Mầm sống thiện sau những 'căn buồng hạnh phúc'

Mầm sống thiện sau những 'căn buồng hạnh phúc'

Thứ 2, 22/04/2013 | 14:59
0
"Buồng hạnh phúc" cho phạm nhân gặp vợ, chồng đã làm cầu nối đem lại hạnh phúc và động lực phấn đấu để trở về với gia đình cho mỗi phạm nhân ở trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên).

Nốt lặng trong buồng hạnh phúc

Khu thăm gặp các phân trại thuộc Trại giam Phú Sơn 4 (tỉnh Thái Nguyên) ngày cuối tuần nhộn nhịp hơn thường ngày rất nhiều. Người thân và phạm nhân tíu tít được gặp nhau với bao cảm xúc sau những chuỗi ngày xa cách. Những ánh mắt, nụ cười, những gói quà trao tới người thân, tiếng trẻ thơ bi bô gọi bố gọi mẹ... khiến không gian như ấm lại. Ở một góc nhỏ của khu trại giam có dãy phòng nhỏ kín đáo nằm nép mình sau những rặng cây.

Nguồn gốc ra đời của “buồng hạnh phúc”

"Buồng hạnh phúc" còn có tên gọi khác là Nhà 24 giờ. Đây thực sự là nguồn động viên lớn để các phạm nhân tích cực cải tạo để sớm hòa nhập cộng đồng. Được biết, “người có công sáng lập ra "buồng hạnh phúc" trong trại giam là ông Hoàng Mai, nguyên cục trưởng cục Cảnh sát trại giam thời kỳ 1960. Ngay sau đó, lãnh đạo bộ Công an đồng ý thông qua và Nhà 24 giờ đầu tiên đã ra đời tại Trại giam Bất Bạt, Sơn Tây (Hà Nội). Từ khi Nhà 24 giờ đi vào hoạt động, mọi người từ lãnh đạo cục Trại giam, giám thị, cán bộ quản giáo cho đến những người đang tập trung cải tạo đều nhận thấy mặt tích cực của ngôi nhà này".

Trên mấy chiếc ghế đá, vài cặp vợ chồng phạm nhân đang ngồi trò chuyện vui vẻ sau bao ngày xa cách. Dưới những gốc cây, vài cặp vợ chồng khác đang kể cho nhau nghe những chuyện đã xảy ra khi mà họ phải tự lo liệu mọi việc mà thiếu vắng đi một nửa còn lại.

Thiếu tá, Phó giám thị Lê Đình Thanh bảo: "Họ đang chờ để được vào buồng hạnh phúc đấy nhà báo ạ. Nhận thấy ý nghĩa nhân văn  nên năm 2010, trại đã xây dựng và đưa vào sử dụng các buồng hạnh phúc tại khu thăm gặp. Các phạm nhân có quá trình cải tạo tốt được xét thăm gặp vợ hoặc chồng tại buồng hạnh phúc mỗi tháng một lần. Lúc nào các buồng cũng trong tình trạng quá tải...".

Phạm nhân Nguyễn Mạnh Hà đang thụ án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy phấn khởi nắm tay vợ cho biết: "Thời gian đầu vào trại tôi buồn chán lắm, chẳng muốn gì, thấy tất cả mọi thứ mờ mịt và dường như không có chút hy vọng nào về cái được gọi là tương lai, nhưng sau nhờ cán bộ trại động viên nên tôi đã tích cực cải tạo. Mỗi lần đi ngang qua dãy nhà hạnh phúc này tôi đều mong nhưng nghĩ chắc chẳng bao giờ đến lượt mình.

Thật bất ngờ khi cách đây mấy tháng tôi được cán bộ trại thông báo mình được gặp vợ trong lần thăm gặp tới. Tôi vui lắm, niềm vui không thể nói nên lời nhưng những giọt nước mắt vui sướng, hạnh phúc cứ tràn ra mà tôi không sao ngăn nó lại được. Và lần đầu gặp nhau trong buồng hạnh phúc, cả hai vợ chồng cứ ôm nhau khóc mãi.

Tôi cảm thấy được động viên tinh thần nên phấn khởi lắm, càng yên tâm cải tạo tốt hơn, tôi lúc nào cũng nghĩ mình phải phấn đấu cải tạo thật tốt để trở lại làm người lương thiện và một điều thôi thúc tôi nữa là sự mong muốn được gặp vợ, những điều đó là động lực mạnh mẽ nhất giúp tôi cải tạo tốt. Mấy tháng nay, tháng nào tôi cũng được gặp vợ một lần đấy. Thú thật với nhà báo, không phải mong gặp vợ vì sex đâu mà đối với những người ở tù như chúng tôi tinh thần là quan trọng nhất".

Xã hội - Mầm sống thiện sau những 'căn buồng hạnh phúc'

Nụ cười nở trên môi của phạm nhân Nguyễn Mạnh Hà khi được gặp vợ trong “buồng hạnh phúc”. Ảnh H.T.

Còn chị Vũ Thị Trang, vợ phạm nhân Hà bẽn lẽn bên chồng: "Được gặp nhau dù chỉ trong một tiếng đồng hồ ngắn ngủi nhưng vợ chồng tôi đỡ cảm thấy xa cách tình cảm. Những phút giây riêng bên nhau trong "buồng hạnh phúc" này quý biết nhường nào, quý hơn hàng nghìn, hàng vạn lần khi ở ngoài đời. Hai vợ chồng có điều kiện thuận lợi để nói với nhau những tâm sự riêng tư.

Tranh thủ khi được gần chồng, tôi đều động viên anh ấy yên tâm cải tạo và chia sẻ với anh ấy những việc nhà. Bản thân tôi cũng bớt đi hoang mang và suy nghĩ tiêu cực để vững tin, thủy chung đợi ngày anh được trở về. Mỗi tháng tôi đều mong ngóng từng giờ từng phút để được gặp lại nhau, lần nào được gặp chồng cũng hồi hộp như thuở mới yêu...".   

Phạm nhân Nguyễn Thị Hương, SN 1960, đang thụ án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho biết: "Tháng nào chồng tôi  cũng thu xếp công việc nhà cửa lặn lội từ Lào Cai xuống thăm vợ. Hai vợ chồng được gặp nhau trong buồng hạnh phúc đều vui lắm, rì rầm trò chuyện gia đình và ước thời gian trôi chậm lại. Nhờ sự động viên khích lệ từ chồng mà tôi có bắt đầu thấy cuộc sống này vẫn còn điều để tôi cố gắng tiếp tục sống. Vì chồng tôi càng có động lực để cải tạo tốt hơn, không còn suy nghĩ buông xuôi như trước nên đã được giảm từ chung thân xuống án tù có thời hạn.

Tôi đếm ngược mỗi lần được gặp chồng là mỗi ngày án tù của mình giảm xuống, cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn, ngày về với gia đình càng gần hơn. Nhà báo ạ! Hôm nọ được gặp chồng, anh ấy báo rằng tôi được lên chức bà ngoại rồi. Tôi thật không dám nghĩ rằng những điều hạnh phúc, vui vẻ sẽ lại đến với mình như vậy...".

Nhen lên mầm thiện

Đại úy Nguyễn Thanh Xuân, cán bộ Phân trại K4 cho biết, trước đây nhiều phạm nhân trong quá trình thụ án không có điều kiện chia sẻ tình cảm vợ chồng nên đã bị vợ hoặc chồng bỏ rơi dẫn đến trầm uất, phát sinh suy nghĩ tiêu cực. Một số người nghĩ quẩn về chuyện gia đình, con cái không được giải tỏa kịp thời nên tìm cách trốn trại về nhà.

Từ khi nhà hạnh phúc đi vào hoạt động, đã giải quyết kịp thời nhu cầu chia sẻ riêng tư của phạm nhân, động viên kịp thời những phạm nhân cải tạo tốt. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tinh thần với số phạm nhân phải thụ án lâu năm, khiến họ cảm thấy cuộc sống còn có ý nghĩa và có sợi dây gắn bó với cuộc sống bên ngoài để vững tin cải tạo trong thời gian thụ án còn lại, với hy vọng được trở về với cuộc đời bình dị.

Theo phó Giám thị Lê Đình Thanh, trong số phạm nhân được thăm gặp vợ, chồng ở buồng hạnh phúc hầu như không có trường hợp nào có quá trình cải tạo xấu đi, nhiều trường hợp tiến bộ trông thấy, được xét giảm án. Cũng nhờ vậy công việc của các anh đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Thiếu tá Thanh tâm sự: "Suy cho cùng ai cũng là con người, đều có hai mặt thiện - ác, điều cốt tử là biết gieo, nuôi dưỡng và nhân lên mầm thiện cho họ. "Buồng hạnh phúc" là nơi đem lại hạnh phúc cho những người đang khát khao hướng thiện, đưa họ trở lại làm một người lương thiên. Gạt bỏ cái ác sang một bên để làm lại cuộc đời với mầm "sống thiện" luôn có sẵn trong mỗi con người. Sức mạnh của tình yêu, tình cảm con người với con người thật không tưởng bởi nó có thể làm người ta tốt lên hoặc rớt xuống vực sâu của tội lỗi. Nhưng tình yêu của những cặp vợ chồng nơi đây lại hết sức mãnh liêt, chính tình yêu sự quan tâm và được lắng nghe, sẻ chia đã giúp những phạm nhân có thêm động lực để phấn đấu, cải tạo tốt hơn.

Với họ tình yêu, sự quan tâm của gia đình thường xuyên đã đưa họ trở lại với cái thiện, đưa họ trở lại với suy nghĩ, mong muốn được trở lại xã hội này là một người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người công dân tốt. Thấy họ hạnh phúc khi được ở bên vợ, chồng, những người giám thị như chúng tôi cũng vui lây...".

Chờ đợi mãi rồi cũng tới lượt mình, phạm nhân Nguyễn Mạnh Hà dắt tay vợ vào "buồng hạnh phúc". Tôi xin phép họ được nhìn một chút "buồng hạnh phúc". Đó là căn phòng nhỏ với những đồ vật xinh xắn, không có gì quá cao sang nhưng tôi biết với họ thế là quá đủ. Hà bảo tôi: "Nhà báo chụp hộ cho chúng em một kiểu ảnh kỷ niệm đặc biệt nhé", rồi anh khẽ ôm vợ vào lòng, đặt lên môi chị một nụ hôn cháy bỏng. Tôi bấm máy xong rồi tế nhị lùi ra, khép cửa căn phòng, trả lại cho họ không gian riêng tư, ấm áp tình người...

Nguyễn Thị Hoài Thu

Hạnh phúc vay mượn của kẻ quyết làm người thứ 3

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Niềm khao khát được làm mẹ của chị đã lấn át đi mọi khó khăn đau khổ trong cuộc sống đời thường, lấn át cả sự liêm sỉ khiến chị chấp nhận làm kẻ thứ 3. Nhưng rồi chính bản năng làm mẹ, sự mong muốn hy vọng vào một tương lai hạnh phúc cho con lại làm chị khổ, bế tắc.

Vượt qua lời nguyền “cái chết trắng” để hồi sinh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Ngày Hồng Việt bị bắt vì tàng trữ ma túy, người hâm mộ cả nước đã vô cùng tiếc nuối. Tiếc vì Việt là tài năng trẻ hiếm có, nhưng lại bị thui chột vì những chuyện bên lề rất đáng chê trách.

Hành trình cai nghiện của gã giang hồ nổi tiếng Tân Cảng

Thứ 5, 11/04/2013 | 15:23
Trải qua những bĩ cực của tuổi thơ và nỗi ám ảnh của những phận đời nghiện ngập, gã giang hồ lừng lẫy đất Tân Cảng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) một thời tạo nên một kỳ tích cứu giúp những con nghiện thoát khỏi "cái chết trắng" hành hạ.