Mỏi mòn chờ phim lịch sử bao giờ xứng tầm... lịch sử

Mỏi mòn chờ phim lịch sử bao giờ xứng tầm... lịch sử

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Theo đạo diễn Đào Bá Sơn, thì khan hiếm kịch bản, trường quay hạn chế và khó khăn kinh phí là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của dòng phim lịch sử Việt.

Lịch sử dân tộc đáng lẽ phải trở thành một nguồn đề tài phong phú để điện ảnh có thể dựa lưng vào đó sáng tạo và khai phá, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên so với Trung Quốc hay Hàn Quốc thì dường như Việt Nam vẫn chưa có một bộ phim nào về đề tài lịch sử xứng tầm với cội nguồn lâu đời ấy của dân tộc.

Sự kiện - Mỏi mòn chờ phim lịch sử bao giờ xứng tầm... lịch sử

Phim lịch sử Việt Nam hầu hết chưa phải là tác phẩm lịch sử theo đúng nghĩa (Ảnh: Minh họa)

Lẻ tẻ và mờ nhạt

Cách đây vài năm có một số bộ phim thuộc dòng phim lịch sử Việt Nam được trình chiếu trên sóng các đài truyền hình. Dù vậy, con số ấy quá ít, không thấm vào đâu so với sự phủ sóng dày đặc của phim lịch sử Trung Quốc hay Hàn Quốc. Theo ý kiến của một số đạo diễn thì việc thiếu vắng các phim lịch sử hay không khó để lý giải. Tư liệu lịch sử ít, phim trường giờ vẫn chưa có nên khả năng quay mọi thời tiết, hoàn cảnh là bất khả thi. Công nghệ kỹ xảo còn nhiều hạn chế, lực lượng diễn viên vừa thiếu lại vừa yếu, mức độ thành công không cao nên không đạo diễn nào muốn lao đầu vào

Bên cạnh việc có quá ít những bộ phim thuộc đề tài lịch sử, vấn đề chất lượng của các bộ phim cũng là điều đáng phải bàn. Hầu hết những bộ phim thuộc dòng đều này chưa thỏa mãn thị hiếu của khán giả cũng như chưa thể hiện chính xác, sinh động quá khứ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Phim mới chỉ đi vào bề nổi, tái hiện một cách hết sức sơ sài những vấn đề liên quan đến thời đại, con người trong quá khứ. Vậy nên đạo diễn Lê Cung Bắc mới thổ lộ: “Phim lịch sử làm cho hay thì khó, làm cho có thì dễ”.

Về nội dung không có sự bám sát lịch sử và có khi còn vụng về về mặt nghệ thuật. Bối cảnh không được đầu tư đúng mức khiến cho khán giả không thể cảm nhận được hết hơi thở hừng hực trong dòng chảy lịch sử từ những biến cố, thăng trầm của dân tộc. Một điều đáng phải quan tâm là hầu hết các đạo diễn của chúng ta thiếu kinh nghiệm làm phim lịch sử nhưng lại thiếu sự học hỏi. Vì vậy, nhiều khi xem phim khán giả có cảm giác như đạo diễn đang dạy diễn viên diễn tập lịch sử hoặc đang dựng mô hình phim na ná như trong lịch sử.

Nguyên nhân khách quan đẩy dòng phim lịch sử đi vào thế bí là Việt Nam thiếu trầm trọng những bối cảnh. Hầu hết tất cả những chứng nhân lịch sử của dân tộc như đền thờ, lăng tẩm, miếu mạo đều đang xuống cấp hoặc không thể khai thác, không hội tụ đủ mọi điều kiện để làm phim. Hơn nữa chúng ta cũng không có những trường quay lớn, hoành tráng như Trung Quốc hay Hàn Quốc với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho mục đích làm phim lịch sử. Điều đó là một trong những yếu tố dẫn tới phim về đề tài này thiếu hẳn sức thuyết phục với khán giả. Nhiều nhà làm phim thổ lộ rằng họ rất ngại làm phim lịch sử: “Vì ngoài việc khan hiếm kịch bản hay, kiến thức lịch sử của diễn viên rỗng thì vấn đề tiền ít, sức ép dư luận cũng là điều khiến cho các đạo diễn thờ ơ với dòng phim này” - Đạo diễn Đào Bá Sơn khẳng định. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa có những thước phim lịch sử đúng nghĩa đáp ứng nhu cầu khán giả.

Kỳ vọng nào cho phim lịch sử Việt Nam?

Đó là câu hỏi đang được công chúng tập trung chờ đợi trong khi hàng loạt những dự án tiền tỷ, bom tấn đang được đầu tư thực hiện. Từ khi còn đang nằm trên trang giấy cũng như khi bấm máy khởi quay, những chuyện hậu trường của những bộ phim này luôn được săn đón, đăng tải thông tin liên tục trên báo chí. Không đơn thuần vì sự đầu tư quá lớn của nhà sản xuất vào những dự án này mà còn bởi, chúng ta vẫn đang mong đợi, hi vọng từng ngày vào sự thay da đổi thịt của phim lịch sử Việt Nam.

Dù còn không ít khó khăn như đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ: “Sự ảnh hưởng của Trung Quốc có thể là một phần giúp chúng ta thoát khỏi cái bóng của phim lịch sử Trung Quốc. Làm giống như thế chúng ta nhận mình thất bại. Nhưng nếu làm giống lịch sử chúng ta cũng không thành công. Cái khó của người làm phim lịch sử chính là ở chỗ đó. Phải làm sao để khán giả vẫn nhận ra cái hồn, sự lô gic và tính chân thực của lịch sử nhưng cũng không thể chỉ vì dựa vào lịch sử mà coi nhẹ tư duy và khả năng sáng tạo, tưởng tượng của các nhà làm phim, sự hư cấu cần thiết của ngôn ngữ điện ảnh.

Dòng phim lịch sự đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu tuy nhiên những tác phẩm thành công thì lại chưa có nhiều, để lại được ấn tượng trong lòng khán giả thì lại càng hiếm. Những bộ phim trước đây chúng ta thực hiện mới chỉ chạm ngõ lịch sử, hoặc là sự minh họa lịch sử chứ chưa phải là một tác phẩm lịch sử đúng nghĩa của nó.

Chưa thành hình nhưng dòng phim lịch sử luôn gặp những phản biện, có những phản biện không chỉ làm nản chí những ai đã và đang dấn thân vào dòng phim này mà còn làm các nhà đầu tư, các nhà phổ biến phim cũng không mặn mà mở hầu bao vốn liếng. (Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh)

Hương Giang