Mánh lới “lai dắt” bệnh nhân của bác sĩ

Mánh lới “lai dắt” bệnh nhân của bác sĩ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
"Em uống kháng sinh nhiều quá rồi, mệt không muốn uống nữa, có cách điều trị nào không cần thuốc không ạ?". Vị bác sĩ trả lời (đưa cardPV): "Có. Đến nhà tôi, không cần uống kháng sinh nữa. Tin thì đến".

Có bệnh vái tứ phương là tâm lý dễ hiểu của nhiều người. Tuy nhiên, đã có biết bao nhiêu người bệnh khi đến các bệnh viện vừa thoát khỏi được bẫy "cò" lại bị chính các bác sĩ “lai dắt” về phòng khám tư...

Khổ vì... "tin thì đến"

Anh Dương Quân Hải cho biết: "Tôi bị viêm họng mạn tính, uống đủ loại kháng sinh mà vẫn không thấy đỡ. Sau đó bệnh lại nặng hơn. Ngày 14/2, tôi tìm đến Bệnh viện T. khám, nôọỉ soi. Bác sĩ N.T. H chẩn đoán tôi bị viêm amiđan có mủ cùng với viêm xoang và kê đơn thuốc, hẹn 7 ngày sau khám lại".

"Hết đơn thuốc, các triệu chứng không giảm, tôi có cảm giác tức ngực trái. Quay trở lại viện khám, bác sĩ chỉ định tôi chụp phổi và kết luận tôi bị thêm viêm phế quản. Vẫn như đơn thuốc cũ, bác sĩ căn dặn: "7 ngày sau không đỡ, đến khám lại". Tiếp tục một tuần trôi qua, tôi lại đến. Bác sĩ vẫn chỉ định nội soi và đơn thuốc được thay thế chỉ duy nhất một loại kháng sinh. Tôi cũng đành nhắm mắt uống nốt đơn thuốc những mong "đủ liều", bệnh sẽ khỏi. Không ngờ rằng, đến đơn thuốc thứ 4 tôi vẫn trong tình trạng bực bội, khó chịu vì các triệu chứng bệnh "dày vò" tôi".

Anh Hải gặng hỏi bác sỹ: "Em uống kháng sinh nhiều quá rồi, mệt không muốn uống nữa, có cách điều trị nào không cần thuốc không ạ?". Vị bác sĩ trả lời (đưa card-PV): "Có. Đến nhà tôi, không cần uống kháng sinh nữa. Tin thì đến".

"Câu trả lời buông lửng "tin thì đến" của bác sỹ cứ ám ảnh tôi. Sau chiều hôm đó, tôi đã tìm đến nhà bác sĩ H. ở khu Trung Hòa (Hà Nội) để được chữa bệnh theo phương pháp "tin thì đến". Tại đây bác sĩ khám và lại kê đơn thuốc. Hỡi ôi, vẫn kháng sinh. Bác sĩ bảo, bệnh của em nặng rồi nên vẫn phải dùng kháng sinh. Sau này bị ho, đến đây tôi chữa, đảm bảo không cần đến kháng sinh. Tôi vẫn tin và tiếp tục uống theo đơn thuốc. Vậy là sau 4 lần được bác sĩ H. "chăm sóc" tại viện và 1 lần ở nhà, bệnh tôi vẫn không thuyên giảm", anh Hải phân trần.

Điều trị khép kín ở... sân sau

Không chỉ anh Dương Quân Hải, nhiều bệnh nhân cũng lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười" vì "vái tứ phương" mà bệnh vẫn hoàn bệnh.

Tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, tình trạng quá tải khiến người dân mất nhiều thời gian đi lại. Thủ tục rườm rà nhiêu khê đã khiến người bệnh mỗi khi đến khám luôn trong cảnh chờ đợi, thậm chí xếp hàng cả ngày mới đến lượt.

Bệnh nhân “đau đầu” vì những tư vấn khám tư của bác sỹ

Nắm bắt được nỗi khổ của người bệnh nên các bác sĩ cũng có những thủ thuật "lai dắt" để "dụ" bệnh nhân về phòng khám tư của mình và các đồng nghiệp cùng làm trong viện làm các xét nghiệm như: Siêu âm, chụp chiếu, xét nghiệm máu...

Tại phòng khám đa khoa N.H, trên đường Giải Phóng, bệnh nhân tên Lê Văn Thức (Nghệ An) khi đến khám tại Bệnh viện M. đã được vị bác sĩ tên M. giới thiệu đến đây để siêu âm ổ bụng và xét nghiệm máu.

Ông Thức cho biết, ông đến khám tại khoa tim mạch, được bác sĩ chẩn đoán là nhồi máu não đa ổ. "Khi tôi đến khám lại theo lịch thì được bác sĩ hướng dẫn đến khám tại phòng khám đa khoa này để siêu âm và xét nghiệm máu rồi đem kết quả đến gặp bác sĩ. Và tự nhiên tôi lại bị mất thêm một món tiền. Có lẽ giữa bác sĩ và phòng khám phải có sợi dây liên kết nào đó thì mới giới thiệu đến đây", ông Thức nói.

Phần lớn các bệnh nhân đến khám lần đầu được bác sĩ ưu ái tặng cho một chiếc "card". Anh Duy Lương (Trung Hòa, Hà Nội) cũng có một lần đến Bệnh viện T. khám họng vì trước đó do hóc xương nên cổ họng đau rát nhiều ngày. Tại đây bác sĩ N.T.M chụp phim, nội soi và xét nghiệm máu. Sau khi được bác sĩ chỉ định, kê đơn thuốc, nữ bác sĩ thủ thỉ: "Đến hẹn khám lại qua phòng khám của tôi ở đường Trần Khát Chân tôi chụp lại cho. ở đấy tiện nghi đủ cả, không đáng ngại đâu".

Cũng với chiêu thức tương tự tại Khoa hô hấp- Bệnh viện M., các bệnh nhân cũng được tư vấn về phòng khám trên đường P.M khám- điều trị bệnh. Anh Nguyễn Quang đến khám hô hấp, do sau gần 2 tháng điều trị viêm xoang không khỏi lại kèm ho, nhiều đờm. Sau khi chỉ định chụp phổi và các test xét nghiệm khác, bác sĩ cho biết: "Kết quả chụp phổi tốt".

Nhưng do bệnh nhân ho kéo dài và có những triệu chứng khó thở, bác sĩ đã giới thiệu anh Quang đến Trung tâm chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ y khoa trên để chụp cắt lớp. Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, trung tâm này là "sân sau" của phòng khám trên đường Phương Mai. Tất cả những bệnh nhân được chỉ định đến đây chẩn đoán hình ảnh đều rất tốn kém.

Chụp cắt lớp phổi tốn kém đến 1,2 triệu đồng. Có lẽ bởi vì giá thành đắt đỏ vàõ nhiều mờ ám mà nhiều bệnh nhân cũng không đủ nhiệt tình và điều kiện để điều trị theo kiểu "khép kín" như các bác sĩ phòng khám tư giới thiệu, mách nước.

Thực tế hiện nay, phòng có hiện tượng không ít phòng khám tư liên kết với hiệu thuốc "chăn dắt" bệnh nhân. Với đơn thuốc mà bác sĩ tại phòng khám tư kê, nếu mua ngay hiệu thuốc liền kề phòng khám thì 100% các loại thuốc đều có. Nhưng khi mang đơn thuốc đó ra hiệu thuốc khác thì một vài loại thuốc không thể mua nổi.

Đó là cách kê đơn, bốc thuốc theo vòng tròn khép kín của bác sĩ. Không những thế, khi bệnh nhân đến khám bệnh nhẹ thì khám điều trị nhưng nếu bệnh nặng, trang thiết bị tại phòng khám không đáp ứng được yêu cầu, các bác sĩ lại giới thiệu ngược bệnh nhân vào viện làm các xét nghiệm...

Hương Giang