Mông lung dự án “nâng đời” cho hàng rong

Mông lung dự án “nâng đời” cho hàng rong

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Sẽ không còn thấy cảnh dăm ba cô túm năm tụm ba bên những gánh bún đậu mắm tôm vỉa hè; không còn nghe tiếng rao: "Cháo trai ơ..." mỗi buổi chiều muộn trong nhiều con phố nhỏ. Bức tranh phố xá Hà Nội sẽ phong quang hơn nếu một đề án mới về quản lý hàng rong được thực hiện...

“Cấp thiết” cho dự án tiền tỷ ?

Đề án quản lý hàng rong này có tên đầy đủ: “Đề án Triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các quận, thị xã, thị trấn của các huyện thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015". Theo đó, Đề án đưa ra phương án quản lý như sau: Những người bán hàng rong sẽ được tập trung lại một địa điểm cố định, do doanh nghiệp hoặc cá nhân đại diện quản lý tập trung, thuê, mượn mặt bằng đảm bảo cung cấp nước sạch, bố trí các khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh. Người bán hàng được tham gia các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, được khám sức khỏe, xét nghiệm định kỳ.

Sự nhếch nhác của hàng rong, quán vỉa hè Hà Nội. Ảnh minh họa

Theo đánh giá của đơn vị soạn thảo, đề án sẽ khiến cho việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng rong thuận tiện hơn, khắc phục được những nhược điểm của hàng rong là tạm bợ và mang tính mùa vụ. Nếu được đi vào thực hiện, đề án này sẽ tiến hành trong vòng 5 năm với kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Theo ý kiến từ phía Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đơn vị xây dựng Đề án thì, hàng ăn rong thiếu hạ tầng cơ sở và các dịch vụ vệ sinh môi trường, là một trong những thủ phạm gây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số ca mắc tiêu chảy cấp hàng năm. Dù đã được cảnh báo nhưng việc kiểm soát vệ sinh thực phẩm rất khó khăn. Hơn nữa, việc giám sát vệ sinh thực phẩm của các gánh hàng rong còn mang tính hình thức và chỉ tập trung vào những tháng hành động, hoặc Tết, rằm Trung thu.

Hơn nữa việc này không thường xuyên mà phụ thuộc vào việc bố trí sắp xếp thời gian của cán bộ y tế và lãnh đạo địa phương. Bởi hiện lực lượng thanh tra y tế kiêm nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm rất mỏng, một người phụ trách từ 3 đến 5 chương trình và chỉ có thể bố trí khoảng 5 đến 6 giờ trong 1 tuần cho công tác này. Chính vì vậy, việc triển khai Đề án là để tiện cho công tác quản lý hàng ăn rong cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rong cần được bố trí tập trung tại một điểm cố định.

Chưa khả thi

Kiểm soát được chất lượng của thức ăn đường phố là một việc được khá nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, để thực hiện được nó là một việc không hề đơn giản. Một số ý kiến cho rằng tính khả thi của đề án không cao.

TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: "Kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm là điều quá tốt. Tuy nhiên phải kiểm soát như thế nào lại là một điều không hề đơn giản. Quy tụ hàng rong và thực hiện các biện pháp quản lý như vậy là hợp lý. Tuy nhiên trong giai đoạn này, khi nền kinh tế chưa cho phép thì thực hiện được điều đó rất khó. Bởi lẽ Hà Nội rộng như thế này thì phải tập trung vào bao nhiêu chỗ cho đủ.

Nếu dồn vào một chỗ thì không ổn, còn tập trung thành nhiều điểm thì kèm theo đó là phải đầu tư rất nhiều thứ, từ đất đai, mặt bằng đến trang thiết bị...và đặc biệt là với lực lượng thanh tra mỏng như hiện nay thì không thể có đủ cán bộ để đi kiểm tra thường xuyên. Cả ngành y tế có mấy trăm thanh tra, thanh tra thực phẩm cũng không nhiều".

Được biết, ngành y tế đã có chương trình vệ sinh an toàn đường phố và quy định các cửa hàng bán thực phẩm, hàng rong phải có tủ kính và nước rửa nhưng hiện tại vẫn chưa làm được triệt để. Vì thế, ông Tiên cho rằng: "Thay vì đầu tư cả 70 tỷ đồng để "buộc" hàng rong thì cần giáo dục nâng cao ý thức cho người dân và có sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ phụ trách. Bên cạnh đó, phải tăng cường lực lượng kiểm tra. Nếu người bán hàng rong nào không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ bị nhắc nhở và bị phạt. Có những hộ nghèo quá, không có khả năng đóng tủ kính thì phải giúp đỡ họ, cho họ vay tiền. Tôi nghĩ như vậy sẽ thiết thực hơn".

PGS.TS Trần Đáng

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận định: "Mô hình tập trung hàng rong vào một điểm cố định được thực hiện thành công ở nhiều nước khác như Thái Lan, Trung Quốc nhưng khó có thể thực hiện ở Việt Nam. Với quy hoạch đô thị như hiện nay sẽ khó có những điểm để phát triển hàng ăn cố định. Cấm bán hàng rong cũng khó, quan trọng là phải quản lý được".

Thành Huế

Tag: Trung Thu