Môi trường, nguồn nước ô nhiễm khiến nhiều người dân chết trẻ?

Môi trường, nguồn nước ô nhiễm khiến nhiều người dân chết trẻ?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Mảnh đất mà các hộ dân ở xóm Đồng Cháy đang sinh sống trước đây là khu chôn cất người chết.

Sự việc ba gia đình ở xóm Đồng Cháy (xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) ba năm liên tiếp các trụ cột trong gia đình đều chết “bất đắc kỳ tử” vẫn là nỗi đau khôn cùng đối với người thân. Tuy nhiên, sự ám ảnh về những cái chết trên mảnh đất mà họ coi là “thiêng” khiến ai cũng lo sợ. Mặc dù chính quyền địa phương đến cấp huyện đều chứng minh không hề có chuyện lạ “ma ám đất” khiến nhiều người trẻ chết tức tưởi. Thế nhưng tâm lý hoang mang của người dân vẫn còn nặng trĩu, bao trùm cả làng quê.

Xã hội - Môi trường, nguồn nước ô nhiễm khiến nhiều người dân chết trẻ?

GS. TS Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Ảnh: Bảo Lâm)

Để tìm hiểu tính thực hư của câu chuyện, chúng tôi đem sự việc trao đổi với GS. TS Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. GS. TS Thịnh không tỏ ra ngạc nhiên trước sự việc. Ông khẳng định đây là sự việc hoang đường, không có thật.

Tuy nhiên, theo GS. TS Ngô Đức Thịnh, những lời đồn của người dân rất khó có thể giải thích cặn kẽ, bởi lẽ tâm lý họ quá nặng nề về những sự việc này. Họ không hề nghĩ, những cái chết của người thân của các gia đình cũng sinh sống ở trên mảnh đất do sự trùng hợp. Hoặc nếu xét theo cơ sở khoa học, đó có thể chết trẻ do gen di truyền hoặc do yếu tố môi trường bên ngoài tác động đến khiến họ mắc những căn bệnh hiểm nghèo...

Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, chính quyền cần phải xác định cho người dân có thái độ đúng mực trước những lời đồn thổi. Đừng nên quá tin vào những lời đồn không xác thực rồi tuyên truyền mê tín dị đoan ảnh hưởng đến cuộc sống. Những lời đồn “âm binh” có lẽ cũng chỉ xuất phá từ những ông thầy cúng, thầy mo. Họ sẽ kiếm lời bằng cách cúng bái, giải hạn cho người dân.

Trả lời PV Người đưa tin, GS. TS Lê Quý Đức, viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển Việt Nam cho rằng: Sự việc nhiều gia đình có người chết trẻ sau khi chuyển đến sinh sống ở mảnh đất này hoàn toàn có thể giải thích, chứng minh theo cơ sở khoa học. Thứ nhất, theo lời của cán bộ Mỹ Yên, khu đất này ngày xưa trong xã dùng làm khu chôn cất cho người chết. Sau khi giải phóng khu đất thì vẫn còn sót lại một số ngôi mộ, rồi người dân xây nhà gần đó để sinh sống. Điều này có thể nhận thấy khu đất này bị ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Bởi vì cơ thể con người sau khi phân hủy sẽ ảnh hưởng rất nặng đến đất và nguồn nước.

Vì thế người ta thường chọn những cánh đồng, bãi đất xa khu ở của người dân làm nơi chôn cất cho người chết, tránh ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Xét trên phương diện khoa học, mảnh đất ấy bị tác động nhiều về yếu tố môi trường gây ô nhiễm, từ đó dẫn đến bệnh tật khiến nhiều người bị mắc bệnh hiểm nghèo rồi chết trẻ.

Thứ hai, phải xét đến gen di truyền của các gia đình. Bởi theo GS. Lê Quý Đức, ông cũng đã gặp rất nhiều dòng họ có người chết trẻ mà ban đầu ai cũng nghĩ bị “ma ám” hoặc “trời hành”. Sau đó các nhà khoa học đã về địa phương nghiên cứu, kết hợp với xét nghiệm gen và xác định dòng họ ấy có nhiều căn bệnh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vấn đề do tâm lý của người dân chưa được tiếp nhận thông tin đúng và chưa hiểu rõ bản chất sự việc.

Có thể giải thích hiện tượng trên bằng khoa học

GS. Lê Quý Đức cho biết, trước đây căn bệnh lạ ở Quảng Ngãi ai cũng cho rằng do “ma ám”. Nhưng với sự nỗ lực nghiên cứu, xác minh của các nhà khoa học, họ đã chứng minh được căn bệnh lạ ấy do người dân dùng nước bị nhiễm chất độc hóa học từ đầu nguồn do chiến tranh để lại. Như vậy có thể khẳng định, mọi việc hoàn toàn có thể tìm ra căn nguyên để chữa trị theo khoa học chứ không nên tin vào tâm linh để rồi ảnh hưởng đến cuộc sống. Theo GS. Đức, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên xem xét sự việc để đưa ra những nghiên cứu, kết luận chính xác về môi trường, thức ăn, nguồn nước của người dân. Điều đó vừa giúp người dân giải quyết tâm lý, tư tưởng và tránh được những căn bệnh bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo từ môi trường sống.

Cao Tuân