Mâm cơm phần người vắng mặt

Mâm cơm phần người vắng mặt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Nhà có 5 người, bây giờ ở 4 nơi. Thái Nguyên chỉ có bố mẹ. Ba anh em ở Hà Nội nhưng lại là ba nhà khác nhau. Anh trai và em gái đã thuộc về một gia đình nhỏ, chỉ còn tôi cô độc.

Mỗi chiều tan sở, một mình trở về ngôi nhà trọ yên tĩnh trong ngõ, cặm cụi nổi lửa nấu nướng, tôi lại nhớ quay quắt những bữa cơm gia đình khi chưa ở trong cảnh "một chốn bốn nơi" như bây giờ!

Những mâm cơm nhà nghèo với thức ăn chủ yếu là đậu phụ kho mặn với muối trắng, thêm chút xì dầu cho ngả vàng, nhìn cho ngon mắt. Canh thì chủ yếu là rau muống dầm sấu hoặc canh rau tập tàng với đủ thứ rau pha trộn: rau dền cơm, rau rệu, bông mã đề, lá ngải cứu, vài ngọn rau lang, cả lá ớt nữa... món chẳng bao giờ thiếu là bát cà pháo muối mặn. Tuổi thơ tôi đằng đẵng với những bữa cơm như thế. Đến giờ thi thoảng tôi vẫn thấy bố mẹ vẫn nhắc lại cái cảnh cả nhà ăn cơm mà ba ngày 5kg cà muối mặn (hy vọng là tôi nhớ không nhầm). Ai cùng trang lứa 7x như chúng tôi sẽ quá thấu hiểu cảnh này!

Bữa cơm giản đơn và ít đồ ăn đến mức tôi có thể nhẩm đếm mỗi người được hai miếng đậu kho mỗi bữa. Có khi là những bát cơm nguội trộn đường hoa mai mà ăn. Hôm nào có món nước mắm đặc biệt thì anh em tôi khỏi cần mọi đồ ăn khác. Đó là thứ nước mắm mơ ước của tuổi thơ tôi: Bố mẹ bóc hành khô phi thơm với mỡ, rồi cho mắm vào đun sôi, thêm vài miếng tóp mỡ trong bát mắm. Trời, ba anh em ăn ngon lành, thậm chí là vội vã nữa kia, vì sợ hết nước mắm chan cơm. Lúc đó chúng tôi hào hứng chan mắm mà không để ý bát cơm bố mẹ có khi đang chan nước mắt vì xa xót cảnh nghèo và thương các con thiệt thòi!

Điều tôi nhớ nhất, đó là hôm anh trai đi diễn văn nghệ ở trường cấp 2. Anh đi sớm lắm, từ 16h đã phải tập trung rồi. Bữa cơm chiều vắng mặt anh, bố ngồi gắp đồ phần anh trước khi cả nhà ăn tối. Món gì bố mẹ cũng phần anh nhiều hơn so với "tiêu chuẩn" (là tự tôi ngầm hiểu cái "tiêu chuẩn" đó thôi). Tôi không thắc mắc gì cả nhưng lòng thầm nghĩ: Giá như mình cũng được đi diễn văn nghệ và ăn cơm sau cả nhà để được phần nhiều thức ăn hơn nhỉ!

Xã hội - Mâm cơm phần người vắng mặt

Ảnh minh họa: yeutretho.com

Rất nhiều lần sau đó, tôi để ý và nhận ra rằng bao giờ phần cơm cho người đi vắng, bố mẹ cũng gắp nhiều hơn, tươm tất hơn. Cả nhà ăn cơm xong, cái mâm sẽ rửa sạch, lau khô, bày đồ ăn ngăn nắp, cái bát sạch úp xuống, thìa đũa và muôi canh phải sắp xếp xuôi chiều và gọn gàng ra sao, bát nước chấm phải thay mới hoặc gần như nguyên màu như mới rót và nhất định không được phép để rau dưa đã chấm còn rớt lại trong bát mắm... Bố mẹ dạy tôi từng chút, từng chút mà chẳng để ý rằng cái đứa tôi hồi đó chỉ mong đến một lúc nào đó sẽ có lý do chính đáng để được bố mẹ phần cơm.

Cho đến khi không nén lòng được nữa, tôi hỏi bố: Sao lúc nào bố mẹ cũng phần anh nhiều hơn? Bố bảo: Người đi vắng luôn là người thiệt thòi nhất vì đã không được sum vầy bên gia đình trong những bữa cơm. Thế nên mâm cơm phần người vắng mặt bao giờ cũng nên tươm tất hơn, sạch sẽ và gọn gàng, để bù đắp cho những thiệt thòi kia, con ạ! Mà phần nhiều hơn chưa chắc đã đủ bù đắp, lớn lên con sẽ hiểu!

Chỉ đến khi rời xa quê nhà, vào ĐH, ăn những suất cơm bụi hai nghìn đồng, tôi mới thấm thía hết câu nói của bố. Bây giờ thì mọi thứ đầy đủ hơn, bữa ăn chẳng còn phải nghĩ đến "tiêu chuẩn" nữa, dù vẫn nổi lửa mỗi chiều nhưng chưa bao giờ tôi thèm cơm nhà đến thế!

Quỳnh Nga (Blog Viet)