Môn phái của những bậc kỳ tài võ Việt

Môn phái của những bậc kỳ tài võ Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Nhắc đến Thăng Long Võ Đạo, giới võ thuật Việt Nam thường rỉ tai kể cho nhau nghe nhiều giai thoại về những cao thủ võ lâm xuất thân từ môn phái này.

Ngôi nhà của những huyền thoại

Bất kỳ một môn phái nào, nơi thờ tự của những vị tổ sư luôn là chốn thiêng liêng bất khả xâm phạm với người ngoại đạo. Do đó, chúng tôi phải nhờ tới sựå giới thiệu của một người thân tín của võ sư Nguyễn Văn Thắng mới may mắn được ông chấp thuận.

Theo lịch hẹn, chúng tôi lên đường mang trong lòng sự háo hức và mường tượng ra một viễn cảnh hoành tráng về tổ đường của môn phái lừng danh trong làng võ Việt này. Khi đến tận nơi, được tận mắt chứng kiến, sự thực hoàn toàn trái ngược với sự tưởng tượng ban đầu của chúng tôi.

Nếu không được giới thiệu, khó ai có thể hình dung ra ngôi nhà của những huyền thoại võ lâm lại mang vẻ ngoài bình dị như bất kỳ một ngôi nhà dân nào mà chúng tôi bắt gặp ở khu phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Giây phút ngỡ ngàng nhanh chóng trôi qua, dần dần chúng tôi bị hút hồn bởi chính sự giản dị của chính ngôi nhà đặc biệt này.

Sự kiện - Môn phái của những bậc kỳ tài võ Việt

Võ sư Thắng tự hào giới thiệu với P.V

Được đích thân hướng dẫn của chưởng Môn Phái, chúng tôi vào tận nơi đặt bài vị của các vị tổ sư Thăng Long Võ Đạo. Tại đây, lần đầu tận mắt ngắm nhìn chân dung của các đại cao thủ, những huyền thoại võ Việt một thời như cụ Cử Tốn - cử nhân võ cuối cùng của Triều Nguyễn, người được mệnh danh là Hoàng Phi Hồng của Việt Nam, Văn Nhân - một trong bảy người sáng lập ra ngành đặc công Việt Nam, cùng nhiều tên tuổi nổi danh khác.

Trong căn phòng đặc biệt này còn là nơi trưng bày tư liệu giới thiệu về truyền thống võ học của môn phái. Bảng thành tích của môn phái có đầy đủ bộ huy chương giành được tại các kỳ đại hội võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng như những huy chương vô địch về võ thuật của khu vực và thế giới ở các môn võ thể thao như Pencat...

Cùng với đó là nhiều bức ảnh, tư liệu phản ánh hoạt động sôi nổi của môn phái tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết, Thăng Long Võ đạo đã có nhiều đệ tử cùng với cơ sở hoạt động ở 20 quốc gia.

Võ sư Văn Thắng đưa chúng tôi lên tầng thượng của tòa nhà, ông cho biết đây chính là nơi luyện tập của những đệ tử lừng danh trong môn phái. Một không gian yên tĩnh, tràn ngập hoa lan, nắng và gió trời.

Đã từng chứng kiến những màn biểu diễn kungfu của các đệ tử nổi danh của môn phái như dùng tay không đập nát chồng ngói trên 50 viên, dùng thanh sắt quật vào mình trần mà không hề hấn gì, tôi nghĩ nơi đào tạo ra những "kỳ nhân võ Việt" phải là nơi đầy ắp những dụng cụ thể thao tập luyện khắc nghiệt.

Lần may mắn được mục sở thị đại bản doanh của môn phái Thăng Long Võ Đạo đã giúp chúng tôi ngộ ra được một chân lý "điều phi thường sinh ra ngay từ chính điều giản dị nhất".

Hé lộ kho tàng bí kíp võ công

Nhắc đến Thăng Long Võ Đạo hiện tại, sẽ thật sự thiếu sót nếu không đề cập đến những bậc tiền nhân của môn phái này. Theo võ sư Thắng, tên hiệu của môn phái là do chính cha của ông cố võ sư Nguyễn Văn Nhân đặt nhưng sự thực bản thân phái võ này đã trải qua năm đời.

Thăng Long Võ Đạo hiện giờ phát huy được thanh thế nhờ kế tục nền võ học từ hai tên tuổi nổi danh của làng võ Bắc những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ thứ XX. Võ sư Nguyễn Văn Nhân - người sáng lập ra môn phái được thừa hưởng nền võ học từ dòng họ nội. Trong ký ức của chưởng môn Thắng hiện giờ, vị tiên tổ đầu tiên của môn phái tên là Vũ Tống Thành, một vị tướng khai quốc công thần của triều Nguyễn.

Sau đó cụ Vũ Tống Thành truyền võ cho con là cụ Thống Luận (một người bạn đồng niên với cụ Đề Thám). Võ sư Thắng cho biết, võ học của các cụ đời trước thuộc môn phái Thiếu Lâm Nội Gia.

Để lý giải về sự thay đổi từ họ Vũ sang họ Nguyễn của gia tộc mình, võ sư Thắng chia sẻ, "Việc đổi họ bắt nguồn từ việc cụ Thống Luận là một võ tướng của cụ Đề Thám, người được giao nhiệm vụ trấn thủ Kinh Bắc. Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị thất bại, giặc Pháp truy lùng để trả thù những gia đình võ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa.

Bản thân dòng tộc của ông cũng bị thực dân Pháp truy sát, chúng về tận nhà, đốt phá nhà cửa, phá hoại mồ mả của tiên tổ. Những người trong gia đình ly tán khắp nơi, thay tên đổi họ để tránh sự truy lùng. Ông nội của tôi là cụ Thống Nghị cùng con là võ sư Văn Nhân rời bỏ quê hương Kinh Bắc, đổi sang họ Nguyễn để tránh sự truy bắt của giặc Pháp".

Thăng Long Võ Đạo bây giờ không chỉ thừa kế nền võ học từ dòng nội, mà còn được thừa hưởng bởi nền võ học của dòng ngoại từ cụ Cử Tốn. Theo võ sư Thắng, cụ Cử Tốn là cử nhân võ cuối cùng của Triều Nguyễn - ông ngoại của cố võ sư Văn Nhân.

Ông là một trong những những vị tướng được giao nhiệm vụ cùng Hoàng Diệu trấn giữ thành Hà Nội. Trong lần giặc Pháp tấn công Hà Nội năm 1872, Hà Thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, cụ Cử Tốn trở về quê, âm thầm mở lò võ (lò võ trước đây của cụ Cử Tốn nằm cạnh đường Trần Quý Cáp bây giờ).

Trong giới võ thuật miền Bắc, cái tên Cử Tốn vẫn còn được nhắc đến như một bậc thầy của võ công và biểu tượng của võ đạo. Ông là sư phụ của nhiều tên tuổi võ lâm đã trở thành huyền thoại của làng võ Việt Nam như Mùi Đen, Lý Đen, Tư Bá, Tư Côi.... cùng hàng trăm đệ tử khác.

Bản thân thực dân Pháp phải tốn nhiều công sức nhằm mua chuộc, thậm chí nghĩ cách hãm hại ông nhưng bất thành. Chính vì nhân cách lớn của ông mà nhiều người trong giới võ ví cụ Cử Tốn là Hoàng Phi Hồng của Việt Nam.

Kế thừa truyền thống võ học cùng kho tàng bí kíp của gia đình nội, ngoại (võ Tàu và võ Việt) nên cố võ sư Văn Nhân đã đưa Thăng Long Võ Đạo lên một bước tiến mới. Chính từ đây cái tên Thăng Long Võ Đạo đã được giới võ thuật trong nước và quốc tế biết đến như một nơi đào tạo ra nhiều huyền thoại sống của võ Việt Nam.

Một thế hệ đệ tử như Văn Thắng (chưởng môn - một bậc thầy về nội công), võ sư Vũ Hải, võ sư Công Thắng, võ sư Hồng Lâm, võ sư Đức Vân, võ sư Phạm Đức, võ sư Ngọc Dương, võ sư Minh Phụng nổi danh trong làng võ Việt.

Khi được hỏi về những nét độc đáo làm nên tên tuổi của môn phái Thăng Long Võ Đạo trong giới võ học, võ sư Thắng đã điểm qua sơ lược một số bài quyền được cho là bí kíp gia truyền như "Thiên Long Thương", "Thượng Phương Bảo Kiếm" "Cử long bát quái đao" ba bài chân truyền của cụ Cử Tốn. "Bát Bộ Côn", "Tuyết Kiếm" hai bí kíp chân truyền của cụ Thống Luận. Cùng một kho tàng kiến thức về võ học trên nhiều lĩnh vực về khí công chữa bệnh, nội công Kungfu, phong thủy - tâm pháp và những bài võ gia truyền sử dụng đủ bát bộ binh khí.

Qua trao đổi với võ sư Thắng chúng tôi mới hiểu được tại sao môn phái Thăng Long võ đạo lại là nơi đào tạo ra nhiều tên tuổi nổi danh của làng võ Việt đến thế ...

Trinh Phúc - Thanh Xuân

Kỳ II: Truyền kỳ người anh hùng đả hổ chấn động làng võ Bắc Kỳ