Mổ xẻ nỗi khổ mang tên giáo dục mầm non

Mổ xẻ nỗi khổ mang tên giáo dục mầm non

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm trước năm học mới vấn đề cho con em vào trường mẫu giáo, tiểu học lại trở thành tâm điểm trong dư luận, đặc biệt ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã khẳng định: "Vấn đề thiếu trường, thiếu lớp và số học sinh trên một lớp quá đông đang là vấn đề hết sức bức xúc và cấp bách hiện nay".

Thiếu trường vì không có quỹ đất

Hàng năm, ngành giáo dục nhận được 25% trong tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản toàn TP, nhưng một thực trạng của TP. Hà Nội hiện nay là thiếu trường, thiếu lớp, các bậc phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để nộp đơn cho con vào học trường mầm non. Theo chỉ tiêu về giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định, mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất phải có 01 trường công lập. Nhưng hiện tại, TP. Hà Nội có đến 6 phường chưa có trường mầm non công lập thuộc các quận Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Xã hội - Mổ xẻ nỗi khổ mang tên giáo dục mầm non
Phụ huynh từng phải xếp hàng trắng đêm xin học cho con tại trường mầm non Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội).

Theo Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc một trong những nguyên nhân thiếu trường mầm non là vì: "Trong nhiều năm qua hệ thống trường mầm non chưa xác định được rõ loại hình đầu tư công lập hay dân lập khi quy hoạch mạng lưới trường học, vì vậy các trường công lập chưa được quan tâm thỏa đáng dẫn đến còn thiếu trường lớp, nhà trẻ, mẫu giáo.

Quận Đống Đa là một trong những quận thiếu trầm trọng trường, lớp từ khối mẫu giáo đến khối trung học cơ sở. Về vấn đề này, ông Trần Đức Học, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho rằng tình trạng thiếu quỹ đất là vấn đề khó khăn nhất trong việc giải quyết tình trạng thiếu trường, thiếu lớp trên địa bàn.

Trong quy hoạch các khu đô thị mới, nhất thiết phải có phần xây dựng hạ tầng xã hội. Thế nhưng hiện nay việc đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội nói chung và trong đó có trường học nói riêng trong các khu đô thị mới chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức.

Hầu hết tại các khu đô thị mới đã hoàn thành, dân đã đến ở nhưng hệ thống trường học chưa đồng bộ theo quy hoạch. Hầu hết các chủ đầu tư khu đô thị, khu tái định cư chỉ quan tâm đầu tư xây dựng công trình để thu hồi vốn kinh doanh, còn các công trình hạ tầng xã hội chưa được quan tâm thực sự.

Một số dự án khi phê duyệt chưa xác định được trách nhiệm đầu tư thuộc ngân sách hay xã hội hóa khi lập quy hoạch và giao đất nên nhiều khu đô thị đưa dân vào ở nhưng không có trường học hoặc có trường dân lập với mức thu phí cao, không phù hợp với điều kiện của một bộ phận dân cư.

Tiêu cực tràn lan khi cung nhỏ hơn cầu

TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Ở nước ta, trước đây giáo dục phổ thông được chú trọng, người ta chưa quen với việc trước giáo dục phổ thông có một bậc giáo dục mầm non. Đây là một thiếu sót của ngành giáo dục, tuy nhiên nhìn lại, việc thiếu nền giáo dục mầm non là vấn đề tồn đọng của nền giáo dục Việt Nam".

Bà Dung cũng cho rằng, chúng ta phải có một kế hoạch để làm sao trong vài năm tới có thể xây dựng được nền giáo dục mầm non hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân, đặc biệt ở một quốc gia phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế như Việt Nam.

Đây là vấn đề mà nền giáo dục Việt Nam cần khắc phục. Khi chưa đủ lớp, đủ trường để đáp ứng nhu cầu của người dân, cung không đáp ứng đủ cầu thì tất nhiên sẽ xảy ra rất nhiều tiêu cực và thực tế đã chứng minh điều đó.

Vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên ở cấp học mầm non không chỉ xảy ra ở các đô thị trung tâm như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhu cầu lớn trong khi cơ sở vật chất và nguồn lực hạn hẹp đã làm cho công tác giáo dục mầm non trở nên vô cùng bức xúc trong dân chúng ngay cả ở các địa phương đất rộng, người thưa như Sơn La, Bình Phước, TP. Vũng Tàu, Vinh, Đà Nẵng...

Điều này cho thấy, giáo dục mầm non chưa được chú trọng một cách thấu đáo, các tỉnh và TP chưa quyết tâm trong công tác quản lý cũng như có kế hoạch xây dựng các trường mầm non trong địa bàn, đáp ứng nhu cầu người dân.

Người dân đang phải "chạy" nhiều nơi và đóng rất nhiều tiền...

"Bây giờ để chuẩn bị cho việc phát phát triển nền giáo dục mầm non không phải là một sớm một chiều có thể làm được, nhu cầu phụ huynh gửi trẻ đến trường mầm non là một nhu cầu có thực và chính đáng của người dân ở bất cứ nền giáo dục phát triển nào. Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam hiện giờ rõ ràng chưa đáp ứng được điều đó. Người dân phải “chạy” nhiều nơi, hoặc đóng rất nhiều tiền để cho con em mình có thể đến trường, đặc biệt là ở những nơi chưa có mặt bằng giáo dục phát triển".

(TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)

Lại Quỳnh