Mộc mạc chợ phiên giữa lòng Hà Nội

Mộc mạc chợ phiên giữa lòng Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Bạn đừng nghĩ chỉ có quê mới có “đặc sản” chợ phiên mà ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội chợ phiên vẫn âm thầm tồn tại như một nét duyên thầm đáng yêu của đất Kinh kỳ. Đều đặn một tháng sáu phiên chợ Bưởi, người Hà Nội lại được sống trong một không khí chợ quê thuần chất.

Bao giờ cho đến... ngày xưa?

Ở một nơi phồn hoa đô hội như đất Hà thành, ít ai biết vẫn tồn tại những phiên chợ đậm chất thôn quê. Chợ Bưởi họp vào những ngày 4, 9 của tháng, tức ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, chợ Mơ họp vào ngày 2, 7 tức ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Không biết chợ Mơ, chợ Bưởi có từ bao giờ nhưng cho đến ngày nay, khi những trung tâm thương mại, siêu thị, ki ốt mọc lên nhan nhản thì nhiều người Hà Nội vẫn chờ đợi đến phiên chợ như một thói quen không thể thiếu. Câu ca dao cổ vẫn đậm đà da diết: "Chợ Bưởi một tháng sáu phiên / Rủ nhau đi chợ nên duyên đèo bòng / Ngày tư ngày chín em mong / Buồng cau con lợn bận lòng anh lo".

Là một người ngoại tỉnh lên Hà Nội công tác, tôi khá bất ngờ khi biết giữa Thủ đô cũng có chợ họp theo phiên. Bởi lẽ, ngày nay, cần có món đồ gì đó chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà là người Hà Nội đã có thể mua được, thậm chí chỉ một cuộc điện thoại là hàng sẽ có tại nhà. Cớ gì phải chờ đến phiên? Biết tôi máu mê tìm hiểu, bạn tôi là người gốc vùng Bưởi đã nhờ cụ của mình làm hướng dẫn viên cho hai đứa. Cụ dặn đi dặn lại, muốn đi thăm chợ phải đi sớm vì chợ họp từ tờ mờ sáng, chứng kiến từ lúc đó mới thấy được hết cái hồn quê mộc mạc còn sót lại.

5h30 sáng, phải cố gắng lắm tôi mới đủ dũng khí để hất tung chiếc chăn ấm, mặc áo phao, đeo găng tay, quấn khăn rồi phóng xe đến nhà bạn để được cụ dẫn ra chợ. Cái rét 9 độ c cộng với những cơn mưa đầu xuân táp thẳng vào mặt khiến da như bị dao lam rạch từng vết. 6h trời còn chưa rõ mặt người, ấy thế mà chợ Bưởi đã đông người qua lại mua bán. Những người từ tứ xứ mang hàng hóa đến đây nhanh chân chọn chỗ đẹp để dỡ hàng xuống.

Sự kiện - Mộc mạc chợ phiên giữa lòng Hà Nội

Hình ảnh về phiên chợ Bưởi xưa

Vừa dẫn chúng tôi qua các dãy hàng bán con giống cụ vừa trầm ngâm kể, Chợ Bưởi xa xưa có tên là chợ Hồng Tân. Chợ nằm bên dòng Tô Lịch xanh rợp bóng tre làng. Khi ấy, sông Tô Lịch lưu thông với sông Hồng ở bến Nứa (tức Long Biên ngày nay) và hợp lưu với sông Thiên Phù ở ngã ba gần chợ Hồng Tân. Chợ nằm ở phía Tây Bắc, ven thành nhà Lý.

Ngày nay, dấu tích thành xưa chỉ còn là con đường mang tên Đường Thành tức đường Hoàng Hoa Thám và đường Lạc Long Quân. Chợ gần bến Hồng Tân đông vui sầm uất với thuyền bè chở các loại nông sản, hàng hóa qua lại rất nhiều. Những sản phẩm được trao đổi như gỗ, lá cọ, tre nứa, mây song, củ nâu nhuộm áo, lụa, lĩnh, rau quả bốn mùa, giấy dó của làng nghề Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Thái.

Vào những ngày chợ phiên người dân quanh chợ háo hức khi nghe mõ rao truyền lệnh vua Lý ngược sông Tô để đến thăm chợ. Khi ấy người người mừng vui tung hô vạn tuế. Những dịp kinh đô Thăng Long mở khoa thi cử, chợ Bưởi cũng nhộn nhịp vì các ông đồ, cậu tú, anh khóa vào các hàng xén cho mua giấy dó lụa hảo hạng để thảo thơ phú.

Sau này, vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, chợ Bưởi vẫn rất đông kẻ mua người bán, vẫn là sự chờ mong của người dân kẻ Bưởi và những vùng lân cận. Đặc sản của chợ Bưởi là: Dưa la, húng Láng, nem Bảng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét. Những loài sâm cầm Hồ tây nổi tiếng cũng thường bán ở chợ Bưởi như: Le, két, vịt giời, mòng, chim giẽ. Cứ đến phiên chợ là dân các làng Nghĩa Đô, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Đông Xã, Hồ Khẩu mang hàng ra bán. Chủ yếu là các mặt hàng thủ công do người làng làm ra như giấy dó, lụa, lĩnh, mạch nha. Sau này người ta chủ yếu bán những mặt hàng như cây, con giống. Vào những ngày giáp Tết người ta còn bán cả những gia súc lớn như trâu, bò, ngựa. Đặc biệt, những năm xa xưa, cứ đến ngày 29 Tết, chợ Bưởi còn có thêm một nếp là đụng trâu bò. Người dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết.

Man mác buồn

Ngày nay, chợ Bưởi không chỉ họp ở trung tâm chợ mà còn kéo dài từ ngã ba Hoàng Hoa Thám - chợ Bưởi cho đến ngã ba Văn Cao. Dẫn tôi đến trung tâm chợ, cụ cho biết, giờ chợ Bưởi không còn mái tranh mái lá như xưa. Người ta đã xây một trung tâm thương mại rất hoành tráng nhưng vẫn bớt một góc chợ để giữ nếp xưa. Cứ vào phiên, người dân khắp nơi mang đủ thứ cây nhà lá vườn để đến đây trao đổi mua bán với nhau. Từ hạt rau giống, hạt hoa giống, cây cảnh đến các loại vật nuôi như chó mèo, gà vịt... Những lúc các cửa hàng cửa hiệu chưa mở cửa, người bán cây ở những nơi khác đến tranh thủ bày la liệt vỉa hè để bán.

Sự kiện - Mộc mạc chợ phiên giữa lòng Hà Nội (Hình 2).

Chợ Bưởi ngày nay

Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cụ nói: "Chợ phiên, dù sao cũng rẻ và dễ mua hơn với các chợ khác. Ở đây vẫn có nhiều nhà đất rộng, họ vẫn nuôi được chó đẻ. Đến phiên chợ, nhiều nhà vẫn mang cả ổ chó ra bán. Chó của họ dễ nuôi mà giá rẻ hơn nhiều so với mua ở nơi khác. Cùng nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, chỉ cách nhau vài chục mét thôi nhưng giá của chim cảnh bán ở chợ rẻ hơn nhiều so với giá bán ở các cửa hàng gần đó. Cây cảnh của những người nông dân vùng Văn Giang (Hưng Yên) mang lên đây thường là cây thật nên trồng dễ sống và nở được hoa. Người quê họ mộc mạc không cấy ghép, nối cành của cây cảnh như nhiều cửa hàng ở đây. Cái cảm giác chất phát thật thà ấy đáng quý biết nhường nào".

Cụ và nhiều người bạn già cùng khu phố vẫn đến chơi chợ mỗi khi đến phiên. Đôi khi đến chợ chỉ để mua vài gói hạt hoa cúc về gieo trên khoanh đất con con trước cửa nhà, mua hạt mùi để gieo trên thùng xốp cũng có khi không mua gì cả nhưng phiên chợ nào cụ cũng đến. Lòng vòng quanh chợ một lúc, nói chuyện với người nọ người kia một vài câu thấy lòng thanh thản, để thấy đỡ thèm cái cảm giác chờ mong đến phiên chợ của mấy chục năm trước đây. Nhưng chợ nay cũng khác nhiều lắm.

Tiếng "nhưng" của cụ kéo dài thườn thượt và ánh mắt man mác buồn khiến lòng tôi chùng xuống. Ngày trước, chờ đến phiên để mua cái chổi cái rế, con dao. Giờ thì không cần chờ đến ngày đó nữa vẫn mua được. Chợ phiên cũng vì cái sự thuận tiện của xã hội hiện đại mà nhạt dần. Có khi vào những ngày thứ bẩy, chủ nhật người ta đến chợ đông hơn ngày phiên. Chẳng biết rồi đây chợ phiên còn họp nữa không. Những nét mộc mạc thôn quê đáng quý ngày càng thưa vắng và mất dần, thay vào đó, bún mắng cháo chửi, giành giật khách, “chém” giá thì ngày càng nhiều.

Phiên chợ ký ức

Chợ Bưởi ngày nay không còn như xưa, nhưng thoảng đâu đó vẫn thấy hiện lên những nét quê hồn hậu. Có lẽ, ở Thủ đô này rất khó tìm thấy hình ảnh một cụ già gần 70 tuổi, đội nón trắng, buộc túm chiếc áo mưa như áo tơi thời xưa ngồi bán cây su su giống khi lưng đã còng. ở đây người ta nhìn thấy những ô tô bạc tỷ dễ hơn nhìn thấy sọt đựng những chú vịt con lông vàng óng ả, thấy những ổ chó con mũm mĩm mà người dân mang đến chợ này. Bún mắng, cháo chửi, đốt vía khách hàng dường như là nỗi sợ hãi của nhiều người đi mua hàng thì ở đây hầu như người ta không thấy điều đó. Anh bán chó nhiệt tình hướng dẫn cách chọn con chó hay ăn, biết cách trông nhà dù khách xem xong có thể mua hoặc không. Có lẽ cũng chính vì thế mà có rất nhiều người dân vùng Bưởi vẫn quen đến chợ để chơi.

Cũng giống như chợ Bưởi, ở Hà Nội còn có chợ Mơ cũng họp theo phiên. Chợ Mơ thuộc phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Đây là chợ bán các loại cây cảnh, hạt giống nhưng mặt hàng chủ yếu của chợ lại là động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, cá, chim. Từ năm 2007, thành phố phá bỏ chợ Mơ để xây dựng trung tâm thương mại, chợ dạt ra bờ sông Kim Ngưu. Dù phiêu bạt sang địa điểm mới nhưng người dân vẫn họp theo phiên, tức những ngày 2 và 7 âm lịch hàng tháng.

Thành Huế