Mẹ và nước non

Mẹ và nước non

Chủ nhật, 10/03/2013 | 08:14
0
Có nơi nào như đất nước tôi, sức mạnh VN bật lên từ những bà mẹ nuốt nước mắt vào trong để tiễn con lên đường đánh giặc. Một trong những bà mẹ ấy là Bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Liến, ở Cao Bằng.

Ở tuổi 94, tai mẹ Liến nghe rất kém. Nhưng chúng tôi rất ấn tượng trước vẻ đẹp đường bệ, chỉn chu của mẹ. Chiếc áo dài, vành khăn vấn của mẹ lưu giữ một nề nếp lễ giáo gia phong. Mẹ vui và cảm động khi biết chúng tôi từ TP.HCM ra tận Cao Bằng tìm gặp mẹ, làm phim về mẹ...

Xã hội - Mẹ và nước non
Mẹ Liến bên di ảnh con trai, liệt sĩ Hoàng Văn Xuân

Chuyện kể của người con dâu

Cuộc đời bù đắp cho mẹ Nguyễn Thị Liến người con dâu hiếu thảo  và đàn cháu ngoan. Đó là chị Nguyễn Thị Ương, năm nay 72 tuổi - nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Khâu Đồn, huyện Hòa An, đã nghỉ hưu. Chị Ương kể:

“Mẹ chồng tôi sinh được hai con. Con đầu mất, chỉ còn lại anh Xuân. Trước khi nhập ngũ, anh Xuân là hiệu trưởng Trường tiểu học Khâu Đồn. Chồng tôi rất tự hào vì đã được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha chồng tôi là một chiến sĩ tình báo, tham gia cách mạng trước năm 1945, khi anh ấy chưa chào đời. Ông nhận một công tác đặc biệt, từ Cao Bằng, vùng biên giới Đông Bắc, cứ đi ngược về phương Nam. Chồng tôi lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của mẹ, rất ít khi được gặp bố, ngay cả khi hòa bình. Dẫu vậy anh ấy rất yêu thương bố, tự hào về bố. Vì niềm tự hào ấy, năm 1964, đang sống yên bình, hạnh phúc bên vợ con, chồng tôi đã chọn con đường vào Nam chiến đấu chống Mỹ...”.

Tôi hỏi mẹ Liến: “Có một đứa con duy nhất, sao mẹ sẵn lòng cho anh Xuân ra đi?!”. Mẹ nói trong nước mắt: “Mẹ rất lo nhưng biết làm thế nào. Nửa đất nước còn mất, sao lại giữ con ở bên mình”.

Anh Xuân vào bộ đội, được đào tạo y sĩ, phục vụ trong một đơn vị quân y. Anh Xuân viết thư về cho vợ, kể về những cuộc chiến đấu ác liệt ở miền Nam. Nhưng rồi những lá thư thưa dần... Suốt mấy năm sau đó, chị Ương không nhận được thư chồng gửi về. Chị bồn chồn lo lắng, ngỡ anh đã hi sinh. Nhưng bất ngờ một ngày mùa xuân năm 1969, anh Hoàng Văn Xuân được đưa từ miền Nam trở ra Bắc để trị bệnh do sức ép của bom. Chị Ương mừng mừng tủi tủi gặp lại chồng trong lúc mẹ Liến đứng trong góc khuất lặng lẽ nhìn con trai và lau nước mắt. Rồi sau đó anh Xuân được phục viên, trở về nghề giáo viên cũ. Anh tiếp tục làm hiệu trưởng Trường Khâu Đồn. Gia đình mẹ Nguyễn Thị Liến được sum họp. Hai vợ chồng anh Xuân lại được sống bên nhau. Ngôi nhà của họ được sưởi ấm bởi niềm hạnh phúc giản dị. Nhưng rồi...

Chiến tranh không buông tha người thầy

“Con gái út tôi tên là Hoàng Ái Ly, nó sinh năm 1979...”. Nói đến đó, chị Ương bỗng nghẹn ngào, đôi mắt long lanh ngấn lệ. Chị nói: “Tôi đặt tên con là Ái Ly vì nó có một ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự ly tan mãi mãi giữa vợ chồng tôi. Đó cũng là năm chồng tôi hi sinh và anh ấy vẫn chưa biết mặt con...”. Cho đến giờ này, những ngày chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn còn in đậm trong ký ức chị Ương. Chị không thể nào quên hình ảnh chồng mình - người lính làm cuộc Nam chinh năm nào giờ lại cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc trong vai người thầy. Ngôi nhà mẹ Liến ở Khâu Đồn và cả Trường tiểu học Khâu Đồn đều bị giặc đốt cháy. Vì thế, những người thầy như anh Xuân buộc phải cầm súng ra trận.

Đau nỗi đau mất chồng, chị Ương càng đồng cảm nỗi đau mất con của mẹ chồng. Trong lúc dẫn hai cháu đi sơ tán, mẹ Liến nghe tin đứa con trai duy nhất của mình hi sinh. Mẹ như hóa đá, chết lặng. Anh Xuân là tình yêu, là báu vật, là tất cả niềm hi vọng của cuộc đời mẹ. Nhưng cuộc sống của những đứa cháu bé bỏng khiến mẹ nén đau thương, lau nước mắt, cùng con dâu trở về dựng lại ngôi nhà cũ trên đống hoang tàn đổ nát, nhen nhúm lại sự sống.

Vĩ thanh

Thật bất ngờ, khi tôi nghe chị  Nguyễn Thị Ương nói: “Mộ ông bây giờ ở Sài Gòn”. Chị Ương ngậm ngùi kể: “Mẹ lấy chồng từ lúc tóc còn để chỏm. Ông hoạt động cách mạng bí mật. Vượt qua bao hiểm nguy, mẹ vẫn một lòng trung kiên, lo chăm sóc cha mẹ chồng, nuôi con. Khi nhận nhiệm vụ vào Huế, để đảm bảo vỏ bọc của một sĩ quan tình báo, trong hoàn cảnh phức tạp lúc ấy, ông phải kết hôn với một người phụ nữ khác, đành lỗi đạo với mẹ chồng tôi!”.

Trái tim tôi nhói đau vì nỗi đồng cảm với mẹ Liến về một cuộc chia ly vĩnh viễn. Nhiệm vụ cách mạng đưa người chồng ngày càng xa người vợ, ngay cả khi chết đi. Đằng đẵng nhiều năm liền, mẹ sống trong nỗi đau chồng còn sống trên đời mà phải chia xa để thui thủi nuôi con thơ lớn lên. Mẹ đã hi sinh tình yêu của mình cho đại cuộc. Khi con trai hi sinh, nỗi đau của mẹ cộng hưởng lên rất nhiều lần. Cho đến lúc này, chúng tôi mới hiểu vì sao ở cái tuổi sắp khuất núi này mẹ có được vẻ đẹp sang trọng, đĩnh đạc và buồn rầu như thế...

Theo Tuổi trẻ

Gặp gỡ nhóm thực hiện clip về mẹ gây 'sốt' cộng đồng mạng

Thứ 6, 08/03/2013 | 21:41
Clip "Gia tài của mẹ" đã gây sốt cộng đồng mạng khi đạt tới con số lượt view khủng (gần 65.000 lượt views, hơn 1.100 likes) chỉ trong vài ngày ra mắt. Clip đã thực sự tạo cảm xúc thật cho người xem, khiến không ít khán giả khi xem clip đã rơi nước mắt. Với lời nhắn nhủ nhẹ nhàng tới các bạn trẻ, rằng đứa con là "gia tài của mẹ", nhóm làm phim đã gửi một món quà ý nghĩa tới các bà mẹ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Cảm động với clip tình mẹ hoàn hảo của một du học sinh

Thứ 6, 08/03/2013 | 15:03
Từ 1.200 tranh vẽ, Lê Hồng Minh đã kể lại những chuyện thật của mình và mẹ. Clip "Câu chuyện mẹ và tôi" của Minh đã khiến không ít bạn trẻ rơi nước mắt.

Ba bà mẹ hiền hậu nhất màn ảnh Việt

Thứ 6, 08/03/2013 | 15:11
Dù chỉ là nhân vật phụ nhưng không hề mờ nhạt, đó là các diễn viên đảm nhiệm vai lão bà hiền lành như bà tiên trong truyện cổ tích...

MV về mẹ của 40 nghệ sĩ Việt

Thứ 5, 07/03/2013 | 17:20
40 nghệ sĩ nổi tiếng của showbiz Việt Nam cùng thu âm và quay hình ca khúc 'Chỉ có thể là mẹ' dịp 8/3.

Clip xúc động mừng ngày 8/3: Gia tài của mẹ

Thứ 5, 07/03/2013 | 14:01
Trong chuyến đi thực tế làm bài luận, đứa con trai 20 tuổi mới chợt nhận ra sự hy sinh lặng thầm mà mẹ dành cho cậu bấy lâu nay.