Mai Châu - Vẻ đẹp huyền thoại

Mai Châu - Vẻ đẹp huyền thoại

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Thuở nhỏ, khi đọc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng với hai câu thơ "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói, Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" tôi đã tưởng tượng ra vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc của đất và người nơi đây.

Nhưng thú thực khi đến Mai Châu (Hòa Bình) tôi đã hoàn toàn đắm mình vào vẻ đẹp huyền thoại ấy. Có lẽ không có lời văn nào tả nổi. Tất cả đã làm tôi mê đắm.

Bản Lác - nơi tình người ở lại

Con đường nhựa nối từ thị trấn vào bản Lác như sợi chỉ đen lọt thỏm giữa màu xanh của những cánh đồng lúa. Bản Lác với những ngôi nhà sàn nép mình giữa màu vàng tươi của cây trái, vương vít khói lam chiều cuốn hút chúng tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nơi đây được gọi bằng cái tên "bản mờ sương".

Với một quần thể nhà sàn - Bản Lác là nơi bà con các dân tộc đón khách đến tham quan, nghỉ ngơi cũng là những sân khấu biểu diễn văn nghệ truyền thống và cũng là những cửa hàng mini giới thiệu với du khách những sản phẩm đặc trưng mà họ tự tay làm ra.

Nếp nhà nào cũng có 9 bậc cầu thang với những chiếc bàn con trước cửa bày các loại thổ cẩm: dải dây, ví tay, túi xách, khăn piêu... Quanh nhà treo la liệt những súc vải dài hay quần áo may sẵn với hoa văn Thái đặc trưng.

Du khách thoải mái ngắm nhìn, chuyền tay hết món nọ sang món kia mà chẳng sợ phải phiền hà bởi chủ nhân của nó còn đang mải chăm chút khung dệt, guồng tơ và bận trả lời những câu hỏi của dân thành phố vốn quá lạ lẫm với cái nghề dệt cửi này.

Nhà sàn ở đây cao ráo, sạch sẽ, sàn nhà cách mặt đất 1,5m bằng những cột gỗ chắc chắn. Khách đến nhà xin mời múc nước rửa chân trước khi bước lên cầu thang. Sàn nhà bằng tre hoặc bương, đặc biệt là các cửa sổ trong nhà thì có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà có thể treo các giỏ hoa phong lan hay lồng chim cảnh.

Một khung dệt vải được đặt cạnh một ô cửa sổ, đây là nơi làm việc của các thiếu nữ. Đứng bên khung cửi xem những cô gái Thái dệt vải, không ít người trầm trồ khi thấy từng nét hoa văn dần dần được hiện ra dưới đôi bàn tay đưa thoi thoăn thoắt. Vừa dệt các thiếu nữ vừa trò chuyện với chúng tôi bằng giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười e ấp, thân thiện.

Bản Lác không chỉ quyến rũ chúng tôi bằng vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng, vẻ e ấp của những sơn nữ mà còn hấp dẫn bởi những tấm lòng ấm áp nghĩa tình của người dân nơi đây. Khi đến thăm bất kì một ngôi nhà nào chúng tôi cũng được ông chủ nhà trải chiếu hoa mời ngồi rồi bày ra một vò rượu cần bằng nếp cẩm.

Còn bà chủ thì nổi lửa đồ xôi trong cái chõ gỗ mà chỉ có những người dân tộc ở vùng núi Hòa Bình mới có. Ghé thăm bản Lác, tôi và nhiều du khách không thể bỏ qua những món đặc sản nơi này. Mâm cơm cho 6 khách gồm một đĩa thịt gà bản, 3 xiên thịt rừng nướng, nếp Mai Châu, bát canh rau muống cùng chai rượu Mai Hạ đã được chủ nhân sắp xếp ngon lành để tiếp khách.

Đêm Mai Châu

Đêm Mai Châu rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống của đội văn nghệ nghiệp dư với những chàng trai, cô gái Thái. Ban ngày thì họ cần cù cùng ruộng rẫy, tối đến lại duyên dáng trong những điệu xòe, điệu quạt cùng những bài hát tiếng Thái, cho dù không hiểu nhưng tôi vẫn thấy hay. Chúng tôi được chủ nhà mời vào nhảy sạp.

Vì chưa biết nhảy nên dẫu có vụng về, vấp ngã thì những nụ cười rạng rỡ của chủ lẫn khách vẫn làm nên một đêm khó quên ở bản làng dễ mến và hiếu khách này. Sự tĩnh lặng tuyệt đối của màn đêm Mai Châu, đưa chúng tôi vào những giấc mơ tuyệt vời nơi bản Lác nguyên sơ.

Chỉ một ngày đêm tại Mai Châu có cái gì đó thật khó quên khi bốn bề gió lùa, sương giăng giăng trước mặt và vách núi dựng âm u. Đâu đó trong đêm, vang lên tiếng thì thầm tâm sự của những con người mà mới đây thôi còn xa lạ bỗng chốc trở thành rất đỗi thân quen.

Phạm Thị Thảo