Mặn mà gì với ô tô nội?

Mặn mà gì với ô tô nội?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Một chiến lược hoành tráng mới cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang được Bộ Công Thương soạn thảo xem ra vẫn khó khiến các doanh nghiệp mặn mà, vì tính khả thi quá yếu...

Chiến lược mới cho giai đoạn 2010-2020 đang được soạn thảo trong bối cảnh cam kết hội nhập giảm thuế đang cận kề (theo cam kết AFTA, đến năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô trong khu vực sẽ giảm xuống còn 0%).

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Văn Liêm cho rằng, đây là giai đoạn hết sức quan trọng, quyết định “số phận” ngành công nghiệp ôtô, tận dụng cơ hội cuối cùng của thời gian ngắn ngủi còn lại trước khi nước ta hội nhập hoàn toàn với thị trường khu vực vào năm 2018.

Nếu muốn phát triển công nghiệp ôtô thì Việt Nam cần phải có từ 1 đến 2 trung tâm cơ khí ôtô lớn với các dự án lớn, được đầu tư từ 1 đến 2 tỷ USD.

Trung tâm đó phải có quy mô lớn với công suất từ 200.000 xe/năm trở lên và phải thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất linh kiện để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Vấn đề mà các nhà đầu tư tiềm năng còn đang “nghe ngóng” là trung tâm này sẽ được ưu đãi những gì để có thể phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Theo ông Ngô Văn Trụ, không doanh nghiệp nào lại đi đầu tư máy dập, máy CNC, máy hàn công nghệ cao chỉ để làm vài nghìn xe/năm mà chẳng được ưu đãi gì cả.

Trình lên Thủ tướng khu công nghiệp ô tô lớn tại Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đề xuất nhiều chính sách ưu đãi như: thời gian thực hiện dự án và sử dụng đất là 70 năm; không thu tiền thuê đất (đã có hạ tầng) trong suốt thời gian thực hiện dự án; ngân sách hỗ trợ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng đến hàng rào dự án.

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cho áp dụng ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành đối với các loại thuế liên quan.

Đặc biệt tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng cho áp dụng quy chế doanh nghiệp chế xuất đối với dự án sản xuất động cơ của Tập đoàn Hyundai và dự án sản xuất lắp ráp ôtô của Tập đoàn KIA (KIA cam kết xuất khẩu tối thiểu 70% sản phẩm)...

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật, các dự án đầu tư vào trung tâm này sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (mức thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo); thuế thu nhập cá nhân (giảm 50%); ưu đãi tiền thuê đất (11 năm kể từ khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động)…

Cũng theo Bộ Tài chính, việc Quảng Nam đề nghị cho áp dụng quy chế doanh nghiệp chế xuất trong trường hợp Tập đoàn KIA cam kết xuất khẩu tối thiểu 70% sản phẩm và dự án sản xuất động cơ quy mô 10.000 sản phẩm của Tập đoàn Hyundai là chưa phù hợp.

Theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP thì “doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp xuất khẩu toàn bộ sản phẩm hoạt động trong khu chế xuất, khu kinh tế”.

Bộ Tài chính cũng không thống nhất với các đề xuất như ngân sách hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt cho 50% sản phẩm tiêu thụ trong nước (tương đương 30% tổng số sản phẩm sản xuất ra); giảm thuế 5 năm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt thu được từ dự án...

Đ.Kế

Tag: Afta