'Máu rừng' vẫn chảy ở vườn quốc gia Ba Bể

'Máu rừng' vẫn chảy ở vườn quốc gia Ba Bể

Thứ 2, 13/03/2017 | 20:04
0
Vết nhựa từ những gốc cây trong vườn quốc gia Ba Bể vẫn đang chảy thâm xì, và bắt đầu vón cục như những giọt máu đông…

Nằm trên địa bàn 5 xã Nam Mẫu, Khang Ninh, Cao Thương, Quảng Khê, Cao Trĩ thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, vườn quốc gia (VGG) Ba Bể là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng với phong cảnh kỳ thú và sự đa dạng sinh học.

Năm 2004, Ba Bể đã được công nhận là một di sản thiên nhiên của ASEAN. Trước đó, đây từng là khu danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, là khu rừng cấm hồ Ba Bể.

Trước những “ưu thế” mà thiên nhiên ban tặng, ngày 10/11/1992, VQG Ba Bể được thành lập theo quyết định số 83/TTg của Chính phủ với diện tích 7.610 ha, trong đó có 3.226 ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 300 ha diện tích mặt hồ. Trung tâm của vườn là hồ Ba Bể với chiều dài tới 8 km và chiều rộng 800 m.

Theo thông tin mà báo Người Đưa Tin có được, VQG Ba Bể có 1.281 loài thực vật thuộc 162 họ, 672 chi, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có giá trị được ghi vào sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Các loài cây gỗ quý, hiếm như: nghiến, đinh, lim, trúc dây…

Điểm nóng - 'Máu rừng' vẫn chảy ở vườn quốc gia Ba Bể

 Một cây nghiến vừa bị chặt hạ sau thời điểm Tết nguyên đán Đinh Dậu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây VQG Ba Bể lại đang đứng trước một thách thức mới đó là tình trạng “chảy máu rừng” với hàng loạt những “cụ” nghiến bị đốn hạ một cách không thương tiếc của những tay lâm tặc.

Trước hiện trạng trên, mới đây PV báo Người Đưa Tin đã đi thực địa và thực sự “hoảng” trước những số liệu mà ban quản lý VQG Ba Bể đưa ra. Nếu không có những biện pháp mạnh thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi VQG Ba Bể sẽ không còn là “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn.

Được sự chỉ dẫn của một người dân địa phương tên Long, PV đi về khu vực Đồng Đẳng, VQG Ba Bể. Không mất quá nhiều thời gian chúng tôi đã tiếp cận được một cây nghiến vừa bị đốn hạ cách đây khoảng chục hôm.

Theo quan sát của PV, vết nhựa từ gốc cây vẫn đang chảy thâm xì và bắt đầu vón cục như những giọt máu đông. Lá của cây đã bắt đầu héo rũ, rụng lả tả tại khu vực cây đổ. Mùn cưa tạo thành từng đống quanh thân gỗ.

Có lẽ vì lo sợ cây nghiến đã chặt hạ bị phát hiện, cánh lâm tặc lấy những cành cây che lên để người đi xuồng dưới lòng hồ không quan sát được.

Theo phỏng đoán của PV, vị trí cây nghiến bị chặt hạ chỉ cách mặt hồ khoảng 50 – 60 m, nếu đi thuyền dưới lòng hồ. Chỉ cần để ý một chút là có thể nhìn rõ thân cây nghiến bị đổ xuống tạo thành một khoảnh rừng xơ xác.

Theo tính toán, cây nghiến này có đường kính khoảng 1m, khối lượng gỗ lên đến hàng chục khối đang chờ  thời cơ thuận lợi để nhóm lâm tặc chuyển đi.

Theo anh Long, đây chỉ là 1 trong hàng loạt cây nghiến có tuổi đời vài trăm năm đã bị đốn hạ từ thời điểm Tết Nguyên đán cho đến nay (ngày 9/3 – thời điểm PV lên làm việc).

“Cứ vài ngày chúng tôi lại phát hiện có cây bị đốn hạ. Thậm chí, có cây đã bị bọn lâm tặc, cắt, xẻ thành từng miếng thớt có độ dày từ 35-40 cm để chuyển ra ngoài. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì chỉ một thời gian ngắn nữa, VQG Ba Bể sẽ chẳng còn một cây nghiến nào.

Tại khu vực Bản Quá, Bản Lồm, xã Nam Cường, huyện Ba Bể cũng có hàng chục cây nghiến có đường kính từ 60 cm đến 1m bị đốn hạ. Nhưng kì lạ ở chỗ là chỉ khi chúng tôi báo cáo lên trên thì ban quản lý mới biết” – anh Thắng một người dân địa phương cung cấp cho PV.

Điểm nóng - 'Máu rừng' vẫn chảy ở vườn quốc gia Ba Bể (Hình 2).

 Mùn cưa vẫn còn nguyên dưới gốc cây đã bị chặt hạ.

PV đem câu hỏi về việc có hay không việc VQG Ba Bể vẫn để xảy ra tình trạng lâm tặc chặt phá rừng, ông Bùi Văn Quang, quyền Giám đốc, kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm Ba Bể thừa nhận: "Tình trạng chặt phá rừng mà đặc biệt chặt hạ cây nghiến vẫn diễn ra và không có dấu hiệu thuyên giảm. Từ Tết nguyên đán Đinh Dậu cho đến nay chúng tôi đã xác định đã có 6 cây nghiến bị đốn hạ. Sau khi phát hiện ra sự việc ban quản lý đã làm báo cáo gửi Ủy ban tỉnh”.

Còn theo báo cáo của ban quản lý VQG Ba Bể (tính đến tháng 11/2016), có 13 cây bị chặt hạ. Tổng số lượng lên tới 107,8 m3 trong đó có 9 cây nghiến thuộc nhóm IIA và 4 cây thuộc nhóm gỗ thông thường.

Cụ thể trong tháng 9/2016, có 3 cây gỗ nghiến bị chặt hạ với 10, 98 m3 gỗ. Đến ngày 20/10/2016, quá trình kiểm tra lại phát hiện tại khu vực Lùng Duốc có 1 cây nghiến bị chặt hạ với tổng khối lượng lên tới 61,026 m3 gỗ. Theo lời ông Quang thì cây nghiến ở khu vực Lùng Duốc có tuổi đời trên 200 năm.

(Còn nữa)

Nguyễn Bắc