Mối tình tài sắc của song thân cụ Nguyễn Du

Mối tình tài sắc của song thân cụ Nguyễn Du

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Dòng họ Trần nổi danh không chỉ có trai tài mà còn lừng lẫy vì sinh thành nhiều thiếu nữ đẹp. Trải qua bao đời, con cháu họ Trần được nhiều dòng họ danh gia vọng tộc tìm đến kết thân muốn làm thông gia.

Nhiều cuộc hôn nhân của con cháu họ Trần với con cháu gia tộc danh giá khác đã đơm hoa kết trái, trong số đó nhiều người đã thành danh, cụ Nguyễn Du là minh chứng tiêu biểu.

Sự kiện - Mối tình tài sắc của song thân cụ Nguyễn Du

Nhà thờ họ Trần

Môn đăng hộ đối

Gặp cụ Hùng, 75 tuổi, đời thứ 19 của dòng họ Trần, người trực tiếp đi thu thập viết tiếp gia phả của dòng họ, trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt cụ sáng lên vẻ tự hào về truyền thống danh gia vọng tộc của họ mình. Theo cụ Hùng, từ thời xưa, các cụ trong họ nổi danh về tài năng thơ phú và đậu đạt nên được nhiều dòng họ danh gia chấp thuận mà gả quý nữ cho. Cụ Hùng tự hào thổ lộ: “Câu thành ngữ “môn đăng hộ đối” phản ánh đúng về quan hệ hôn nhân giữa con trai thuộc dòng họ Trần đất Kim Thiều với con gái của những dòng họ danh gia khác”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, cụ Hùng trân trọng lần giở những trang gia phả của dòng họ cho chúng tôi xem. Lần theo những trang gia phả của dòng họ Trần, chúng tôi thấy được các cụ tổ những đời trước của dòng họ này vì sẵn có tài danh, nên được nhiều dòng họ, gia đình danh giá chấp thuận kết làm thông gia. Trong gia phả họ Trần ghi chép nhiều người vợ, người mẹ của dòng họ này nổi tiếng là nhân từ phúc hậu, trong số đó có những người vinh dự được vua ban cho những danh hiệu cao quý.

Theo sự hướng dẫn của cụ Hùng, chúng tôi ghi lại được những thông tin quý giá. Trong gia phả của dòng họ Trần có chép, vợ cả của cụ tổ đời thứ tư - Nhiễm Khê là con gái cả của cụ đồng tiến sĩ Nguyễn Giản Liêm (tiến sĩ khoa mậu tuất 1478), chị gái của trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh (trạng nguyên khoa mậu thìn 1508, mệnh danh là Nam quốc trạng nguyên). Sau đó cụ Nhiễm Khê lấy bà Nguyễn Thị Ngọc Quế (em vợ của trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh), do có con đậu đạt nên cụ bà được sắc phong là Thiện dụ Phu Nhân.

Cụ Hùng còn tâm sự như để minh chứng cho mối quan hệ thông gia mật thiết giữa hai dòng họ: “Đã hơn 500 năm qua nhưng con cháu họ Trần bây giờ và con cháu họ Nguyễn Giản vẫn đi lại thân tình. Ngày nay con cháu họ Trần chúng tôi vẫn góp tiền để làm giỗ cụ Nguyễn Giản Liên”.

Tổ đời thứ 5 là cụ Ngạn Húc, lấy vợ là con gái của Hình Bộ Tả thị lang - Quách Khế, được vua truy phong là Thân Phu Nhân. Cũng theo cụ Hùng, dòng họ Quách đất Phù Khê vốn nổi tiếng là dòng họ khoa bảng, dưới thời phong kiến dòng họ này có bốn người đậu tiến sĩ. Nổi tiếng, được lưu danh sử sách có tiến sĩ Quách Đồng Đức, Quách Đồng Dần. Theo gia phả, cuối đời cụ bà đi theo con trai là Phi Nhỡn lên tận đất Cao Bằng. Khi chết vua ban là Nghĩa giáo Phu Nhân.

Tổ đời thứ 6, tên là Phi Nhỡn, lấy vợ là cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Am, con gái của Binh Bộ Hữu thị lang Nguyễn Hữu Thường. Con trai của cụ Phi Nhỡn lấy con gái của nhiều bậc đại thần, như con trai thứ Thúc Đạt lấy con gái của quan Tổng phụ đạo Trung quận công Nông Doãn Phu. Cụ tổ đời thứ 7, tên là Quý Phùng (Diên Quận Công), lấy bà Nguyễn Thi Sùng là con gái của tri huyện Cẩm Giang – Nguyễn Chu Đình. Cụ Trần Ôn, đời thứ 10, lấy bà họ Nguyễn, cũng theo cụ Hùng dòng Nguyễn Văn – Phù Khê, một nhánh của dòng họ Nguyễn Trãi, con cháu trong dòng họ này nhiều người nổi tiếng, đời sau có cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ...

Sự kiện - Mối tình tài sắc của song thân cụ Nguyễn Du (Hình 2).

Cụ Hùng đời thứ 19 của dòng họ Trần

Mối tính song thân cụ Nguyễn Du: Trai tài gái sắc

“Nữ nhi ngoại tộc”, quan điểm đó đè nặng và bao trùm lên văn hóa họ tộc của người Việt. Thông thường gia phả của các dòng họ ở Việt Nam không đề cập hoặc đề cập ít đến thân thế của nữ nhi trong họ. Việc gia phả họ Trần có ghi lại những thông tin dù tương đối ít ỏi về thân thế của những người con gái trong họ cũng là một điều đặc biệt hiếm gặp trong những cuốn gia phả mà chúng tôi trực tiếp tìm hiểu ở Việt Nam. Mặt khác, điều đặc biệt là dòng trưởng của họ trần đất Kim Thiều sinh hạ được nhiều nam nhưng lại ít nữ nên thông tin ít về nữ nhi trong họ tộc cũng là điều dễ hiểu.

Cụ Hùng hướng dẫn chúng tôi lần giở những trang gia phả của dòng họ Trần qua 14 đời và đếm được có 12 người con gái. Trong gia phả, tất cả 12 người con gái của họ Trần được ghi chép lại một cách sơ lược nên thông tin không có nhiều. Dựa trên những thông tin còn lại cũng đủ để phản ánh được một sự thật tồn tại qua nhiều đời, con gái họ Trần đài các hiếm có. Cụ Hùng nhấn mạnh: “Con gái họ Trần trước đây được gả cho những gia đình danh gia, niềm tự hào này không chỉ tồn tại một đời mà trải qua nhiều đời!”.

Khi đọc gia phả họ Trần, bản thân chúng tôi cũng thừa nhận đây là một điều đáng tự hào vì ít có dòng họ nào ở Việt Nam đươc vinh hạnh này. Điều gây bất ngờ lẫn sự thán phục cho chúng tôi, qua nhiều đời, điểm chung con gái của dòng họ Trần được làm vợ của những người có chức tước và địa vị cao trong xã hội phong kiến đương thời. Việc được nhiều dòng họ lớn, và những người có địa vị cao hỏi cưới cho thấy con gái họ Trần rất quý phái, được đánh giá rất cao, một thuở nổi danh là “cành vàng lá ngọc”.

Những dòng ghi chép tuy đơn giản nhưng đủ nói lên được vẽ quyền quý, đài các của nữ nhi họ Trần đất Kim Thiều. Việc cụ Nguyễn Nghiễm thân phụ của cụ Nguyễn Du đem lòng say mê bà Trần Thị Tần là một điều không khó để lý giải. Mặc dù, trong gia phả họ Trần không trực tiếp đề cập đến thân thế của bà Trần Thị Tần, thông tin trong gia phả chỉ ghi lại ngắn gọn “Trần Ôn là ông ngoại của Nguyễn Du”. Nhưng những người con cháu của họ Trần nơi đây còn lưu giữ được những câu chuyện xung quanh mối lương duyên trai tài gái sắc giữa cụ Nguyễn Nghiễm và bà Trần Thị Tần.

Theo cụ Hùng, bà Trần Thị Tần là con gái thứ 3 của quan Câu Kê – Trần Ôn. Cụ Trần Ôn sinh hạ toàn là nữ nhi, ai cũng đẹp người, nết na, phúc hậu. Cụ Trần Ôn làm việc dưới quyền chỉ đạo của cụ Nguyễn Nghiễm (lúc bấy giờ cụ Nguyễn Nghiễm là Đại Tư Đồ tức là Tể Tướng). Giữa cụ Trần Ôn và Nguyễn Nghiễm vì công việc nên thường xuyên đi lại và trở nên quen thân. Thực chất quan hệ của cụ Nguyễn Nghiễm với cụ Trần Ôn là bằng hữu thân thiết. Bà Trần Thị Tần, 17 tuổi đã nổi tiếng xinh đẹp, lại thuộc dòng quyền quý cao sang, nên nhiều người để ý để hỏi cưới về làm vợ. Trước sắc đẹp như hoa đang buổi hé nở, cụ Nguyễn Nghiễm nhiều lúc do công việc sang chơi nhà bạn đã đem lòng say mê.

Cảm mến tài năng của bạn, cũng muốn gả con gái mình về làm dâu của dòng họ lớn, quyền cao chức trọng nên cụ Trần Ôn đã thuận lòng gả bà Tần cho Nguyễn Nghiễm. Theo cụ Hùng, từ khi về làm vợ, cụ Nguyễn Nghiễm rất yêu chiều bà Tần, nên luôn giữ lại bên cạnh ở Thăng Long. Bà Tần sinh hạ cho Nguyễn Nghiễm năm người con, bốn trai và một gái. Cả năm người con của bà đều là những người tài năng hơn người, công danh lẫy lừng. Nguyễn Lễ – con Trai thứ 3 hai lần đi thi đều đỗ đầu, được vua cử đi sứ nhà Thanh. Nguyễn Du con trai thứ 3 nổi tiếng về thi ca, được mệnh danh là Đại thi hào của Dân tộc.... (Còn nữa)

Trinh Phúc


Tag: sống