Mó nước lạ và huyền thoại nữ tướng nàng Han

Mó nước lạ và huyền thoại nữ tướng nàng Han

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Nàng Han (còn gọi là nàng Ỏ) là tên một liệt nữ được cộng đồng người Thái ở xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tôn vinh vì có công dẹp giặc, giữ bình yên cho bản làng.

Từ xa xưa, cứ đúng ngày rằm tháng Hai (âm lịch) hằng năm, người dân Mường So lại rộn ràng vào kỳ lễ hội tưởng nhớ công ơn vị nữ chủ tướng huyền thoại này.

Khách thập phương nô nức đổ về lễ hội nàng Han

Truyền thuyết bi hùng

Truyền thuyết thường mang nhiều yếu tố hoang đường, dựa trên cái lõi lịch sử nên có nhiều câu chuyện cùng tồn tại trong dân gian kể về nàng Han. Câu chuyện thường xuyên được cư dân nơi đây truyền tụng kể rằng:

Ngày xưa, ở Mường Mít (thuộc huyện Than Uyên) có hai vợ chồng sinh được hai người con gái. Cô chị tên là Ỏ (tức nàng Han), cô em là ánh. Được sự dạy bảo ân cần của bố mẹ, hai chị em Ỏ và ánh luôn nói lời hay, làm việc tốt. Lớn lên, Ỏ và ánh không chỉ hát hay, cấy giỏi, khéo léo thêu thùa, mà còn giỏi võ nghệ nên được nhiều người ngợi khen, tiếng vang khắp các bản làng gần xa. Nhiều chàng trai muốn ngỏ lời tâm tình, nhưng Ỏ đã ưng lòng anh Hịa, còn ánh vẫn vô tư như cánh ban rừng.

Bỗng đâu quân giặc kéo đến Chiềng Xa cướp bóc, phá phách bản mường. Thế giặc vô cùng hung hãn. Ba tướng giỏi nhất của các xứ Mường mang quân lên cũng không thể đánh thắng được kẻ thù. Trước tình thế vô cùng nguy cấp, Chúa đất liền lập tức đốt lửa tuyển người tài mang quân đi giết giặc.

Quê hương gặp buổi lâm nguy, trai tráng làng trên bản dưới hừng hực khí thế lên đường đánh giặc. Cùng với chàng Hịa, nàng Ỏ cũng xin phép cha mẹ lên đường. Tuy nhiên khi nhìn thấy cô gái mảnh mai đòi lên đường giết giặc, Trưởng bản lắc đầu tỏ vẻ coi thường và đề nghị cô thể hiện tài năng. Ngay lập tức nàng vung tay nhấc bổng hai bọc đá khổng lồ trước ánh mắt ngạc nhiên, thán phục của mọi người. Dân bản liền tôn nàng cùng với chàng Hịa lên làm chủ tướng.

Ngay lập tức, nàng Ỏ gấp rút động viên toàn thể tướng sỹ tập luyện võ thuật, tích trữ lương thảo, bày binh bố trận rồi cùng nhau kéo quân lên hợp sức với ba vị tướng của xứ Mường. Vì tất cả dồn cho luyện tập và đánh giặc, nên quân của nàng Ỏ không kịp may cờ.

Khi lâm trận, tướng sỹ đã lấy chiếc chăn thêu mà nàng Ỏ đắp làm cờ, thân tre làm cán. Với tài chỉ huy cùng sức mạnh phi thường của mình, nàng Ỏ đã nhanh nhẹn mưu trí, không sợ gian nguy, tuốt kiếm thúc ngựa tả xung hữu đột cùng với nhân dân xông pha đánh tan quân giặc cờ vàng trên cánh đồng Mường So.

Sau khi đánh đuổi giặc ra khỏi biên cương, nàng Ỏ đi xuống mó nước cạnh làng Bát để tắm, rồi không biết kẻ nào đã phục bắn nàng trọng thương nằm gục bên mó nước. Vị trí này được dân gian xác định và trở thành di tích còn đến ngày nay. Khi đó, có một tốp phụ nữ chạy loạn, đi ngang Chiềng On (Bản Lang) qua mó nước thì gặp nàng Ỏ bị nạn, họ liền đưa nàng về Chiềng On để chữa trị. Do vết thương quá nặng, nàng qua đời mà không kịp trăng trối điều gì nên không ai rõ lai lịch của nàng ra sao.

Lại nói, anh Hịa đi tìm người yêu mãi mà không thấy. Rồi đột ngột nhận được tin nàng đã chết, anh Hịa về nhà rầu rĩ bao ngày. Nhân dân ở đây đã đưa linh hồn nàng về trung tâm Chiềng Xa, làm một cái nhà mồ theo kiểu nhà sàn người Thái thu nhỏ, cạnh mó nước. Dân gian gọi nơi đây là Nặm bó Nàng Han (nàng Ỏ). Từ đây, nhân dân Mường So lập đền thờ để thờ cúng đời này truyền đời khác.

Lại có một dị bản khác, cho rằng: Đúng ngày 30 Tết, quân xâm lược đã bị đánh bại, nàng Ỏ được tướng sỹ khiêng kiệu trở về. Khi đi đến mó nước Nậm So bên suối Tùng Lùm, nàng cởi xiêm y, tắm bên mó nước sau đó thăng thiên. Năm ngày sau khi nàng Han bay lên trời, ba vị tướng chỉ đạo ba cánh quân dưới quyền của nàng Han cũng biến mất. Nhân dân quanh vùng sau đó lập đền thờ nàng Ỏ cùng với các vị tướng của bà ở ngay chính mó nước Nậm So...

Các ông then, bà then cũng biết đến tên tuổi của nàng Ỏ và nàng Ánh. Từ đó về sau, trong các làn điệu dân ca Thái mỗi dịp có liên hoan, đám cưới, hoặc mừng nhà mới đều có lời bùa của Nàng Ỏ để cầu may: Nàng Ỏ ma năng pheng/ Nàng Ánh ma năng lọm/ Nàng Ỏ au nang me / Nàng Ánh me pa pói / Tặp xốc au nang me / Pha ché au Nàng Han.

Truyền thuyết là vậy, một khi được hình tượng hóa bằng lễ hội thì truyền thuyết ấy được hiện ra vô cùng đa dạng và sinh động.

Độc đáo lễ hội

Từ năm 2008, đồng bào Thái ở Mường So lại được tưng bừng tham gia lễ hội Nàng Han vào rằm tháng Hai (âm lịch) hàng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn của vị nữ thủ lĩnh đã lãnh đạo 16 xứ Thái đánh tan cuộc xâm lược của giặc phương Bắc.

Di tích mó nước nàng Han quanh năm trong vắt

Theo nhà văn Đỗ Thị Tấc, hiện là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lai Châu, người đã góp phần quan trọng trong việc phục dựng hội Nàng Han, cho biết: "Không thể phục dựng lễ hội chính xác 100% các nghi thức cổ, vì khá phức tạp và thời gian gián đoạn đã lâu. Hội Nàng Han lần cuối cùng được tổ chức trước khi bị gián đoạn cách đây đã hơn 60 năm. Những bài cúng bằng chữ Thái cổ mà các vị thầy mo uy tín nhất thời kỳ đó sử dụng hiện tại không còn nữa. Đã không có sự truyền miệng chính xác và đầy đủ bởi chiến tranh và nghèo túng".

Tuy nhiên, bằng sự cố gắng của các nhà nghiên cứu và bà con địa phương, đã khiến các nghi lễ được tái hiện, như rước nàng Han, ôn lại công lao của nàng, cầu xin nàng phù hộ độ trì cho khắp bản mường an thái, phong đăng hòa cốc... Các nghi lễ này đã được các thầy mo thỉnh lên nàng bằng tiếng Thái hiện đại. Vật phẩm dâng lên nàng Han gồm hoa trái của bản làng với một con trâu trắng được ngả thịt.

Như vậy, Lễ hội nàng Han là sự hòa quyện giữa truyền thuyết và lễ hội. Thông qua những hoạt động của lễ hội, truyền thuyết trở nên sinh động và gần gũi đời sống. Còn lễ hội lấy truyền thuyết như một điểm tựa lịch sử tồn tại trong ý thức dân gian để duy trì qua nhiều thế hệ.

Văn Khoa - Hồng Thiện