Mất mạng vì tự làm “bác sĩ”

Mất mạng vì tự làm “bác sĩ”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh đang trở thành "con dao hai lưỡi" và đẩy người bệnh đối diện với tình trạng kháng thuốc, thậm chí tử vong vì dùng sai thuốc.

Trả giá đắt

Tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, trong khu vực điều trị nội trú hầu như lúc nào cũng có trường hợp dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc. Theo một bác sỹ, thời gian gần đây lượng bệnh nhân bị dị ứng thuốc kháng sinh đang tăng mạnh.

Đầu tháng 4/2011, chị Nguyễn Thị H. (35 tuổi) được chuyển vào Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất yếu, mệt, đau quặn bụng và nôn mửa liên tục. Theo như lời kể của bác sĩ ca trực, do bị ho, đau họng, sổ mũi, có nhiều đờm, chị H. đã ra hiệu thuốc tự mua Rhumenol D500 và 2 loại kháng sinh về điều trị. Sau một tuần dùng thuốc liên tục, chị H. xuất hiện các biểu hiện phồng rộp, lở loét, chảy nước vàng trên mặt.

Một ca ngộ độc do lạm dụng thuốc. Ảnh minh họa

Khi đó gia đình mới tá hỏa đưa chị H. vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Chị H. cho biết: "Đã nhiều lần tôi có triệu chứng bệnh như vậy, tôi thường ra hiệu thuốc tự mua thuốc về điều trị. Uống thuốc gần một tuần mà bệnh chẳng hề thuyên giảm đã phải nhập viện. Bác sĩ cho biết tôi bị phù Quinkce- xuất hiện những nốt mề đay lớn làm biến dạng môi, bầu mắt..., nếu không điều trị kịp thời tôi có nguy cơ phù Quinkce ở thanh quản gây khó thở nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong".

Ngay bên cạnh giường chị H., bà Nguyễn Thị Q. cũng đang phải điều trị vì ngộ độc kháng sinh. Theo người nhà bệnh nhân, bà Q. có tiền sử bệnh hen nhiều năm. Hễ ai mách thuốc gì là bà tìm mua bằng được. Sau khi sử dụng glucocorticoid kéo dài, bà Q. đã lâm vào tình cảnh "bệnh đẻ thêm bệnh", tăng đường máu, loét dạ dày tá tràng, teo cơ, rối loạn tâm thần...

Các bác sĩ khuyến cáo, glucocorticoid dạng này có tác dụng chậm kéo dài hàng tháng, ứ đọng lâu tại chỗ tiêm nên thường phát hiện tai biến chậm, gây nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: "Số người dị ứng thuốc với các biểu hiện như phồng rộp, da viêm loét bộ phận hoặc toàn thân, thậm chí có người bị rối loạn các chức năng, giảm bạch cầu... tăng gấp 5-6 lần trong thời gian qua. Người bệnh tự điều trị, dùng nhiều thuốc trị một bệnh mà không hề chú ý đến tương tác thuốc. Thậm chí, nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc thuốc.

Cách đây không lâu, chị Phan Thu H. (22 tuổi) đã tử vong do dị ứng thuốc mà nguyên nhân ban đầu chỉ là do đau đầu, mệt mỏi, chị H. đã tự ý mua thuốc Tanakan (thuốc chống rối loạn tuần hoàn) và Zolid về uống. Sau khi uống thuốc, chị H. bị mẩn ngứa, nổi ban đỏ. Chị tìm đến phòng khám tư và được chẩn đoán là bị dị ứng. Chị lại tiếp tục uống thuốc dị ứng. Cứ ngỡ hết cảm giác ngứa là khỏi ai ngờ, một ngày sau chị H. đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, trụy mạch, tụt huyết áp và tử vong".

Con dao hai lưỡi

TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: "Theo quy định, kháng sinh là một trong 30 nhóm thuốc phải bán và sử dụng theo đơn. Người kê đơn phải là bác sĩ hành nghề ở các cơ sở khám chữa bệnh hợp pháp hoặc y sỹ của trạm y tế đối với nơi vùng sâu, vùng xa đã được sự phân công của người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, gần 70% trường hợp dị ứng thuốc do tự sử dụng liên quan đến thuốc kháng sinh".

Ông Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Thuốc kháng sinh uống không theo đơn có thể bị dị ứng, gây tác dụng phụ rất nguy hiểm. Tương tác của thuốc kháng sinh với những thuốc khác mà nếu không có hướng dẫn của thầy thuốc thì sẽ gây nên tác hại không mong muốn. Còn nhiều những tác hại mà nó gia tăng làm cho bệnh nặng thêm.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc thì ngoài những tai biến có thể thấy thì còn nhiều những tác hại tiềm ẩn nhưng rất nguy hiểm đó là hiện tượng nhờn thuốc hay giảm chức năng gan, thận đối với bệnh mãn tính".

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không chỉ người dùng mà ngay cả bác sĩ nhiều khi cũng kê đơn sai, lạm dụng kháng sinh. Trong khi, kháng sinh là con dao 2 lưỡi, nếu dùng đúng thì có tác dụng tốt. Còn ngược lại, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hại.

Kháng sinh đúng là bệnh sẽ khỏi nhanh hơn. Tuy nhiên, cần phải biết khi phối hợp với nhau. Liều cao thì cũng sẽ tỷ lệ thuận với nguy cơ gặp tác dụng phụ như dị ứng, nhẹ thì ngứa ngáy khó chịu, nổi ban, nặng có thể dẫn đến tử vong, sốc phản vệ. Điều đáng lo ngại là tình trạng kháng thuốc. Gần đây, nhiều chuyên gia còn lo ngại vi khuẩn kháng thuốc này có thể lây sang cho người khác".

Ngân Giang