợ: Bữa nay có mấy vị thi hữu mới từ Phú Xuân vô, hòa thượng Vô Trước mời anh lên chùa ngâm vịnh với họ!

- Dạ, anh đi cho khoảng khoát đầu óc!

Chàng ôm nhẹ lấy vợ:

- Nhưng xa mấy má con em chút xíu anh đã thấy nhớ rồi?

Nàng sung sướng nép vào ngực chồng:

- Anh đi nhớ đừng về trễ quá, má con em đợi anh về ăn cơm đó!

- Ờ, sau cuộc bình thơ, anh sẽ mời luôn các thi hữu xuống nhà mình được không em?

Nàng dịu dàng gật đầu:

- Dạ, em sẽ nhờ người vô xóm trong lấy thêm mấy vò rượu thiệt ngon! Còn em ra đầm gặp bác Chín Thiệt, kiếm mấy con cá lóc tươi làm món nhậu!

- Ôi, em…

Chàng cảm động xiết chặt vợ trong vòng tay…

 Xã hội - Ma Thiên Lãnh hay hậu nhân bí kíp võ công lừng danh sử Việt (Hình 2).

Hồi 3: Người vợ trẻ đẹp như trong mộng

Khiến bọn gian tối mắt khát thèm

Ngôi chùa cổ nằm trên một ngọn đồi thanh vắng, xung quanh có một rừng mai tuyệt đẹp, hòa thượng Vô Trước cùng các bạn thơ ngồi trong mái hiên, vừa thưởng thức phong cảnh mai núi vừa  say sưa nghe đào  Tiêu Diêu nói trước khi ngâm nga một bài cổ thi:

- Hẳn quý vị thi hữu đã được thưởng thức rừng mai tuyệt đẹp quanh ngôi chùa này? Nhân đó, kẻ bất tài xin mạn phép quý vị đọc lại một bài của Lâm Bô, tự là Quân Phục, ở ẩn trên Cô Sơn, suốt hai mươi năm chân không bước tới thị thành, vẽ giỏi, viết chữ như rồng bay phượng múa, thơ phú đạt tới tuyệt đỉnh. Không vợ không con, trồng mai nuôi hạc làm bạn suốt đời, cho nên người thời ấy bảo họ Lâm có "mai thê, hạc tử " (lấy mai làm vợ, hạc làm con). Họ Lâm có nhiều bài vịnh mai, nhưng nổi tiếng nhất là bài "Mai hoa" có bốn câu đầu cực hay-khoái chá nhân khẩu. Chúng phương dao lạc độc huyên nhiên - Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên…

Các thi hữu trầm trồ, xuýt xoa:

- Tuyệt, tuyệt quá…

Nàng Ba tất tưởi rời nhà, ra chỗ bờ đầm, nơi ông lão dân chài Chín Thiệt vừa kéo xong một mẻ lưới dồi dào tôm cá. Nàng hớn hở kêu lên: Bác Chín, có con lóc nào thiệt tươi cho con không?- Ông lão cười hiền lành: Có chớ, vừa nói, ông lão vừa mở sạp thuyền, bắt lên một con dãy đành đạch- Con này trui lửa làm món nhậu cho thầy Diêu  được đó!

- Dạ - Nàng  vui vẻ đáp. Ông lão nói tiếp:

- Ờ, bữa nay lão gặp hên. Cô Ba cầm thêm mấy con ghẹ này về hấp cho thằng Tèo ăn, biểu của ông Chín cho nó!

Nàng cảm động:

- Dạ, bác  Chín cưng thằng Tèo quá.

Ông lão xua tay, thở dài:

- Cô Ba nói chi kỳ vậy, bà con lối xóm, tắt lửa tối đèn có nhau. Lão nói thiệt, cả vùng này ai chẳng kính trọng thày Diêu vừa hay chữ vừa hiền lành, chuyến này triều đình mà mở kỳ thi ân khoa thì thày Diêu nhất định đỗ trạng, có cho vô cối giã cũng không trật.

Nàng Ba hồn nhiên lắc đầu:

- Dạ, anh Diêu con "hổng" đời nào chịu đi thi đâu bác Chín.

- Sao vậy? Ông lão ngơ ngác, nàng mỉm cười:

- Tính ảnh vậy, bác Chín lạ chi?

- Ờ, thày Diêu không ưa bon chen mà. Thôi, cô Ba cầm về làm món nhậu cho thày kẻo trễ!

- Dạ, cảm ơn bác Chín!

Nàng xách con cá lóc và mấy con ghẹ quay lên bờ đầm vừa lúc một chiếc thuyền khá lớn chở đám quan binh triều đình đang cập bến. Viên cai đội Tống ngồi ngất ngưởng trước mũi thuyền, tay cầm dao sắc rạch bụng một con cá lóc, lấy ra bộ lòng còn sũng máu, ngửa cổ cho bộ lòng vào miệng nuốt chửng rồi bưng cả hũ rượu lên tu. Một vị thân hào địa phương lăng xăng tán tụng:

- Bẩm ngài Cai đội, lũ giặc cỏ khắp vùng này mới nghe danh ngài phụng mệnh chúa thượng vô đây đánh cướp đã chạy có cờ, chẳng thằng nào dám ho he vuốt râu hùm!

Đội Tống cau mày:

- Các quan phủ huyện ở đây ăn lộc triều đình thì phải lo cho dân đen chớ?

- Bẩm ngài, lũ cướp ở đây đã hung tợn, võ nghệ cao cường lại xảo trá, có đêm chúng đánh vô hai ba chỗ, sức quan binh trong hạt  không đương cự thấu!

Đội Tống cười ha hả:

- Thôi, bản chức đã vô đây, mấy ông cứ việc ăn ngon ngủ kỹ!

- Đội ơn ngài…

Chợt một tên lính chỉ tay lên bờ:

- Đại gia coi kìa!

 Đội Tống nhìn lên, thấy ngay một thiếu phụ xinh đẹp tuyệt trần đang thong thả bước với dáng đi uyển chuyển, tay xách xâu cá, nuốt nước bọt:

- Trời ơi, sao ở chốn quê mùa lại có người đẹp đến vậy?

Vị thân hào khúm núm:

- Bẩm ngài, đó là cô Ba, vợ của một nho sinh tên là Đào  Tiêu Diêu!

Đội Tống nhếch mép cười:

- Ra vậy… Ta muốn rước Đào  phu nhân lên thuyền thưởng thức ngự tửu chúa thượng vừa ban tặng cho ta, được chăng?            

Vị thân hào nghĩ bụng: xưa rày, thằng họ Đào  cao ngạo, ỷ y chữ nghĩa vẫn khinh khi các vị chức sắc bản hạt, sao không nhân dịp này dâng vợ hắn cho Cai đội Tống. A, "của người phúc ta" là vậy ru? Vị thân hào trịnh trọng:

- Bẩm, tên họ Đào  vẫn thường lén lút qua lại, kết giao với đám giặc Hai Trầu?

Đội Tống đắc ý:

- A, vậy thì càng phải kêu gấp lại cho ta xét hỏi địch tình.

- Bẩm, ý ngài là ý trời!

Vị thân hào khoát tay, mấy người phu chèo thuyền vội vã chèo gấp vào bờ…n

(Còn nữa)

Nguyễn Trực Ninh

Tuyệt kỹ võ công thuần Việt huyền thoại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
200 năm trước, có một tuyệt kỹ võ công của dân tộc đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian như một vũ khí chống thú dữ, giặc ngoại xâm, như một chữ đạo để người đời tu tâm dưỡng tính.

Hai quyết định 'để đời' của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

Thứ 7, 05/10/2013 | 10:11
Mỗi quyết định của người cầm quân đều có tầm ảnh hưởng tới sinh mạng của hàng nghìn binh lính.

Tay đôi đấu với trăn tinh, hậu duệ Võ Lâm phái tái xuất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Cách đây 15 năm người dân núi Cấm lại được tận mắt chứng kiến hậu duệ đời thứ 3 của phái Võ Lâm tái xuất trong trận thư hùng với trăn tinh ngay tại khu vườn su su giữa núi.

Võ sư Hổ Bạch Ân: Võ phái thời đỉnh cao

Thứ 5, 23/05/2013 | 08:59
Lãnh hội được những tuyệt chiêu của Thiếu Lâm Bạch Hổ, cố võ sư Hổ Bạch Ân đã nổi danh với nhiều trận so găng hạ knock out đối thủ chóng vánh.

Chưởng môn võ phái Việt – “sư tôn” tây ban cầm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Ông học võ không phải để thành tài nhưng nó lại trở thành cái nghiệp lúc nào không hay. Không những thế người võ sư ấy còn có thú đam mê rất nghệ sĩ.

Tuyệt kỹ võ công thuần Việt huyền thoại

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
200 năm trước, có một tuyệt kỹ võ công của dân tộc đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian như một vũ khí chống thú dữ, giặc ngoại xâm, như một chữ đạo để người đời tu tâm dưỡng tính.

Hai quyết định 'để đời' của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

Thứ 7, 05/10/2013 | 10:11
Mỗi quyết định của người cầm quân đều có tầm ảnh hưởng tới sinh mạng của hàng nghìn binh lính.

Tay đôi đấu với trăn tinh, hậu duệ Võ Lâm phái tái xuất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Cách đây 15 năm người dân núi Cấm lại được tận mắt chứng kiến hậu duệ đời thứ 3 của phái Võ Lâm tái xuất trong trận thư hùng với trăn tinh ngay tại khu vườn su su giữa núi.

Võ sư Hổ Bạch Ân: Võ phái thời đỉnh cao

Thứ 5, 23/05/2013 | 08:59
Lãnh hội được những tuyệt chiêu của Thiếu Lâm Bạch Hổ, cố võ sư Hổ Bạch Ân đã nổi danh với nhiều trận so găng hạ knock out đối thủ chóng vánh.

Chưởng môn võ phái Việt – “sư tôn” tây ban cầm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Ông học võ không phải để thành tài nhưng nó lại trở thành cái nghiệp lúc nào không hay. Không những thế người võ sư ấy còn có thú đam mê rất nghệ sĩ.