Mái ấm cửa thiền chắp cánh ước mơ cho trẻ em bất hạnh

Mái ấm cửa thiền chắp cánh ước mơ cho trẻ em bất hạnh

Thứ 2, 14/01/2013 | 08:54
0
Ngôi chùa Phúc Sơn nằm sâu trong xóm nhỏ của xã Hải Trung (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), đây là nơi nuôi dưỡng hàng chục đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi hình hài còn đỏ hỏn. Nửa đêm, khi cả vùng quê nghèo đã im lìm thì bên trong chùa ánh đèn vẫn sáng. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh một sư thầy đang à ơi, tay đưa võng hát ru cho những đứa trẻ vài tháng tuổi. Cửa Phật không chỉ thắp sáng tương lai cho nhiều học trò nghèo trưởng thành, đỗ đạt mà là nơi nương tựa của những cụ già neo đơn không chốn về.

Người "bảo mẫu" giàu tình thương

Men theo con đường xuyên qua cánh đồng, chúng tôi đến thăm chùa Phúc Sơn xã Hải Trung. Tiếng kinh, mõ khoan thai trong buổi tụng kinh khắc họa những nét thanh bình, yên ả.  Trong lúc chờ trụ trì chùa Phúc Sơn Đại đức Thích Thanh Huỳnh, chúng tôi tranh thủ ghé thăm khuôn viên nhà chùa và tình cờ bắt chuyện được em Trần Văn Hiếu. Trong căn phòng nhỏ nhắn, Hiếu đang mải mê với quyển sách Hóa học lớp 11 trên tay và e dè trả lời: "Năm nay em học lớp 11 ở trường THPT Hải Hậu A. Nhà em nghèo và đông anh chị lắm, bố mẹ không nuôi được em ăn học. Em được trụ trì nhà chùa cho về đây ở đã hơn 1 năm nay. Ở đây, chúng em có điều kiện được tiếp tục đi học, vì vậy chúng em luôn cố gắng học thật giỏi.

Khuôn mặt hiền lành, tính tình nhút nhát, em Phạm Thị Tho, ở xóm 3, xã Hải Trung tâm sự: "Bố mẹ bỏ hai chị em em ở nhà vào Nam làm ăn, nhưng 4 năm nay chưa thấy tin về. Không có tiền hai chị em lại phải nghỉ học dở chừng để đi làm đồng, mò cua, tát cá. Đến bây giờ, em không nghĩ rằng cuộc sống của mình đã tốt lên thế này". Ngày ấy, Đại đức Thích Thanh Huỳnh biết hoàn cảnh khó khăn nhưng ham học của Tho nên xin em về nhà từ thiện trong chùa tạo điều kiện cho ăn học.

Xã hội - Mái ấm cửa thiền chắp cánh ước mơ cho trẻ em bất hạnh

Trụ trì chùa cùng các cụ già và các em học sinh trong ngôi nhà nghĩa tình.

Không chỉ riêng trường hợp của Tho mà hiện chùa Phúc Sơn còn đang nuôi hơn 30 học sinh có hoàn cảnh éo le, vượt khó. Đa số các em là người ở địa phương và các vùng lân cận được nhà chùa tạo điều kiện cho ăn ở, học hành chu đáo. Câu chuyện giữa chúng tôi với các em học sinh dang dở, cũng là lúc Đại đức Thích Thanh Huỳnh vừa vãn buổi tụng kinh chiều, rời chính điện đưa khách đi thăm nhà từ thiện chùa Phúc Sơn.

Đại đức Thích Thanh Huỳnh cho hay: Năm 2004, một người con của xã Hải Trung hiện đang sống bên Úc đến cung tiến và ủng hộ một số tiền để tu sửa nhà chùa. Nhưng trước nhiều số phận đáng thương cần nơi nương tựa, nhà chùa liền dành số kinh phí ấy để xây dựng khu nhà từ thiện với 8 phòng khang trang. Sau đó, Đại đức Thích Thanh Huỳnh đưa những số phận có hoàn cảnh éo le về cưu mang. "Trước đây, có cả những đứa trẻ vài tuần tuổi đang còn đỏ hỏn được người dân tốt bụng nhặt được đưa vào chùa gửi gắm. Nhiều khi tôi nghĩ mà ứa nước mắt, chỉ mong sao nuôi các con khôn lớn thành người, học hành đỗ đạt để sau này cuộc sống bớt khổ", Đại đức Thích Thanh Huỳnh chia sẻ.

Ở nhà từ thiện này có đủ các độ tuổi già, trẻ, trẻ em mồ côi... trẻ nhỏ được cắp sách tới trường, được dành riêng khu học tập với đầy đủ sách vở, đèn, bàn còn người già được chăm lo ăn uống, sinh hoạt lành mạnh... Mới đây, nhà chùa tiếp tục nhận thêm một số em nhỏ nên xây thêm một khu nhà từ thiện với 4 phòng. Mỗi phòng ở đều được lát gạch men sáng bóng với 4 giường nằm, đầy đủ bàn, tủ. Trong ngôi nhà ấm áp tình người ấy, phòng thì các em học sinh chăm chú ôn bài, phòng thì có các cụ già nghỉ ngơi sau khi đã vượt qua những ngày buồn tủi đã tìm đến được với bến đời bình yên.

Cảm phục tấm lòng của Đại đức Thích Thanh Huỳnh, bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống gần chùa cho biết: "Tất cả người dân ở đây đều hưởng ứng hành động cao đẹp này của trụ trì chùa Phúc Sơn. Những đứa trẻ mang hoàn cảnh éo le đến trình bày là thầy nhận ngay, không chút nề hà. Cũng chẳng bao giờ nghe thấy những đứa trẻ trong chùa cãi vã hay đánh nhau. Các cháu được nhà chùa dạy biết thương yêu, chia sẻ với nhau như anh em một nhà. Những năm gần đây có nhiều cháu đỗ đại học, cao đẳng đi học, những ngày cuối tuần hay dịp lễ tết, các cháu đi học nơi xa đều trở về chùa thăm mọi người".

Chúng tôi được biết, từ khi nhận các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nhà chùa tạo điều kiện cho ăn học nên đã có trên 10 cháu đỗ đại học. Đặc biệt các cháu đều đã đỗ được vào những trường có tiếng để sau này có thể tự tạo lập cuộc sống. Để các cháu yên tâm học đại học, nhà chùa vẫn hỗ trợ  tiền hàng tháng có cháu được hỗ trợ lên tới 800.000 đồng/tháng. "Mỗi lần được nghỉ về quê là chúng lại vào chùa giúp đỡ các em khác học hành. Nhìn chúng ngày một trưởng thành mà lòng tôi cảm thấy càng thanh thản" Đại đức Thích Thanh Huỳnh chia sẻ. Bên cạnh việc cưu mang các số phận éo le, chùa Phúc Sơn hiện đang bảo trợ cho 30 học sinh nghèo vượt khó của địa phương với mức 800.000 ngàn đồng/năm/cháu.

Xã hội - Mái ấm cửa thiền chắp cánh ước mơ cho trẻ em bất hạnh (Hình 2).

Đại đức Thích Thanh Huỳnh tâm sự: “Chỉ mong sao mọi người có được mái ấm của mình ngay tại nơi cửa thiền”.

Mái ấm yêu thương

Không chỉ có vậy, cứ đến ngày rằm hàng tháng, nhà từ thiện của chùa Phúc Sơn lại tổ chức phát gạo cho hàng trăm cụ già trong xã có hoàn cảnh khó khăn với mỗi suất từ 6 -10kg gạo. Nhà chùa luôn cắt cử người đi thăm hỏi khi địa phương có người già đau yếu.

Gần 30 năm nương thân nơi cửa Phật, Đại đức vẫn nhớ như in cái khát vọng được cắp sách tới trường, thèm muốn một bữa no bụng. Phật dạy "thương người như thể thương thân" nên suốt chặng đường tu hành, Đại đức Thích Thanh Huỳnh luôn mở rộng cửa chùa giúp đỡ những người già cô đơn, trẻ mồ côi. Mỗi mùa tựu trường, gánh nặng lại đè lên đôi vai nhà sư trụ trì. Những lúc ấy, người ta thấy Đại đức cặm cụi đóng từng tập sách, nhặt nhạnh từng cây bút và tất tả ngược xuôi vận động phật tử đóng góp ít nhiều lo học phí cho các em.

Mãi đến tận năm 2003, mơ ước có được một ngôi nhà từ thiện của Đại đức Thích Thanh Huỳnh mới thành hiện thực. Trên cương vị, Chủ tịch Hội Phật giáo huyện và đảm nhiệm nhiều trọng trách khác, khi bắt đầu đưa nhà tình nghĩa chùa Phúc Sơn vào sử dụng, Đại đức Thích Thanh Huỳnh đã thông báo lên huyện, thông báo tới các xã để đưa những người già, trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về chăm sóc. Vượt qua muôn vàn khó khăn, nhà chùa đã thành lập được quỹ từ thiện để chăm lo cho những số phận không may mắn. Đến nay, mọi thứ đã dần ổn định nên nhà chùa cũng bớt chút lo toan. Không chỉ trong cửa chùa mà Đại đức Thích Thanh Huỳnh còn tìm tới tận cổng bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu để giúp những bệnh nhân nghèo có được bữa sáng nghĩa tình. Đại đức chính là người cùng bệnh viện đã phát động và gây dựng nên quỹ từ thiện này với cái tên: "Nồi cháo từ thiện". Mỗi ngày, nhà chùa phát không dưới 50 suất cháo cho bệnh nhân nghèo.

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng có lẽ, niềm an ủi lớn nhất đối với trụ trì Thích Thanh Huỳnh chính là những cháu nhỏ đang sống ở chùa được vui vẻ, học hành giỏi giang. Chia tay chùa Phúc Sơn, khi màn đêm đang buông xuống, nhìn thấp thoáng các gian phòng, ánh điện sáng lung linh các em học sinh vẫn cặm cụi học bài, chúng tôi tin việc thiện ở chốn thiền môn Hải Trung chỉ là một phần nhỏ trong truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của cư dân miền biển nơi đây. 

Nhân rộng tấm lòng thiện nguyện

Chiều đến, ngôi chùa nhỏ ấy lại rộn rã tiếng cười nói của các em gọi nhau đi ăn cơm, tiếng bi bô tập nói của các em nhỏ, tiếng xoong chảo lịch kịch phía nhà ăn... Tất cả tạo nên một khung cảnh của một mái ấm tình thương hơn là một ngôi chùa. Hiện nay, ở nhiều địa phương của tỉnh Nam Định, ngoài chùa Phúc Sơn còn có nhiều ngôi chùa khác như: Chùa Linh Ứng, chùa Quế Phương... vẫn đang hàng ngày làm rất nhiều việc thiện, chăm sóc trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, tuân theo lời Phật dạy "thương người như thể thương thân" của người tu hành.

Nhật Tân

Chàng trai mù bán vé số mở mái ấm cho người cơ nhỡ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Nhiều khi anh tưởng mình gục ngã vì sự khinh miệt, hắt hủi của xã hội. Bằng nghị lực anh đã đứng lên để giúp bao số phận lang thang cơ nhỡ khác.

"Tiệm" sửa giày nghìn đô và mái ấm của những trẻ đường phố

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Một điều không thể ngờ, mặc dù là tiệm sửa giày vỉa hè nhưng hơn 10 năm qua, những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng luôn tìm đến anh thợ sửa giày để sửa những đôi giày "khủng" có giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng.

Cả đời nghĩa hiệp với những linh hồn bất hạnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
Mặc kệ người đời dè bỉu những việc ông làm là chuyện "tào lao, chẳng giống ai", ông Ba Oanh vẫn hằng ngày chạy đôn chạy đáo, lo cho những vong hồn không may giã từ cõi thế...

Nỗi bất hạnh của hoàng hậu có chồng đồng tính

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Đại đế Friedrich II được xem là vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Vương quốc Phổ. Tuy nhiên ông cũng được xem là vị vua đồng tính với lịch sử tình ái vô cùng gay cấn: Hai lần từ chối hôn nhân ép buộc, một lần cưới cũng vì sự thúc ép nhưng sau đó là một cuộc hôn nhân lạnh nhạt.