Một ngày chạy hai bệnh viện chăm chồng con bị bạo bệnh

Một ngày chạy hai bệnh viện chăm chồng con bị bạo bệnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Bốn người con thì hai người đã chết vì ung thư, hai người sống thì đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Vào xóm 4, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa hỏi thăm hoàn cảnh của nhà bà Lê Thị Hòe ai cũng tận tình chỉ đường. Mọi người đã quá quen với cảnh bà chạy vạy tiền nong đưa hai con lên Hà Nội chữa bệnh hay những buối xế chiều tất tưởi đi tìm chồng mang bệnh thần kinh đi lạc khỏi nhà.

Xã hội - Một ngày chạy hai bệnh viện chăm chồng con bị bạo bệnh

Một mình bà Hòe phải chăm chồng thần kinh và chạy chữa cho hai con bệnh nặng.

Nát nhà vì bạo bệnh

Chồng bà là Trương Văn Xanh (sinh năm 1959) trước đây tham gia kháng chiến. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng hạnh phúc tràn đầy khi bốn người con trai khỏe mạnh lần lượt chào đời. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, từng người con lần lượt lâm bệnh hiểm nghèo. Hai người con đã qua đời vì bệnh ung thư còn 2 người con khác cũng đang bệnh tật phải chạy thuốc từng bữa.

Người con đầu Trương Văn Tiến (sinh năm 1983) sinh ra bụ bẩm, khỏe mạnh và phát triển bình thường. Tuy nhiên, năm 16 tuổi, Tiến trở nên đau ốm. Đi khám bệnh, bác sỹ nói anh mắc bệnh suy thận. Thương con, vợ chồng bà Hòe đã chạy vạy khắp nơi để đưa Tiến lên bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội). Thế nhưng, sau 9 tháng điều trị, Tiến không thể qua khỏi.

Người con thứ hai Trương Văn Thế (sinh năm 1985) từ khi chào đời đã mắc chứng bệnh câm điếc bẩm sinh. Năm 12 tuổi mới biết bi bô tập gọi bố mẹ. Từ bé, Thế ốm đau triền miên, cơ thể suy nhược. Năm 17 tuổi, tình cờ một lần đi khám bệnh, các bác sỹ cho biết Thế bị ung thư bàng quang. Cũng chẳng khá hơn anh trai, sau 8 tháng trời chữa trị, Thế ra đi khi tròn 18 tuổi.

Nỗi đau chưa kịp khỏa lấp, người con thứ ba Trương Văn Tính (sinh năm 1987) càng lớn da càng thâm đen khác thường. Khi học đến lớp 9, toàn thân Tính mang màu đen, lưỡi và môi thâm lại. Tính không được khỏe mạnh như bao bạn bè cùng trang lứa nên đành phải nghỉ học. Vài tháng sau Tính phát hiện bệnh suy thượng thận mãn và phải đến bệnh viện Bạch Mai điều trị. Gia cảnh khó khăn nên những đợt chữa bệnh cho Tính cũng đứt quãng.

Người con út Trương Văn Hai (sinh năm 2001) cũng chung số phận như anh trai. Từ năm ba tuổi da em đã bắt đầu chuyển sắc tố khác, càng lớn càng thâm đen. Lợi và môi lúc nào cũng sưng, thâm tím. Sau khi đi khám và xét nghiệm ở bệnh viện, các bác sỹ cho biết căn “bệnh lạ” của hai anh em Tính và Hai rất có thể do di truyền từ các đời trước, mặc dù đời bố mẹ, ông bà không mắc loại bệnh này.

Khi Hai vào lớp một, cơ thể ngày một yếu đi. Nghi con bị bệnh tim cả nhà đưa lên bệnh viện nhi Trung Ương (Hà Nội) khám, tuy nhiên các bà sỹ cho biết em bị suy thượng thận và cần phải điều trị lâu dài.

Làm thêm trăm nghề không đủ viện phí

Gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng bà vừa đi làm thuê, vừa chăm nom lo thuốc thang các con. Không may thay, năm 2007 ông Xanh bị tai nạn nặng, ảnh hưởng đến não. Sau lần đó ông bị đau ốm triền miên. Nhiều hôm ông bỏ đi lang thang khắp làng, đến bữa ăn vẫn không biết lối về. Lúc ấy bà Hòe lại tất tả “ống thấp ống cao” đi tìm chồng.

Mỗi tháng, bà Hòe phải đưa người con thứ ba ra bệnh viện Bạch Mai, Khoa Nội tiết để khám và điều trị và đưa người con út đến bệnh viện Nhi TW chữa bệnh. Do Tính đã lớn tuổi nên không thể chuyển sang bệnh viện Nhi Trung ương điều trị cùng em trai.

Mỗi khi nhìn thấy cảnh, một người phụ nữ tuổi hơn 50 tuổi một lúc phải chăm chồng thần kinh và hai con ở hai bệnh viện khác nhau khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Buổi sáng, tại bệnh viện Nhi, sau khi mua cháo cho con ăn và được các bà sỹ tiêm thuốc, bà lại phải nhờ mọi người xung quanh trông Hai để bắt xe bus sang bệnh viện Bạch Mai để chăm Tính. Cứ vậy, bà tất tưởi, khổ cực cả chục năm qua mà căn bệnh của hai con không thuyên giảm.

Sau mỗi đợt điều trị, bà đón hai con về nhà để tiếp tục đi làm kiếm tiền cho đợt điều trị tiếp. Kinh tế gia đình khó khăn vì chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng. Để có thêm tiền chạy thuốc thang cho con bà phải làm thuê, làm mướn khắp nơi. Bà nhận làm cả những công việc nặng nhọc dành cho đàn ông như: phụ vữa, bốc vác. 51 tuổi nhưng trông bà già sọp, khuôn mặt đầy nếp nhăn.

Nhìn chồng ngồi một góc nhà còn hai con thì nhăn nhó vì bệnh tật, bà Hòe không cầm được nước mắt, bà tâm sự: “Phận mình khổ thế nào cũng được, trời bắt chết cũng chịu. Chỉ mong sao hai đứa con được lành lặn, khỏe mạnh để sau này tự lo cuộc sống của mình. Lần trước đưa con đi Hà Nội khám bệnh nghe các bà sỹ bảo nếu không được điều trị đến nơi đến chốn thì sau này cả thằng Tính và thằng Hai có nguy cơ bị liệt người. Nghĩ đến mà ruột gan tôi đau như sát muối”.

Chia sẻ về khó khăn của gia đình bà Hòe, ông Lê Trọng ái, chủ tịch xã Đông Hoàng cho biết: “Gia đình chị Hòe là trường hợp đặc biệt khó khăn của địa phương. Hai con chị đau ốm triền miên và luôn phải đi bệnh viện điều trị ở Hà Nội. Đến nay gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo”.

Hãy giang tay cứu một gia đình

Cuộc sống gia đình bà Hòe rất khó khăn. Mong bạn đọc gần xa mở rộng vòng tay nhân ái, giúp cho gia đình bà vơi bớt khó khăn, có tiền chữa bệnh cho hai con, và thuốc thang cho người chồng tâm thần. Mọi đóng góp của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Bà Lê Thị Hòe, xóm 4, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa. Hoặc tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật, tòa nhà A6, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội. SĐT 0462810837 (nhánh 19) hoặc số đường dây nóng của chuyên mục “Ước mơ thành sự thật” 0978080388.

Cao Tuân