Mối tình già ở miền quan họ

Mối tình già ở miền quan họ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Đến thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) hỏi thăm cặp vợ chồng giảng viên quan họ Nguyễn Văn Quyển và Nguyễn Thị Thơm ai cũng biết. Họ được bà con đặc biệt yêu mến vì tài năng và đức độ.

50 năm đạp xe đi tìm "cái thất truyền"

Ông Quyển năm nay cũng đã ngấp nghé bước vào độ tuổi tám mươi, trông ông hiền lành, phúc hậu, hỏi ra mới biết, cả đời ông Quyển chỉ đứng trên bục giảng của trường tiểu học. Cái cảnh học trò lít nhít ê a, vừa phải dạy vừa phải dỗ vốn quá quen với ông suốt chừng ấy năm, vậy mà đến khi già rồi, nghỉ hưu ông lại vẫn tiếp tục tình nguyện làm. Không ai trả lương đứng lớp cho ông nữa mà ông tự mở lớp, tự dạy, thậm chí còn phải hối lộ cho học trò lúc thì cái bánh, cái kẹo, trái cam... Vợ chồng ông là những người đầu tiên lập nên câu lạc bộ hát quan họ dành cho các cháu thiếu nhi tiểu học ở Bắc Ninh. Từ Kim Chân, mô hình đó được mở rộng ra nhiều xã khác nhau, góp phần vào phong trào chung của đất Kinh Bắc.

Xã hội - Mối tình già ở miền quan họ

Vợ chồng ông Quyển - bà Thơm trong cuộc sống đời thường

Sinh ra trong một gia đình mà mọi người đều đam mê quan họ, từ nhỏ ông Quyển đã say đắm với những tiếng hát trên bến dưới thuyền. Nhưng không được trời phú cho chất giọng tốt, ông Quyển chưa bao giờ đứng vào hàng ngũ của các liền anh, liền chị, chỉ là được nghe hát, thuộc được các làn điệu là đi.

Ngoài thời gian đi dạy học, ông đều có mặt ở những đám hội xuân. Cứ nghe tiếng trống hội là xăm xắm chân tay, đang làm dở việc gì cũng nhanh chóng cho xong không thì cũng bỏ đấy mà đi. Từ lúc còn là cậu bé, cho tới thanh niên ông đã thích sưu tầm lại những câu hát quan họ như một thú vui. Về sau, khi chiến tranh loạn lạc, nhiều tiếng hát trở nên thất truyền ông mới ý thức được việc làm của mình cần thiết không thể chỉ dừng ở chỗ thú vui mà còn phải lưu truyền lại cho các thế hệ sau, khi những nghệ nhân cao tuổi lần lượt qua đời nếu không có ai giữ lại, tiếng hát cũng sẽ mất theo.

Ròng rã năm chục năm ông đạp xe tới khắp các làng quan họ, nơi nào có tiếng các cụ cao tuổi hay một làn điệu cổ để xin gặp và ghi chép lại. Thời bình không sao, thời chiến, có khi ông đạp xe trên đường, bom đạn cứ đuổi phía sau, nhiều phen cũng khốn đốn tử sinh.

Về hưu, ông mở lớp dạy hát cho các cụ, các ông, các bà có tuổi trong làng. Cái máu đam mê âm nhạc, người đất quan họ không ai là không có. Ông chỉ dạy được những lối cơ bản về vang, rền, nền, nảy và luyện cho những giai điệu chỉ còn ít người biết tới nhưng lớp học của ông lúc nào cũng đông. Vừa dạy, vừa tiếp tục tích cóp, ông vẫn ấp ủ trong lòng giấc mơ ra được một cuốn sách tổng hợp những thành quả lao động của mình bấy lây nay.

Mối tình già bên bờ kênh quan họ

Bà là Nguyễn Thị Thơm, kém ông Quyển tới 20 tuổi. Bà từng là học trò, cảm rồi mến cái đức, cái tình của ông mà se duyên kết chỉ.

Từng có một đời chồng nhưng không gặp may mắn trong hôn nhân, bà ở một mình tất tả nuôi hai con gái khôn lớn. Đến khi các con đi lấy chồng bà mới có thời gian cho riêng mình. Yêu quan họ từ ngày còn con gái nhưng nhà nghèo, không có điều kiện học hành tử tế, đến khi về già mới được rảnh rang, có người chị họ đến rủ đi học lớp của thầy Quyển, bà lập tức đồng ý.

Khi bà và người chị đến thăm thầy Quyển, thấy nhà cửa nhếch nhác, bừa bộn, quần áo ông lúc nào cũng cáu bẩn, cuối nhà lại thêm một cái niêu con chỉ để nấu mì. Nhìn cảnh đó khiến bà động lòng thương. Vợ ông đã mất cách đó chục năm, đàn ông sống một mình đâm ra lôi thôi luộm thuộm. Ông lại có thêm bệnh tiểu đường. Lúc bấy giờ căn bệnh vẫn còn là nỗi e ngại không lối thoát với nhiều người. Bà ái ngại nhưng nhìn ông cứ lui cui sớm tối một mình như vậy thì không đành lòng. Cứ có thời gian bà lại chạy sang giúp đỡ ông lúc thì giặt cái quần cái áo, lúc thì nấu bữa cơm. Dần dần cả hai đem lòng thương mến lẫn nhau nhưng vẫn giấu kín vì dù sao cả hai cũng đã đều lên chức ông, chức bà...

Nhiều người không tin vào tấm chân tình của bà dành cho ông. Họ bàn tán sau lưng, trước mặt rằng bà tham của nhà ông nên mới chịu về làm vợ một người bệnh tật như thế. Một đồn mười, mười đồn trăm, rồi thêu dệt thêm hóa ra thành nghiệt ngã. Cũng có lúc bà buông xuôi “em không về làm vợ anh nữa đâu”. Cũng có lúc bà muốn dứt tình đến với người khác để quên ông. Nhưng cuối cùng chính tình yêu và sự động viên của ông cũng giúp bà vượt qua để đến với nhau.

80 tuổi vẫn làm gia sư

Hiểu được đam mê của ông, bà cũng muốn góp công góp sức vào để ông thỏa nguyện tuổi già. Ngoài sáu mươi tuổi, bà lại lụi cụi đi học vi tính, học kí âm để giúp ông biên soạn sách. Học mãi, học hoài cũng không vào, bà cũng muốn bỏ nhưng sau nhờ có mấy đứa cháu đi học xa về, hướng dẫn cho mới có thể sử dụng được máy tính thuần thục. Tối tối, hai vợ chồng lại ngồi bên nhau, ông đọc cho bà đánh máy, hết ngày này tới ngày khác cho tới khi lên được hơn 400 bài thì vợ chồng bàn nhau xuất bản.

Lương hưu của ông ba cọc ba đồng, tiền tích cóp cả đời của bà góp lại cũng không đủ, sau nhờ con cái, họ hàng góp vào cũng được đôi ba chục triệu đồng đi in. Cầm cuốn sách thơm mùi mực mới, tuy không được trang trí bìa bọc đẹp đẽ như những cuốn sách của người, hai vợ chồng vẫn không giấu nổi mừng mừng tủi tủi. Đem đi tặng, đi biếu khắp những người thân quen, họ hàng cũng cốt lấy chút niềm vui. Muốn đem biếu tặng thư viện thì chính thư viện tỉnh lại từ chối vì không do nhà xuất bản nào chính thức phát hành.

Không nản lòng, vợ chồng ông vẫn tiếp tục với công trình còn dang dở của mình. Đến nay, con số các ca khúc quan họ sưu tập được của ông cũng đã lên tới hơn 1000 bài, con số mà chính cả những nhà nghiên cứu cũng không ngờ tới. Nhìn cuốn sách chỉ mới đi in sơ sài nhưng cũng dầy quá nửa gang tay mới thấy được kì công và tâm huyết của hai người đã dành vào đó.

Tuổi già, nhưng đi đâu vợ chồng ông cũng có nhau. Tính ông vẫn quen xuề xòa, bữa cơm giấc ngủ nhiều khi còn tùy tiện, thậm chí đến thuốc thang nhiều khi cũng không tự giác, bà lại phải căn ke, nhắc nhủ từng li từng tí. Thực đơn ăn uống của ông cũng được chăm sóc đặc biệt, rau đậu và đồ mặn vừa phải. Hai vợ chồng cứ rủ rỉ rù rì chăm sóc lẫn nhau. Có thời gian ông lại ngồi đọc sách cho bà nghe. Cũng có nhiều chuyện khi nghĩ lại không tránh khỏi buồn cười. Nhiều khi chỉ vì tranh luận về một bộ phim, ông một phách, bà một phách mà thành ra dỗi. Tối đến, mỗi người một chăn là đủ biết người kia còn giận. Nhưng cơn giận tuổi già cũng chẳng bao lâu, đến rồi đi như một chất xúc tác nhẹ nhàng của tình yêu.

Từ ngày về với ông, ngoài việc chăm sóc chồng, bà còn đảm nhận thêm việc dạy hát cho các cháu nhỏ. Ban đầu chỉ là ở trường tiểu học trong xã, ban giám hiệu có ngỏ ý nhờ vợ chồng ông dạy cho các cháu một tiết mục để biểu diễn nhân ngày lễ. Tập trung được chừng hai chục cháu, đến khi học thì thấy cháu nào cũng có đam mê thế là thành lập câu lạc bộ Măng non. Sợ các cháu mê hát quên học hành, thế là ông kiêm luôn cả nhiệm vụ gia sư, kèm cặp việc học văn hóa. Thấy con mình vừa được sinh hoạt ca hát, học hành đảm bảo, thậm chí tiến bộ nhiều, các vị phụ huynh mừng lắm. Có những người ở xã khác cũng đến gửi con theo học ông bà. Từ câu lạc bộ tiên phong của hai vợ chồng đã tạo thành một phong trào ở khắp các xã của Bắc Ninh, thu hút hàng trăm người tham dự.

Câu chuyện hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Quyển và bà Nguyễn Thị Thơm khiến tôi tin rằng có những điều không chỉ là cổ tích.

Đỗ Huệ